Banner trang chủ

Một số giải pháp xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải

30/11/2023

    Trong thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đối với các lưu vực sông đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm, trong đó có công tác BVMT hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (hệ thống Bắc Hưng Hải). Hệ thống Bắc Hưng Hải là công trình thủy lợi có vai trò quan trọng, phục vụ đa mục tiêu (sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, kinh doanh, dân sinh) cho 4 tỉnh, TP: Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên và Hải Dương, nhưng do tình trạng chất thải, nước thải xả vào các hệ thống công trình thủy lợi ngày càng gia tăng dẫn đễn tình trạng ô nhiễm nguồn nước trầm trọng. Trước tình trạng trên, nhiều biện pháp, giải pháp tích cực, hiệu quả đã được triển khai nhằm cải thiện chất lượng môi trường nước hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải. Bài viết tổng kết các kết quả đạt được, đánh giá thực trạng, nguyên nhân ô nhiễm, từ đó đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với tình hình thực tế hiện nay nhằm đảm bảo việc giải quyết dứt điểm, triệt để vấn đề ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải.

    1. Thực trạng ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải

    Hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải (Hệ thống Bắc Hưng Hải) được khởi công xây dựng từ năm 1958, có tổng độ dài dòng chính là 232 km và trên 2.000 km dòng nhánh và kênh các loại cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh của 4 tỉnh, TP (Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương). Cùng với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa, hệ thống Bắc Hưng Hải đảm nhận thêm chức năng tiếp nhận nguồn nước thải sinh hoạt, nước thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, bệnh viện, làng nghề, chăn nuôi...với lưu lượng ngày càng lớn. Diện tích toàn bộ lưu vực là 192.045 ha, bao gồm 10 huyện, TP của tỉnh Hưng Yên với 79.480 ha; 7 huyện, thành phố của tỉnh Hải Dương với 69.560 ha; 03 huyện, thị xã của tỉnh Bắc Ninh với 26.020 ha và 02 quận, huyện của thành phố Hà Nội với 10.540 ha. Nguồn nước tưới được lấy từ sông Hồng chủ yếu qua cống Xuân Quan, từ sông Thái Bình qua cống Cầu Xe, Cầu Cất, từ sông Luộc qua cống An Thổ. Nước tiêu tự chảy qua các cống Cầu Xe, An Thổ, Cầu Cất và tiêu chủ động qua các trạm bơm kết hợp tưới - tiêu trực tiếp ra các sông lớn tại những vùng hẹp ven các sông Đuống, Luộc, Thái Bình.

    Nhiệm vụ của hệ thống Bắc Hưng Hải bao gồm: (i) đảm bảo tưới cho 110.000 ha đất canh tác; tạo nguồn cấp nước phục vụ chăn nuôi gia súc gia cầm; nuôi trồng thủy sản diện tích 12.000 ha; (ii) tạo nguồn cấp nước sinh hoạt cho hơn 3 triệu người dân và các khu công nghiệp tập trung, các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp trong vùng, diện tích khoảng 4.300 ha; (iii) tiêu nước, chống ngập úng cho diện tích 192.045 ha, bảo vệ dân sinh, sản xuất nông nghiệp và các cơ sở sản xuất khác; (iv) duy trì dòng chảy trên các trục sông, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước, cải thiện môi trường sinh thái. Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi (KTCTTL) Bắc Hưng Hải trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chịu trách nhiệm quản lý 14 công trình đầu mối chính, 232 km kênh trục chính và 491 km bờ kênh chính. Các Công ty KTCTTL cấp tỉnh trực tiếp quản lý các công trình nội đồng từ kênh cấp II; trên 800 cống tưới tiêu có diện tích trên 250 ha và hàng ngàn km kênh mương nội đồng.

    Trong những năm gần đây, hệ thống kênh Bắc Hưng Hải hiện đã bị xuống cấp, nhiều nơi bị bồi lắng làm hạn chế khả năng dẫn nước, dẫn đến tình trạng nước thường xuyên bị ứ đọng, không lưu thông. Hệ thống kênh thủy lợi còn thường xuyên tiếp nhận lượng lớn nước thải từ hoạt động sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung; nước thải công nghiệp từ các Khu - Cụm công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; chăn nuôi, làng nghề, y tế... xả thải trực tiếp vào hệ thống gây tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Theo số liệu diễn biến chất lượng nước định kỳ tại các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh, Hải Dương (tần suất 4÷6 đợt/năm) và 8 trạm quan trắc nước mặt tự động (TP. Hà Nội: 1 trạm; Hưng Yên: 4 trạm; Hải Dương: 3 trạm); số liệu của Viện Nước, Tưới tiêu và Môi trường, Bộ NN&PTNT (định kỳ từ 2÷6 đợt/năm, với 10 điểm), hiện trạng nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm cả về phạm vi và mức độ. Cụ thể, kết quả quan trắc, phân tích mẫu chất lượng nước trong giai đoạn 2017 - 2022 cho thấy, trên 90% các vị trí quan trắc có một hoặc nhiều thông số ô nhiễm hữu cơ, chất dinh dưỡng, vi sinh… vượt giới hạn cho phép của QCVN 08-MT:2015/BTNMT cột B1 dùng cho mục đích tưới tiêu, thủy lợi hoặc các mục đích sử dụng khác (gọi tắt là QCVN-08); trên 90% số ngày có giá trị DO không đạt QCVN-08 và trên 70% số ngày có giá trị N-NH4+ và TSS vượt QCVN-08. Đặc biệt vào mùa khô, mức độ ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải tăng cao. Các năm gần đây (năm 2021-2022), số liệu tại các trạm quan trắc tự động, liên tục ghi nhận giá trị thông số N-NH4+ vượt giới hạn trong cả mùa mưa. Đến đầu năm 2022, nhiều đoạn sông như nhánh sông Như Quỳnh, Điện Biên (thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên) và các sông Cẩm Giàng, sông Sặt, sông Bùi, sông Tứ Kỳ, sông Cửu An, sông Đình Đào (thuộc địa phận tỉnh Hải Dương) không còn khả năng tiếp nhận với thông số N-NH4+ cho mục đích tưới tiêu và giao thông thủy; trên các nhánh sông Cầu Bây và kênh Kiên Thành (TP.Hà Nội), sông Như Quỳnh, Bần Vũ Xá, Cầu Lường và kênh Trần Thành Ngọ, Điện Biên (Hưng Yên) và sông Cầu Bình, cầu Cốc (tỉnh Hải Dương), đoạn sông giáp ranh giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương, không còn khả năng tiếp nhận với các thông số COD, BOD5 cho mục đích tưới tiêu...

    Mặt khác, hệ thống Bắc Hưng Hải còn phải tiếp nhận một lượng lớn nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung; nước thải công nghiệp từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, nước thải chăn nuôi, nước thải từ các làng nghề… và tiếp nhận nguồn nước bị ô nhiễm từ các sông trong khu vực chảy vào (sông Cầu Bây thuộc TP. Hà Nội; các nhánh sông Bần Vũ Xá, sông Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ của tỉnh Hưng Yên; sông Sặt và sông Cửu An của tỉnh Hải Dương;....), làm tình trạng ô nhiễm sông gia tăng.

    Số liệu thống kê của Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT cũng cho thấy, tổng lượng nước thải xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải năm 2022 khoảng 438.899 m3/ngày, đêm. Trong đó, nước thải xả vào hệ thống Bắc Hưng Hải chủ yếu là nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư tập trung (chiếm tỷ lệ khoảng 72%); các loại nước thải còn lại, gồm: công nghiệp phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ (khoảng 18%) và nông nghiệp, làng nghề, y tế (khoảng 10%), cụ thể:

    Đối với nước thải sinh hoạt: Tỉnh Hưng Yên có 451 khu dân cư xả thải với lưu lượng khoảng 114.088 m3/ngày, đêm; tỉnh Hải Dương có khu dân cư của 85 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thành phố xả thải với lưu lượng khoảng 153.215 m3/ngày,đêm; TP. Hà Nội có 28 điểm xả từ khu dân cư xả nước thải trực tiếp ra sông Cầu Bây với lưu lượng khoảng 50.000 m3/ngày,đêm. Hầu hết các khu đô thị, khu dân cư này chưa đầu tư xây lắp hệ thống xử lý nước thải (XLNT) sinh hoạt tập trung trước khi xả ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

    Nước thải công nghiệp phát sinh từ các khu công nghiệp (KCN), gồm: 100% KCN đang hoạt động đều có hệ thống XLNT tập trung, trong đó có 17 KCN xả nước thải vào Hệ thống Bắc Hưng Hải với lưu lượng khoảng 71.155 m3/ngày.đêm (tỉnh Hưng Yên có 07 KCN; tỉnh Hải Dương có 7 KCN; thành phố Hà Nội có 02 KCN; tỉnh Bắc Ninh có 2 KCN).

   Nước thải phát sinh từ cụm công nghiệp (CCN): Có tổng số 51 CCN xả nước thải vào Hệ thống Bắc Hưng Hải, trong đó thành phố Hà Nội có 5 CCN; tỉnh Hưng Yên có 17 CCN; tỉnh Hải Dương có 23 CCN; tỉnh Bắc Ninh có 6 CCN; 86,3%  (39/51) CCN chưa được đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung trước khi xả ra Hệ thống Bắc Hưng Hải, 13,7% (7/51) CCN có hệ thống xử lý nước thải (5 CCN trên địa bàn TP. Hà Nội, CCN Lương Điền, tỉnh Hải Dương và CCN Minh Khai, tỉnh Hưng Yên).

    Nước thải phát sinh từ làng nghề: Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên (59 làng nghề) và tỉnh Hải Dương (47 làng nghề); tỉnh Bắc Ninh (3 làng nghề); (TP. Hà Nội chưa thống kê). Các làng nghề hầu hết chưa đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung, một số hộ làm nghề xử lý sơ bộ nước thải (bể lắng, biogas) trước khi xả ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

    Nước thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bên ngoài KCN, CCN, làng nghề: Theo thống kê chưa đầy đủ, có khoảng 530 cơ sở sản xuất bên ngoài KCN, CCN, làng nghề với lưu lượng 35.287 m3/ngày.đêm và 108 cơ sở có hệ thống XLNT, trong đó thành phố Hà Nội có 5 cơ sở, tỉnh Hưng Yên có 107 cơ sở, tỉnh Hải Dương có 382 cơ sở, tỉnh Bắc Ninh có 34 cơ sở. Thực tế cho thấy, vẫn còn trường hợp cơ sở xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường vào hệ thống Bắc Hưng Hải.

    Nước thải từ các cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản: Tỉnh Hưng Yên có 2.608 cơ sở chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; Bắc Ninh có 38 cơ sở, một số cơ sở nằm xem kẽ giữa các khu dân cư chưa đầu tư xây dựng các công trình BVMT, XLNT hoặc không được xử lý đáp ứng quy chuẩn cho phép, thải ra hệ thống thoát nước chung của vực, sau đó ra môi trường.

    2. Kết quả xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải

    Ðể ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi tình trạng ô nhiễm nguồn nước của hệ thống Bắc Hưng Hải, trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc như: Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 về Quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT về hướng dẫn kỹ thuật về lập kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt; Quyết định số 2625/QĐ-BTNMT ngày 10/10/2022 về kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống sông Bắc Hưng Hải; Công văn số 5008/BTNMT-KSONMT ngày 27/6/2023 đề nghị tiếp tục tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải...

    Bộ TN&MT đã phối hợp các ngành chức năng các tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nội thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có hoạt động xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải. Theo Báo cáo của Bộ TN&MT cho thấy, từ 2018 - 2022, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) và các cơ quan chức năng của các tỉnh,TP: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 835 cơ sở hoạt động trên địa bàn các tỉnh thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải; xử phạt 427 cơ sở với tổng số tiền trên 25,7 tỷ đồng.

    Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và Công an 4 tỉnh, TP đã tập trung tổ chức 6 đợt cao điểm kiểm tra, xử lý đối với 562 vụ vi phạm pháp luật về BVMT với tổng số tiền khoảng 19,2 tỷ đồng; đồng thời lập danh sách các điểm xả thải chính và lập hồ sơ quản lý, theo dõi đối với các cơ sở có nguồn thải lớn hoặc gây ô nhiễm môi trường.

    Công tác đầu tư cơ sở hạ tầng đã được quan tâm, về nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất công nghiệp, 100% các KCN trên địa bàn 4 tỉnh, TP có xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải đã đầu tư xây dựng hệ thống XLNT tập trung. Tuy nhiên, đối với nước thải phát sinh từ CCN, làng nghề, trang trại chăn nuôi, phần lớn chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, XLNT theo quy định.

    Đối với hoạt động thu gom, XLNT sinh hoạt, TP. Hưng Yên đã có hệ thống thu gom, XLNT công suất 6.300 m3/ngày, đêm. TP Hải Dương đã xây dựng  hệ thống XLNT công suất 13.000 m3/ngày, đêm và đang hoàn thiện thiết kế cơ sở dự án xây dựng đường ống thu gom tách riêng nước thải đô thị về trạm XLNT công suất 12.000 m3/ngày, đêm. Tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các Sở, ban ngành, UBND huyện, thị xã liên quan nghiên cứu, báo cáo đề xuất phương án, kinh phí đầu tư và thống nhất địa điểm xây dựng trạm XLNT tập trung của thị xã Thuận Thành, các huyện Gia Bình, Lương Tài. TP Hà Nội đã lập kế hoạch giai đoạn 2021-2025 đầu tư xây dựng nhà máy XLNT Phúc Đồng, An Lạc, Đông Dư, Phú Thị để XLNT sinh hoạt đô thị với tổng công suất khoảng 70.000 m3/ngày,đêm.

    Bên cạnh đó, TP. Hà Nội đã lắp đặt 1 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động, liên tục trên sông Cầu Bây (tại vị trí Trạm bơm Am thuộc thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm). Tỉnh Hải Dương đã lắp đặt 4 trạm và tỉnh Hưng Yên đã lắp đặt 04 trạm quan trắc môi trường nước tự động, liên tục.

    Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp về công tác BVMT, bảo vệ chất lượng nước hệ thống Bắc Hưng Hải; hướng dẫn doanh nghiệp chú trọng đầu tư các công trình xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về BVMT...

    3. Một số vấn đề còn tồn tại, nguyên nhân

    Mặc dù, đã đạt được một số kết quả nêu trên về kiểm soát, xử lý ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải, nhưng tình trạng ô nhiễm nguồn nước vẫn diễn biến phức tạp, một số khu vực vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường cục bộ, xuất phát từ một số nguyên nhân chính sau:

    Nước thải sinh hoạt tại khu đô thị, khu dân cư tập trung và dân cư nông thôn chưa có hệ thống thu gom, nhà máy máy XLNT, phần lớn đang xả trực tiếp ra môi trường; 86% nước thải CCN không có hệ thống xử lý; hầu hết nước thải làng nghề, nước thải chăn nuôi hộ gia đình không có hệ thống thu gom xử lý. Đây là nguyên nhân chính, trực tiếp gây ra ô nhiễm nguồn nước.

    Bộ trưởng Bộ TN&MT Đặng Quốc Khánh kiểm tra tình hình ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải tại cống Cầu Xe, xã Quang Trung, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương

    Hiện tượng bồi lắng lòng chảy, lấn chiếm lòng sông, bờ sông, vứt rác, xả rác, chất thải xuống sông vẫn tái diễn, gây nên ách tắc dòng chảy, nước tồn đọng, không lưu thông. Ngoài ra, những tháng mùa khô trong năm, nguồn nước bổ cập cho hệ thống Bắc Hưng Hải thiếu, do mực nước sông Hồng tại cống Xuân Quan xuống thấp hơn mức thiết kế, nên Hệ thống Bắc Hưng Hải hoàn toàn chỉ là kênh dẫn lưu chuyển nước thải từ hoạt động dân sinh và công nghiệp trong vùng xả ra, làm cho ô nhiễm nguồn nước trầm trọng hơn.

    Ý thức chấp hành của một bộ phận doanh nghiệp, người dân còn thấp, không chấp hành nghiêm các quy định pháp luật BVMT, vẫn còn hiện tượng xả trộm, xả nước thải chưa qua xử lý, xử lý chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về BVMT theo quy định, là nguyên nhân góp phần gây ô nhiễm nguồn nước hệ thống Bắc Hưng Hải. 

    Các dự án đầu tư xây dựng nhà máy thu gom XLNT sinh hoạt tập trung thường có kinh phí đầu tư lớn, nên nhiều dự án thiếu nguồn lực đầu tư dẫn đến quá trình triển khai chậm.

    4. Các nhiệm vụ, giải pháp giảm ô nhiễm môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải

    Để giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hệ thống Bắc Hưng Hải, cải tạo phục hồi môi trường, hệ sinh thái cảnh quan các đoạn sông ô nhiễm, trả lại môi trường ban đầu, vốn có của hệ thống Bắc Hưng Hải, ngày 9/8/2023, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản số 315/TB-VPCP thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị về kết quả xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải giao nhiệm vụ cho từng Bộ, ngành và địa phương để tổ chức thực hiện, với một số giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm như:

    Thứ nhất, nhóm giải pháp, nhiệm vụ về quy hoạch: Tập trung hoàn thành quy hoạch 4 tỉnh, TP trên hệ thống Bắc Hưng Hải; trong đó, lồng ghép, tích hợp các quy hoạch có liên quan, xác định rõ các khu xử lý chất thải rắn và hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, phù hợp với định hướng trong quy hoạch vùng, quy hoạch BVMT quốc gia, quy hoạch BVMT chuyên ngành quốc gia theo quy định. Bố trí đủ quỹ đất để thực hiện hạ tầng kỹ thuật BVMT theo quy hoạch được phê duyệt.

    Thứ hai, hoàn thiện cơ chế, chính sách: Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách để huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là xã hội hóa, đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong đầu tư các công trình xử lý chất thải rắn và xử lý nước thải tập trung; Rà soát toàn bộ các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) chuyên ngành liên quan đến nước thải, thoát nước; trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất xây dựng, ban hành QCVN về nước thải sau xử lý dùng cho mục đích sử dụng khác nhau, trong đó có mục đích sử dụng để bổ cập nguồn nước cho các sông, kênh, mương... giúp duy trì dòng chảy, giảm thiểu, cải thiện ô nhiễm môi trường nước.

    Thứ ba, đầu tư, xây dựng hạ tầng kỹ thuật về BVMT: Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, đảm bảo nước thải phát sinh trên địa bàn được thu gom, xử lý toàn bộ, đáp ứng yêu cầu QCVN về nước thải cho phép trước khi thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải; đầu tư các hệ thống quan trắc nước thải, nước mặt tự động, liên tục, nhất là đối với các nguồn nước thải có lưu lượng xả thải lớn trên hệ thống Bắc Hưng Hải; dữ liệu quan trắc môi trường phải được truyền, cập nhật, lưu trữ về các cơ quan có thẩm quyền liên quan để khai thác, sử dụng theo quy định.

    Thứ tư, quản lý, kiểm soát, giám sát nguồn thải: Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung quản lý các nguồn thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải phục vụ công tác quản lý, kiểm soát và giám sát nguồn thải; xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch quản lý, kiểm soát, giám sát đối với từng nguồn thải theo nguyên tắc cấp nào, đơn vị nào phê duyệt, cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn thải (giấy phép môi trường) thì cấp đó, đơn vị đó phải quản lý, kiểm soát, giám sát được nguồn thải đã cấp phép; kiên quyết không cấp phép đầu tư, cấp phép môi trường đối với các dự án, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về BVMT, đặc biệt là các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình xử lý nước thải đảm bảo xử lý nước thải đạt QCVN về nước thải cho phép trước khi xả ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

    Thứ năm, công tác thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm về môi trường: Tiếp tục tăng cường công tác thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT; phòng, chống tội phạm về môi trường và xử lý vi phạm về môi trường đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh thuộc hệ thống; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Đồng thời, áp dụng triệt để các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm, đình chỉ hoạt động xả thải và yêu cầu nâng cấp, hoàn thiện, các công trình xử lý nước thải phải đảm bảo các yêu cầu về BVMT theo quy định.

    Thứ sáu, tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT: Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức về BVMT, đặc biệt là các quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành để mỗi doanh nghiệp, người dân đều nắm các được quy định của pháp luật về BVMT, nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của mình trong BVMT; Phát huy tối đa vai trò của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể, cộng đồng dân cư trong việc chung tay cùng BVMT; kiên quyết đấu tranh, không để các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường hệ thống Bắc Hưng Hải diễn ra trên địa bàn.

    Các nhiệm vụ cụ thể:

    - Bộ TN&MT: Chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về “Một số giải pháp cấp bách tăng cường, kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông”, xem xét ban hành trong quý 3/2023; lựa chọn hệ thống Bắc Hưng Hải là mô hình thí điểm để xử lý và có phương án, giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường các sông chảy qua các đô thị, TP lớn trên cả nước; khẩn trương xây dựng, trình ban hành và tổ chức thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt Hệ thống Bắc Hưng Hải theo quy định của Luật BVMT năm 2020; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT.

    - Bộ Công an: Tiếp tục chỉ đạo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và công an 4 tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường; xử lý nghiêm đối với hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường Hệ thống Bắc Hưng Hải; tăng cường kiểm tra, trinh sát để kịp thời ngăn chặn, xử lý ngay các hành vi, hoạt động của các cơ sở xả thải không đúng quy định, gây ô nhiễm môi trường.

    - Bộ NN&PTNT: Rà soát, đánh giá toàn diện hiện trạng, hiệu quả sử dụng các công trình thủy lợi; xây dựng dự án, kế hoạch, bố trí nguồn vốn và tổ chức thực hiện nạo vét, sửa chữa, nâng cấp các công trình thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; rà soát, xây dựng quy trình vận hành hệ thống Bắc Hưng Hải theo hướng đồng bộ, thống nhất, nhịp nhàng, đảm bảo duy trì lưu thông dòng chảy tối thiểu theo quy định. Trước mắt, tập trung nghiên cứu và đề xuất giải pháp theo hướng đầu tư các hệ thống bơm dã chiến, cơ động tại những vị trí phù hợp để kịp thời bổ cập nguồn nước vào hệ thống Bắc Hưng Hải trong mùa khô năm 2023.

    - Bộ Xây dựng: Nghiên cứu, xây dựng và đề xuất cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định việc quy hoạch phân khu chức năng trong khu đô thị có tích hợp quy hoạch hệ thống XLNT tập trung; hướng dẫn, giải quyết vướng mắc phát sinh của các địa phương trong quá trình đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật thu gom, xử lý, thoát nước thải đô thị, khu dân cư tập trung trên Hệ thống Bắc Hưng Hải theo quy định; xây dựng, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật cho công tác thu gom, XLNT sinh hoạt đô thị, khu dân cư tập trung.

    - UBND 4 tỉnh, TP: Khẩn trương rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt quy hoạch cấp tỉnh giai đoạn đến 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, lưu ý các khu xử lý chất thải rắn, hệ thống thu gom, XLNT tập trung phải được tích hợp trong quy hoạch cấp tỉnh theo quy định; lập, phê duyệt kế hoạch, lộ trình đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo, mở rộng hệ thống công trình thu gom nước mưa tách riêng với công trình thu gom, XLNT trên hệ thống Bắc Hưng Hải theo quy định. Cụ thể:

    + Tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng Nhà máy XLNT sinh hoạt tập trung từ nguồn đầu tư công trung hạn (giai đoạn 2023 - 2025, 2026 - 2030), đảm bảo đến năm 2030, thu gom và xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn đạt QCVN về chất thải cho phép trước khi xả ra môi trường. Ưu tiên dự án đầu tư cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung có hoạt động xả thải trực tiếp ra Hệ thống Bắc Hưng Hải. Riêng đối với TP Hà Nội, cần tập trung, khẩn trương huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại quận Long Biên và huyện Gia Lâm để thu gom, xử lý toàn bộ nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn trước khi thải ra sông Cầu Bây, sau đó ra hệ thống Bắc Hưng Hải.

    + Lập kế hoạch triển khai mô hình thí điểm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường nước Hệ thống Bắc Hưng Hải.

    + Đầu tư các hệ thống bơm dã chiến, cơ động tại những vị trí phù hợp để kịp thời bổ cập nguồn nước vào Hệ thống Bắc Hưng Hải trong mùa khô năm 2023.

    + Kiên quyết không cấp phép đầu tư, cấp giấy phép môi trường đối với các dự án, cơ sở không đảm bảo các yêu cầu về BVMT theo quy định; đặc biệt là các dự án, cơ sở không có biện pháp, công trình BVMT đáp ứng yêu cầu về BVMT, không đảm bảo nước thải được xử lý đạt QCVN cho phép trước khi xả ra Hệ thống Bắc Hưng Hải.

    + Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT, tăng cường công tác phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, tập trung đối với các dự án, cơ sở có hoạt động xả thải vào Hệ thống Bắc Hưng Hải, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

    +Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường, trách nhiệm, tầm quan trọng của việc bảo vệ nguồn nước các LVS trong đó có Hệ thống Bắc Hưng Hải.

    + Xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung để quản lý toàn bộ các nguồn thải phát sinh nước thải thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, kiểm soát và giám sát; trong đó các địa phương thực hiện điều tra, thu thập, tổng hợp thông tin, dữ liệu để phục vụ xây dựng CSDL dùng chung.

    + Rà soát, xây dựng quy trình vận hành hệ thống Bắc Hưng Hải theo hướng đồng bộ, thống nhất, nhịp nhàng, đảm bảo duy trì lưu thông dòng chảy tối thiểu theo quy định.

    + Rà soát các quy hoạch cấp tỉnh đảm bảo tích hợp đầy đủ hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung trên địa bàn phù hợp với định hướng trong quy hoạch vùng, quy hoạch BVMT quốc gia theo quy định.

    + Thực hiện các quy định về hợp tác công tư đối với đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, đặc biệt là các đô thị, khu dân cư tập trung; xác định mức giá dịch vụ xử lý nước thải phù hợp với khả năng chi trả của người dân, có lộ trình, đảm bảo tính đúng, tính đủ các chi phí, bảo đảm thu hút, khuyến khích nguồn vốn xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, vận hành công trình xử lý nước thải tập trung.

    + Rà soát các Quy chuẩn kỹ thuật địa phương (QCĐP) liên quan đến nước thải, nghiên cứu, ban hành các QCĐP về nước thải theo hướng quy định nghiêm ngặt hơn so với QCVN.

    5. Kiến nghị

    Bộ TN&MT đề nghị các Bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, báo cáo kết quả về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

    Kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội xem xét, cho phép xây dựng và trình phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường, trong đó, có bao gồm việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung, đặc biệt là các làng nghề, đô thị, khu dân cư tập trung.

Trần Thị Ngọc Linh

Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Bắc

Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2023)

 

Ý kiến của bạn