Banner trang chủ

INSEE VIỆT NAM: Kinh tế tuần hoàn là cơ hội tốt để phát triển các doanh nghiệp bền vững

02/11/2022

    Trong thời gian vừa qua, việc áp dụng thành công giải pháp đồng xử lý rác thải không thể tái chế làm nhiên liệu thay thế trong các lò nung xi măng tại INSEE Việt Nam đã gửi đi một thông điệp hy vọng về tương lai của ngành xi măng Việt Nam có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải khí nhà kính (GHG) và ngăn chặn chất thải nhựa xâm nhập vào đại dương. Để tìm hiểu về giải pháp này, Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Bruno Fux - Giám đốc INSEE Ecocycle và Phát triển bền vững INSEE Việt Nam.

    PV: Thưa ông, ông có thể giới thiệu về INSEE Việt Nam và những kết quả mà INSEE Việt Nam đã đạt được trong công tác BVMT?

    Ông Bruno Fux: INSEE Việt Nam luôn đặt cam kết BVMT là một trong những mục tiêu hàng đầu song hành cùng hoạt động sản xuất xanh và kinh doanh bền vững. Trong suốt quá trình hoạt động, Công ty luôn thực hiện đánh giá và đo lường các tác động đến môi trường, liên tục cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực nhằm đưa đến các giải pháp quản lý chất thải tối ưu, đặc biệt tuân thủ các quy định pháp luật tại Việt Nam. INSEE Việt Nam đã và đang thực hiện các giải pháp giảm thiểu khí nhà kính và BVMT thông qua việc kiểm soát tối đa chất thải và khí thải. INSEE Việt Nam còn là doanh nghiệp tiên phong có toàn bộ danh mục sản phẩm đạt chứng nhận "Nhãn xanh" do SGBC (Hội đồng Công trình Xanh Singapore) và VGBC (Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam) phê chuẩn giúp đáp ứng các yêu cầu từ những hệ thống đánh giá uy tín như LEED, Lotus, Green Mark và là doanh nghiệp sản xuất xi măng đầu tiên tại Đông Nam Á nhận chứng chỉ EPD quốc tế (Environmental Product Declaration - Tuyên bố sản phẩm môi trường). Bên cạnh đó, Công ty đã hoạch định các Dự án Phục hồi mỏ, đem đến những kế hoạch bồi hoàn đa dạng sinh học cho các mỏ đang khai thác như thực hiện các dự án hỗ trợ Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Phú Mỹ và thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên núi đá vôi tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang cùng Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN tại Việt Nam.

Ông Bruno Fux - Giám đốc INSEE Ecocycle và Phát triển bền vững INSEE Việt Nam

    Nhìn lại chặng đường không ngừng nghiên cứu và phát triển, INSEE Ecocycle (Giải pháp đồng xử lý chất thải tại INSEE Việt Nam) tự hào gặt hái được nhiều thành tựu xuất sắc, cụ thể như trở thành đơn vị đầu tiên tại Việt Nam xử lý dầu nhiễm PCB thuộc danh mục các chất thải nguy hại, được cấp phép bởi Bộ TN&MT; là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam xử lý khí HCFC - loại khí gây ra hiện tượng ấm lên toàn cầu; Xử lý hoàn toàn triệt để hơn 1.600.000 tấn chất thải nguy hại và không nguy hại, tương đương với việc giảm thiểu hơn 1.500.000 tấn khí thải nhà kính ra môi trường. Điều này cũng có nghĩa là INSEE Ecocycle đã giúp 1,6 triệu tấn chất thải này không phải đưa đến các bãi chôn lấp. Hiện tổng giá trị đầu tư cho INSEE Ecocycle cho đến nay là 12 triệu đô la Mỹ.

    PV: Xin ông chia sẻ về phương pháp đồng xử lý chất thải được áp dụng tại INSEE Ecocycle?

    Ông Bruno Fux: INSEE Ecocycle là một trong những đơn vị tiên phong và uy tín trong lĩnh vực xử lý chất thải tại Việt Nam thông qua công nghệ đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng. Chúng tôi sẽ làm việc với khách hàng để thiết kế các dịch vụ xử lý chất thải toàn diện, từ tư vấn đánh giá chất thải cho đến cách thức tiêu hủy triệt để, phù hợp với tình hình phát sinh chất thải của khách hàng.

    Đội ngũ INSEE Ecocycle luôn sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn xử lý chất thải hiệu quả để đảm bảo hoạt động xử lý chất thải của khách hàng tuân thủ đúng pháp luật, đảm bảo an toàn, sức khỏe cho nhân viên cũng như cung cấp giải pháp thân thiện với môi trường trong quá trình quản lý và xử lý chất thải. Trước khi đưa ra giải pháp xử lý, chúng tôi sẽ phân tích chất thải bằng thiết bị máy móc hiện đại nhằm xác định đặc điểm, tính chất của chất thải để đưa ra các cảnh báo về hướng dẫn thao tác, bao bì lưu trữ, cách thức xử lý nhằm đảm bảo an toàn tại kho khách hàng. Sau đó sẽ tiến hành xây dựng phương án thu gom, vận chuyến chất thải an toàn bởi đội ngũ giám sát, lái xe được huấn luyện chuyên nghiệp và trang bị đầy đủ trang thiết bị bảo hộ. Chất thải được thu gom và vận chuyển an toàn về cơ sở xử lý. Khách hàng có thể giám sát lộ trình vận chuyển qua hệ thống định vị trực tuyến (GPS online).

Nhà máy tích hợp công nghệ cao của INSEE tại huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang

    Việc xử lý chất thải phải tuân theo hướng dẫn cụ thể cho từng loại. Đối với chất thải lỏng, chúng tôi sẽ trung hòa khi dòng chất thải vượt ngưỡng quy chuẩn và phối trộn các chất thải có tính tương đồng với nhau vào bể chứa có thể tích lớn để đạt tính đồng nhất. Sau đó hệ thống tự động sẽ bơm chất thải vào lò nung và xử lý hoàn toàn triệt để. Đối với chất thải rắn, chúng tôi sẽ trộn thành từng mẻ, sàng lọc và cắt nhỏ để đảm bảo chất thải đồng nhất trước khi đưa vào hệ thống nạp tự động (ATS box). Với quy trình nạp chất thải tự động, hiện đại và khép kín giúp hạn chế tiếp xúc của con người, đảm bảo an toàn, giảm thiểu phát tán bụi và mùi trong quá trình nạp chất thải. Lò nung xi măng là công nghệ có một số tính năng phù hợp để trở thành một giải pháp bền vững giúp xử lý các chất thải không thể tái chế. Trong lò nung, nhiệt độ ngọn lửa có thể lên tới 2.000°C, đủ cao để phá hủy hoàn toàn mọi hợp chất hữu cơ và tái chế an toàn các hợp chất vô cơ. Các loại chất thải như dung môi hoặc bùn từ các nhà máy hay chất thải rắn (nhựa, cao su) sẽ được xử lý an toàn với môi trường. Quá trình đồng xử lý này là một giải pháp lý tưởng để xử lý các chất thải không thể tái chế một cách an toàn và triệt để. Trong nhiều năm, đồng xử lý đã được phát triển như một quy trình hiệu quả, thân thiện với môi trường, giúp tiết kiệm nhiên liệu không tái tạo, giảm lượng khí thải các-bon từ các nhà máy xi măng và đồng nghĩa với việc giảm nhu cầu chôn lấp chất thải.

    PV: Ông có suy nghĩ gì về nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay nói chung và ngành xi măng nói riêng?

    Ông Bruno Fux: Hiện nay, nền kinh tế tuần hoàn và sản xuất xanh đang được quan tâm ở Việt Nam. Không chỉ ở các cấp lãnh đạo, mà mỗi cá nhân trong chúng ta đều đóng vai trò là một mắt xích quan trọng trong nền kinh tế tuần hoàn. Tất cả các đóng góp được thực hiện ở cấp độ cá nhân sẽ mang đến những tác động lớn trong xã hội. INSEE Việt Nam nhận thấy, nền kinh tế tuần hoàn là một cơ hội tốt để phát triển các doanh nghiệp bền vững. Sự phát triển mang tính bền vững đôi khi phải đối mặt với nhiều khó khăn trong một thời gian ngắn nhưng trong dài hạn sẽ là giải pháp hiệu quả hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Đi từ nền kinh tế tuyến tính thông thường sang kinh tế tuần hoàn sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh, nhưng cần phải có sự phối hợp giữa các ngành với nhau.

    Xi măng là vật liệu xây dựng cơ bản được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới, hiện chưa có sản phẩm thay thế. Với vai trò là nguyên liệu đầu vào chính cho các ngành kinh tế lớn khác như bất động sản, xây dựng, đầu tư công, ngành xi măng được xem là ngành công nghiệp trụ cột, góp phần công nghiệp hóa, thúc đẩy quá trình đô thị hóa của một số quốc gia. Tuy nhiên, giống như nhiều ngành công nghiệp khác, sản xuất xi măng và các sản phẩm của ngành, tiêu thụ một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên như điện năng và khoáng sản. Định hướng phát triển theo mục tiêu nền kinh tế tuần hoàn mang đến những tiến bộ của khoa học và công nghệ, mở đường cho những cải tiến mới trong việc giảm thiểu các tác động trong việc sản xuất xi măng đến môi trường, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như thúc đẩy sự cải tiến hướng đến vật liệu bền vững. Nhờ vào những cải tiến đáng kể đã đạt được với việc phát triển của nền kinh tế tuần hoàn cho ngành xi măng, chúng ta đã có thể vừa duy trì sự phát triển của một trong những ngành trọng điểm – xi măng, vừa tối ưu năng lượng tiêu thụ trong sản xuất, giảm thiểu lượng phát thải các-bon… góp phần kiến tạo một một thế giới tốt đẹp và đáng sống hơn.

    PV: Xin ông cho biết, các mục tiêu hướng tới phát triển bền vững của INSEE Việt Nam trong thời gian tới?

    Ông Bruno Fux: Phát triển bền vững là một trụ cột quan trọng trong chuỗi giá trị của INSEE Việt Nam. Với vai trò là một công ty đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, Ban Giám đốc Công ty đã đặt ra nhiều chiến lược với mục tiêu hướng đến nền kinh tế tuần hoàn. Vào năm 2020, Tập đoàn INSEE đã chính thức hóa tham vọng của Doanh nghiệp tầm nhìn đến năm 2030 với ba trụ cột chính (Khí hậu và Năng lượng, Kinh tế tuần hoàn, Đa dạng sinh học và Nước) cùng với hai chủ đề bao quát (Sức khỏe và An toàn, Xây dựng quan hệ tốt với các bên hữu quan). Mỗi quốc gia thành viên của Tập đoàn INSEE đều có lộ trình chi tiết cho từng năm và tiến độ thực hiện từng mục tiêu được Ban Lãnh đạo INSEE theo dõi hàng quý. Trách nhiệm giải trình về việc thực hiện theo kế hoạch phát triển bền vững được giao cho Lãnh đạo cấp cao nhất tại mỗi quốc gia sở tại (Tổng Giám đốc), từ đó INSEE có thể đảm bảo rằng các hoạt động được thực hiện để đạt được tham vọng đã đề ra, điều mà chúng tôi cần thực hiện ngay bây giờ, không chỉ đến năm 2030.

Công nghệ đồng xử lý INSEE Ecocycle tại nhà máy INSEE Hòn Chông, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang

    Trong nền kinh tế tuần hoàn, tham vọng của INSEE Việt Nam là tăng gấp đôi sử dụng vật liệu có nguồn gốc phế thải từ 0,5 triệu tấn đến hơn 1 triệu tấn/năm. Điều này cho thấy, các vật liệu không thể tái chế sẽ không bị đưa vào các bãi chôn lấp (cuối cùng được đưa đến đại dương), mà được chuyển thành nhiên liệu thay thế than trong các nhà máy xi măng của chúng tôi. Sử dụng nguyên liệu tái chế cũng góp phần làm giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, từ đó giảm đáng kể lượng phát thải CO2. Ngoài ra, INSEE Việt Nam cũng sẽ tăng việc sử dụng các sản phẩm phụ từ các ngành công nghiệp khác ít nhất 65% lên 1,4 triệu tấn một năm. Vì vậy, sản phẩm phụ của một ngành (ví dụ xỉ từ ngành thép hoặc tro bay của ngành điện) trở thành thành phần đầu vào của ngành khác (xi măng) - đó là một ví dụ điển hình về kinh tế tuần hoàn tại INSEE. Hiện tại, INSEE Việt Nam có hệ số clinker thấp nhất trong ngành và điều này góp phần đáng kể vào việc thải ra lượng CO2 thấp trên mỗi tấn xi măng sản xuất. Nhìn chung, chúng tôi cam kết sẽ giữ vững vị thế dẫn đầu trên thị trường về phát triển bền vững, vì tương lai mai sau.

    PV: Xin trân trọng cám ơn ông về cuộc trao đổi!

Nguyễn Hằng (Thực hiện)

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 10/2022)

Ý kiến của bạn