Banner trang chủ

Hoàn thành công trình Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Hồi Ninh

15/09/2015

     Ngày 28/12/2014, tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, Tổng cục Môi trường đã tổ chức nghiệm thu và bàn giao công trình Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt xã Hồi Ninh.      Dự án “Ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - sông Đáy bằng việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt thí điểm cho cụm dân cư theo phương pháp ủ khô kị khí” tại xóm 10 xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình triển khai từ năm 2012 - 2014, với công suất 4 tấn/ngày do Tổng cục Môi trường chủ trì, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường thực hiện với tổng kinh phí: 10.862.000.000 đồng. Mục tiêu xây dựng Mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo phương pháp ủ khô kị khí sản xuất mùn hữu cơ, áp dụng thí điểm cho cụm dân cư thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.      Theo đánh giá của Hội đồng nghiệm thu, các hạng mục công trình xây dựng, lắp đặt theo thiết kế và dự toán được phê duyệt. Tổ hợp công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt được vận hành thử nghiệm thành công với cả 3 hợp phần xử lý: chế biến mùn hữu cơ, đốt rác và chôn lấp rác vô cơ. Toàn bộ rác đã được xử lý triệt để đảm bảo vệ sinh môi trường, tỷ lệ chôn lấp chỉ còn 15,24% (bao gồm rác vô cơ và tro xỉ lò đốt). Sản phẩm mùn hữu cơ được sản xuất với chất lượng tốt, các thông số đảm bảo theo TCVN 7185:2002 - Quy định về chất lượng phân hữu cơ bón vào đất. Lò đốt thiết kế, xây dựng đảm bảo tuân thủ theo QCVN 30:2012/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt chất thải công nghiệp. Khí thải của lò đốt đã được xử lý: bụi, khí thải, dioxin,… và tro xỉ sau đốt đảm bảo theo quy định trong QCVN.   Lò đốt rác thải sinh hoạt        Với mô hình công nghệ này, lượng rác chôn lấp chỉ khoảng ~15% (có thể giảm hơn); Giảm nguy cơ phát sinh các loại ô nhiễm thứ cấp khác so với việc đốt rác tùy tiện, chôn lấp không hợp vệ sinh, hay thói quen vứt rác xuống sông, kêng, mương. Chi phí đầu tư khoảng 1.625.000.000 đồng/tấn/ngày; Hệ thống thiết bị công nghệ không phức tạp, dễ vận hành, bảo trì, bảo dưỡng, thay thế... phù hợp với trình độ công nhân. Đặc biệt, công trình không phát sinh nước rỉ rác, không mất thêm kinh phí xử lý nước rỉ rác… do đó, Dự án có thể nhân rộng trên địa bàn cả nước.      Sau khi nghiệm thu Dự án “Ngăn ngừa và giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - sông Đáy bằng việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt thí điểm cho cụm dân cư theo phương pháp ủ khô kị khí”, Tổng cục Môi trường, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường đã bàn giao công trình cho UBND huyện Kim Sơn, UBND xã Hồi Ninh chịu trách nhiệm quản lý vận hành, khai thác sử dụng có hiệu quả kể từ ngày 1/1/2015.                  N.Hưng Nguồn: Tạp chí Môi trường, số 12/2014  
Ý kiến của bạn