Banner trang chủ

Thái Nguyên triển khai các giải pháp quản lý môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp

15/09/2015

Trong những năm gần đây, sự hình thành các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) góp phần quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, công tác quản lý môi trường tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn do tình trạng vi phạm về môi trường ngày càng gia tăng. Để khắc phục tình trạng trên, cùng với việc phát triển kinh tế bền vững, công tác BVMT các KCN, CCN đã được cấp ủy, chính quyền tỉnh quan tâm và coi đó là một trong những điều kiện để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Theo Sở TN&MT Thái Nguyên, trên địa bàn hiện có 6 KCN tập trung, (diện tích 1.420 ha) và 31 CCN (diện tích 1.170 ha) đã được phê duyệt quy hoạch phát triển. Tính đến nay, các KCN trên địa bàn đã thu hút được 111 dự án đầu tư, trong đó có 43 dự án đã đi vào hoạt động; tại các CCN có 64 nhà đầu tư đăng ký hoạt động đã được Sở Công thương tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Hiện các KCN, CCN của tỉnh đã giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, xóa đói giảm nghèo, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Đặc biệt trong năm 2014, những đột phá trong thu hút đầu tư nước ngoài tại KCN đã đưa tỉnh Thái Nguyên xếp thứ 8/63 tỉnh, thành của cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. Tuy nhiên bên cạnh các mặt tích cực, công tác quản lý môi trường tại các KCN, CCN đang gặp khó khăn do tỷ lệ lấp đầy các KCN, CCN còn thấp. Hiện trên địa bàn vẫn còn 2/6 KCN, 13/32 CCN chưa có nhà đầu tư nên nhiều công trình xử lý nước thải tập trung chưa được hoàn thiện, các công trình công cộng như trồng cây xanh vẫn không được quy hoạch. Một số chủ đầu tư trong KCC, CCN chưa thực sự quan tâm đến việc, lập và trình duyệt báo cáo tác động môi trường (ĐTM), hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu BVMT. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số nhà máy trong KCN, CCN xả nước thải, gây ô nhiễm môi trường như: Nhà máy xi măng Quan Triều, Công ty CP Sản xuất gang Hoa Trung, Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên, Công ty CP thép Toàn Thắng… Trong khi đó, các văn bản quy định BVMT còn nhiều bất cập, thường xuyên phải điều chỉnh, bổ sung, gây khó khăn trong quá trình thực hiện, chế tài xử lý vi phạm hành chính về BVMT còn thấp nên chưa đủ sức răn đe. Để từng bước khắc phục tình trạng trên, Sở TN&MT tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường triệt để đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg. Đến nay có 8/8 cơ sở trong KCN, CCN được chứng nhận đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường triệt để. Cùng với đó, một số chương trình, dự án về cơ sở hạ tầng xử lý nước thải tại các KCN, CCN đã được triển khai thực hiện, từng bước xóa bỏ các điểm “nóng” môi trường tồn tại kéo dài nhiều năm trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt xây dựng công trình “ Modun hóa lý” của Nhà máy xử lý nước thải KCN Sông Công 1 nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do kim loại nặng; xây dựng hoàn thiện và đưa vào vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải 10.000 m3/ngày, đêm tại KCN Yên Bình. Kết quả quan trắc phân tích các mẫu nước thải trong giai đoạn thử nghiệm cơ bản đạt tiêu chuẩn cho phép. Đối với công tác quản lý chất thải nguy hại, các cơ sở sản xuất trong KCN, CCN đã thực hiện đầy đủ các quy định về việc quản lý chất thải nguy hại theo quy định. Từ năm 2009 đến nay, Sở TN&MT tỉnh đã cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải cho 84 đơn vị trong các KCN, CCN… Hoạt động thanh tra kiểm tra cũng được tăng cường, từ năm 2012 đến nay Sở TN&MT đã phối hợp với Tổng cục Môi trường, Sở Công thương, Ban quản lý KCN, CCN tổ chức thanh, kiểm tra gần 100 cơ sở sản xuất kinh doanh, xử lý vi phạm hành chính 20 cơ sở, với số tiền xử phạt gần 1 tỷ đồng. Trong thời gian tới, Sở TN&MT Thái Nguyên tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp BVMT các KCN, CCN, cụ thể: Thực hiện các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BVMT 2014; Rà soát, tổng hợp danh sách các đơn vị phát sinh ô nhiễm trong KCN, CCN để có kế hoạch xử lý phù hợp; Tăng cường công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm tại các doanh nghiệp trong KCN, CCN; Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường … Mặt khác, thực hiện điều tra cơ bản, đánh giá hiện trạng sản xuất, sử dụng hóa chất của một số vùng xung quanh các KCN, CCN, để đề xuất các giải pháp xử lý. Những CCN đang hoạt động chú ý cải tạo mạng lưới thoát nước bẩn và nước mặt, tăng thêm công trình dịch vụ công cộng và bảo đảm cách ly vệ sinh giữa các nhà máy với khu dân cư theo tiêu chuẩn hiện hành, đồng thời tăng thêm diện tích đất trồng cây xanh. Xây dựng hệ thống tiêu thoát nước mưa và xử lý nước thải tập trung ở các KCN, CCN, các doanh nghiệp nằm trong và ngoài KCN, CCN...; Đồng thời, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ môi trường trong các KCN, CCN, áp dụng công nghệ sạch thân thiện với môi trường, phát triển công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải. Xây dựng và nhân rộng các mô hình về sản xuất sạch hơn; hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường, tạo thị trường, thúc đẩy doanh nghiệp dịch vụ môi trường, phát triển kinh tế môi trường. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong các KCN, CCN tiếp cận vốn vay ưu đãi từ ngân hàng phát triển, Quỹ BVMT. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm về BVMT cho đối tượng là các doanh nghiệp trong KCN, KCN; Lồng ghép chương trình truyền thông về BVMT trong nội dung hoạt động và sinh hoạt thường kỳ của các cơ sở sản xuất trong KCN, CCN; Gắn tiêu chí về giữ gìn vệ sinh và BVMT vào các tiêu chí xét thưởng cuối năm của cán bộ, nhân viên trong KCN, CCN…  Nhật Minh (Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi Trường số 6/2015)
Ý kiến của bạn