Banner trang chủ

Những bước chuyển mình mạnh mẽ của Supe Lâm Thao hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường

29/11/2023

    Biến đổi khí hậu đang là thách thức nghiêm trọng mang tính toàn cầu. Là một trong các quốc gia đang phát triển chịu ảnh hưởng nặng nề bởi tác động của biến đổi khí hậu, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây là trách nhiệm đặt ra cho các toàn ngành kinh tế nói chung, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Việc các doanh nghiệp phân bón sản xuất các sản phẩm hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững sẽ tác động đến tập quán canh tác của nông dân, qua đó tạo động lực từng bước chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, nhằm đạt mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, đồng thời gia tăng hiệu quả kinh tế cho nông dân. Với những bước đi đột phá trong thời gian gần đây, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Supe Lâm Thao) là một trong những doanh nghiệp đi đầu của xu hướng đó.

    Tập trung nguồn lực đầu tư đổi mới công nghệ, nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường

    Hơn 61 năm xây dựng và phát triển, Supe Lâm Thao luôn phát huy vai trò là lá cờ đầu trong ngành sản xuất phân bón cả nước, góp phần đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xây dựng nền nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững. Là doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm phân bón chất lượng cao, cung cấp dinh dưỡng tối ưu cho nhiều loại cây trồng trên nhiều vùng đất khác nhau, phân bón Supe Lâm Thao với thương hiệu “Ba nhành lá cọ” được đông đảo bà con nông dân trong nước tin dùng, bạn bè quốc tế ưa chuộng. Bên cạnh những lợi thế từ thương hiệu mạnh đảm bảo chất lượng đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, nhưng trong bối cảnh nền kinh tế mở và những ảnh hưởng tiêu cực do biến đổi khí hậu, sự dần cạn kiệt của tài nguyên, diện tích trồng trọt bị thu hẹp,... đã khiến ngành phân bón nói chung và Supe Lâm Thao nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Để có thể tồn tại và phát triển, vấn đề đặt ra không chỉ cho Supe Lâm Thao mà cho tất cả các doanh nghiệp sản xuất là phải có sự thay đổi mạnh mẽ về công nghệ, triển khai các biện pháp nhằm "chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững, kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường" (theo Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng).

    Nắm vững tinh thần đó, ngay từ những năm đầu khi Nghị quyết số 24-NQ/TW ra đời, Supe Lâm Thao đã đưa tinh thần của Nghị quyết vào định hướng và chiến lược phát triển của Công ty. Với máy móc thiết bị hầu hết đã lạc hậu từ những năm 60, để sản xuất đảm bảo chất lượng song song với đảm bảo các tiêu chuẩn mới về môi trường, bên cạnh việc đầu tư cải tạo thiết bị, Công ty còn tập trung nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học, thay đổi và cải tiến công nghệ nhằm đáp ứng các yêu cầu mới. Một trong những đề tài tiêu biểu của Công ty về lĩnh vực công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên đã nhận được giải Vàng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (giải thưởng VIFOTEC năm 2017) đó là "Xây dựng các giải pháp công nghệ xử lý axit H2SiF6 dây chuyền sản xuất Supe phốt phát nhằm giảm cho phí xử lý môi trường". Đây là giải pháp hoàn toàn mới ở Việt Nam và trên thế giới khi sản xuất phân bón theo công nghệ không xả nước thải, không phát sinh chất thải mới. Giải pháp này còn đạt nhiều giải thưởng quốc tế: Huy chương Bạc Giải thưởng Quốc tế về Khoa học Công nghệ năm 2018 tại Hàn Quốc; Giải Đặc biệt về Khoa học Công nghệ năm 2018 của Trường Đại học Hoàng gia Ả Rập Xê Út.

Công ty nhận giải Vàng VIFOTEC trong lĩnh vực công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu,

bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên

    Cùng với đó, hàng loạt các giải pháp được Công ty triển khai nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường: đầu tư hệ thống xử lý thu hồi 100% nguồn nước thải để tuần hoàn tái sử dụng, góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên nước; sử dụng nhiên liệu sinh khối thay nhiên liệu hóa thạch trong việc cung cấp nhiệt sấy trong các dây chuyền sản xuất, góp phần tiết kiệm nguồn tài nguyên hóa thạch đang dần cạn kiệt, đồng thời góp phần giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường; dự án sử dụng hơi nhiệt thừa trong dây chuyền sản xuất axít để sản xuất điện, giúp giảm gánh nặng tiêu thụ điện lưới quốc gia;...

    Tiếp tục mục tiêu phát triển bền vững đi đôi bảo vệ môi trường, thực hiện các hành động hưởng ứng cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26, những năm gần đây Supe Lâm Thao triển khai đầu tư nhiều dự án, đề tài khoa học nhằm mục đích đảm bảo môi trường làm việc tại Công ty nói riêng và bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên nói chung. Đó là Dự án thực thi áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001:2015. Là Dự án đầu tư các hệ thống quan trắc khí thải tự động, kết nối Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ để giám sát các chỉ số khí thải, đảm bảo môi trường. Xây dựng các kế hoạch chủ động phòng chống ô nhiễm. Giảm gánh nặng ô nhiễm môi trường thông qua việc kiểm soát các phát thải ngay tại nguồn,...

Một góc công trình thu hồi nước thải tuần hoàn tái sử dụng của Supe Lâm Thao

    Song song với các đề tài trên, Công ty thực hiện đồng loạt các hoạt động nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Có thể kể đến một số hoạt động như: tăng cường quản lý việc sử dụng năng lượng tại các dây chuyền sản xuất, giảm định mức tiêu hao năng lượng; thực hiện kiểm toán năng lượng; thực hiện kiểm toán nước, hạn chế thất thoát, cải thiện hiệu quả sử dụng; xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp đảm bảo quá trình sản xuất liên tục, giảm thời gian chạy không tải; hạn chế vận hành thiết bị có công suất tiêu thụ điện lớn vào giờ cao điểm; thay thế các động cơ có công suất lớn bằng các động cơ có công suất nhỏ hơn nhưng vẫn đảm bảo năng suất; sử dụng nguồn năng lượng tái tạo (sinh khối, năng lượng mặt trời,...); cải tiến cải tạo các thiết bị để tăng năng suất, giảm tiêu thụ điện năng; lắp đặt nâng cao Cosφ cho thiết bị/hệ thống điện; quy hoạch tối ưu hệ thống sử dụng khí nén tại Công ty; bảo ôn và thu hồi tuần hoàn nước ngưng hệ thống cầu ống và hóa lỏng S; và rất nhiều các hoặt động, công trình khác được áp dụng mang lại hiệu quả nâng cao chất lượng môi trường, giảm phát thải khí nhà kính;...

    Chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu

    Với thế mạnh thương hiệu uy tín trên thị trường trong và ngoài nước, đồng thời thấu hiểu tầm quan trọng của việc sản xuất các sản phẩm phân bón phù hợp nền nông nghiệp xanh nhằm tác động đến tập quán canh tác của nông dân, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, Công ty đã phối hợp các nhà khoa học, nghiên cứu sản xuất các sản phẩm phân bón mới phù hợp nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, có tác dụng cải tạo đất, góp phần đẩy lùi hiện tượng sa mạc hóa đang có xu hướng lan rộng làm ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, thiên nhiên và hệ sinh thái nói chung.

Dây chuyền sản xuất sản phẩm phân bón mới của Supe Lâm Thao

    Theo đó, năm 2022, Supe Lâm Thao nghiên cứu, thử nghiệm, đánh giá và lựa chọn được đơn vị cung cấp chủng vi sinh vật có hiệu quả cao, công nghệ hiện đại, độc quyền, đó là Biowish của Hoa Kỳ. Trên cơ sở các sản phẩm truyền thống, Công ty đã hoàn thiện công nghệ, thiết bị và các thủ tục pháp lý, sản xuất thành công sản phẩm  Supe lân vi sinh lâm Thaocó thành phần chủ yếu là Supe lân truyền thống và các chủng vi sinh vật Bacillus có ích. Đây là bước ngoặt lớn của Supe Lâm Thao khi là doanh nghiệp đầu tiên trong cả nước đã thành công khi kết hợp giữa phân bón vô cơ và vi sinh vật có ích, tạo ra một sản phẩm độc đáo, phù hợp xu hướng của nền nông nghiệp xanh bền vững.

    Tiếp tục mục tiêu không ngừng đổi mới phát triển, đem đến những sản phẩm tốt nhất cho nhà nông phục vụ nền nông nghiệp xanh, Công ty đã phối hợp Trung tâm nghiên cứu phân bón và dinh dưỡng cây trồng (thuộc Viện Thổ nhưỡng nông hóa) và Công ty Biowish Việt Nam (thuộc tập đoàn Biowish Hoa Kỳ) nghiên cứu sản xuất, khảo nghiệm các sản phẩm mới theo tiêu chí sản xuất xanh. Sau hơn hai năm nghiên cứu, khảo nghiệm, Công ty đã sản xuất thành công 06 sản phẩm mới tương ứng với 02 loại sản phẩm NPK-S vi sinh Lâm Thao và Hữu cơ khoáng vi sinh Lâm Thao, được Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn) cấp Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam. Sáu phân bón mới của Công ty bao gồm: NPK-S*M1 vi sinh Lâm Thao 5-10-3+8S; NPK-S*M1 vi sinh Lâm Thao 12-5-10+14S; NPK-S vi sinh Lâm Thao 13-13-13+4S; NPK-S vi sinh Lâm Thao 16-8-16+4S; NPK-S vi sinh Lâm Thao 16-16-8+6S và Hữu cơ khoáng vi sinh Lâm Thao 3-5-2+2S+TE.Đặc điểm chung nổi bật nhất của 06 phân bón mới đem đến sự khác biệt chính là các chủng vi sinh vật sống. Trong bối cảnh đất trồng bị khai thác cạn kiệt dẫn đến bạc màu, thì 06 sản phẩm mới của Supe Lâm Thao sẽ là một lựa chọn hàng đầu, bởi nó giúp phát triển hệ vi sinh vật có lợi, bảo vệ cấu trúc đất, trả lại độ phì nhiêu cho đất. 

Lễ xuất bán sản phẩm phân bón NPK-S vi sinh và Hữu cơ khoáng vi sinh của Supe Lâm Thao

    Theo kết quả khảo nghiệm Trung tâm nghiên cứu phân bón và dinh dưỡng cây trồng (thuộc Viện Thổ nhưỡng nông hóa) đã được các chuyên gia hàng đầu trong nước về phân bón và nông nghiệp đánh giá nghiệm thu cho thấy, sử dụng các loại phân bón chứa vi sinh của Supe Lâm Thao cho năng suất cây trồng tăng bình quân từ 10 - 20%.  Mặt khác, do các chủng vi sinh vật có ích trong NPK-S vi sinh Lâm Thao và hữu cơ khoáng vi sinh Lâm Thao giúp chuyển hóa, phân giải dinh dưỡng trong đất và trong phân bón từ dạng khó tiêu sang dễ tiêu, cây trồng hấp thu được triệt để nguồn dinh dưỡng, tăng tối đa hiệu suất sử dụng phân bón, giúp nông dân tiết kiệm chi phí do giảm lượng phân bón sử dụng. Dòng phân bón này cũng là lựa chọn phù hợp cho ngành nông nghiệp xanh nhằm đẩy lùi xu hướng sa mạc hóa, thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay.

    Bên cạnh đó, Supe Lâm Thao đặc biệt quan tâm đến thiên nhiên khi hàng năm tổ chức nhiều đợt trồng cây không chỉ trong phạm vi khuôn viên Công ty, mà còn tại nhiều địa điểm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng như các tỉnh bạn như: Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Hi Cương, Phú Thọ),  Khu di tích lịch sử K9 Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội), xã Vạn Xuân (Tam Nông, Phú Thọ),... Đây là hành động thiết thực nhằm chung tay thực hiện Đề án Quốc gia "Trồng 1 tỷ cây xanh - Vì một Việt Nam xanh”.

Lãnh đạo Supe Lâm Thao trồng cây trong vườn cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ" do Công ty trồng và chăm sóc, tại K9 Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội

    Một số đề xuất, kiến nghị

    Nhằm tạo sự hài hòa cho các doanh nghiệp sản xuất vì mục tiêu phát triển bền vững thích ứng biến đổi khí hậu, hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, Supe Lâm Thao có một số đề xuất, kiến nghị như sau:

    - Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp, nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt. Quy chuẩn này thực sự cần thiết và hữu ích, tuy nhiên cần xem xét để quy định các giá trị tối đa cho phép trong các QCVN phải căn cứ vào điều kiện thực tế của các nhóm ngành nói riêng, xem xét đến trình độ công nghệ sản xuất và xử lý chất thải, khả năng đầu tư, chi phí đầu tư của Việt Nam nói chung; đồng thời cần có lộ trình phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội; mức thu nhập của Việt Nam so với các nước phát triển (G7, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản,…).

    - Theo Điều 47, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định về bảo vệ môi trường đối với khu sản xuất, kinh doanh. Các cơ sở sản xuất đã được xây dựng từ nhiều năm về trước (Supe Lâm Thao là một ví dụ) khi xây dựng đã có khoảng cách an toàn môi trường tách biệt với dân cư xung quanh. Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước xem xét: không cấp đất thổ cư đối với diện tích đất hành lang an toàn này. Trên thực tế hiện nay ở Supe Lâm Thao, khu vực đất hành lang đó đã được cấp đất thổ cư. Điều này gây nhiều khó khăn cho quá trình vận hành sản xuất của Công ty.

    - Đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ về kinh phí, kỹ thuật, công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp có máy móc thiết bị đã lạc hậu để triển khai thực hiện các dự án về xử lý môi trường, tiết kiệm năng lượng, nhằm đạt mục tiêu chung của Quốc gia là đưa mức phát thải ròng của Việt Nam bằng “0” vào 2050.

    Bằng các hoạt động nghiên cứu đổi mới, đầu tư cải tạo, với tinh thần chủ động phát huy sức mạnh nội lực, thời gian qua Supe Lâm Thao đã tạo ra bước chuyển biến mạnh mẽ, góp phần tích cực vào lộ trình chuyển đổi nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đây là sự khẳng định của Supe Lâm Thao trong việc hưởng ứng cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị COP26. Kiên định mục tiêu phát triển bền vững đi đôi bảo vệ môi trường, Supe Lâm Thao mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của các cấp các ngành để có thêm nhiều thành tựu mới, góp phần cùng các doanh nghiệp trong nước đóng góp có hiệu quả cùng cộng đồng quốc tế trong việc triển khai thực hiện cam kết nêu trên.

Trần Đại Nghĩa  

Phó TGĐ Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2023)

Ý kiến của bạn