28/05/2025
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp 4.0, tội phạm môi trường có tổ chức xuyên quốc gia đang ngày càng tinh vi, phức tạp và khó kiểm soát. Những hành vi phạm tội như buôn bán động vật hoang dã, khai thác khoáng sản, gỗ quý hiếm trái phép… không chỉ hủy hoại hệ sinh thái mà còn đe dọa an ninh quốc gia và sự phát triển bền vững của các quốc gia. Trước thực trạng đó, ứng dụng công nghệ cao đang trở thành một công cụ hữu hiệu trong việc phát hiện, phòng ngừa và xử lý tội phạm môi trường [2,7].
Công nghệ: Vũ khí sắc bén trong phòng, chống tội phạm môi trường
Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo (AI), cảm biến từ xa (remote sensing), công nghệ sinh học và phân tích dữ liệu lớn (big data) đang mở ra nhiều phương án tiếp cận mới, hiệu quả hơn trong công tác bảo vệ môi trường và phòng, chống tội phạm [3,6].
Giám sát từ xa và phân tích dữ liệu
Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ giám sát từ xa đang mở ra những hướng tiếp cận mới trong công tác kiểm soát, phát hiện và xử lý vi phạm liên quan đến tài nguyên rừng, khoáng sản và đa dạng sinh học. Các phương tiện như ảnh vệ tinh, thiết bị bay không người lái (UAV), flycam không chỉ cho phép quan sát diện rộng mà còn cung cấp dữ liệu hình ảnh định kỳ với độ chính xác cao, giúp phát hiện kịp thời các dấu hiệu xâm phạm, ngay cả tại những khu vực hiểm trở, hẻo lánh [3,4]. Dữ liệu thu được được xử lý bằng các công nghệ phân tích hiện đại như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning), cho phép tự động phát hiện các biến động bất thường – từ đốm phá rừng nhỏ, lối mở trái phép cho đến thay đổi địa hình do khai thác khoáng sản. Quan trọng hơn, công nghệ này tạo nền tảng cho cơ chế “cảnh báo sớm”, giúp các lực lượng chức năng ưu tiên nguồn lực, can thiệp nhanh chóng và thu thập bằng chứng số phục vụ công tác điều tra, truy tố. Thực tiễn quốc tế đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, điển hình như nền tảng Global Forest Watch đã triển khai thành công tại Amazon để theo dõi mất rừng gần như theo thời gian thực, hỗ trợ tích cực cho các chiến dịch phòng, chống phá rừng có tổ chức [3].. Những công cụ như vậy cần được tích hợp vào chiến lược quản lý tài nguyên tại Việt Nam, đồng thời gắn với cơ sở pháp lý và cơ chế phối hợp liên ngành nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm môi trường trong kỷ nguyên số [1,8].
Truy xuất nguồn gốc bằng công nghệ ADN và mã hóa chuỗi cung ứng
Trong nỗ lực đấu tranh với tình trạng buôn bán trái phép động vật hoang dã, gỗ và khoáng sản, công nghệ truy xuất nguồn gốc đang ngày càng khẳng định vai trò như một công cụ pháp lý - kỹ thuật không thể thiếu. Phân tích ADN cho phép nhận diện chính xác loài, quần thể và xuất xứ địa lý của các mẫu vật, qua đó xác minh tính hợp pháp của sản phẩm bị buôn bán. Đặc biệt, trong các vụ án xuyên biên giới, công nghệ ADN giúp tái dựng đường đi của mẫu vật, kể cả khi chúng đã bị xử lý hoặc chia nhỏ trong quá trình vận chuyển. Đối với các loại gỗ, công nghệ sinh học kết hợp với giải trình tự gen có thể truy vết nguồn gốc rừng khai thác, đối chiếu với hồ sơ khai thác hợp pháp để phát hiện hành vi gian lận hoặc rửa tài nguyên. Bên cạnh đó, việc ứng dụng mã hóa chuỗi cung ứng - thông qua mã QR, RFID, hoặc blockchain - giúp minh bạch toàn bộ quá trình lưu thông hàng hóa, từ khai thác, vận chuyển, chế biến đến tiêu thụ [2, 4, 6]. Nhờ đó, các cơ quan chức năng có thể phát hiện kịp thời sự bất nhất trong chuỗi cung ứng, phục vụ điều tra và xử lý vi phạm. Đây là những giải pháp đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tội phạm môi trường ngày càng có tổ chức, tinh vi và xuyên quốc gia, đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa bằng chứng khoa học và hệ thống quản lý pháp lý số hóa. Ở Kenya, phân tích ADN ngà voi giúc truy ra nguồn gốc từ khu vực Trung Phi, qua đó phá được nhiều vụ buôn lậu quy mô lớn. Tại Brazil, blockchain được dùng để quản lý nguồn gốc gỗ từ rừng đến thị trường.
Công nghệ sinh học
Ứng dụng công nghệ sinh học trong phân tích mẫu vật đang trở thành một hướng tiếp cận tiên tiến, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm buôn bán động vật hoang dã. Thông qua việc giám định các mẫu xương, da, lông, răng hoặc phân, các kỹ thuật sinh học hiện đại - đặc biệt là giải trình tự ADN - cho phép định danh chính xác loài, xác minh tình trạng bảo vệ theo quy định pháp luật quốc tế và trong nước (như Công ước CITES và Danh mục loài nguy cấp quý hiếm của Việt Nam). Việc xác định loài bằng bằng chứng sinh học không chỉ giúp phân biệt động vật hợp pháp và bất hợp pháp mà còn đóng vai trò là chứng cứ khoa học trong quá trình điều tra, truy tố [7, 8]... Tại Việt Nam, công tác giám định gen đã và đang được triển khai thông qua sự phối hợp giữa lực lượng kiểm lâm và các viện nghiên cứu chuyên ngành, nhằm xác minh nguồn gốc các mẫu vật bị thu giữ tại cửa khẩu hoặc trên thị trường nội địa [8].. Đây là công cụ đặc biệt quan trọng trong bối cảnh gia tăng các vụ buôn bán tinh vi, như tráo đổi nhãn mác, khai báo sai loài hoặc nhập lậu các cá thể non không dễ nhận biết bằng mắt thường. Việc đưa công nghệ sinh học vào quy trình thực thi pháp luật không chỉ góp phần bảo vệ đa dạng sinh học mà còn củng cố nền tảng pháp lý, kỹ thuật trong đấu tranh với tội phạm môi trường có tổ chức. Ở Việt Nam, cơ quan kiểm lâm phối hợp với viện nghiên cứu để giám định gen các mẫu vật bị thu giữ tại cửa khẩu, từ đó xác định có vi phạm pháp luật hay không.
Thách thức trong ứng dụng công nghệ
Việc ứng dụng công nghệ vào phòng, chống tội phạm môi trường cũng đối mặt với nhiều thách thức, cụ thể như:
Chi phí cao: Các công nghệ giám sát và phát hiện tội phạm môi trường như cảm biến từ xa, drone (thiết bị bay không người lái), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (big data), và hình ảnh vệ tinh đòi hỏi nguồn đầu tư rất lớn để mua sắm, vận hành và bảo trì. Với các nước đang phát triển hoặc có ngân sách hạn hẹp cho bảo vệ môi trường, việc duy trì các hệ thống công nghệ cao là rất khó khăn. Do đó, việc triển khai có thể chỉ mang tính cục bộ hoặc ngắn hạn. Điều này gây nên sự không đồng đều trong khả năng ứng phó giữa các địa phương, làm giảm hiệu quả chung của hệ thống phòng, chống tội phạm môi trường.
Lực lượng chức năng phối hợp kiểm tra tang vật trong một vụ án buôn bán động vật hoang dã trái phép
Thiếu nhân lực chuyên môn: Việc vận hành các công nghệ hiện đại yêu cầu đội ngũ có trình độ kỹ thuật cao, am hiểu cả về công nghệ và đặc thù tội phạm môi trường (kết hợp giữa khoa học dữ liệu và hiểu biết pháp lý - môi trường). Hiện nay, nhiều địa phương, nhất là ở vùng sâu vùng xa, không có đủ cán bộ kỹ thuật hoặc không được đào tạo bài bản để sử dụng các công nghệ này. Do vậy, hệ thống công nghệ có thể bị “đắp chiếu” hoặc vận hành kém hiệu quả, làm giảm giá trị đầu tư và không đạt được mục tiêu ban đầu.
Hạn chế về hạ tầng kỹ thuật ở các vùng sâu, vùng xa: Những khu vực rừng núi, biên giới - nơi thường xảy ra nạn khai thác trái phép tài nguyên - thường thiếu đường truyền internet ổn định, điện năng, thiết bị thu phát tín hiệu và trung tâm điều phối dữ liệu. Vì vậy, các công nghệ giám sát thời gian thực không thể hoạt động liên tục, dữ liệu không được cập nhật kịp thời để phục vụ cho phản ứng nhanh hoặc bằng chứng pháp lý. Tội phạm lợi dụng “khoảng mù công nghệ” để tiến hành các hoạt động phi pháp, trong khi lực lượng chức năng khó khăn trong việc tiếp cận và xử lý.
Khoảng trống pháp lý trong chia sẻ dữ liệu quốc tế: Tội phạm môi trường mang tính chất xuyên biên giới, đòi hỏi sự phối hợp chia sẻ thông tin giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, nhiều nước chưa có cơ chế pháp lý rõ ràng hoặc còn vướng mắc về chủ quyền dữ liệu, an ninh thông tin. Việc điều tra, truy vết, bắt giữ hoặc truy tố các đối tượng tội phạm quốc tế gặp nhiều khó khăn vì thiếu thông tin kịp thời và đồng bộ. Điều này làm suy yếu hiệu quả của hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm môi trường, tạo ra “khoảng trống an ninh” mà tội phạm có thể lợi dụng.
Những thách thức trên cho thấy, việc ứng dụng công nghệ vào phòng, chống tội phạm môi trường không chỉ là vấn đề kỹ thuật, mà còn gắn chặt với yếu tố con người, nguồn lực tài chính, hạ tầng cơ sở và khung pháp lý.
Kiến nghị và định hướng
Để nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm môi trường thông qua ứng dụng công nghệ, cần chú trọng các giải pháp:
Tăng cường đầu tư và chuyển giao công nghệ
Việc đầu tư và chuyển giao công nghệ không chỉ giúp hiện đại hóa trang thiết bị, phần mềm phục vụ điều tra – xử lý tội phạm, mà còn mở rộng khả năng tiếp cận các công cụ phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo (AI), nhận dạng sinh trắc học, giám sát kỹ thuật số. Các dự án hợp tác công nghệ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế sẽ tạo nên chuỗi liên kết đa chiều: nhà nước hoạch định và hỗ trợ chính sách; doanh nghiệp cung cấp giải pháp và công nghệ; tổ chức quốc tế đóng vai trò tư vấn, đào tạo và giám sát minh bạch. Cách tiếp cận này phù hợp với xu thế toàn cầu hóa và số hóa trong công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt là trong các lĩnh vực như buôn bán động vật hoang dã, khai thác tài nguyên trái phép hay rửa tiền xuyên biên giới.
Đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao
Công nghệ chỉ hiệu quả khi được vận hành bởi đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn, hiểu biết cả về công nghệ lẫn nghiệp vụ điều tra - tư pháp. Việc đào tạo cần gắn với thực tiễn, như các tình huống điều tra số (digital forensics), phân tích dữ liệu từ thiết bị di động, mạng xã hội hay hệ thống định vị. Ngoài ra, cần chú trọng đến đào tạo liên ngành và xuyên ngành - ví dụ, kết hợp kỹ năng điều tra hình sự với hiểu biết về luật quốc tế, kỹ thuật mạng và an ninh mạng. Cần có các chương trình huấn luyện định kỳ, trao đổi kinh nghiệm quốc tế, và khuyến khích cán bộ tham gia các mạng lưới chuyên gia toàn cầu.
Xây dựng cơ sở dữ liệu chia sẻ chung
Một hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung giúp tăng cường khả năng phối hợp giữa các cơ quan chức năng, như công an, kiểm lâm, hải quan, biên phòng, viện kiểm sát, toà án. Việc kết nối dữ liệu theo thời gian thực sẽ giúp phát hiện sớm các mô hình tội phạm liên vùng hoặc xuyên quốc gia. Mặt khác, chia sẻ dữ liệu với các đối tác quốc tế - thông qua các cơ chế hợp tác như INTERPOL, ASEANAPOL, hay các hiệp định song phương - sẽ giúp theo dõi dòng tiền, đối tượng tình nghi, và các mạng lưới tội phạm có tổ chức. Tuy nhiên, đi kèm là thách thức về bảo mật thông tin, phân quyền truy cập và xử lý dữ liệu nhạy cảm.
Hoàn thiện khung pháp lý
Pháp luật hiện hành nhiều khi chưa theo kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, dẫn đến lỗ hổng trong xử lý tội phạm công nghệ cao hoặc xuyên biên giới. Cần cập nhật các quy định liên quan đến bằng chứng điện tử, quyền riêng tư, giám sát kỹ thuật số, lưu trữ và chia sẻ dữ liệu số. Đồng thời, xây dựng các chuẩn mực bảo vệ dữ liệu cá nhân và đảm bảo quyền con người trong quá trình điều tra, tránh tình trạng lạm dụng hoặc xâm phạm đời tư. Khung pháp lý cũng nên tạo điều kiện cho hợp tác quốc tế về dẫn độ, chia sẻ bằng chứng số và truy tố các tội phạm không có biên giới.
Công nghệ không phải là giải pháp duy nhất, nhưng là công cụ đột phá trong phòng, chống tội phạm môi trường có tổ chức xuyên quốc gia. Với sự kết hợp giữa ý chí chính trị, khung pháp lý mạnh và ứng dụng công nghệ hiện đại, chúng ta có thể tiến gần hơn đến mục tiêu bảo vệ môi trường, duy trì công lý và phát triển bền vững.
Nam Việt
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020). Đề án số hóa quản lý tài nguyên thiên nhiên giai đoạn 2020 - 2025. Truy cập tại: https://monre.gov.vn.
2. Broussard, G. (UNODC) (2022). High-tech Solutions for Environmental Crimes. Truy cập tại: https://www.unodc.org.
3. Global Forest Watch. (n.d.). Monitoring Forest Change in Near Real-Time. World Resources Institute. Truy cập tại: https://www.globalforestwatch.org.
4. INTERPOL (2021). Technology and Environmental Crime: Strategic Approaches. Truy cập tại: https://www.interpol.int.
5. Tạp chí Kiểm sát Nhân dân (2023). Chuyên đề: Tội phạm môi trường có tổ chức và giải pháp ứng phó bằng công nghệ. Truy cập tại: https://kiemsat.vn.
6. TRAFFIC & WWF (2020). Wildlife Crime: Tech for Good. Truy cập tại: https://www.traffic.org.
7. UNODC Đông Nam Á và Thái Bình Dương (2021). Tội phạm môi trường xuyên quốc gia tại ASEAN: Thách thức và công nghệ ứng phó. Truy cập tại: https://www.unodc.org/southeastasiaandpacific.