Banner trang chủ

Chăn nuôi tuần hoàn trong kỷ nguyên số, hướng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững

09/10/2023

    Từ ngày 5 - 7/10/2023, tại Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Chăn nuôi - Thú y toàn quốc lần thứ 5 với chủ đề “Chăn nuôi tuần hoàn trong kỷ nguyên số”. Hội nghị thu hút hơn 1.000 đại biểu và hơn 3.000 sinh viên tham dự với 179 công trình khoa học, trong đó có 124 công trình khoa học được đăng tải trên Kỷ yếu toàn văn và 55 bài báo đăng trên các Tạp chí Khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, thú y.

    Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐBQH TP. Hà Nội cho biết, ngành chăn nuôi đã và đang góp phần quan trọng vào an ninh dinh dưỡng quốc gia, tạo sinh kế gần 10 triệu hộ gia đình trên cả nước, với đóng góp hơn 25% vào GDP nông nghiệp. Những năm qua, bất chấp thách thức đến từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, dịch bệnh, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn đạt được một số thành tựu và bước tiến quan trọng. Năm 2022 giá trị toàn ngành chăn nuôi ước tính đạt 23,7 tỷ USD (tăng 5,93%). Trong 6 tháng đầu năm 2023, chăn nuôi gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển ổn định, đàn gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển, đảm bảo được nguồn cung thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng ngành chăn nuôi vẫn đạt 3,14%.

GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc Hội nghị

    Bên cạnh đó, ngành thú y đã có những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe động vật, đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi thông quan các chương trình một sức khoẻ, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, kiểm tra an toàn thực phẩm... Gần đây, đi đôi với các hậu quả của biến đổi khí hậu, dịch bệnh của đàn gia súc, gia cầm diễn biến hết sức phức tạp, ngành thú y Việt Nam đã xây dựng được chiến lược phòng trừ dịch bệnh truyền nhiễm mới nổi, tái nổi và đặc biệt là các bệnh truyền lây giữa người và động vật một cách bài bản và có khả năng thực thi cao tại thực địa. Tthành tựu nổi bật của ngành thú y có thể kể đến như làm chủ công nghệ chỉnh sửa gen, công nghệ sản xuất vaccine, kit chẩn đoán, công tác phòng bệnh cúm giam cầm, bệnh viên da nổi cục, bệnh dịch tả lợn châu Phi, tạo chế phẩm phòng chông bệnh gia súc gia cầm…

    Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành chăn nuôi cũng gặp nhiều vấn đề trong việc xử lý chất thải, trung bình mỗi năm, ngành chăn nuôi tạo ra khoảng 386 triệu tấn chất thải (trong đó, 62,2 triệu tấn chất thải rắn, 323,5 triệu tấn chất thải lỏng), trong khi đó, các công nghệ, kỹ thuật chăn nuôi hiện nay phần lớn chỉ chú trọng vào nâng cao lợi nhuận, chưa hướng đến BVMT và phát triển chăn nuôi bền vững.

    Trước thực trạng trên, Hội nghị Chăn nuôi - Thú y toàn quốc lần thứ 5 với chủ đề “Chăn nuôi tuần hoàn trong kỷ nguyên số” được đánh giá là diễn đàn khoa học công nghệ để các nhà khoa học, giảng viên, các nhà quản lý, doanh nghiệp… chia sẻ, trao đổi các kết quả, thành tựu nghiên cứu mới nhất; đồng thời thảo luận các ý tưởng nghiên cứu mới, chuyên sâu nhằm hướng đến sự phát triển lâu dài, bền vững cho ngành chăn nuôi và ngành thú y tại Việt Nam.

    Theo đó, phát triển chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là hướng đi chủ đạo để ngành chăn nuôi nước nhà phát triển bền vững trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, nguồn tài nguyên dần hạn hẹp và nguy cơ ô nhiễm môi trường chăn nuôi vẫn hiện hữu. Đây là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ chăn nuôi gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, hạn chế phát thải đầu ra, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi làm đầu vào cho trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp.

Các đại biểu tham dự Hội nghị

    Tại phần thảo luận, các đại biểu đã tập trung trao đổi một số nội dung chính như: Khoa học công nghệ về lợn; khoa học công nghệ về gia cầm; khoa học công nghệ về gia súc nhai lại; khoa học công nghệ về thú cưng; khoa học công nghệ về môi trường và chất thải; khoa học công nghệ về chế biến bảo quản sản phẩm chăn nuôi; phúc lợi động vật và đạo đức trong nghiên cứu vật nuôi; bệnh truyền lây giữa người và động vật; đào tạo ngành chăn nuôi - Thú y trong bối cảnh hội nhập….

    PGS.TS. Sử Thanh Long, Khoa Thú y, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, với việc tập trung vào giảm lượng chất thải hình thành, cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên và khuyến khích bảo vệ sức khỏe hệ sinh thái, chăn nuôi tuần hoàn cho thấy triển vọng để giải quyết những thách thức đa chiều mà ngành chăn nuôi Việt Nam đang đối mặt. Bằng cách áp dụng các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn, Việt Nam có thể tạo ra một ngành chăn nuôi bền vững hơn và có khả năng chống chịu tốt hơn với ngoại cảnh, góp phần BVMT, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đảm bảo phúc lợi xã hội. Các hệ thống chăn nuôi tuần hoàn cũng gợi mở tầm nhìn về một tương lai với lựợng chất thải từ chăn nuôi được hạn chế, nguồn tài nguyên được tối ưu và ngành chăn nuôi tồn tại hòa thuận với thiên nhiên.

    Cũng theo PGS.TS. Sử Thanh Long, để thực hiện hiệu quả chăn nuôi tuần hoàn, cần có cách tiếp cận toàn diện bao gồm hỗ trợ chính sách, đổi mới công nghệ và phát triển nhân lực. Trong đó, các nhà làm chính sách đóng vai trò chính yếu trong việc tạo ra một môi trường thích ứng với chăn nuôi tuần hoàn; các ưu đãi, quy định và cơ chế hỗ trợ có thể khuyến khích người chăn nuôi chuyển đổi sang chăn nuôi tuần hoàn và đầu tư vào các công nghệ năng lượng tái tạo. Mặt khác, việc nâng cao trao đổi kiến thức và hợp tác giữa các nhà khoa học, nhà chăn nuôi và nhà làm chính sách có thể thúc đẩy sự hình thành của các giải pháp đặc thù cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

    Trong khuôn khổ Hội nghị đã diễn ra nhiều hoạt động bên lề như: Triển lãm khoa học công nghệ; thảo luận về đào tạo nguồn nhân lực cho ngành chăn nuôi, thú y; tuyển dụng và giao lưu giữa doanh nghiệp với sinh viên và cựu sinh viên.

Vũ Nhung

Ý kiến của bạn