Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới từ phong trào Làng mới của Hàn Quốc

08/10/2019

     Hàn Quốc là quốc gia thuộc khu vực Đông Á, nghèo về tài nguyên thiên nhiên, phần lớn diện tích là đồi núi hiểm trở. Nền kinh tế của Hàn Quốc phải dựa vào nông nghiệp trong khi khắp đất nước lũ lụt và hạn hán lại xảy ra thường xuyên. Tuy nhiên, kể từ khi phong trào Làng mới được khởi xướng vào năm 1970, quốc gia này đã có bước phát triển thần kỳ, cất cánh vươn lên trở thành nước có nền kinh tế đứng thứ 4 châu Á và xếp hạng 11 trên thế giới (năm 2018).

     Tại Việt Nam, năm 2010, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được ban hành và thực hiện trên toàn quốc thể hiện quyết tâm của nước ta trong việc cải thiện, nâng cao điều kiện sống của người dân, nhằm cân bằng giữa nông thôn và đô thị. Trong công cuộc xây dựng NTM này, Việt Nam sẽ không thể thành công nếu không học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước trên thế giới. Do có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa cũng như các bối cảnh thực hiện, Việt Nam đang đặc biệt quan tâm đến việc áp dụng mô hình Làng mới của Hàn Quốc vào công cuộc xây dựng NTM.

     Hàn Quốc vươn lên từ đói nghèo, lạc hậu bằng phong trào Làng mới

     Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Hàn Quốc là một trong những nước kém phát triển nhất thế giới, với 70% dân số sống ở nông thôn, cuộc sống nghèo khổ, không có điện, các công trình vệ sinh, y tế... Năm 1969, Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là ông Park Chung Hee đã đến thăm làng Shindo (thuộc CheongDo, tỉnh Gyeongsangbuk) và nhận thấy quang cảnh của làng khác nhiều so với những ngôi làng khác trên đất nước. Đường làng đã được sửa chữa và cầu đã được xây lại sau trận lũ. Ông rất ngạc nhiên khi nghe người dân nói họ tự khắc phục hậu quả vì dân làng Shindo vốn dĩ đời sống rất khó khăn. Nhưng người dân tự biết chuyển đổi cây trồng, siêng năng lao động, giúp nâng cao đời sống, tăng thu nhập. Tìm hiểu thêm một số địa phương khác như Cheongdo, Tổng thống Park Chung Hee nhận ra, viện trợ của Chính phủ là vô nghĩa nếu người dân không nghĩ cách tự giúp chính mình. Vào ngày 22/4/1970, trong cuộc họp với các Bộ trưởng, Tổng thống Park Chung Hee đã đề xuất phong trào “Saemaulundong” (Làng mới).

     “Saemaulundong” theo tiếng Hàn có nghĩa là phong trào đổi mới cộng đồng. Vì phong trào bắt đầu từ nông thôn nên “Saemaulundong” được hiểu là Phong trào đổi mới nông thôn, hay còn gọi là Làng mới, với mục tiêu là nâng cao đời sống nông dân. Phong trào trải qua 3 giai đoạn.

 

Người dân tham gia phong trào Làng mới tại Hàn Quốc những năm 1970

 

     Giai đoạn 1 (từ năm 1970 - 1973), Chính phủ Hàn Quốc hỗ trợ xi măng và dân làng tự xây dựng các công trình: đường giao thông thôn xóm; vệ sinh xóm; xây dựng khu giặt giũ chung; đào giếng nước chung; cải tạo mái nhà từ lợp rạ thành mái ngói, xi măng; làm hàng rào quanh nhà; sửa cầu... Năm 1973, Hàn Quốc đã tiến hành phân loại thôn theo tiêu chuẩn phát triển và sự tham gia của người dân (vốn, công lao động) chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm nhận được sự hỗ trợ khác nhau. “Thôn cơ sở” chưa có sự tham gia của người dân thì nhận được hỗ trợ đối với các dự án cải thiện môi trường và phải nâng cao ý thức người dân. “Thôn tự lực”, người dân tham gia khoảng 50% thì được hỗ trợ các dự án môi trường. “Thôn tự lập” là các thôn có 100% người dân tham gia phong trào, được ưu tiên hỗ trợ các dự án nâng cao thu nhập, phúc lợi văn hóa. Sự đầu tư theo nhóm năng lực đã mang lại kết quả. Năm 1973, còn 31% thôn, xóm ở Hàn Quốc là “Thôn cơ sở” và chỉ có 12% “Thôn tự lập”, đến cuối năm 1978, gần như 100% đạt “Thôn tự lập”. 

     Giai đoạn 2 (từ năm 1974 - 1976), phong trào Làng mới lan tỏa đến các thành phố, từ hộ gia đình tới trường học, công sở, nhà máy. Ba chiến dịch được phát động là: Tinh thần, Cư xử, Môi trường. “Chiến dịch Tinh thần” nhằm xây dựng mối quan hệ thân thiện với láng giềng, kế thừa, phát huy những truyền thống dân tộc và nâng cao ý thức cộng đồng. “Chiến dịch Cư xử” nhấn mạnh tới trật tự công cộng trên đường phố, cách ứng xử tích cực trong làng xóm và công sở, hành vi nơi công cộng. “Chiến dịch Môi trường” tập trung vào vấn đề giữ vệ sinh khu vực sinh sống và làm việc, giữ gìn môi trường đô thị và phát triển màu xanh thành phố, làm sạch các con sông.

     Giai đoạn 3 (từ năm 1977 - 1981) là giai đoạn hoàn thành phong trào Làng mới, từ đó mở rộng phạm vi không gian các dự án, liên kết các làng lại với nhau để cư dân có thể sử dụng cơ sở vật chất tốt hơn. Nếu như những giai đoạn trước, phong trào được dẫn dắt bởi Chính phủ thì trong giai đoạn này, phong trào chuyển sang cho khu vực tư nhân. Ngày 13/12/1980, Đạo luật Thúc đẩy tổ chức Làng mới có hiệu lực, nhằm hỗ trợ các tổ chức tự nguyện được hình thành bởi khu vực tư nhân.

     Tổng kinh phí đầu tư cho các dự án trong phong trào Làng mới là 3.425 tỷ won (tương đương khoảng 3 tỷ USD), trong đó, đóng góp của người dân chiếm 49,4%; nguồn kinh phí hỗ trợ của Chính phủ chỉ 27,8%; phần còn lại là các khoản nông dân vay của các tổ chức tín dụng. Trong vòng 10 năm triển khai Làng mới (từ 1971 - 1980), các dự án đã làm được 61.797 km đường vào thôn; 43.558 km đường trong thôn; 79.516 cầu cống nhỏ; 37.012 nhà văn hóa; 15.559 km đường cống nước thải; 225.000 ngôi nhà được cải tạo và quy hoạch mới cho 2.747 ngôi làng… Thành tích này đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo nông thôn Hàn Quốc.

     Nông thôn kiểu Hàn Quốc: Làn gió mới thổi vào nông thôn Việt

     Bốn mươi năm sau khi phong trào Làng mới bắt đầu được thực hiện ở Hàn Quốc, vào năm 2010, Việt Nam cũng triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Sau 10 năm thực hiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn thay đổi rõ rệt. Đến nay, đã có 4.458 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 4 địa phương đạt 100% số xã đạt chuẩn NTM là Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương và TP. Đà Nẵng. Dù Việt Nam đã đạt được những thành công nhất định, nhưng công cuộc xây dựng NTM là quá trình lâu dài. Trong bối cảnh có những nét tương đồng về văn hóa, hệ giá trị, lối sống giữa Việt Nam và Hàn Quốc cùng những điểm tương đồng trong chương trình phát triển nông thôn giữa hai nước, việc nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của phong trào Làng mới sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tại Việt Nam.

     Bài học thứ nhất, trong phong trào Làng mới ở Hàn Quốc, việc triển khai các dự án phải dựa trên cơ sở xác định sự cần thiết của dự án đối với người dân và cộng đồng địa phương. Dự án phải khai thác, thúc đẩy thế mạnh của địa phương, tác động lâu dài, lan tỏa, đặc biệt là có tính khả thi về tài chính, nhân lực và thời gian. Vận dụng bài học quan trọng này, tùy vào bối cảnh của từng địa phương mà chương trình xây dựng NTM xác định sự cần thiết của các dự án, xây dựng kế hoạch và triển khai dự án. Không nên rập khuôn đồng loạt các dự án ở tất cả các địa phương, vùng miền. Đặc biệt, các dự án phải có tính khả thi; cân nhắc nguồn tài chính, nhân lực và thời gian để tránh việc nợ nần, hoặc tạo gánh nặng cho người dân địa phương.

     Thứ hai, phong trào Làng mới đã mở rộng đơn vị cơ bản của phong trào và phạm vi của các dự án. Nếu như trong giai đoạn trước, các làng riêng lẻ là những đơn vị cơ bản thực hiện phong trào thì trong giai đoạn sau này có sự liên kết giữa các làng để các dự án có thể bao phủ một vùng địa lý rộng lớn. Điều này cho chúng ta một gợi ý quan trọng đối với quá trình thực hiện xây dựng NTM ở Việt Nam là nên coi trọng việc liên kết giữa các xã trong quá trình thực hiện dự án để có thể kết nối nguồn lực và tạo hiệu quả cao.

     Thứ ba, phong trào Làng mới đặc biệt coi trọng liên kết giữa khu vực nông thôn và đô thị để tạo cộng đồng kết nối rộng khắp. Từ gợi ý đó, trong quá trình xây dựng NTM, Việt Nam cần chú trọng đẩy mạnh sự kết nối nông thôn - đô thị trên các phương diện khác nhau, nhất là hoạt động thương mại, tiêu thụ nông sản. Đây là cơ sở quan trọng để có thể gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất ở khu vực nông thôn.

     Năm 2004, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký cam kết hỗ trợ kỹ thuật, tài chính liên quan đến việc phát triển nguồn nhân lực của mô hình thí điểm NTM  và triển khai thí điểm đầu tiên ở làng Lũng Văn (Thái Nguyên). Đến nay, Quỹ Toàn cầu hóa Saemaul tiến hành xây dựng thí điểm 8 làng dự án ở 5 tỉnh: Ninh Thuận, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Thừa Thiên - Huế và Hậu Giang. Tại mỗi làng, đều có văn phòng đại diện của Quỹ và tình nguyện viên để tổ chức kết nối hoặc sinh hoạt cộng đồng. Vì là chương trình hỗ trợ NTM nên các hoạt động đều được phối hợp từ Văn phòng điều phối NTM Trung ương và trực tiếp là Sở NN&PTNT, Phòng NN&PTNT tại các địa phương.

     Phong trào Làng mới là một trong những di sản quan trọng nhất của lịch sử phát triển nông thôn Hàn Quốc. Phong trào này mang ý nghĩa sâu sắc không chỉ với Hàn Quốc mà còn đối với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Là một nước phát triển sau, Việt Nam đã ý thức được tầm quan trọng của việc phát triển nông thôn thời kì hội nhập. Một nửa chặng đường đã đi qua, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của Việt Nam đã và đang đạt được nhiều thành tựu, song cũng tồn tại một số hạn chế. Do vậy, việc nghiên cứu phong trào Làng mới của Hàn Quốc sẽ góp phần quan trọng trong việc cung cấp những kinh nghiệm quý báu cho công cuộc phát triển NTM ở Việt Nam.

 

Nguyễn Việt Cường - Văn Hướng

Bộ Ngoại giao

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 8/2019)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn