Banner trang chủ

Ðồng hành cùng Giải thưởng Holcim Prize

11/06/2014

      Là nhà đầu tư tại Việt Nam, Công ty TNHH Xi măng Holcim Việt Nam nhận thức rõ trách nhiệm đối với xã hội và môi trường. Trong chiến lược kinh doanh, Holcim Việt Nam luôn ý thức lợi ích kinh tế phải được cân bằng với BVMT và thực hiện trách nhiệm đối với cộng đồng, mọi hoạt động của Công ty đều hướng tới phát triển bền vững. Thông qua việc hợp tác với các trường Đại học trong cả nước nhằm thực hiện những hoạt động hỗ trợ giáo dục, trong đó có Cuộc thi Holcim Prize, Holcim Việt Nam luôn đồng hành và tạo điều kiện để học sinh, sinh viên học tập và nâng cao kiến thức.

     Được triển khai từ năm 2009 với mục đích tạo sân chơi cho sinh viên đại học từ năm thứ 3 trở lên tham gia đóng góp ý tưởng phục vụ cho sự phát triển bền vững, đến nay, Giải thưởng Holcim Prize đã thu hút hàng trăm đề tài nghiên cứu của các bạn sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học từ 7 trường đại học lớn trên cả nước (Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh, Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, Sư phạm kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh, Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ, Bách khoa - Đại học Đà Nẵng và Kiến trúc Hà Nội), với tổng giá trị giải thưởng hàng năm lên đến gần 600 triệu đồng (trong đó 200 triệu đồng để hỗ trợ triển khai ứng dụng của đề tài khả thi nhất). Để tham gia vào chương trình, sinh viên sẽ đóng góp ý tưởng phục vụ cho sự phát triển bền vững trong các lĩnh vực: BVMT, xây dựng bền vững và phát triển cộng đồng. Những đề tài của các bạn sinh viên thể hiện sự quan tâm đến những vấn đề “nóng” của xã hội hiện nay như: nghiên cứu và khuyến khích sử dụng các nguồn nhiên liệu mới để thay thế cho tài nguyên tự nhiên không tái tạo được, sử dụng hiệu quả và tái chế nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ cuộc sống, ứng dụng công nghệ xanh vào đời sống, cải thiện và nâng cao chất lượng sống của cộng đồng…

     Holcim Prize không chỉ khích lệ ý tưởng sáng tạo của sinh viên mà còn tạo cơ hội để biến những ý tưởng đó thành hiện thực thông qua sự hỗ trợ triển khai ứng dụng cho đề tài khả thi nhất. Các đề tài đoạt giải đặc biệt của cuộc thi Holcim Prize đã và đang được triển khai thực tế như dự án “Thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật”, “Nhà vệ sinh nổi” và “Thiết bị chưng cất nước ngọt quy mô hộ gia đình cho người dân miền biển”…

     Năm 2009, Dự án “Thu gom và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật” đoạt giải thưởng cao nhất của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ đã được triển khai trong năm 2010 tại phường Trường Lạc (quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) và được nhân rộng tại 2 ấp thuộc xã Kiên Bình, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang vào năm 2012. Kết quả là hơn 3,1 tấn bao bì đã được thu gom và xử lý tại Nhà máy Holcim Hòn Chông. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức của người nông dân về tầm quan trọng của việc thu gom và xử lý bao bì thuốc trừ sâu đúng cách.

 

Nhóm sinh viên đoạt Giải thưởng Holcim Prize năm 2013

 

     Giải thưởng cao nhất trong năm 2010 của nhóm sinh viên Đại học Kiến Trúc TP. Hồ Chí Minh với Dự án “Nhà vệ sinh nổi” đã được triển khai tại Chợ nổi Cái Răng, TP. Cần Thơ và đã được bàn giao vào tháng 5/2012 với tổng kinh phí 250 triệu đồng. Công trình đáp ứng trên 50% tiêu chí hướng đến công trình xanh do Hội đồng Công trình Xanh (VGBC) quy định, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân sinh sống và giao thương trên dòng sông, giảm thiểu tác động của sinh hoạt đến nguồn nước và nâng cao hình ảnh du lịch của vùng chợ nổi. Công trình đã thu hút sự quan tâm và đóng góp của nhiều bên liên quan như UBND quận Cái Răng, nhà thầu xây dựng và Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Petech…

     Dự án “Thiết bị chưng cất nước ngọt quy mô hộ gia đình cho người dân miền biển” đoạt Giải thưởng cao nhất năm 2011 của nhóm sinh viên Đại học Cần Thơ. Hiện nay, Dự án được triển khai thí điểm tại trường tiểu học Bình Trị, xã Bình Trị, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang. Thiết bị đã được nhân rộng cho người dân ở các khu vực thiếu nước ngọt.

     Các bạn sinh viên đến từ trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh đã đoạt Giải đặc biệt Holcim Prize 2012 với Dự án “Hệ thống tưới tiêu hoa màu sử dụng ánh sáng mặt trời ở nông thôn tỉnh Ninh Thuận”. Dự án hướng đến mục tiêu sử dụng năng lượng mặt trời, cung cấp giải pháp tưới tiêu tiết kiệm nước và nâng cao năng suất lao động cho người dân. Dự án có ý nghĩa và thích hợp để ứng dụng tại Ninh Thuận, nhằm phát huy lợi thế riêng biệt của một tỉnh "thiếu mưa thừa nắng", với tổng số ngày nắng và nguồn bức xạ nhiệt thuộc loại cao nhất nước (khoảng 5,5 kwh/m2/ngày). Dự án chính thức được đưa vào hoạt động thử nghiệm từ ngày 12/5/2012, công trình đã thu được nhiều kết quả. Hệ thống bơm tưới tiêu hoàn toàn tự động làm giảm sức lao động của người nông dân. Ngoài ra, hệ thống sử dụng năng lượng mặt trời để bơm nước thay vì phải dùng điện sinh hoạt đã giảm chi phí đầu tư ban đầu, góp phần trong việc tiết kiệm điện.

     Năm 2013, Dự án “Thùng rác sinh học” của nhóm sinh viên đến từ trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh đoạt Giải thưởng đặc biệt. Đây là một ý tưởng mang tính đột phá. Với việc sử dụng mô hình “giun xử lý rác thải hữu cơ”, các bạn đã thành công ứng dụng cho thân cây thanh long. Công nghệ này có thể nhân rộng cho hầu hết các loại rác thải hữu cơ khác, đề tài sẽ đóng góp cho việc BVMT và cải thiện cuộc sống cho nông dân.

     Có thể nói, Giải thưởng Holcim Prize là một Giải thưởng nghiên cứu khoa học dành cho sinh viên hiệu quả, có giá trị lớn và tác động tích cực đến phong trào nghiên cứu khoa học của sinh viên. Những dự án đoạt Giải thưởng Holcim Prize đều có tính thiết thực và có thể ứng dụng thực tế, góp phần nâng cao nhận thức và đời sống của cộng đồng về phát triển bền vững. Với Giải thưởng Holcim Prize, các bạn trẻ không chỉ giới hạn ý tưởng tại một cuộc thi, phòng thí nghiệm hay bài khóa luận tốt nghiệp mà hy vọng rằng, ý tưởng đó sẽ làm thay đổi cuộc sống của người dân ở nước ta.

 

            Đức Anh

Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 5/2014

Ý kiến của bạn