Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Mô hình quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ehi-rovipuka, Namibia

09/10/2019

     Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Ehi-rovipuka được thành lập vào tháng 1/2001, có nghĩa là “nơi của động vật hoang dã”. KBTN nằm trên một cao nguyên dọc theo ranh giới phía Tây của Vườn quốc gia Etosha, Namibia, với tổng diện tích 1.975 km². KBTTN có hệ thống phức tạp bao gồm các yếu tố tự nhiên và xã hội trong mối quan hệ tương tác với nhau nên việc tiếp cận sinh thái nhân văn trong mối quan hệ giữa con người và môi trường là trung tâm cho các hoạt động bảo tồn. Bài viết xem xét kinh nghiệm quản lý KBTTN Ehi-rovipuka từ đó rút ra một số bài học kinh nghiệm cho việc quản lý các khu bảo tồn thiên nhiên ở Việt Nam.

     Đặc điểm tự nhiên của KBTTN Ehi-rovipuka

     KBTTN có hình dạng không đều trải dài 100 km từ Bắc tới Nam, với chiều rộng thay đổi lên tới khoảng 20 km. Độ cao dao động từ khoảng 1.400 m so với mực nước biển dọc theo ranh giới phía tây, được đánh dấu bằng những ngọn đồi bị chia cắt đến địa hình thoai thoải hơn khoảng 1.200 m so với mực nước biển dọc theo ranh giới phía đông được chia sẻ với Vườn quốc gia Etosha. Hầu như toàn bộ KBTTN nằm trong thượng nguồn của lưu vực sông Hoanib. Một số nhánh của sông Hoanib chảy từ đông sang tây, đáng chú ý là sông Ombombe và phụ lưu của sông Otjovasandu, cũng như sông Otkawerongo ở phía bắc. Đây là những dòng phù du, hình thành hành lang động vật hoang dã quan trọng cho động vật hoang dã, gia súc và con người, nơi tập trung các suối và thảm thực vật ven sông. Otjokavare, ngôi làng chính của KBTTN, nằm gần những con suối trên sông Otkawerongo. Lượng mưa hàng năm dao động từ khoảng 250 - 350 mm/năm với lượng mưa cao hơn ở rìa phía đông, giảm dần về phía tây. Hạn hán xuất hiện thường xuyên, đa số đất KBTTN là bán khô cằn tầng đất mỏng nghèo dinh dưỡng, nhiều khu vực trơ sỏi đá, thực vật chiếm ưu thế là cây bụi hỗn hợp, rừng cây lá rộng hỗn hợpvà cỏ. Các bồn trũng nhỏ phân tántrong toàn bộ khu bảo tồn tích trữ nước cho sự sống tại đây.

     Có khoảng 30 ngôi làng khác nhau, đa số nằm ở phía bắc của KBTTN. Dân số khoảng 2.500 người, mật độ dân cư từ 1-10 người/km², mật độ lớn tập trung ở làng lớn như Otjokavare. Hầu hết các làng đều có quy mô nhỏ, từ 50 - 100 người, bao gồm một vài nhóm gia đình mở rộng. Dân làng sống trong những túp lều hình chữ nhật, tường trát bằng hỗn hợp phân gia súc/bùn và lợp bằng tấm kim loại mạ kẽm. Một vài gia đình vẫn đang sống trong những túp lều truyền thống hơn, nhỏ hơn được làm từ những vật liệu tương tự, nhưng có cỏ tròn lợp mái tranh. Trong làng có một số cửa hàng bán những đồ dùng cần thiết nhất và các lỗ khoan nước được chính phủ đầu tư để lấy nước cho cộng đồng. Không có hệ thống phân phối điện hoặc nước trong các làng. Người dân sử dụng các bụi cây thay cho nhà vệ sinh và không có quy định xử lý chất thải rắn.

     Quản lý KBTTN theo hệ thống và tổng hợptiếp cận sinh thái nhân văn

     Trong giai đoạn mới thành lập KBTTN, một tổ tư vấn cộng đồng được thành lập gồm 31 người dân, bao gồm các nhà cầm quyền địa phương và Ban Quản lý KBTTN. Ranh giới của  KBTTN được xác định dựa trên sự thống nhất giữa nhà cầm quyền, Ban Quản lý và cộng đồng địa phương với sự cân nhắc giữa khu vực chăn thả gia súc, canh tác nông nghiệp, nguồn nước cộng đồng và các vấn đề chuyên môn về đa dạng sinh học cũng như khu sinh thái cho động vật hoang dã, quá trình đàm phán này kéo dài trong khoảng 3 năm. Sau đó các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ nghiên cứu, kỹ thuật bảo tồn và doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào du lịch đã tới làm việc và hợp tác với KBTTN.

     Người dân được quyền đăng ký thành viên của KBTTN, họ sẽ có một số quyền lợi nhất định trong khai thác khu bảo tồn. Các thành viên phải có quốc tịch Nambia, sinh sống ít nhất 3 năm tại KBTTN và trên 18 tuổi đồng thời phải ký cam kết tham gia bảo tồn và đồng thuận với mọi điều khoản về quyền lợi cũng như trách nhiệm trong quản lý. Năm 2007,KBTTN Ehi-rovipuka có khoảng 700 thành viên đăng ký tham gia bảo tồn. KBTTN Ehi-rovipuka đưa ra các quy định quản trị cho Ủy ban Quản lý bảo tồn gồm 12 thành viên, được bầu 3 năm một lần bởi toàn bộ thành viên đăng ký tham gia. Các thành viên Ủy ban Quản lý bảo tồn nhận được một khoản trợ cấp nhỏ hàng tháng và là đại diện cho 5 khối làng khác nhau: 2 đại diện cho mỗi khối và thêm 2 thành viên được chỉ định bởi 2 cơ quan truyền thống (TA) có chung lãnh thổ với khu vực bảo tồn Ehi-rovipuka. Ủy ban Quản lý bảo tồn có trách nhiệm phê duyệt các chính sách, dự án và chương trình của khu bảo tồn; chịu trách nhiệm vềtài chính và duy trì tài khoản ngân hàng bảo thủ; bảo tồn phải xây dựng và duy trì các quy định, quy chế bảo tồn; chuẩn bị kế hoạch sử dụng đất và quản lý động vật hoang dã; chuẩn bị kế hoạch phân phối lợi ích và tiến hành các cuộc họp, tham vấn thường xuyên với các thành viên bảo tồn, bao gồm cả cuộc họp thường niên (AGM). Các khối làng được đặt tên theo một loài động vật hoang dã phổ biến trong khu vực khối làng đó. Khối Ongejama (sư tử) và Khối Onojou (voi) phù hợp với bản đồ kiến ​​trúc địa phương về các khu vực sinh sống theo mùa cho hai loài động vật này.

     Chủ tịch Ban Quản lý được bổ nhiệm trong số các thành viên Ủy ban Quản lý được bầu. Mỗi khối làng chọn 30 đại diện tham dự đại hội thường niên của khu bảo tồn. Bộ Môi trường và Du lịch củaNamibia, thông qua một cán bộ khu vực có trụ sở tại Opuwo, làm việc với KBTTN trong vai trò giám sát và hỗ trợ cả về kỹ thuật và tài chính cũng như cơ sở hạ tầng cần thiết liên quan đến việc quản lý. Tại các làng xung quanh KBTTN có những hương ước truyền miệng nhằm giữ gìn tài nguyên.Hương ước được quy định bởi người đứng đầu và không được ghi lại thành văn bản, nhưng được truyền miệng qua mọi thế hệ nên mọi người đều biết các quy tắc. Hương ước quy định chỉ được săn bắn vào mùa đông, không được phép săn bắn con non và con cái trong mùa sinh sản và việc săn bắn phải được sự đồng ý của người đứng đầu trong làng. Việc săn bắn chỉ được phép thực hiện bằng cung tên. Những vi phạm sẽ bị trừng phạt hoặc là bị đánh hoặc phải nộp phạt. 

 

Voi là loài động vật điển hình của khu bảo tồn Ehirovipuka

 

      Vào tháng sáu hàng năm, Ban Quản lý KBTTN hợp tác với các tổ chức phi chính phủ, Bộ Môi trường và Du lịch, tiến hành các cuộc điều tra số lượng cá thể trong khu bảo tồn. KBTTN được phân chia dọc theo 5 tuyến đường với chiều rộng khoảng 0,32km và diện tích khoảng 1.417 km2.Khu vực cóđồi, núi gồ ghề chiếm khoảng 28% diện tích bảo tồn tổng thể, tương đương 562 km². Do đó, số lượng cá thể của khu này sẽ thấp hơn cho số lượng tổng thể và có thể dùng làm căn cứ để thiết lập giới hạncho sự bảo tồn. Số lượng động vật được đếm dọc theo các tuyến đường như vậy kết hợp thêm một số phương pháp khác từ đó ước tính số lượng cá thể. Dựa trên số lượng động vật hoang dã do các cuộc điều tra hàng năm, Ban Quản lý KBTTN đề xuất kinh phí quản lý và những hỗ trợ hàng năm tới Bộ Môi trường và Du lịch. Bộ xem xét kết quả điều tra số lượng cá thể từ đó cấp kinh phí cũng như hỗ trợ kỹ thuật hàng năm cùng với sự phối hợp của 1 số tổ chức phi chính phủ. Bộ cũng đặt ra kế hoạch 5 năm cho công tác bảo tồn. Ngoài ra, một số loài có giá trị cao, bao gồm tê giác đen, sư tử và impala mặt đen được giám sát bởi các chuyên gia loài làm việc sử dụng công nghệ theo dõi vệ tinh, bẫy ảnh.

     Để quản lý hiệu quả KBTTN, cán bộ quản lý áp dụng phương pháp bản đồ nhằm xem xét mức độ nắm bắt của cộng đồng đối với đời sống hoang dã trong khu bảo tồn và lập thành các bản đồ riêng rẽ, cụ thể:

     Bản đồ kiến ​​thức địa phương về phân phối động vật theo mùa và sự cố săn trộm được chuẩn bị bởi ba người dân hiểu biết về động vật hoang dã (ĐVHD) và có trách nhiệm cao trong công tác quản lý KBTTN.

     Bản đồ kiến ​​thức địa phương về thực phẩm đồng ruộng và phân phối cây thuốc cũng được chuẩn bị bởi ba phụ nữ trong làng. Bản đồ này đã được các em học sinh của Trường tiểu học Kephas Muzuma đã hoàn thành dưới góc độ là một bài tập để tìm hiểu về động vật hoang dãvà nhận thức của khu bảo tồn trong giới trẻ. Từ các bản đồ trên, cán bộ chuyên môn có thể chỉ ra những thiếu xót hoặc những nhận thức chưa đúng đắn trong cộng đồng từ đó, đề xuất một bản đồ hoàn chỉnh trong đó có kinh nghiệm của người dân kết hợp kiến thức chuyên gia.

     Bản đồ kiến ​​thức địa phương về dữ liệu ĐVHD ở cấp độ bảo tồn nhằm xác định xem những thay đổi trong phân bố và chuyển động của ĐVHD theo mùa có thể được phát hiện bởi dân làng ở quy mô bảo tồn hay không. Bản đồ phân bố ĐVHD được trình bày rõ ràng, với biểu tượng và màu sắc được sử dụng để phân biệt các loài, hai mùa khác nhau và dữ liệu điểm của các sự cố ĐVHD đồng thời thể hiện rõ khu vực cư trú của các loài đó và cho hai mùa. Những thay đổi trong phân phối động vật hoang dã theo mùa từ mùa hè sang mùa đông có thể được phát hiện ở cấp độ bảo tồn.  Ví dụ, sư tử và voi di chuyển nhiều hơn và phân tán lớn hơn trong mùa đông. Linh dương thì ngược lại, chúng tập trung vào những cánh đồng cỏ xanh trong những cơn mưa và phân tán thành những đàn nhỏ hơn trong mùa khô.

     Mặc dù, có sự thay đổi trong các chi tiết lập bản đồ riêng lẻ, tất cả các bản đồ đều hiển thị một số kiểu phổ biến về sự xuất hiện của các loài. Ví dụ, linh dương luôn được hiển thị là chiếm ưu thế ở phía Bắc của KBTTN. Đây là một khu vực ít hiểm trở hơn, phù hợp với mô tả các điều kiện môi trường sống ưa thích cho linh dương. Các khu vực mà sư tử được nhìn thấy rõ nhất được thể hiện nhất quán dọc theo phía Đông Nam của KBTTN. Các sự cố động vật hoang dã trong giai đoạn 2001/2002 - 2006/2007 chủ yếu là các cuộc tấn công vào vật nuôi, cây trồng và các công trình công cộng như lỗ khoan nước của cộng đồng. Dữ liệu thu được từ quá trình lập bản đồ cộng đồng chỉ cho thấy một vài sự cố săn trộm, từ 6 đến 10 về số lượng 2001/2002 và từ 0 đến 10 trong năm 2006/2007 và số liệu này trùng khớp với số liệu chính thống của Ban Quản lý KBTTN. Số lượng các sự cố săn trộm được ghi nhận tương quan tốt với các kết quả lập bản đồ địa phương. Các sự cố động vật hoang dã trong các báo cáo tại hiện trường dao động từ 145 đến 279 vụ tấn công vật nuôi mỗi năm và chúng chủ yếu là do linh cẩu, sư tử, báo và ở mức độ thấp hơn. Rất ít sự cố thiệt hại mùa màng đã được báo cáo, nhưng voi đã liên quan đến một số trường hợp thiệt hại lỗ khoan nước. Một nghiên cứu về xung đột động vật hoang dã của con người trong KBTTN Ehirovipuka cho thấy những con linh cẩu, báo, cheetah và sư tử xung đột nhiều nhất với con người.

     Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của KBTTN cũng như về đa dạng sinh học được thực hiện rất tốt. Nội dung xoay quanh việc bảo tồn đa dạng sinh học và các khía cạnh liên quan đến quản lý hiệu quả. Các hình thức được đa dạng hóa, từ tập huấn, hội thảo, bản đồ, pano, đưa vào chương trình học cho trẻ em trường tiểu học. Các bản đồ tư duy theo dõi sự phân bố các loài theo mùa, theo dõi việc săn trộm, phân bố cây thuốc trên toàn bộ khu bảo tồn đã kích thích tư duy và khả năng quan sát của người dân địa phương. Các làng đều được đặt tên theo các loài động vật có nơi cư trú gần với làng nhất. Theo Arthur Hoole (2008), có tới 80% dân số cho rằng khu bảo tồn rất quan trọng cho đời sống của họ, chỉ 20% cho rằng khu bảo tồn ít quan trọng, và không ai phủ định vai trò của KBTTN trong cuộc sống của mình. Trong đó 60% dân số chỉ ra rằng thịt từ động vật hoang dã là lý do cho tầm quan trọng của nó đối với các hộ gia đình, tiếp theo là sinh kế dựa vào khu bảo tồn và cảnh quan thiên nhiên;53 % dân số cho rằng việc kiểm soát nạn săn bắn trộm là nguyên nhân của sự tăng giảm số lượng cá thể động vật hoang dã ngoài ra sinh sản tự nhiên đã được đề cập một lần cũng được đề cập như một nguyên nhân. 

     Các hoạt động sinh kế ở Ehi-Rovipuka tập trung vào chăn nuôi, nhưng bao gồm nhiều hoạt động và nguồn thu nhập khác. Những khu vườn lớn trồng ngô, dưa hấu, đậu và các loại rau khác và tạo thu nhập quan trọng cho người dân. Những hoạt động này được bổ sung bằng thu nhập từ việc làm, lương hưu và kiều hối của chính phủ. KBTTN đã tạo ra các lựa chọn sinh kế mới, cung cấp việc làm trực tiếp và tạo cơ hội. Việc làm và thu nhập trong ngành công nghiệp du lịch và săn bắn động vật. Việc khai thác hợp lý là rất quan trọng, ví dụ số lượng cá thể linh dương được xác định tối thiểu là khoảng 160 con, nhưng thu hoạch tối đa hàng năm cho phép là khoảng 34 con tính chung cả cho thợ săn và sự khai thác của người dân. KBTTN đã sở hữu một trại săn bắn tuyệt đẹp, và một số nhân viên được đào tạo để hướng dẫn những người đăng ký tham gia săn. Chiến lợi phẩm từ thịt động vật nuôi được phân phối cho các hộ gia đình thành viên, các trường học và cơ quan truyền thống. KBTTN cũng đã quyên góp thịt cho các trường học ở các khu bảo tồn khác trong khu vực.

     KBTTN cũng hỗ trợ đi lại cho những người cần đến bệnh viện ở Opuwo và đã tổ chức hỗ trợ tài chính cho quỹ của trường tiểu học tại Otjokavare, cũng như trang bị cho trường các tấm pin mặt trời. Trại Dolomite được thành lập gần KBTTN cung cấp chỗ ở trong Etosha, mở ra các tuyến mới cho du lịch, mang lại lợi ích cho sự bảo tồn. Đồng thời, Bộ Môi trường và Du lịch đã cho phép đặt các nhà nghỉ phục vụ du khách và từ đây mở ra nhiều hướng đi mới cho cộng đồng trong vùng. Từ năm 2001 - 5/2007 doanh thu tích lũy trong tài khoản ngân hàng của KBTTN lên tới gần 700.000 USD từ tất cả sự hỗ trợ của chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, hoạt động du lịch…

     Hiện nay, KBTTN Ehi-Rovipuka là một trong những khu bảo tồn đầu tiên thực hiện Chương trình bảo hiểm tự bảo vệ xung đột động vật của con người (HACCSIS) để cung cấp một số khoản bù đắp tài chính cho những tổn thất từ ​​động vật hoang dã. Thông qua Chính sách quốc gia về quản lý xung đột động vật hoang dã ở người, một hệ thống mới được thực hiện với sự cộng tác của chính phủ. Khu bảo tồn nhận được một khoản tiền bảo hiểm và chịu trách nhiệm thanh toán các khoản bù đắp cho cư dân khi nhận được yêu cầu bồi thường.

     Bài học kinh nghiệm quản lý KBTTNEhi-Rovipukatiếp cận sinh thái nhân văn

     Phong trào bảo tồn thiên nhiên dựa vào cộng đồng tại Namibia được khởi xướng từ năm 1996 và đã xây dựng được hàng loạt các KBTTN được quản lý kết hợp hài hòa các yếu tố sinh thái xã hội. Bắt đầu từ giai đoạn thành lập KBTTN , ranh giới của KBTTN được xác định trong đó có sự đại diện của cộng đồng địa phương và việc phân định ranh giới sao cho đảm bảo mục tiêu bảo vệ đa dạng sinh học mà không phương hại đến đời sống con người nơi đây. Trong quá trình quản lý, có sự kết hợp hài hòa giữa chính quyền địa phương, các tổ chức phi chính phủ, chuyên gia tư vấn và cộng đồng địa phương. Bộ máy quản lý bao gồm tất cả các thành phần như vậy. Việc để người dân đăng ký tham gia bảo tồn và trả lương cho họ là một ý tưởng hay tuy nhiên cần xem xét số lượng thành viên vì việc trả lương sẽ trở thành gánh nặng cho địa phương. Việc đo lường số lượng cá thể động vật hoang dã hàng năm để tạo định mức khai thác là một ý tưởng tốt. Theo quy luật sinh thái, các loài động vật có những giới hạn về số lượng để duy trì quần xã của chúng, nếu sự phát triển quá mức có thể gây ra cạnh tranh thức ăn, giống cái và dẫn đến sự suy giảm, ngược lại nếu khai thác quá mức, số lượng cá thể sẽ không đủ để duy trì sự tồn tại của loài trong khu bảo tồn. Nắm bắt được quy luật như vậy, khu bảo tồn đã tạo ra các trại săn bắn tuy nhiên trong khả năng tái tạo quần thể động vật để lấy thịt cung cấp cho thành viên tham gia bảo tồn, cho công đồng địa phương. Đó là một nguồn lợi lớn nếu biết khai thác hợp lý. Việc sử dụng các bản đồ từ kiến thức của người dân địa phương giúp cho cộng đồng hiểu rõ hơn về sự phân bố động vật theo mùa để có khả năng bảo tồn hiệu quả. Các làng trong khu vực khu bảo tồn đều được đặt tên theo các loài động vật hoang dã mà khu sinh thái của nó gần với làng đó nhất để nhắc nhở cộng đồng về việc bảo tồn đa dạng sinh học. Sinh kế của cộng đồng là mối quan tâm lớn trong khu bảo tồn. Họcó nguồn thu từ trồng trọt, chăn nuôi,tham gia săn bắn và lương quản lý khu bảo tồn, họ có bảo hiểm khi gặp sự cố bởi ĐVHD. Tất cả những việc trên đã tạo ra một khu bảo tồn cân bằng, hài hòa giữa bảo tồn đa dạng sinh học và đa dạng văn hóa.

     Như vậy, việc quản lý KBTTN phải dựa trên những điều kiện cụ thể về tự nhiên và xã hội... Đặc biệt, cần xem xét việc điều phối liên ngành tức là sự kết nối các bên tham gia trong công tác quản lý dựa trên các hệ thống chính sách hiện có. Đồng thời,phải tạo ra một nền kinh tế dựa trên bảo tồn, phù hợp với xu thế tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Có thể nói, mô hình quản lý KBTTN theo tiếp cận sinh thái nhân văn là bài học kinh nghiệm quý cho việc quản lý các KBTTN ở nước ta.

Nguyễn Thị Thu Hà

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 9/2019)

Ý kiến của bạn