Banner trang chủ

Hiệu quả trong công tác thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Điện Biên

04/07/2023

    Hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội tác động không nhỏ đến chất lượng môi trường sống, kèm theo đó, lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh ngày càng đa dạng, phức tạp cả về chủng loại và số lượng, trong khi việc đầu tư cho công tác BVMT, đặc biệt công tác lựa chọn công nghệ xử lý CTR sinh hoạt do liên quan đến nguồn vốn đầu tư, cũng như hiệu quả xử lý còn gặp nhiều khó khăn... Nhận thức được vấn đề này, trong những năm qua, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên đã tham mưu cho UBND tỉnh một số giải pháp góp phần xử lý CTR phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương.

    Cụ thể, Sở TN&MT tham mưu cho UBND tỉnh có kế hoạch bố trí kinh phí cải tạo, nâng cấp các bãi chôn lấp CTR sinh hoạt hợp vệ sinh; nâng cấp hệ thống thoát nước đô thị; kinh phí cho hoạt động tuyên truyền, tập huấn nâng cao ý thức cho cộng đồng trong công tác BVMT. Đặc biệt, Sở tham mưu cho UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BVMT trong thời kỳ đổi mới đến các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhằm nâng cao nhận thức, có hành động thiết thực về công tác BVMT. Đây là một trong những biện pháp mang tính lâu dài, xây dựng trên nền tảng nâng cao ý thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân, tập thể, tổ chức góp phần BVMT.

Khu tập kết rác tại xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên

    Cùng với đó, bộ phận chuyên môn nêu cao tinh thần trách nhiệm bằng giải pháp nâng cao chất lượng thẩm định, yêu cầu về BVMT trong quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển của địa phương. Nhất là khi thẩm định các dự án đầu tư xây dựng phải xem xét đến tất cả các yếu tố tác động đến môi trường. Khuyến khích các chương trình, dự án thân thiện với môi trường bằng giải pháp sử dụng công nghệ tiên tiến. Kiên quyết không đưa vào vận hành, khai thác các công trình chưa đáp ứng các yêu cầu về BVMT, nhất là đối với các dự án thu gom xử lý CTR trong sinh hoạt. Ngoài ra, về chiến lược dài hơi Sở đã có kế hoạch thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý môi trường các cấp; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường; bố trí và quản lý sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường đúng mục đích; đa dạng hóa các nguồn đầu tư; tăng cường hợp tác quốc tế về BVMT.

    Song song với đó là kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về môi trường từ tỉnh đến cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVMT một cách thường xuyên có hiệu quả, bằng nhiều hình thức, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, tới toàn thể công đồng dân cư, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức của toàn cộng đồng ngày càng được nâng cao.

    Ngoài ra, Sở còn tăng cường hướng dẫn cho các cấp chính quyền huyện, thị… phối hợp cùng đội ngũ chuyên môn từng bước triển khai nhiệm vụ xử lý triệt để các bãi chôn lấp rác. Quy hoạch bãi rác và đặc biệt việc xử lí các CTR gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng với đó là quan tâm đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 3 bãi chôn lấp rác thải trên địa bàn huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Nhé và huyện Tuần Giáo. Cải tạo xử lý 11 bãi chôn lấp rác thải thành phố Điện Biên Phủ; 3 cơ sở xử lý rác thải bằng hình thức đốt kết hợp bãi chôn lấp trên địa bàn huyện Điện Biên, thị xã Mường Lay và huyện Mường Ảng.

    Với những việc làm thiết thực như trên đã góp phần nâng chỉ tiêu môi trường và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh Điện Biên tăng cao: Tỷ lệ CTR đô thị được thu gom đạt 96% (tăng 5% so với năm 2013); Tỷ lệ CTR đô thị được xử lý đạt 93,74% (tăng 18,74% so với năm 2017); Tỷ lệ CTR ở nông thôn được thu gom đạt 23 % (tăng 10% so với năm 2013).

Châu Long

Ý kiến của bạn