Banner trang chủ
Chủ Nhật, ngày 07/07/2024

Triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý, xử lý chất thải trên địa bàn các tỉnh miền Nam

05/09/2023

    Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT với nhiều quy định mới về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải để triển khai thống nhất trên cả nước. Theo đó, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã tham mưu Lãnh đạo Bộ có hướng dẫn, chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải, đặc biệt là tại các tỉnh khu vực miền Nam.

  1. Công tác quản lý chất thải

    Chất thải rắn sinh hoạt

    Hiện nay, với định hướng của Chính phủ là xử lý chất thải rắn (CTR) tập trung quy mô lớn, nhiều địa phương đã đầu tư hệ thống thu gom, xử lý quy mô cấp tỉnh, huyện, liên huyện. Nhiều địa phương đã thực hiện mô hình xử lý rác thải theo hình thức đốt rác phát điện thay cho chôn lấp và đang triển khai khoảng 15 dự án đốt phát điện. Một số địa phương đã đầu tư, đưa vào vận hành các nhà máy xử lý rác; xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch phân loại rác tại nguồn (ví dụ thành phố Cần Thơ đã đưa Nhà máy đốt rác sinh hoạt phát điện vào hoạt động với công suất xử lý CTR sinh hoạt 400 tấn/ngày và phát điện khoảng 60 triệu Kwh/năm).

    Với vai trò, chức năng, nhiệm vụ được giao, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ về quản lý CTR, hướng dẫn phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý CTR bằng công nghệ hiện đại, hạn chế chôn lấp trực tiếp; đồng thời chỉ đạo xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về môi trường của các cơ sở xử lý rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, hiện nay, tỷ lệ chôn lấp CTR sinh hoạt ở Việt Nam còn cao (lên tới 65%), một trong các nguyên nhân là do rác thải chưa được phân loại dẫn đến khó khăn trong xử lý; việc chuyển đổi công nghệ xử lý cần nguồn lực và thời gian; quy trình lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật về đấu thầu còn phức tạp, kéo dài thời gian; thiếu các quy hoạch có nội dung xử lý, quản lý CTR phù hợp với điều kiện của địa phương; nhiều địa phương còn xảy ra khiếu kiện khi triển khai xây dựng cơ sở xử lý chất thải.

    Chất thải nguy hại

    Theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 84 Luật BVMT năm 2020, cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại phải phù hợp với Quy hoạch BVMT quốc gia hoặc quy hoạch có nội dung về xử lý chất thải nguy hại, trừ trường hợp cơ sở đồng xử lý chất thải nguy hại. Bên cạnh đó, điểm c Khoản này quy định công nghệ xử lý chất thải nguy hại phải được thẩm định, có ý kiến theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ. Mặt khác, Luật quy định UBND cấp tỉnh tổ chức thực hiện quy hoạch có nội dung về xử lý chất thải nguy hại; không hạn chế việc thu gom chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn đơn vị hành chính cấp tỉnh khác về xử lý tại cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn.

    Để triển khai có hiệu quả các quy định nêu trên, Bộ TN&MT đã có văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, đánh giá các cơ sở xử lý chất thải nguy hại hiện đang hoạt động theo đúng quy định của pháp luật trên địa bàn để lồng ghép nội dung xử lý chất thải nguy hại vào quy hoạch tỉnh (trường hợp không đưa vào quy hoạch tỉnh, thì có phương án, lộ trình di dời các cơ sở nêu trên vào các khu xử lý chất thải tập trung được quy hoạch). Mặt khác, Bộ đã đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thực hiện thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ, làm cơ sở để xem xét, cấp giấy phép môi trường theo quy định mới của Luật BVMT năm 2020.

    CTR công nghiệp thông thường

    Luật BVMT năm 2020 đã đổi mới phương thức quản lý chất thải, coi chất thải là tài nguyên để góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn: Chất thải đã được phân định, phân loại sử dụng cho quá trình sản xuất khác là nguyên, nhiên, vật liệu cho ngành sản xuất khác, nhằm thúc đẩy tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải; quy định trách nhiệm của các Bộ trong hợp chuẩn, hợp quy việc sử dụng chất thải làm nguyên liệu sản xuất. Nghị định số 08/2020/NĐ-CP quy định CTR công nghiệp thông thường được thu hồi, phân loại, lựa chọn để tái sử dụng, sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất được quản lý như sản phẩm, hàng hóa và giao Bộ TN&MT quy định nhóm chất thải tại khoản này trong danh mục CTR công nghiệp thông thường. Theo đó, Bộ TN&MT đã ban hành danh mục chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp phải kiểm soát và CTR công nghiệp thông thường tại Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT, trong đó nhóm CTR công nghiệp thông thường được thu hồi, phân loại, lựa chọn để tái sử dụng, sử dụng trực tiếp làm nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu cho hoạt động sản xuất được ký hiệu là TT-R.

    BVMT khu kinh tế, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp

    Hiện Luật BVMT năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP quy định Dự án đầu tư mới trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải xử lý sơ bộ và đấu nối nước thải vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp. Nước thải chuyển giao để xử lý phải có khối lượng và các thông số ô nhiễm không vượt quá tiêu chuẩn nước thải đầu vào của hệ thống xử lý nước thải tập trung; đáp ứng điều kiện trong văn bản thỏa thuận với chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp và giấy phép môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp đó; trừ trường hợp cơ sở đã được miễn trừ đấu nối theo quy định.

    Tuy nhiên, có một số dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trước Luật BVMT năm 2020 có hiệu lực và đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải đáp ứng quy định để xả thải trực tiếp ra môi trường (không đấu nối với hệ thống xử lý nước thải tập trung của KCN) nhưng chưa có các văn bản xác định là cơ sở đã đi vào hoạt động (giấy xác nhận hoàn thành công trình BVMT). Theo quy định trên thì các dự án này không được miễn trừ đấu nối vì không phải là cơ sở đã được miễn trừ đấu nối theo quy định. Mặt khác, một số cơ sở đã được miễn trừ đấu nối hiện nay nâng công suất, mở rộng quy mô thì việc yêu cầu đấu nối sẽ gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi.

    Quản lý phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất

    Luật BVMT 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2022, trong đó Điều 71 quy định về BVMT trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài gồm các nội dung chính: Phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài vào Việt Nam phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành; Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở sản xuất của mình và phải đáp ứng các yêu cầu về BVMT…

    Hiện nay, Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 28/2020/QĐ-TTg ngày 24/9/2020. Bộ TN&MT đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét ban hành Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất theo quy định tại Luật BVMT năm 2020. Trên toàn quốc hiện có 179 đơn vị được cấp giấy phép môi trường hoặc giấy phép môi trường thành phần (là Giấy xác nhận đủ điều kiện về BVMT trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất), trong đó các tỉnh miền Nam có 80 đơn vị nhập khẩu phế liệu; 13 tổ chức được chỉ định tham gia hoạt động giám định phế liệu nhập khẩu. Hoạt động quản lý phế liệu nhập khẩu cơ bản đã đảm bảo ổn định sản xuất đồng thời với BVMT.

    Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Quy định lộ trình giảm tỷ lệ nhập khẩu một số loại phế liệu (chỉ được nhập khẩu 80%; 20% thu mua trong nước) và lộ trình hạn chế phế liệu nhập khẩu để sản xuất hạt nhựa tái chế thương phẩm (chỉ được nhập khẩu để sản xuất hạt nhựa đến ngày 31/12/2024) là chính sách nhất quán về BVMT của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; bảo đảm tính thống nhất, nhất quán trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong phát triển kinh tế phải đi đôi với BVMT, ưu tiên thu gom, tái chế phế liệu trong nước nhằm góp phần xây dựng, thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn quốc gia. Trong khi đó, lộ trình nhập khẩu phế liệu nhựa, giấy và lộ trình hạn chế phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất đã có từ Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT cũng như cụ thể hóa yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định trong Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

  1. Một số giải pháp triển khai trong thời gian tới

Đối với cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương

    Về phía Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm môi trường thuộc phạm vi quản lý của Bộ, cụ thể:

    Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các Văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT năm 2020. Phối hợp với các đơn vị liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt quy hoạch BVMT quốc gia làm cơ sở triển khai các hoạt động xử lý, quản lý chất thải đồng bộ trên cả nước.

    Thứ hai, rà soát, sửa đổi các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trong xử lý CTR theo hướng nghiêm ngặt hơn và tiệm cận tiêu chuẩn của các nước tiên tiến: Rà soát, sửa đổi QCVN 61-MT:2016/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lò đốt CTR sinh hoạt; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bãi chôn lấp CTR sinh hoạt.

    Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện và ban hành các định mức kinh tế kỹ thuật về thu gom, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt; hướng dẫn phân loại CTR sinh hoạt.

    Thứ tư, xây dựng và hướng dẫn triển khai các dự án/cơ sở xử lý CTR sinh hoạt theo quy định của pháp luật về BVMT và Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

    Thứ năm, phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về quản lý CTR sinh hoạt theo quy định của Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành; đặc biệt là nội dung phân loại CTR sinh hoạt tại hộ gia đình; thu phí theo khối lượng phát sinh.

    Thứ sáu, tiếp tục tiếp nhận và giải đáp vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật BVMT năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

    Thứ bảy, trình Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt 5 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất theo quy định của Luật BVMT năm 2020.

    Thứ tám, bổ sung quy định về tỷ lệ và lộ trình nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất trong nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

    Đối với các địa phương

    Một là, trong quá trình xây dựng quy hoạch tỉnh, các địa phương cần rà soát các quy hoạch có liên quan đến vị trí, quy mô của các khu xử lý chất thải trên địa bàn để lồng ghép vào quy hoạch tỉnh, phù hợp với định hướng trong quy hoạch vùng, quy hoạch BVMT quốc gia.

    Hai là, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; bố trí quỹ đất cho khu xử lý CTR sinh hoạt theo quy hoạch; bố trí đủ kinh phí cho việc đầu tư xây dựng, vận hành hệ thống thu gom, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển và xử lý CTR sinh hoạt trên địa bàn.

    Ba là, xây dựng phương án và bố trí nguồn lực, kinh phí cho việc xử lý, cải tạo môi trường bãi chôn lấp CTR sinh hoạt không hợp vệ sinh và bãi chôn lấp CTR sinh hoạt tự phát trên địa bàn.

    Bốn là, căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, UBND cấp tỉnh quyết định việc phân loại cụ thể CTR sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất là ngày 31/12/2024.

    Năm là, mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại CTR sinh hoạt tại nguồn. Cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm giám sát việc phân loại CTR sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân.

    Sáu là, UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ, xử lý hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý CTR sinh hoạt theo quy định; Đôn đốc chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp thực hiện việc rà soát và yêu cầu các cơ sở đang xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp phải chấm dứt việc xả nước thải sau xử lý vào hệ thống thu gom, thoát nước mưa và trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật BVMT có hiệu lực thi hành (quy định tại điểm đ khoản 4 Điều 51 và điểm đ khoản 3 Điều 52 Luật BVMT); lắp đặt hoàn thiện hệ thống quan trắc nước thải tự động, liên tục bảo đảm đúng thời hạn quy định (chậm nhất là trước ngày 31/12/2024 theo quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP); Yêu cầu các cụm công nghiệp đang hoạt động phải hoàn thành công trình hạ tầng BVMT trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật BVMT có hiệu lực thi hành (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 52 Luật BVMT).

    Bảy là, yêu cầu chủ đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm theo quy định pháp luật, trong đó, lưu ý không tiếp nhận thêm dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp trong trường hợp khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không có hoặc không đáp ứng một trong các yêu cầu về hạ tầng BVMT được quy định tại Điều 48 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

    Tám là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật trong trường hợp các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa bảo đảm thời hạn phải hoàn thành và yêu cầu bắt buộc phải thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 08/2022/NĐ-CP.

TS. Hoàng Văn Thức

Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2023)

Ý kiến của bạn