Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 06/07/2024

Quyền tiếp cận thông tin trong lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

10/08/2023

    Ở Việt Nam hiện nay, quyền tiếp cận thông tin được ghi nhận tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013; Luật Tiếp cận thông tin năm 2016. Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện quyền này chưa được bảo đảm ở một số lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đất đai. Quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực đất đai là quyền mà người sử dụng đất cần được tiếp cận nhằm bảo đảm các nhu cầu hợp pháp của mình và để thực hiện các quyền cơ bản khác của người sử dụng đất mà pháp luật ghi nhận [4]. Việc thiếu minh bạch về thông tin đất đai khiến cơ hội tham nhũng gia tăng, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực khiến công dân, các doanh nghiệp phải tăng chi phí nỗ lực tìm kiếm thông tin. Vì vậy, việc tìm hiểu các quy định của pháp luật về quyền tiếp cận thông tin đất đai cũng như trong quá trình triển khai thực hiện nhằm đưa ra một số giải pháp hoàn thiện chính sách, đảm bảo thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin đất đai nói chung và tiếp cận thông tin trong lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng.

1. Quy định về quyền tiếp cận thông tin trong lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

    Trong điều kiện hiện nay, khi nền kinh tế nước ta tiếp tục hội nhập sâu rộng với thế giới, nhu cầu sử dụng đất và thị trường bất động sản ngày càng trở nên sôi động, vì vậy, việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm tạo ra các phân khu chức năng thu hút đầu tư, sản xuất, kinh doanh là vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, trong quá trình lập và thực hiện quy hoạch sử dụng đất, sự tác động của các quyết định cơ quan nhà nước có thẩm quyền có ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân trong khu vực được quy hoạch sử dụng đất vào các mục đích khác nhau để thực hiện dự án. Chính vì lẽ đó, công dân có quyền được biết, được tiếp cận và nắm bắt các thông tin có liên quan đến lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

    Theo quy định tại Điều 28 Luật Đất đai năm 2013, để bảo đảm trách nhiệm xây dựng và cung cấp thông tin đất đai Nhà nước sẽ phải: (i) Xây dựng, quản lý hệ thống thông tin đất đai và bảo đảm quyền tiếp cận của tổ chức, cá nhân đối với hệ thống thông tin đất đai; (ii) Công bố kịp thời, công khai thông tin thuộc hệ thống thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân, trừ những thông tin thuộc bí mật theo quy định của pháp luật; (iii) Thông báo quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai cho tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp; (iv) Cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng đất đai có trách nhiệm tạo điều kiện, cung cấp thông tin về đất đai cho tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

    Như vậy, so với Luật Đất đai năm 2003, pháp luật đất đai hiện hành đã ghi nhận một điều khoản riêng biệt để quy định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cung cấp thông tin đất đai cho tổ chức, cá nhân. Điều này, một mặt cho thấy sự thay đổi trong tư duy quản lý nhà nước hiện nay, thay cơ chế “xin - cho” bằng việc ghi nhận trách nhiệm, nghĩa vụ của Nhà nước đối với công dân trong vấn đề này; mặt khác, việc luật hóa quy định này còn thể hiện tầm quan trọng của việc công khai, minh bạch hóa thông tin, góp phần thực hiện dân chủ, công bằng trong quá trình quản lý, sử dụng và phân phối đất đai tại Việt Nam. Từ quy định chung mang tính nguyên tắc tại Điều 28, quyền tiếp cận thông tin của công dân trong quá trình lập và thực hiện, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được ghi nhận chi tiết trong từng giai đoạn.

Thứ nhất, trong giai đoạn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

    Tại khoản 6 Điều 35 Luật Đất đai năm 2013 quy định ngay từ nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải dựa trên nguyên tắc dân chủ và công khai. Nguyên tắc này được thể hiện rõ hơn tại Điều 43 về nội dung lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Như vậy, khẳng định rằng quyền tiếp cận thông tin của người dân được thể hiện rất rõ ràng và ngay từ bước đầu tiên trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

     Trong giai đoạn này, Chính phủ, UBND cấp tỉnh và cấp huyện có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở từng cấp. Hình thức để người dân có thể nắm bắt thông tin và phản hồi ý kiến của mình khá đa dạng và tùy theo đặc điểm của từng cấp. Đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh sẽ tiến hành thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên trang thông tin điện tử của Bộ TN&MT, UBND cấp tỉnh. Trong khi đó, việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện được thực hiện thông qua hình thức tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp và công khai thông tin trên trang thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện. Thông qua các hình thức công khai thông tin này, nhân dân có thể tiếp cận được những thông tin chính thống, chính xác, minh bạch trong quá trình nhà nước lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; từ đó, họ có thể biết được vị trí, diện tích đất thực hiện công trình, dự án sử dụng đất mà chủ động sắp xếp đời sống sinh hoạt, lao động, sản xuất của mình trong tương lai.

    Tuy nhiên, về đối tượng lấy ý kiến theo quy định hiện hành thiết nghĩ còn có phần nào chưa thỏa đáng. Lý giải cho điều này là bởi vì ngoài những hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp thuộc vùng quy hoạch thực hiện dự án thì một số người dân khác sống trong khu vực này có thể chịu tác động ít nhiều từ dự án do sự thay đổi về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, cơ sở hạ tầng xã hội, môi trường… Do đó, những đối tượng này cũng nên biết được một số thông tin cần thiết và cơ bản để chủ động được quá trình lao động, sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của mình. Ngoài ra, luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm chính trong việc công khai phương án này thuộc về tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng như UBND cấp xã nơi có dự án quy hoạch sử dụng đất có nghĩa vụ phối hợp để hoàn thành phần công việc này.

Thứ hai, trong giai đoạn thực hiện quy hoạch sử dụng đất

    Đây là một trong những giai đoạn quan trọng để Nhà nước và các nhà đầu tư và tiến hành các hoạt động khai triển khai thực hiện dự án theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đây cũng là giai đoạn có ảnh hưởng lớn, trực tiếp đến đời sống của người dân có đất thuộc khu vực quy hoạch thực hiện dự án.

    Tại Điều 48 Luật Đất đai năm 2013 quy định việc Công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Theo đó Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt phải được công bố công khai. Bộ TN&MT có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quôc sgia tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT; UBND cấp tỉnh có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh; UBND cấp huyện có trách nhiệm công bố công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện tại trụ sở cơ quan và trên cổng thông tin điện tử của UBND cấp huyện và công bố công khai nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện có liên quan đến xã, phường, thị trấn tại trụ sở UBND cấp xã. Thời gian công bố công khai được thực hiện trong 30 ngày kể từ có quyết định phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc công khai được thực hiện trong suốt kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

    Thông qua các quy định trên, có thể thấy, công bố, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là thủ tục bắt buộc thực hiện và giữ vai trò tiền đề để thực hiện các bước tiếp theo. Ngoài ra, công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn là bước chuẩn bị quan trọng về mặt vật chất và tinh thần đối với người dân trong khu vực có đất nằm trong khu vực quy hoạch thực hiện dự án, giúp họ chủ động hơn để thu xếp mọi mặt trong đời sống sinh hoạt, lao động và sản xuất.

    Như vậy, có thể nhận thấy, trong giai đoạn này, người dân có thể tiếp cận được thông tin chính thức về phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thông qua hai con đường trực tiếp và gián tiếp thay vì chỉ thực hiện niêm yết như các quy định trước đây. Đây là một điểm mới, tiến bộ của Luật Đất đai năm 2013 trong việc công khai, minh bạch và dân chủ hóa trong quá trình cơ quan nhà nước quản lý đất đai.

2. Thực trạng và một số tồn tại khi thực quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

2.1. Thực trạng thực hiện quyền tiếp cận thông tin về đất đai đối với hồ sơ được đăng tải trên trang thông tin điện tử

    Theo nghiên cứu Đánh giá việc công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2022, thuộc Nghiên cứu thực chứng hướng tới thúc đẩy việc tiếp cận thông tin đất đai của người dân” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đến tháng 02/2023 thông qua việc rà soát cổng thông tin điện tử chính thức của 63 tỉnh, thành phố và 705 quận, huyện, thị xã trên toàn quốc. Mức độ công khai thông tin đất đai của chính quyền cấp tỉnh và cấp huyện được đánh giá dựa trên 05 tiêu chí bao gồm: (i) Công khai thông tin; (ii) Khả năng tìm kiếm thông tin; (iii) Tính kịp thời của thông tin; (iv) Tính đầy đủ của thông tin (đối với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện và kế hoạch sử dụng đất cấp huyện); (v) Khả năng sử dụng thông tin (dễ đọc, dễ hiểu và đọc được bằng các phần mềm thông dụng) [3].

    Tại nghiên cứu này cho thấy, kết quả rà soát cổng/trang thông tin điện tử: có 345/705 đơn vị huyện đã đăng tải Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 trên cổng/trang thông tin điện tử; có 389/705 đơn vị huyện đã đăng tải Kế hoạch sử dụng đất năm 2022 trên cổng/trang thông tin điện tử; có 337/704 đơn vị huyện công khai kế hoạch sử dụng đất năm 2021 trên trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện trong năm 2021; có 389/705 đơn vị huyện công khai kế hoạch sử dụng đất năm 2022 trên trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện trong năm 2022.

Tình hình công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (đến ngày 14/3/2022*)

STT

Thông tin

Số lượng công khai

Tỷ lệ công khai

Công khai đúng hạn

Không

Không xác định

1

Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện thời kỳ 2021-2030

345

48,9%

105/345

116/345

124/345

2

Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện năm 2022

389

55,2%

149/389

127/389

113/389

* Để đảm bảo tính tiếp nối và so sánh với kết quả nghiên cứu năm thứ nhất, việc đăng tải công khai tài liệu liên quan đến thông tin đất đai được tìm kiếm chỉ được tính tới thời điểm 14/3/2023)

    Với các trang công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lượng truy cập không lớn, chưa thu hút được sự chú ý và tiếp cận của người dân do qua đánh giá kết quả nghiên cứu cho thấy, các thông tin về quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thường được ban hành chậm hơn so với quy định. Cụ thể: Hồ sơ kế hoạch sử dụng đất phần lớn không được đăng tải đầy đủ, rải rác hoặc đăng tải ở nhiều chuyên mục và thiếu thống nhất; Sử dụng các từ viết tắt không đúng quy chuẩn, tệp tin nén, định dạng tệp tin không phổ biến (bản đồ định dạng DGN), chức năng tìm kiếm chưa hiệu quả, công cụ tìm kiếm không trả về kết quả cần tìm; Nhiều địa phương có phần mềm tích hợp quy hoạch, tuy nhiên không hiển thị cơ sở pháp lý; Có hiện tượng con dấu bị tách rời khỏi văn bản, phóng to thu nhỏ, xóa; Người dùng bị yêu cầu đăng nhập tài khoản mới xem được văn bản đính kèm hoặc đăng tải trên Google Drive nhưng không cấp quyền truy cập cho công dân; Ngày phê duyệt quyết định mâu thuẫn ngày đăng tải và ngày ban hành thông báo công bố công khai…

2.2. Quyền tiếp cận thông tin bằng cách gửi yêu cầu trực tiếp theo mẫu quy định

    Theo Nghiên cứu Đánh giá việc công khai thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và bảng giá đất cấp tỉnh trên môi trường điện tử năm 2022 [3], có 561 yêu cầu cung cấp thông tin được gửi tới 140 đơn vị huyện và kết quả như sau:

Kết quả phản hồi

Năm 2021

Năm 2022

Số lượng

Tỷ lệ

Số lượng

Tỷ lệ

Cung cấp

98

17.5%

108

19.3%

Từ chối

15

2.7%

6

1.1%

Không phản hồi

402

71.7%

415

73.9%

Khác

46

8.2%

32

5.7%

    Phân tích các yêu cầu và phản hồi của năm 2022 cho thấy, 108 phản hồi cung cấp có 7 cơ quan phản hồi với Phiếu giải quyết Yêu cầu cung cấp thông tin theo mẫu số 03 Nghị định số 13/2018/NĐ-CP, với 45 cơ quan đính kèm công văn trả lời. Đối với 6 phản hồi từ chối với các nguyên nhân: Thông tin đã được công khai theo quy định; không đủ cơ sở để xem xét; đơn gửi sai mục đích yêu cầu; thư gửi sai mẫu theo Thông tư số 34/2014/TT-BTNMT của Bộ TN&MT; Yêu cầu có giấy giới thiệu mới cung cấp; Không đưa lý do cụ thể, yêu cầu gửi tới phòng TN&MT huyện để tìm hiểu. Hình thức từ chối gồm: 2 phản hồi từ chối bằng văn bản, trong đó có 1 phản hồi theo mẫu Thông báo từ chối cung cấp thông tin - Mẫu 05NĐ 13/2018/NĐ-CP; 1 phản hồi từ chối thông báo trả lời; 4 phản hồi từ chối qua điện thoại. Đối với 32 phản hồi khác: Thông báo chuyển yêu cầu qua đơn vị khác để giải quyết; Trả lời sẽ gửi tài liệu tuy nhiên đến 21/02/2023 chưa có phản hồi nào mới; Trả lời chung chung đã công khai tại trụ sở hoặc trên cổng TTĐT; Đề nghị người yêu cầu tới tham gia cuộc họp giải quyết yêu cầu. 

    Qua thực tế cho thấy, hầu hết công chức đều có thái độ lịch sự, trừ một người có thái độ không thân thiện đối với người dân; Công chức gửi văn bản phản hồi qua đường bưu điện nhưng bị trả lại đã nỗ lực liên hệ qua email cung cấp thông tin cho người yêu cầu; Đa số các cơ quan gửi đầy đủ hồ sơ công khai thay vì chỉ gửi duy nhất văn bản quyết định phê duyệt; Một số công chức liên hệ và tương tác với công dân qua Zalo; Không có hiện tượng thu phí như năm 2021, công chức có giải thích về chi phí nếu scan tài liệu gửi lại bản cứng cho người yêu cầu; Nhiều công chức không sử dụng hòm thư điện tử công vụ để phản hồi công dân.

3. Một số đề xuất, kiến nghị hoàn thiện quy định về quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất

    Mặc dù việc tiếp cận thông tin đất đai nói chung và tiếp cận thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nói riêng trong những năm gần đây đã được cải thiện, phát huy quyền làm chủ của nhân dân tốt hơn; tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định như: Người dân chưa thực sự hiểu rõ cách thức để tiếp cận thông tin trên trang thông tin điện tử của các cơ quan có thẩm quyền; thông tin đăng tải đôi khi còn mập mờ, chưa rõ ràng để mọi người có thể tiếp cận; một bộ phận công chức còn xem nhẹ việc cung cấp thông tin, không xem đó là trách nhiệm của mình, vấn đề tiêu cực, quan liêu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện quyền của người dân hay việc chế tài đối với các trường hợp bưng bít, gây khó dễ khi người dân muốn tìm hiểu thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vẫn chưa cụ thể, rõ ràng. Chính vì vậy, để bảo đảm quyền của người dân trong lĩnh vực này, thiết nghĩ, trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp:

    Thứ nhất, bổ sung thủ tục cung cấp thông tin theo yêu cầu của người dân theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 vào các bộ thủ tục hành chính hiện hành của tất cả các ngành và lĩnh vực (trong đó có lĩnh vực đất đai); Bổ sung quy định về thời điểm phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện trong quy định của pháp luật về đất đai để đảm bảo tính kịp thời và đồng bộ của các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất;cần quy định trong Luật Đất đai cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành những quy định cụ thể về các thông tin phải được công khai, các bước trong quy trình để lấy ý kiến người dân trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất… Không dừng lại ở đó, các thông tin trên phải thường xuyên được cập nhật kịp thời để người dân truy cập khi cần thiết. Để làm được điều đó, các cơ quan có thẩm quyền cần chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung trong quá trình vận hành trang thông tin điện tử của mình; Giữ nguyên quy định về thời điểm công khai thông tin đất đai (là 15 ngày) như quy định hiện hành (Luật Đất đai năm 2013) thay vì 30 ngày như trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

    Thứ hai, quy định ghi rõ cơ quan nắm giữ thông tin đất đai có trách nhiệm cung cấp thông tin khi người dân có yêu cầu; cần có các quy định cụ thể về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong việc không cung cấp thông tin hoặc cung cấp thông không chính xác, sai lệch hoặc có hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng khi người dân có nhu cầu được tiếp cận các thông tin có liên quan; quy định duy trì lâu dài thông tin đất đai đã được đăng tải lên cổng/trang TTĐT của cơ uan nhà nước trong bối cảnh Việt Nam đang thúc đẩy phát triển chính phủ số; quy định yêu cầu xây dựng giao diện, chuyên mục và cách thức công khai thông tin trên cổng thông tin điện tử của chính quyền một cách thống nhất, đồng bộ trên toàn quốc.

    Thứ ba, tăng cường, phát triển các dịch vụ trực tuyến cung cấp thông tin trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Đương nhiên, dịch vụ này phải đảm bảo nguồn cung cấp thông tin chính xác và có giá trị pháp lý để người dân an tâm sử dụng dịch vụ. Hiện nay, Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai đã có những quy định cụ thể về điều kiện của tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng hệ thống thông tin đất đai. Cụ thể là, đối với tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp được hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai khi có đủ các điều kiện sau đây: (i) Có chức năng xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai đối với các tổ chức sự nghiệp của Nhà nước; (ii) Có ít nhất 10 cá nhân đối với hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cấp huyện, có ít nhất 15 cá nhân đối với hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai cấp tỉnh, cấp quốc gia đủ điều kiện theo quy định và (iii) Có hạ tầng, thiết bị công nghệ phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định của Bộ trưởng Bộ TN&MT. Bên cạnh đó, đối tượng là cá nhân được hành nghề xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trong tổ chức hoạt động xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai khi có đủ các điều kiện sau đây: (i) Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; (ii) Có trình độ từ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về quản lý đất đai, địa chính, trắc địa bản đồ, công nghệ thông tin và các chuyên ngành khác có liên quan đến cơ sở dữ liệu đất đai; (iii) Có thời gian công tác trong lĩnh vực quản lý tài nguyên đất hoặc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai từ 24 tháng trở lên. Như vậy, trong tương lai gần, bên cạnh các thông tin được cung cấp bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, người dân còn có thêm nhiều kênh thông tin khác để tiếp cận trong lĩnh vực đất đai nói chung và mảng thu hồi đất nói riêng.

    ​Thứ tư, tiếp tục phổ biến và tập huấn Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, nội dung tiếp cận thông tin đất đai trong Luật Đất đai với các cán bộ, công chức thuộc khối cơ quan nhà nước và người dân; Xây dựng chuyên mục ‘Tiếp cận thông tin’ trên cổng/trang thông tin điện tử của chính quyền các cấp; Hệ thống hóa các thông tin công khai trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử theo quy định để người dân có thể sử dụng từ mọi nơi, mọi lúc; Thêm các tính năng hỗ trợ tìm kiếm thông tin trên cổng/trang thông tin điện tử của chính quyền các cấp, đảm bảo thân thiện với mọi đối tượng người dùng, trong đó có người cao tuổi, người khuyết tật và đồng bào dân tộc thiểu số.

    Thứ năm, trách nhiệm của người cung cấp thông tin là vô cùng quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được tiếp cận thông tin của người dân. Do vậy, cần phải đẩy mạnh, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của người có trách nhiệm cung cấp thông tin là điều cần thiết.

    Thông tin là nhu cầu cần thiết của mỗi con người và các thông tin liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân có ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của họ như các vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lại càng cần thiết hơn bao giờ hết. Do đó đã đến lúc việc tiếp cận thông tin trong lĩnh vực này cần phải thực hiện nghiêm túc, kỷ cương, có chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực. Thực hiện tốt quyền tiếp cận thông tin trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất không chỉ đảm bảo quyền lợi của người dân mà còn đóng vai trò phục vụ cho công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, hoàn thành mục tiêu phấn đấu phát triển hạ tầng thông tin quốc gia hiện đại, đáp ứng yêu cầu của mọi công dân trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay.

ThS. Đàm Thị Mai Oanh

Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và ứng dụng công nghệ về đất đai

Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 7/2023)

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Quốc hội (2016), Luật Tiếp cận thông tin năm 2016,Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật .

2. Quốc hội (2013), Luật Đất đai năm 2013, Nxb. Nông nghiệp.

3. Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam (2023), “Nghiên cứu thực chứng hướng tới thúc đẩy việc tiếp cận thông tin đất đai của người dân”.

4. Tạp chí Dân chủ và Pháp luật (www.tcdcpl.moj.gov.vn).

Ý kiến của bạn