Banner trang chủ

Nhân rộng ứng dụng công cụ đánh giá môi trường chăn nuôi toàn diện tại Việt Nam

27/03/2024

    Ngày 26/3/2024, tại Hà Nội, Viện Môi trường Nông nghiệp phối hợp với Liên minh Đa dạng sinh học quốc tế và Trung tâm nông nghiệp Nhiệt đới quốc tế (CIAT) tổ chức Hội thảo tư vấn nhân rộng ứng dụng công cụ Đánh giá môi trường chăn nuôi toàn diện để cải thiện dinh dưỡng, môi trường và phát triển bền vững dọc theo chuỗi giá trị chăn nuôi (CLEANED) tại Việt Nam.

    Hội thảo có sự tham dự của đại diện nhà quản lý từ các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ TN&MT, Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT); các chuyên gia từ một số Viện nghiên cứu, trường Đại học; đại diện các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp…

Toàn cảnh Hội thảo

    Theo Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2023, tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, thị trường, nhưng sản xuất chăn nuôi cơ bản vẫn ổn định và tăng trưởng tốt; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong nước và một phần dành cho xuất khẩu; bảo đảm an toàn thực phẩm. Giá trị tăng trưởng của ngành chăn nuôi ước đạt 5,72%; đóng góp 26% vào GDP nông nghiệp. Sản lượng thịt hơi các loại đạt 7,79 triệu tấn, tăng 6,38% so với năm 2022; trong đó thịt lợn hơi 4,87 triệu tấn, tăng 7,2%; thịt gia cầm hơi đạt 2,31 triệu tấn, tăng 6,0%; thịt trâu 120,4 nghìn tấn, tăng 0,2%; thịt bò 493,2 nghìn tấn, tăng 2,5%. Sản lượng sữa tươi 1,17 triệu tấn, tăng 3,6%; trứng 19,2 tỷ quả, tăng 5,2%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 20 triệu tấn, giảm 2,4%. Tuy nhiên, việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, thiếu quy hoạch đã gây ra ô nhiễm môi trường tại một số địa phương trên cả nước. Do đó, cần phải phát triển và đẩy mạnh các nghiên cứu về môi trường trong chăn nuôi.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nhóm tư vấn nghiên cứu nông nghiệp quốc tế (CGIAR) giới thiệu sáng kiến của họ về sản xuất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới; mạng lưới nền tảng Nền tảng Công nghệ sinh học vi khuẩn chung (CMBP) trong việc thúc đẩy các vi sinh vật có lợi và sinh thái nông nghiệp để cải thiện sức khỏe đất và hệ thống canh tác bền vững; các vấn đề nghiên cứu môi trường trong chăn nuôi và giới thiệu phương pháp CLEANED. Đồng thời, các đại biểu cũng được nghe PGS.TS Mai Văn Trịnh - Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp (IAE) giới thiệu về những nỗ lực của Chính phủ trong phát triển chăn nuôi bền vững (chính sách, chiến lược và kế hoạch hành động); Tổng quan về nghiên cứu môi trường chăn nuôi được lồng ghép vào chương trình giảng dạy ở trường đại học ở Việt Nam của TS. Đinh Thị Hải Vân - Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

    Các đại biểu tại Hội thảo cũng đã trao đổi, thảo luận về các phương pháp đánh giá tác động môi trường, cách tiếp cận và các khoảng trống về chính sách, kỹ thuật trong việc thực hiện tại Việt Nam; tiêu chuẩn môi trường hướng dẫn phát triển chăn nuôi ở Việt Nam; nâng cao việc sử dụng công cụ CLEANED trong bối cảnh Việt Nam.; cơ hội đồng tài trợ tiềm năng với Chính phủ hoặc các tổ chức khác…

    Kết luận Hội thảo, PGS.TS Mai Văn Trịnh cảm ơn, ghi nhận những ý kiến đóng góp, chia sẻ quý báu của đại biểu tại Hội thảo, đồng thời nhấn mạnh, việc phát triển và đẩy mạnh các nghiên cứu về môi trường trong chăn nuôi là rất cần thiết để có giải pháp quản lý tốt môi trường, dịch bệnh nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro, thiệt hại. Qua đó, nhằm gia tăng chất lượng, giảm giá thành sản phẩm, bền vững và an toàn về môi trường, đồng thời tăng cường sức chống chịu của chuỗi giá trị ngành chăn nuôi trước biến đổi khí hậu cũng như các yếu tố bất lợi khác trên trường quốc tế hiện nay.

Hồng Nhung

 

Ý kiến của bạn