Banner trang chủ

Chú trọng thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp

13/10/2023

    Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có 7 khu công nghiệp (KCN), với diện tích 2.395 ha, trong đó, 6/7 KCN đã đi vào hoạt động. Các KCN của tỉnh được đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, kết nối giao thông thuận tiện, đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Đây là yếu tố quan trọng để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Nhờ đó, trong 10 năm qua, tốc độ công nghiệp hóa của Thái Nguyên luôn nằm trong top đầu cả nước; năm 2021, thu ngân sách tỉnh đạt 18.000 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế năm GRDP đạt 6,51%. 

    Theo đó, tỉnh Thái Nguyên tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, khu, cụm công nghiệp phía Nam (huyện Phú Bình, TP. Phổ Yên, TP. Sông Công) để thu hút đầu tư, tạo đột phá trong phát triển kinh tế, phát triển công nghiệp. Tỉnh ưu tiên lựa chọn các dự án có quy mô đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, các nhà đầu tư có tiềm lực và chiến lược đầu tư dài hạn; gắn hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh với chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia, kế hoạch xúc tiến đầu tư của các bộ, ngành Trung ương và các địa phương. Ngoài ra, tỉnh tập trung phát triển kinh tế tư nhân, khuyến khích thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa ở tất cả các ngành, các lĩnh vực; đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc cung cấp các dịch vụ phát triển kinh doanh; xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị; kết nối doanh nghiệp vừa và nhỏ với các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, giữa người dân với doanh nghiệp, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế để tạo ra những chuỗi giá trị.

KCN Điềm Thuỵ, Thái Nguyên

    Một số dự án có quy mô lớn nhưng nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, hoặc công nghệ không tiên tiến đều không được tỉnh lựa chọn, điển hình như Dự án sản xuất vải áo sơ mi cao cấp Việt Nam tại KCN Sông Công II có số vốn đầu tư 450 triệu USD đã không được chấp thuận đầu tư. Đối với các KCN mới được đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, các nhà máy đều lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, bảo đảm xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả vào hệ thống thu gom nước thải chung. Sau đó, toàn bộ nước thải sẽ được thu gom về Khu xử lý nước thải tập trung của KCN. Tại đây, nước thải tiếp tục được xử lý đạt quy chuẩn loại A QCVN 40:2011/BTNMT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp) trước khi xả ra môi trường. Đối với một số KCN từ hàng chục năm trước chưa đáp ứng yêu cầu xử lý chất thải, Ban Quản lý các KCN tỉnh đang đôn đốc chủ đầu tư từng bước hoàn thiện các công trình BVMT theo quy định. Đối với KCN Điềm Thụy A và KCN Sông Công II (do Ban Quản lý các KCN tỉnh làm chủ đầu tư), Ban đã chỉ đạo các đơn vị quản lý hạ tầng nghiên cứu bố trí nhân lực bảo đảm thành lập tổ, chốt kiểm soát hoạt động ra - vào của phương tiện vận chuyển chất thải của các đơn vị dịch vụ xử lý chất thải; các phương tiện vận chuyển chất thải phải được đăng ký ra vào KCN theo yêu cầu của chủ đầu tư. Từ đó, bảo đảm công tác chuyển giao, xử lý chất thải sẽ được quản lý, giám sát chặt hơn.

    Tại các KCN, chủ đầu tư hạ tầng đều thực hiện đầy đủ chương trình quan trắc, giám sát môi trường định kỳ theo yêu cầu trong Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án, tần suất thực hiện 4 lần/năm. Trong đó, quan trắc, giám sát đầy đủ các chỉ tiêu về chất lượng nước thải, khí thải. Kết quả quan trắc, các chỉ tiêu môi trường của các KCN tại Thái Nguyên đều nằm trong giới hạn cho phép của tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về BVMT. 

Phương Linh

Ý kiến của bạn