Banner trang chủ

Công ty CP Bóng đèn Ðiện Quang thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ

20/01/2015

     Công ty CP Bóng đèn Điện Quang (Công ty) được thành lập từ năm 1973, với ngành nghề sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, giải pháp và dịch vụ trong lĩnh vực chiếu sáng và thiết bị điện.Trải qua hơn 40 năm kinh nghiệm, Điện Quang đã cung cấp cho thị trường những sản phẩm chiếu sáng và thiết bị điện chất lượng cao như: đèn LED, huỳnh quang, compact, đèn tròn, thiết bị điện các loại. Hiện Công ty có 5 nhà máy sản xuất trong đó 4 nhà máy đặt tại Việt Nam và 1 nhà máy đặt tại Venezuela. Trong thời gian qua, thực hiện Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 9/8/2013 về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, Công ty đã tích cực lập kế hoạch triển khai thu hồi các loại bóng đèn huỳnh quang thải bỏ (thời điểm thu hồi vào năm 2015), cải tiến quy trình sản xuất, tạo ra các sản phẩm thân thiện với môi trường, khắc phục tình trạng thu gom, tái chế manh mún, gây tác động xấu đến môi trường.

     Thực trạng thugom, xử lý sản phẩm bóng đèn thải bỏ

     Với mục tiêu doanh nghiệp chịu trách nhiệm đối với cộng đồng và môi trường về toàn bộ vòng đời sản phẩm, Công ty đã lập kế hoạch thu hồi sản phẩm thải bỏ. Công ty thành lập nhóm phụ trách chuyên môn về công tác thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ trên thị trường, trong đó bao gồm các cán bộ chuyên trách về hoạt động BVMT, cán bộ pháp chế, cán bộ kỹ thuật, cán bộ tài chính. Nhóm cán bộ chuyên trách về môi trường đã tìm hiểu về thực trạng thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ hiện nay ở trong nước, thói quen và hành vi của người tiêu dùng khi thải bỏ sản phẩm đèn huỳnh quang sau sử dụng. Quá trình tìm hiểu cho thấy, sau một thời gian sử dụng, với số lượng đèn huỳnh quang thải bỏ nhỏ lẻ, không thường xuyên, nên phần lớn người dân không phân loại để đưa đến các điểm thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn quy định mà thải bỏ chung với các loại rác thải sinh hoạt thông thường.

     Bên cạnh đó, phần lớn các cơ sở phân phối bóng đèn hiện nay là các cửa hàng hay đại lý nhỏ, với các chủng loại sản phẩm kinh doanh đa dạng như bóng đèn, pin, ắc quy, thiết bị điện… từ nhiều nhà sản xuất khác nhau (riêng bóng đèn có trên 30 nhà sản xuất và nhập khẩu). Vì vậy khó yêu cầu họ tiếp nhận, thu hồi, phân loại riêng, bảo quản các sản phẩm thải bỏ của từng nhà cung ứng, đáp ứng các điều kiện kỹ thuật về điểm thu hồi.

     Trước thực trạng trên, để có những phương án cụ thể, Công ty đã tham khảo một số mô hình thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ của một số nước phát triển và một số nước trong khu vực, từ đó xây dựng và lựa chọn các phương án, giải pháp thu gom và xử lý sản phẩm phù hợp với điều kiện hiện tại của doanh nghiệp, làm cơ sở thí điểm cho việc triển khai thực hiện trong những giai đoạn kế tiếp.

 

 

Công ty đã thành lập một số điểm thu gom sản phẩm bóng đèn thải bỏ và công bố

trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và thực hiện

 

     Đồng thời, Công ty tiến hành thu thập danh sách các cơ sở có chức năng xử lý tái chế đèn huỳnh quang thải bỏ trên địa bàn các tỉnh, thành phố và dự kiến sẽ thiết lập các điểm thu gom sản phẩm thải bỏ tập trung, ban hành các tiêu chí xác định các yêu cầu công việc cụ thể vàquy định mức chi phí xử lý tái chế phù hợp cho các cơ sở. Sắp tới, Công ty tiến hành công bố thông tin cho khách hàng về các điểm thu gom sản phẩm thải bỏ tập trung trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và thực hiện và lập báo cáo gửi về Tổng cục Môi trường đăng ký việc thu gom, xử lý tái chế sản phẩm thải bỏ theo quy định.

     Một số đề xuất, kiến nghị

     Ngày 25/11/2004, Tổng cục Môi trườngtổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến cho Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg và Thông tư của Bộ TN&MT hướng dẫn thực hiện. Xuất phát từ thực tế thực hiện Kế hoạch thu gom các sản phẩm thải bỏ, Công ty đề xuất các ý kiến đóng góp cho Dự thảo Quyết định số 50/2013/QĐ-TTg (sửa đổi) và Thông tư hướng dẫn như sau:

     Thứ nhất, cơ chế khuyến khích việc thu gom, xử lý sản phẩm thải bỏ chưa quy định rõ ràng. Các điều khoản quy định trong Dự thảo Quyết định về hỗ trợ ưu đãi cho doanh nghiệp trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý tái chế sản phẩm thải còn khá chung chung, chưa hướng dẫn cụ thể giúp doanh nghiệp tiếp cận và hưởng các chính sách ưu đãi này.

      Bên cạnh đó, các quy định về quy trình thu hồi, phương tiện vận chuyển sản phẩm thải bỏ là chất thải nguy hại còn nhiều bất cập. Tại mục 2, Điều 6 của Dự thảo Thông tư hướng dẫn quy định doanh nghiệp khi thực hiện quy trình thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ là chất thải nguy hại phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất thải nguy hại thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư 12/2011/TT - BTNMT, ngày 14/4/2011, quy định này buộc doanh nghiệp ngoài ngành nghề kinh doanh chính, sẽ phải đăng ký cấp phép thêm một loại hình kinh doanh mới về vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại mới đủ điều kiện xử lý sản phẩm thải bỏ của mình.

     Thứ hai, Nhà nước nên quy định mức giá trần cho chi phí thực hiện thu gom và xử lý tái chế sản phẩm thải bỏ. Do đặc thù sản phẩm bóng đèn huỳnh quang hầu như không có giá trị tái chế, theo tính toán sơ bộ của doanh nghiệp, tổng chi phí cần bỏ ra cho việc thu gom và xử lý tái chế bóng đèn huỳnh quang thải bỏ rất cao, có thể lên đế hàng tỷ đồng mỗi năm trong thời điểm hiện nay. Điều này sẽ làm tăng giá thành giá sản xuất và giá bán đến tay người dùng, làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, đặc biệt là việc cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại từ nước ngoài trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, khi các hiệp định thương mại song phương và đa phương bắt đầu có hiệu lực thi hành trong thời gian sắp tới. Số lượng các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý tái chế đèn huỳnh quang thải bỏ trên địa bàn cả nước hiện nay không nhiều, chi phí của nhà cung cấp dịch vụ đưa ra còn rất cao trong khi hiện nay chưa có quy định cụ thể của Nhà nước về mức giá trần không chế. Vì vậy, điều này chưa khuyến khích việc liên kết hợp tác thu gom, xử lý giữa doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và doanh nghiệp làm dịch vụ thu gom, xử lý tái chế.

     Thứ ba, Việt Nam nên tham khảo một số mô hình thu gom, xử lý sản phẩm tương tự tại một số nước phát triển trong khu vực hiện nay. Ví dụ như tại Đài Loan, việc thu gom bóng đèn huỳnh quang được thực hiện chủ yếu thông qua kênh rác thải sinh hoạt do các kênh thu gom khác không có hiệu quả. Các đơn vị có chức năng thu gom rác thải sinh hoạt sẽ phân loại riêng bóng đèn huỳnh quang thải bỏ (không phân biệt sản phẩm của nhà sản xuất hay nhà nhập khẩu nào). Sau đó, đơn vị thu gom sẽ vận chuyển các đèn huỳnh quang thải bỏ này đến các cơ sở xử lý tái chế tập trung. Chi phí cho việc thu gom này sẽ do Chính phủ chi trả thông qua mức thuế áp cho từng sản phẩm lưu thông trên thị trường. Liên hệ từ mô hình này, tại Điều 7, Chương II, Dự thảo Quyết định quy định người tiêu dùng phải chuyển trực tiếp sản phẩm thải bỏ đến điểm thu hồi hoặc chuyển cho cơ sở thu gom, xử lý chất thải là khó thực thi vì bóng đèn khi hỏng là loại dễ vỡ, người tiêu dùng thường không mang đến điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ của Công ty mà thải trực tiếp qua kênh thu gom rác sinh hoạt.

 

            Nguyễn Văn Cường

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2014

 

 

 

 

Ý kiến của bạn