Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 04/07/2024

Kết quả 10 năm thực hiện nghị quyết số 24-Nq/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

01/12/2023

    Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương được ban hành ngày 3/6/2013 tại Hội nghị lần thứ 7 khóa XI trong bối cảnh đất nước ta đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hướng tới năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp. Nghị quyết đã đề ra những quyết sách lớn của Đảng trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước ta. Sau 10 năm thực hiện, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế, tồn tại, cần phải có những chủ trương, giải pháp mới phù hợp với yêu cầu phát triển của giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

    1. Kết quả 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu

    Sau khi Nghị quyết số 24-NQ/TW được ban hành, Bộ Chính trị tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn 2013-2023, Trung ương đã ban hành 13 văn bản, trong đó có 8 Nghị quyết liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 56-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW; Kết luận số 36-KL/TW ngày 23/6/2022 về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước đến năm 2030. Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 02-KL/TW ngày 26/4/2016 về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW; Chỉ thị số 10-CT/TW ngày 25/9/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Kết luận số 61-KL/TW ngày 17/8/2023 về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

    Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện theo hướng quy định chặt chẽ hơn để thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm mục tiêu đạt được phát triển bền vững. Trong giai đoạn 2013-2023, có 11 dự án xây dựng, sửa đổi luật đã được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Phòng, chống thiên tai 2013; Luật Khí tượng thủy văn (KTTV) 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều 2020, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) 2014, 2020; Luật Đất đai (sửa đổi) 2013; Luật Thủy lợi 2017; Luật Lâm nghiệp 2017; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo 2015; Luật Thủy sản (sửa đổi) 2017; Luật Đo đạc và bản đồ 2018.  Hiện nay có 3 dự án luật đang được sửa đổi, gồm: Luật Đất đai 2013, Luật Tài nguyên nước 2012, Luật Khoáng sản 2010. Một số luật có liên quan cũng đã được xây dựng, sửa đổi, gồm: Luật Khoa học và Công nghệ 2013; Bộ luật Hình sự 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Chuyển giao công nghệ 2017; Luật Quy hoạch 2017... Chính phủ đã ban hành 87 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 105 Quyết định thể chế hóa Nghị quyết. Các Bộ, ngành và cơ quan Trung ương đã ban hành 455 văn bản (quyết định, thông tư, chỉ thị...) thực hiện.

    Về thích ứng với biến đổi khí hậu, Luật Khí tượng thủy văn (KTTV) 2015 đã ban hành các quy định về dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát biến đổi khí hậu; đề cập rõ hơn về cung cấp tin dự báo, cảnh báo phục vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn. Luật Phòng, chống thiên tai 2013 đã quy định các nguyên tắc, trách nhiệm, tài chính. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều năm 2020 đã quy định rõ hơn về bảo vệ đê điều và không gian thoát lũ. Về phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng, Luật Thủy lợi 2017 đã quy định chính sách của Nhà nước, khoa học công nghệ; điều tra cơ bản thủy lợi… để thích ứng với biến đổi khí hậu. Các quy định của Luật cũng đã được hướng dẫn chi tiết bởi các nghị định của Chính phủ.

    Về giảm phát thải khí nhà kính, các quan điểm, nhiệm vụ của Nghị quyết đã được thể chế hóa đầy đủ. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã quy định rõ các loại khí nhà kính, nội dung giảm nhẹ phát thải khí nhà kính (bao gồm cả phát triển thị trường các-bon trong nước), trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp trong giảm phát thải; mục tiêu, lộ trình và phương thức giảm phát thải. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 896/QĐ-TTg ngày 26/7/2022 phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050.

    Về phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, đã ban hành các quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, phân vùng môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường; đã phân nhóm các dự án đầu tư và tập trung kiểm soát các dự án đầu tư có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; quy định áp dụng kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT). Việc ký quỹ nhập khẩu phế liệu; phân loại chất thải tại nguồn, thu phí theo khối lượng phát sinh, trách nhiệm thu hồi, tái chế một số loại sản phẩm đã được quy định. Các cơ chế kiểm soát nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được ban hành.

    Về khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường, đã tiếp tục hoàn thiện pháp luật quản lý môi trường làng nghề, nông thôn; quy định công tác bảo vệ môi trường nước lưu vực sông như đánh giá sức chịu tải, hạn ngạch xả nước thải, công bố các đoạn sông không còn khả năng tiếp nhận chất thải; xây dựng và thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng nước mặt. Đã có các quy định pháp luật về xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP); cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu; thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật; kiểm soát sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Yêu cầu xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí được ban hành.

    Về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, đã ban hành các quy định về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; tiêu chí xác định và danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ; tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích; lập và công khai danh mục các loài ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại; nghĩa vụ pháp lý và bồi thường trong khuôn khổ Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học.

    Việt Nam đã tham gia 14 điều ước, thỏa thuận quốc tế về tài nguyên và môi trường. Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) đã được ký kết với nhóm các đối tác phát triển. Hiện nay, Việt Nam đang tham gia đàm phán xây dựng thỏa thuận quốc tế về chống ô nhiễm nhựa.

    Về đất đai, Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn đã có nhiều đổi mới, bổ sung, hoàn thiện các quy định về điều tra đất đai (đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ địa chính, thống kê, kiểm kê đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin đất đai); điều tra đánh giá tiềm năng đất, chất lượng đất, ô nhiễm đất, thoái hóa đất. Các quy định pháp luật về đổi mới, hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy hoạch đã được ban hành. Để khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất, Luật Đất đai 2013 và pháp luật liên quan đã quy định: vận hành các quan hệ đất đai theo cơ chế thị trường, tiến tới xóa bỏ bao cấp trong quản lý, sử dụng đất đai; thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất khi giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất; định giá đất theo nguyên tắc phù hợp với cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước; Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất; công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý, sử dụng đất; thiết lập sự bình đẳng trong việc tiếp cận đất đai; hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai đối với khu vực nông nghiệp.

    Về khoáng sản, các chủ trương về điều tra cơ bản địa chất khoáng sản được thể chế hóa trong các văn bản hướng dẫn Luật Khoáng sản 2010. Quy hoạch khoáng sản đã được quy định rõ hơn, bao gồm: quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Để tăng cường việc sử dụng hiệu quả, Quốc hội đã điều chỉnh thuế tài nguyên; cơ chế đấu giá quyền khai thác, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản được ban hành. Các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia đã được xác định; Chính phủ đã quy định chặt chẽ về khai thác cát, sỏi lòng sông.

    Về tài nguyên nước, công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước tiếp tục được quy định, hướng dẫn chi tiết cụ thể hơn đối với nước mặt, nước dưới đất; nhiều hướng dẫn về kỹ thuật điều tra, lập bản đồ chất lượng nước đã được ban hành. Việc khai thác, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả được quy định tại Luật Trồng trọt 2018 (về sử dụng nước tưới), Luật Thủy lợi 2017 (về quy hoạch thủy lợi; tích nước, điều tiết nguồn nước), Luật Quy hoạch 2017. Các quy định về ưu đãi đối với hoạt động sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả; về thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; hạn chế khai thác nước dưới đất cũng được ban hành. Các quy định về hành lang bảo vệ nguồn nước; tăng cường kiểm soát ô nhiễm nguồn nước; giám sát khai thác, sử dụng nước; đánh giá sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ đã tăng cường công tác bảo vệ tài nguyên nước. Chủ động hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế trong việc bảo vệ nguồn nước xuyên quốc gia và đã được thể chế hóa tại Luật Thủy lợi 2017.

    Về tài nguyên rừng, Luật Lâm nghiệp 2017 đã quy định chi tiết, cụ thể hơn về công tác điều tra cơ bản tài nguyên rừng; các nội dung của quản lý, bảo vệ, phát triển rừng như: nguồn lực, nguyên tắc chuyển mục đích đất rừng, trồng rừng thay thế, đóng cửa rừng tự nhiên. Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp 2017 cũng đã quy định chi tiết về chính sách đầu tư bảo vệ và phát triển rừng.

    Về tài nguyên biển, Luật Tài nguyên, môi trường  biển và hải đảo 2015 đã quy định cụ thể các yêu cầu, hoạt động, tổ chức chương trình, trách nhiệm, thống kê đối với hoạt động điều tra cơ bản. Luật Thủy sản 2017 đã quy định về điều tra, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản cũng như bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Việc khai thác, sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên biển và hải đảo là nội dung trọng tâm xuyên suốt của Luật Tài nguyên, môi trường  biển và hải đảo 2015; trong đó đã quy định rõ về chiến lược; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ. Luật Thủy sản 2017 cũng đã ban hành các quy định về hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản trên biển; giấy phép khai thác thủy sản; khai thác thủy sản ngoài vùng biển Việt Nam; khai thác thủy sản bất hợp pháp; về công tác kiểm ngư. Hiện nay, Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được xây dựng.

    2. Một số giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu tới năm 2030, tầm nhìn 2050

    Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã được quan tâm, chú trọng và có nhiều chuyến biến tích cực. Môi trường được coi là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thể chế, chính sách được hoàn thiện thêm một bước với những tư duy mới, phù hợp với xu hướng của thời đại. Cơ sở, nền tảng pháp lý cho nền kinh tế xanh đã được thiết lập; tăng trưởng kinh tế đã giảm dần sự phụ thuộc vào tài nguyên khoáng sản; các mô hình kinh tế xanh được triển khai rộng rãi; năng lượng tái tạo đã có bước phát triển vượt bậc. Kinh tế tuần hoàn đã được thể chế hóa, tạo lập các điều kiện để phát triển. Việt Nam được đánh giá là nước có kết quả tốt so với các quốc gia khác trong việc đạt được các kết quả phát triển xã hội với mức độ vượt qua giới hạn về sinh thái.

    Biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, áp lực gia tăng dân số tiếp tục là những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, có tác động trực tiếp đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu trong thế kỷ XXI. Ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường có ý nghĩa sống còn, quyết định đến sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Mục tiêu giảm mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050 đang được cả thế giới ưu tiên thực hiện. Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi xanh, chuyển dịch năng lượng công bằng, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát thải các-bon thấp đã và đang được coi phương thức phát triển bền vững; bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học đang được thế giới quan tâm xây dựng, triển khai và thực hiện.

    Vì vậy, các giải pháp tiếp tục thực hiện Nghị quyết tới giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050 cần phải dựa trên các quan điểm, định hướng phù hợp với bối cảnh phát triển mới, đó là:

    Ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là cơ sở, tiền đề cho hoạch định đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội; là quyền lợi và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội.

    Ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường phải dựa trên đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, chuyển đổi số, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, thân thiện với môi trường, thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.

    Biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, là thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ XXI. Ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường phải là ưu tiên cao nhất trong các quyết định phát triển, đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường là đầu tư phát triển bền vững; chú trọng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai.

    Môi trường không chỉ là không gian sinh tồn của con người mà còn là điều kiện, nền tảng, yếu tố tiên quyết cho phát triển kinh tế, xã hội bền vững. Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững; lấy bảo vệ sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu. Không đánh đổi tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tăng cường bảo vệ môi trường phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự nhiên; chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm lớn; kết hợp khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phục hồi hệ sinh thái.

    Tài nguyên là tài sản quốc gia, là nguồn lực, nguồn vốn tự nhiên quan trọng để phát triển đất nước. Tài nguyên phải được đánh giá đầy đủ các giá trị, định giá, hạch toán trong nền kinh tế, được quản lý, bảo vệ chặt chẽ; khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh tài nguyên. Chú trọng phát triển, sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu mới, tái chế, thân thiện với môi trường.

    Đến năm 2030, về cơ bản, cần chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính; có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững; ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Đến năm 2050, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, đạt phát thải khí nhà kính ròng bằng “0”; khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững tài nguyên; bảo đảm chất lượng môi trường sống và cân bằng sinh thái, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về môi trường tương đương với mức hiện nay của các nước công nghiệp phát triển trong khu vực. Vì vậy, cần tiếp tục tập trung các giải pháp: (i) Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các đoàn thể chính trị - xã hội; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp; (ii) Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; (iii) Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; (iv) Huy động nguồn lực trong nước và quốc tế cho ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; (v) Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ứng dụng khoa học, công nghệ, thành tựu của CMCN 4.0; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu tiên tiến; (vi) Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

    Việc triển khai các giải pháp chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai cực đoan; yêu cầu về quản lý chặt chẽ, sử dụng hợp lý, hiệu quả đất đai, tài nguyên; bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường, đang đặt ra nhiều thách thức trong giai đoạn mới. Việt Nam cần tiếp tục kiên trì đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế các-bon thấp, dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, đổi mới, sáng tạo, khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ

Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ TN&MT

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2023)

Ý kiến của bạn