Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/03/2024

Kiểm soát ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh

31/05/2019

     Là thủ đô của Trung Quốc và một siêu đô thị trên thế giới, Bắc Kinh có sự phát triển nhanh chóng trong 2 thập kỷ qua. So với 20 năm trước đây, năm 2017, chỉ số GDP, dân số và phương tiện giao thông ở Bắc Kinh tăng mạnh, lần lượt là 1.078%, 74% và 335%. Sự thịnh vượng về kinh tế và phát triển đô thị đã làm chất lượng môi trường của thành phố xấu đi, đặc biệt là chất lượng không khí.

     Để chiến đấu với ô nhiễm không khí, từ năm 1998, Bắc Kinh đã triển khai chương trình kiểm soát ô nhiễm không khí tổng hợp theo từng giai đoạn. Với những nỗ lực đạt được trong kiểm soát ô nhiễm không khí, các thông số ô nhiễm đã giảm qua các năm và chất lượng không khí đã được cải thiện đáng kể. Số liệu quan trắc đã cho thấy, các chỉ số trung bình hàng năm của các thông số SO2, NO2 và PM10 đã giảm tương ứng từ 93.3%, 37.8% và 55.3%.

     Nhằm hiểu rõ hơn về quá trình kiểm soát ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh và đưa ra những bài học kinh nghiệm cho các thành phố đang phát triển, báo cáo tổng hợp về 20 năm hành động vì không khí sạch ở Bắc Kinh được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) thực hiện, tập trung vào những điểm kiểm soát then chốt và các nguồn ô nhiễm chủ yếu.

     Hệ thống quản lý chất lượng không khí hiệu quả

     Để quản lý chất lượng không khí, một hệ thống tổng hợp và luôn được cải thiện đã được thực hiện trong suốt 20 năm qua. Hệ thống này được đặc trưng bởi việc xây dựng và hoàn thiện cơ chế luật pháp và cưỡng chế thực thi có hiệu quả; lập kế hoạch hệ thống; đưa ra các tiêu chuẩn/quy chuẩn địa phương; tăng cường năng lực hệ thống quan trắc; nâng cao nhận thức cộng đồng về môi trường.

     Công cụ kinh tế và các hỗ trợ tài chính: Bắc Kinh đã dần thiết lập một loạt chính sách kinh tế môi trường địa phương, bao gồm công cụ về trợ cấp, phí, giá và các công cụ tài chính khác, để khuyến khích về kinh tế. Cùng với đó là việc tăng mức chi cho các hoạt động kiểm soát ô nhiễm không khí, đặc biệt sau năm 2013, chính quyền đã thể hiện rõ tham vọng trong kiểm soát ô nhiễm không khí.

     Hệ thống quan trắc chất lượng không khí hiệu quả: Từ năm 1980, Bắc Kinh bắt đầu xây dựng hệ thống quan trắc chất lượng không khí (AQM). Đến năm 2013, đã có 35 trạm quan trắc chất lượng không khí ngoài trời đã được lặp đặt trên toàn Bắc Kinh, có thể đo kiểm được 6 chất ô nhiễm chính như thông số bụi mịn PM2.5 và O3. Năm 2016, kết hợp các công nghệ tiên tiến như viễn thám vệ tinh và radar laser, một mạng lưới quan trắc chất lượng không khí tổng hợp mới đã được thiết lập. Mạng lưới kiểm soát bụi mịn PM2.5 ở Bắc Kinh đã sử dụng tới trên 1.000 thiết bị, rải khắp thành phố để nhận diện chính xác khu vực và thời gian phát thải cao.

     Giảm phát thải từ các nguồn đốt than đá: Đốt than là nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí chính ở Bắc Kinh trong thời gian qua. Thành phố đã liên tục thúc đẩy kiểm soát cuối đường ống và điều chỉnh cấu trúc năng lượng trong vòng 20 năm qua, tập trung vào các nhà máy điện, các nồi hơi đốt than đá và sử dụng than dân dụng, đồng thời kiểm soát các nguồn ô nhiễm, đã đem lại những tiến bộ đáng kể. Cụ thể như các nhà máy nhiệt điện than, Bắc Kinh đã thực hiện chính sách chuyển “than đá sang ga” từ năm 2005 và giảm lượng than đốt gần 11 triệu tấn vào năm 2017. Các thiết bị xử lý khí thải hiệu quả cao liên tục được cải tiến và tiêu chuẩn phát thải thấp bắt buộc áp dụng trong giai đoạn này. Đến năm 2017, mức phát thải PM2.5, SO2 và NOx đã giảm tương ứng 97%, 98% và 86% so với 20 năm trước đây, đem lại những lợi ích đáng kể cho môi trường và sức khỏe con người.

     Kiểm soát phát thải phương tiện giao thông: Ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm từ các phương tiện giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng của việc kiểm soát ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh. Tập trung vào các phương tiện mới, phương tiện đang sử dụng và chất lượng nhiên liệu, Bắc Kinh đã thực thi một loạt các tiêu chuẩn phát thải địa phương và biện pháp kiểm soát tổng hợp, cũng như tăng cường kiểm soát hệ thống giao thông và sử dụng các đòn bẩy kinh tế. Khung chương trình tổng hợp “Xe - Nhiên liệu - Đường” được xây dựng. Quan trọng hơn, một hệ thống vận tải công cộng quy mô lớn đã được xây dựng và vận hành, cho phép người dân dần dần hình thành thói quen sử dụng phương tiện xanh và ít phát thải các-bon.

 

Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc

 

     Kiểm soát ô nhiễm chuyên sâu: “Kế hoạch hành động vì không khí sạch Bắc Kinh 2013-2017” là một chương trình kiểm soát có hệ thống và toàn diện. Năm 2017, chỉ số bụi mịn PM2.5 trung bình năm đã đạt mức 58µg/m3- giảm 35.6% so với năm 2013, đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng không khí. Bên cạnh đó là các biện pháp kiểm soát nồi hơi đốt than, nhiên liệu sạch trong dân dụng và tối ưu hóa cơ cấu công nghiệp. Trong thời gian từ năm 2013-2017, phát thải SO2, NOx, VOCs và PM2.5 giảm tương ứng với tỷ lệ 83%, 43%, 42% và 55%.

     Phối hợp trong kiểm soát ô nhiễm: Bên cạnh việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn, Bắc Kinh đã tích cực tìm kiếm các giải pháp hợp tác trong kiểm soát ô nhiễm không khí với khu vực xung quanh. Cuối năm 2013, Bắc Kinh đã chủ trì việc thành lập cơ chế hợp tác ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc và khu vực xung quanh với sự hỗ trợ từ Hội đồng Nhà nướcTrung Quốc. Năm 2017, Bộ BVMT đã xác định 28 thành phố ở Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc và khu vực xung quanh là kênh vận chuyển ô nhiễm không khí. Nhờ có kế hoạch hợp tác, tiêu chuẩn thống nhất, các ứng phó khẩn cấp, chia sẻ thông tin mà chất lượng không khí của cả khu vực được cải thiện đáng kể. Chỉ số bụi mịn PM2.5 trung bình năm của Bắc Kinh- Thiên Tân- Hà Bắc và khu vực xung quanh đã giảm gần 25% trong thời gian từ năm 2013-2017.

     Kinh nghiệm, thách thức và triển vọng

     Sự cải thiện chất lượng không khí đáng kể này đã được thực hiện dưới sự phát triển kinh tế và xã hội của thành phố. Trong vòng 20 năm qua, GDP của Bắc Kinh được duy trì ở mức tăng trưởng trên 6,5% mỗi năm, và tăng tổng cộng là 10,8 lần. Năm 2017, chỉ số GDP trên đầu người đã vượt mức 20 ngàn đô la. Trong khi đó, cường độ năng lượng chỉ số phát thải CO2 trên một đơn vị GDP (kg CO2/10.000 tệ) có xu hướng giảm. Các hành động vì không khí sạch đã góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội chất lượng cao. Lĩnh vực môi trường, bao gồm các dịch vụ quan trắc, kiểm soát ô nhiễm, tư vấn kỹ thuật liên tục phát triển cùng với các chiến dịch kiểm soát ô nhiễm tăng cường ở Trung Quốc. Tổng sản lượng của ngành môi trường đạt tới 1,35 tỷ nhân dân tệ trong năm 2017 với hơn 20% số đó là đóng góp từ các doanh nghiệp môi trường ở Bắc Kinh (Hiệp hội BVMT Trung Quốc, 2018). Công nghiệp môi trường là ngành được ưu tiên phát triển ở Bắc Kinh và đang tạo ra nhiều cơ hội việc làm.

     Mặc dù tính chất phức tạp của ô nhiễm không khí ở Bắc Kinh có đặc thù riêng theo tiến trình phát triển của thành phố, tuy nhiên, thành tựu đạt được về kiểm soát ô nhiễm không khí có thể đóng góp cho cấu trúc quản lý đô thị ở một khía cạnh nào đó có tính tương đồng. Có thể nói, chìa khóa cho sự phát triển bền vững địa phương là cam kết mạnh mẽ, mục tiêu rõ ràng, được hỗ trợ bởi công cụ luật pháp, chính sách, kế hoạch và cưỡng chế tuân thủ có hiệu quả. Ngay cả khi chất lượng không khí đã có sự cải thiện đáng kể, Bắc Kinh và các khu vực xung quanh vẫn phải đối mặt với áp lực và thách thức về kiểm soát ô nhiễm không khí trong thời gian tới. Năm 2017, chỉ số bụi mịn PM2.5 ở Bắc Kinh vẫn cao hơn 66% so với tiêu chuẩn chất lượng không khí xung quanh của Trung Quốc và thậm chí còn cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (10µg/m3 đối với PM2.5). Hơn nữa, chỉ số ôzon (O3) vẫn chưa được kiểm soát một cách có hiệu quả trong những năm gần đây. Sự cải thiện liên tục của môi trường không khí vẫn cần những nỗ lực không ngừng nghỉ và nỗ lực lớn hơn trong tương lai.

     Các lựa chọn tiếp theo cho tương lai: Cân nhắc kiểm soát tổng hợp ô nhiễm bụi mịn PM2.5 và O3; Tối ưu hóa cấu trúc năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả đồng thời với sự phát triển các bon thấp, nhằm đạt được cả mục tiêu về chất lượng không khí và ứng phó biến đổi khí hậu trong tương lai; Thực hiện kiểm soát phát thải phương tiện giao thông và tối ưu hóa cấu trúc giao thông đô thị nhằm xây dựng hệ thống giao thông ít phát thải và hiệu quả cao; Tăng cường kiểm soát ô nhiễm diện; Tăng cường hợp tác giữa Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc và khu vực xung quanh; Tích hợp các mục tiêu môi trường của thành phố với các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

     Với những nỗ lực và thành công của Trung Quốc trong kiểm soát ô nhiễm không khí, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc UNEP đã chọn Trung Quốc là nước chủ nhà tổ chức chuỗi hoạt động kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới năm 2019 chủ đề “Ô nhiễm không khí” với thông điệp “Không thể ngừng thở nhưng chúng ta có thể làm cho chất lượng không khí tốt hơn để thở”. Thông qua chủ đề này, UNEP mong muốn các chính phủ, ngành công nghiệp, cộng đồng và cá nhân cùng nhau phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ xanh, cải thiện chất lượng không khí ở các thành phố và khu vực trên toàn thế giới.Với việc đăng cai tổ chức Ngày Môi trường thế giới năm 2019, Trung Quốc có cơ hội để chia sẻ những kinh nghiệm tốt, sáng kiến và tiến bộ đạt được hướng tới một môi trường trong sạch hơn.

 

Lê Thị Hường

Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

 

Một số thông tin về ô nhiễm không khí:

Khoảng 7 triệu người trên toàn thế giới chết sớm mỗi năm do ô nhiễm không khí, trong đó có 4 triệu ca tử vong xảy ra ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

92% người dân trên toàn thế giới không được hít thở không khí trong lành.

Ô nhiễm không khí gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu 5 tỷ đô la.

Ước tính ô nhiễm ôzôn trên mặt đất sẽ làm giảm 26% năng suất cây trồng chủ lực vào năm 2030.

 

 

                          

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn