Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 04/07/2024

Tổng quan tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến tài nguyên và môi trường ở Việt Nam

02/10/2023

  1. Đặt vấn đề

    Phát triển bền vững (PTBV) là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người và cũng là định hướng xuyên suốt trong quá trình phát triển của Việt Nam. Tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc (LHQ) diễn ra vào tháng 9/2015 tại New York, Hoa Kỳ, Chương trình nghị sự 2030 cùng 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đã được các nước thành viên LHQ đồng thuận thông qua, cung cấp một kế hoạch chung về hòa bình và thịnh vượng cho con người và hành tinh trong hiện tại và tương lai.

    Thực hiện cam kết quốc tế, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 (KHHĐQG 2030) với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể. Hệ thống 158 chỉ tiêu thống kê PTBV để theo dõi, giám sát và đánh giá việc thực hiện SDGs đã được hình thành. SDGs đã được tích hợp, lồng ghép trong hệ thống chính sách quốc gia, ngành, lĩnh vực, trong đó chú trọng đến khía cạnh “không ai bị bỏ lại phía sau” và được triển khai ở cấp Trung ương và địa phương với sự tham gia của tất cả các bên liên quan. 

    Trong bối cảnh toàn cầu đã đi được nửa chặng đường trong thực hiện SDGs, bài viết đánh giá tình hình thực hiện SDGs liên quan đến tài nguyên và môi trường trong thời gian qua tại Việt Nam nhằm hướng tới việc đạt được SDGs liên quan đến tài nguyên và môi trường vào năm 2030, trong đó có những nội dung: SDG 6 về nước sạch và vệ sinh; SDG 7 về năng lượng sạch và bền vững; SDG 11 về phát triển đô thị và nông thôn bền vững; SDG 12 về sản xuất và tiêu dùng bền vững; SDG 13 về các hành động khí hậu; SDG 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương và biển; SDG 15 về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển rừng bền vững.

    2. Một số kết quả thực hiện SDGs liên quan đến tài nguyên và môi trường

    Theo xếp hạng toàn cầu về thực hiện SDGs, nhìn chung, Việt Nam đã có những bước phát triển khá tốt kể từ năm 2015. Năm 2017, Việt Nam đứng thứ 69, tăng lên hạng 49 vào năm 2020. Tuy nhiên, năm 2022, Việt Nam đứng ở vị trí 55. Xét trong khu vực châu Á, Việt Nam được đánh giá khá tốt về tiến độ chung trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, nhưng việc duy trì mức độ tiến bộ còn gặp nhiều thách thức. Theo Rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2023 của Việt Nam, có thể nêu một số kết quả thực hiện SDGs liên quan đến tài nguyên và môi trường trong 5 năm vừa qua của Việt Nam.

    Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước, hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người (mục tiêu 6)

    Là một quốc gia có hệ thống sông ngòi dày đặc và là nước chú trọng phát triển nông nghiệp, Việt Nam đã nỗ lực để đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước, cùng với hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người. Đặc biệt, trong giai đoạn 2018 - 2022, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tăng từ 86,7% lên 94,2%; tỷ lệ hộ có nguồn nước hợp vệ sinh tăng từ 95,7% lên 98,3% và tỷ lệ hộ dùng hố xí hợp vệ sinh tăng từ 90,3% lên 96,2%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đã đi vào hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường tăng từ 80,1% lên 91%. Có thể nói, tiến độ thực hiện mục tiêu 6 đang đạt được những bước tiến khả quan trong giai đoạn từ năm 2018 đến nay. Mặc dù vậy, trong bối cảnh áp lực của phát triển kinh tế - xã hội, việc tiếp cận nước sạch và điều kiện vệ sinh đáp ứng theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế còn hạn chế; tác động của BĐKH ngày càng trầm trọng hơn. Việt Nam cần tiếp tục triển khai quyết liệt các chính sách, giải pháp nhằm kiểm soát nước thải; tăng cường đầu tư công trình nước và vệ sinh cho các vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi; đẩy mạnh quản lý tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông và tăng cường hợp tác quốc tế, chia sẻ lợi ích với các quốc gia cùng chung nguồn nước.

    Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người (mục tiêu 7)

    Với việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, tỷ lệ hộ tiếp cận điện có xu hướng tăng và đạt 99,5% vào năm 2022 với khoảng cách giữa thành thị - nông thôn được thu hẹp đáng kể, từ mức chênh lệch 1,3% xuống chỉ còn 0,1% trong giai đoạn 2018 - 2022. Công suất lắp đặt và sản lượng của các dự án điện từ nguồn năng lượng tái tạo vượt mức đề ra, tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng tiêu thụ cuối cùng ở Việt Nam có xu hướng tăng lên và đạt mức 21,78% vào năm 2020 nhờ các chính sách thúc đẩy đầu tư vào những dự án điện tái tạo, đặc biệt là điện gió, điện mặt trời. Bên cạnh điểm sáng kể trên, tiêu hao năng lượng so với tổng sản phẩm trong nước có xu hướng tăng lên, cao hơn mức trung bình của thế giới cũng như các nước ASEAN. Tỷ trọng năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng tiêu thụ cuối cùng mặc dù tăng nhưng vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Quá trình chậm đổi mới công nghệ trong một số ngành tiêu thụ nhiều năng lượng cũng dẫn tới tiêu hao năng lượng cao.

    Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn; phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng (mục tiêu 11)

    Lĩnh vực phát triển đô thị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tỷ lệ hộ sống trong nhà tạm của cả nước đã giảm đi nhanh chóng, từ mức 2,6% năm 2016 xuống 1,7% năm 2018 và còn 0,9% năm 2022. Xu hướng giảm mạnh tỷ lệ hộ phải sống trong nhà tạm được ghi nhận ở mọi tiêu chí, từ thành thị đến nông thôn, ở khắp các vùng miền và nhóm dân cư. Bên cạnh những kết quả tích cực, phát triển đô thị đang đối mặt với vấn đề ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia năm 2022 đạt 96,23% so với 86% năm 2018, song chủ yếu là chôn lấp. Lượng chất thải xây dựng, chiếm khoảng 10-15% lượng chất thải rắn đô thị, tăng lên nhanh chóng trong những năm gần đây cùng với tốc độ đô thị hóa, các công trình xây dựng tăng nhanh ở các đô thị lớn của cả nước. Thêm vào đó, diện tích cây xanh, mặt nước không được khai thác, sử dụng hợp lý làm cho chất lượng môi trường sống của người dân đô thị bị suy giảm. Trong những năm gần đây, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn đã có những thay đổi vượt bậc, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn và cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của người dân. Công tác BVMT nông thôn đã có bước đột phá lớn, nhất là vấn đề xử lý rác thải khu dân cư và cải tạo cảnh quan nông thôn xanh - sạch - đẹp.

    Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững (mục tiêu 12)

    Việt Nam tiếp tục thúc đẩy triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững; nỗ lực quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, tăng cường các biện pháp, chế tài xử lý ô nhiễm môi trường; bước đầu xây dựng và áp dụng trên thực tế các quy định để thúc đẩy mua sắm công bền vững; hoàn thiện các chính sách về thuế, giá đối với nhiên liệu hóa thạch và có sự điều chỉnh linh hoạt để bảo vệ người nghèo, những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19. Công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức về BVMT tiếp tục được đẩy mạnh thực hiện, đặc biệt tập trung vào các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thay thế, thân thiện môi trường. Tính đến hết năm 2021, tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom, xử lý đạt 90% năm 2021 (tăng 15% so với năm 2018); tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 85,5% (tăng 19,3% so với năm 2018). Tuy nhiên, Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều để có thể thực hiện SDG 12 trong bối cảnh ô nhiễm môi trường, chất thải phát sinh do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ngày càng tăng, trong đó tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt 66% và hơn 80% các bãi chôn lấp không hợp vệ sinh; nguồn lực để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững ngày càng hạn chế; tài nguyên khoáng sản, đất đai chưa thực sự được quản lý chặt chẽ và khai thác hiệu quả; sự tham gia của doanh nghiệp vào chuỗi sản xuất và cung ứng bền vững còn hạn chế.

Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững

    Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai (mục tiêu 13) 

    Việt Nam luôn nỗ lực để ứng phó kịp thời, hiệu quả với BĐKH và thiên tai thông qua kiện toàn các luật và chiến lược, các chính sách có liên quan; triển khai thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt là cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và thúc đẩy các Bộ, ngành và địa phương tích cực thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Đến nay, 87,3% tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH. Các mục tiêu chủ động thích ứng hiệu quả, giảm mức độ dễ bị tổn thương, tổn thất và thiệt hại do BĐKH, giảm tác động tiêu cực của BĐKH đến các nhóm dễ bị tổn thương, giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng cơ hội từ ứng phó với BĐKH để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế đã được nhấn mạnh trong Chiến lược quốc gia về BĐKH. Hơn nữa, Việt Nam cũng tích cực thực hiện Chiến lược, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh và thúc đẩy lồng ghép thích ứng với BĐKH vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, ngành và địa phương. Năm 2022, Việt Nam thực hiện cập nhật Đóng góp quốc gia tự quyết định, bám sát các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26. Việt Nam thường xuyên cập nhật Kịch bản BĐKH và nước biển dâng vào các năm 2009, 2012, 2016 và 2020. Mặc dù có nhiều nỗ lực song Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của BĐKH; diễn biến thời tiết, khí hậu cực đoan, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường ảnh hưởng nặng nề đến người dân và các ngành, lĩnh vực. Điều này đòi hỏi Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực để nâng cao khả năng chống chịu của xã hội, cộng đồng người dân đối với rủi ro do thiên tai, BĐKH.

    Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững (mục tiêu 14)

    Là một quốc gia với đường bờ biển dài, Việt Nam đã nỗ lực rất lớn nhằm bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để PTBV thông qua các chiến lược, chính sách về bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và quản lý nguồn lợi thủy sản theo hướng bền vững. Việt Nam đang triển khai Chiến lược PTBV kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Các hoạt động ngăn ngừa và kiểm soát các loại ô nhiễm biển đã duy trì chất lượng môi trường nước ven biển và đại dương nằm trong giới hạn cho phép. Các khu bảo tồn biển và ven biển, tuy còn khá khiêm tốn, đã góp phần quản lý và bảo vệ các hệ sinh thái ven biển, đặc biệt là rừng ngập mặn. Sự gia tăng nhanh chóng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản cũng làm giảm áp lực lên sản lượng khai thác nguồn lợi biển tự nhiên. Trong năm 2020, tỷ lệ điểm quan trắc chất lượng nước biển ven bờ đạt yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các thông số ô nhiễm chất hữu cơ (N-NH4+) là 99% và đối với các thông số về tổng dầu mỡ là 92%. Sản lượng thủy sản của Việt Nam tăng từ 6,5 triệu tấn vào năm 2015 lên 8,4 triệu tấn vào năm 2020, với mức tăng trung bình khoảng 4,6%/năm. Tuy nhiên, là một nước đang phát triển với mức thu nhập GDP ở mức trung bình thấp, hệ sinh thái ven biển, biển và hải đảo đang chịu áp lực rất lớn của phát triển kinh tế - xã hội và ô nhiễm môi trường; trữ lượng thủy, hải sản ngày càng bị thu hẹp do bị đánh bắt quá mức. Có thể nói, việc đạt được SDG 14 là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam.

    Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất (mục tiêu 15)

    Các hệ sinh thái rừng, đặc biệt là những vùng có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế, các hệ sinh thái đất ngập nước, ngày càng được bảo tồn, sử dụng và phục hồi theo hướng bền vững. Diện tích rừng được duy trì ở mức ổn định và tăng từ 41,65% lên 42,02% trong giai đoạn 2018 - 2022. Nhiều chính sách quốc gia như chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, chính sách bảo tồn và sử dụng bền vững hệ sinh thái và dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên đã tác động tích cực trong gắn kết bảo tồn đa dạng sinh học với sử dụng bền vững các hệ sinh thái, các nguồn gen và đã được lồng ghép vào Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia. Trong giai đoạn 2018 - 2021, tổng thu từ dịch vụ môi trường rừng đạt trung bình gần 2.900 tỷ đồng/năm, đất lâm nghiệp được duy trì và tăng nhẹ từ 14,92 triệu ha năm 2015 lên 15,4 triệu ha năm 2020. Tuy nhiên, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, thách thức để đạt được Mục tiêu 15, đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới, đó là: Hoạt động chặt phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp, có tổ chức diễn biến phức tạp; Suy thoái đất đai; Thu hẹp nơi cư trú tự nhiên và nguy cơ tuyệt chủng của một số loài nguy cấp; Việc khai thác, buôn bán, tiêu thụ động, thực vật hoang dã nguy cấp vẫn chưa được kiểm soát tốt; Nguồn lực tài chính đảm bảo thực thi quản lý nhà nước về hệ sinh thái, khu bảo tồn nói riêng và đa dạng sinh học nói chung còn hạn chế.

    3. Bối cảnh toàn cầu và thách thức đặt ra trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam

    Bối cảnh toàn cầu

    Theo đánh giá mới nhất về tiến độ thực hiện SDGs trên toàn cầu của Liên hợp quốc, hiện chỉ có 12% chỉ tiêu SDGs đang đúng tiến độ, 50% bị chậm tiến độ và 30% không có tiến triển, thậm chí bị đẩy lùi so với năm 2015. Với tiến độ thực hiện như hiện nay, sẽ có khoảng 575 triệu người trên thế giới tiếp tục sống trong cảnh đói nghèo cùng cực; sẽ mất 286 năm để thu hẹp khoảng cách về bình đẳng giới trong luật pháp và xóa bỏ các đạo luật phân biệt đối xử về giới; sẽ có khoảng 84 triệu trẻ em sẽ không thể đến trường và 300 triệu trẻ em đến trường sẽ không biết đọc, biết viết vào năm 2030. Đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo công bố mới nhất của UNESCAP, khu vực mới chỉ đạt được 14,44% tiến độ thực hiện SDGs mặc dù đã đi được một nửa chặng đường và cần thêm vài thập kỷ mới có thể đạt được các mục tiêu SDGs.

    Trong khi đó, kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục sẽ có sự thay đổi nhanh chóng với nhiều diễn biến phức tạp. Nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với những hậu quả do dịch COVID-19 để lại, bao gồm sự suy giảm tăng trưởng kinh tế, bất ổn về chính trị, lạm phát và giá cả hàng hóa tăng cao sau những nỗ lực kích cầu tại nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, xu hướng khu vực hóa, phong trào dân tộc cực đoan, xung đột địa - chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đang tạo ra các thách thức to lớn đối với tiến trình PTBV của toàn cầu. Đồng thời, thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ nạn đói bùng phát, bất bình đẳng gia tăng, tỷ lệ người nghèo trên toàn cầu tăng lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ. Hệ sinh thái đại dương và rừng bị đe dọa; đa dạng sinh học suy giảm với tốc độ chưa từng có; ô nhiễm môi trường, thiên tai, BĐKH diễn biến phức tạp.

    Có thể nói, tác động của dịch COVID-19, BĐKH, ô nhiễm môi trường, căng thẳng và xung đột… khiến cho việc thực hiện các mục tiêu SDGs trên thế giới vốn dĩ đã khó khăn, sẽ càng trở nên khó khăn hơn và đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải nỗ lực rất nhiều để có thể đạt được các mục tiêu đúng hạn. Mặc dù vậy, tất cả các quốc gia đều tái khẳng định cam kết thực hiện đầy đủ Chương trình nghị sự 2030 và xem đây là cách thức duy nhất để hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn và có khả năng chống chịu với các cú sốc từ bên ngoài.

    Khó khăn, thách thức đặt ra trong thực hiện SDGs tại Việt Nam

    Trong giai đoạn tới đây, Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn từ nội tại trước đó và ảnh hưởng nghiêm trọng từ dịch COVID-19, tạo sức ép phải tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế nhanh và sâu rộng hơn. Mặc dù tình hình kinh tế - xã hội trong nước đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng tình hình quốc tế còn tiềm ẩn nhiều bất ổn, tiếp tục ảnh hưởng tới tiến trình thực hiện SDGs tại Việt Nam trong những năm tới.

    Thực trạng tăng trưởng kinh tế đang phải đối mặt với các thách thức như: năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu; phát triển khoa học công nghệ còn hạn chế chưa tạo thành động lực tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào sự gia tăng đầu tư, trong khi nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội rất lớn, nguồn vốn nhà nước, vốn ưu đãi và viện trợ đều có xu hướng giảm.

    Quản lý, phát triển xã hội còn nhiều hạn chế, chưa theo kịp yêu cầu. Chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai; khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền còn khá lớn. Già hóa dân số tăng nhanh dẫn đến áp lực lên hệ thống an sinh xã hội và tác động đến tăng trưởng kinh tế.

    Quá trình đô thị hóa tiếp tục diễn ra nhanh, tạo sức ép lớn về nhu cầu phát triển hạ tầng và xử lý ô nhiễm môi trường. Thách thức về khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn nước, tài nguyên và đất đai ngày càng tăng. Thiên tai, BĐKH diễn biến nhanh, khốc liệt và khó lường, ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân.

    Việc huy động nguồn lực để đáp ứng nhu cầu trong những năm tới đây sẽ gặp nhiều thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi sau dịch COVID-19. So với thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19, nguồn thu ngân sách/GDP của cả nước có xu hướng giảm. Nguồn ODA giảm rõ rệt, đặc biệt là sau khi Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình thấp vào năm 2010. Việt Nam cũng dần không còn được nhận các khoản vay ODA ưu đãi như trước mà ngược lại, sẽ phải chuyển sang vay theo lãi suất thương mại. Nguồn vốn huy động từ FDI và kiều hối vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao nhưng phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài và môi trường kinh doanh trong nước. Nguồn đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước chưa thể hiện được vai trò là động lực của tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững đất nước như kỳ vọng.

    Các áp lực về chuyển đổi phương thức phát triển, đặc biệt là cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 trong bối cảnh thiếu hụt về tài nguyên, năng lượng, trình độ phát triển KH&CN còn thấp… sẽ đặt nền kinh tế Việt Nam trước nhiều thách thức. Tuy nhiên, những phương thức và mô hình phát triển mới như: tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế sinh thái, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ… cùng với tiến bộ KH&CN đang mang lại cho nền kinh tế Việt Nam nhiều sự lựa chọn để tăng trưởng nhanh và bền vững.

    4. Giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

    Việc thực hiện và hoàn thành SDGs vào năm 2030 ở Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, các thành tựu đạt được trong giai đoạn trước đó cùng với sự ổn định chính trị - xã hội của Việt Nam và khuôn khổ thể chế, pháp lý về phát triển kinh tế - xã hội ngày càng hoàn thiện tiếp tục tạo bàn đạp cho thực hiện SDGs trong giai đoạn tới. Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện SDGs trong nửa chặng đường còn lại, Việt Nam cần tập trung vào các nhóm giải pháp trọng tâm:

    - Hoàn thiện và nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi chính sách thông qua cải cách hành chính công và tiếp tục thúc đẩy sự tham gia của các đối tượng yếu thế trong quá trình ra quyết định;

    - Tiếp tục ưu tiên đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực, KH&CN, đổi mới sáng tạo và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại để nâng cao năng suất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững;

    - Ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi sau COVID-19; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển bền vững;

    - Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hệ thống an sinh xã hội nhằm đảm bảo tăng khả năng chống chịu với các cú sốc, hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế; phát triển văn hóa, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội;

    - Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; tăng cường BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai; thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn;

    - Tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy thực hiện SDGs;

    - Tiếp tục cải thiện tính sẵn có của dữ liệu nhằm tăng hiệu quả công tác giám sát và đánh giá việc thực hiện SDGs;

    - Tăng cường nâng cao nhận thức, thúc đẩy phối hợp, hợp tác giữa các bên liên quan để tạo sự lan tỏa trong thực hiện SDGs. Bảo đảm thực hiện SDGs là công việc của tất cả mọi người.

Nguyễn Thị Thanh Nga

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 9/2023)

       Tài liệu tham khảo

    1. Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2021), Báo cáo quốc gia năm 2020 - Tiến độ 5 năm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

    2. Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2023), Rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững năm 2023 của Việt Nam.

    3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững hàng năm.

    4. Liên hợp quốc (2023), Báo cáo tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.

     5. UNESCAP (2023), Báo cáo tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

 

[3] UNESCAP, tháng 3 năm 2023, Báo cáo tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Ý kiến của bạn