Banner trang chủ

Hiệu quả từ mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ sinh học

15/06/2021

     Từ năm 2019, Công ty cổ phần môi trường Lam Sơn đã phối hợp với UBND huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa thực hiện đề tài khoa học “Ứng dụng công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ sinh học”  với tổng kinh phí 2 tỷ. Đến nay, các đơn vị đã nghiên cứu ra mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ vi sinh không gây ô nhiễm môi trường, đây là mô hình chế xuất rác thải sinh hoạt thành hạt nhựa làm nguyên liệu sản xuất đồ nhựa dân dụng và mùn hữu cơ để bón cho cây trồng nông nghiệp, đồng thời góp phần giảm chi phí xử lý rác thải từ ngân sách địa phương.

     Thường Xuân là huyện miền núi khó khăn, trung bình mỗi ngày huyện phát sinh khoảng 50 tấn rác thải sinh hoạt, được thu gom, tập kết về bãi rác trung tâm thị trấn. Do đó, việc thực hiện Đề tài trên đã tìm ra mô hình xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ vi sinh để giảm thiểu khối lượng chôn lấp, cũng như chất đốt, tái tạo nguồn tài nguyên, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tăng thêm hiệu quả kinh tế cho địa phương.

     Ông Nguyễn Duy Bình, Giám đốc Công ty cổ phần môi trường Lam Sơn cho biết, Công ty và UBND huyện Thường Xuân đã phối hợp nghiên cứu ra chủng men mới, nguồn gốc của chủng men này là sự kết hợp của các chủng men được Nhà nước công nhận sau thí nghiệm.Tiếp đó là sử dụng dây chuyền tách lọc rác bằng công nghệ cơ khí kết hợp men vi sinh. Qua đó, tách lọc được ni lông  túi bóng để chế xuất ra hạt nhựa làm nguyên liệu sản xuất đồ gia dụng và lọc được lượng mùn hữu cơ để bón cho cây trồng. Hiện mô hình xử lý rác bằng công nghệ vi sinh có thể xử lý được 50 - 100 tấn rác thải/ngày.

Mô hình xử lý rác thải bằng công nghệ vi sinh không gây ô nhiễm môi trường (Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN)

     Ưu điểm của công nghệ xử lý rác thải bằng chế phẩm sinh học men vi sinh này là không cần nhiều diện tích, đảm bảo môi trường cho công nhân. Sau khi rác được thu gom, vận chuyển về bãi tập kết sẽ được phun men trong 1 - 2 tiếng và xử lý đến khi không còn mùi hôi. 30 ngày sau, rác được đem vào tách lọc ra các sản phẩm hạt nhựa, mùn và các sản phẩm khác.

     Bên cạnh đó, mô hình này có kết hợp với việc nuôi giun quế sống trong rác làm mùn hữu cơ, hiện đã cung cấp ra thị trường 2 sản phẩm đó là mùn dùng bón cho các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao, cây lâm nghiệp và giun quế chiết xuất ra tinh dịch giun để xuất khẩu sang Ấn Độ. Hiện mô hình đã được Sở TN&MT, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao.

     Thời gian tới, UBND huyện Thường Xuân sẽ có kế hoạch nhân rộng mô hình tại các địa phương khác, góp phần giải quyết triệt để vấn đề rác thải cho các huyện của tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.

Nguyệt Minh

Ý kiến của bạn