Banner trang chủ

Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về biến đổi khí hậu và kinh tế tuần hoàn

27/10/2022

    Ngày 27/10/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về biến đổi khí hậu (BĐKH) và kinh tế tuần hoàn (KTTH) dưới sự đồng tổ chức bởi Bộ TN&MT, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Dự án JICA SPI-NDC, trong khuôn khổ quan hệ hợp tác giữa Chính phủ - doanh nghiệp. Tham dự Diễn đàn có ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục BĐKH, Bộ TN&MT; Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD); Ông Yoshitomo Kubo, Phó Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam; ông Koji Fukuda, Cố vấn trưởng Dự án JICA SPI-NDC cùng đại diện các công ty, doanh nghiệp và chuyên gia.

    Diễn đàn này diễn ra cùng thời điểm với chuỗi sự kiện thuộc Diễn đàn doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam (VCSF) do VCCI chủ trì, thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo là Giám đốc điều hành và nhà quản lý của các doanh nghiệp lớn. Đây cũng là bước triển khai tiếp nối thành công của Hội thảo Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong lộ trình thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” được tổ chức vào tháng 6/2022 (chia sẻ thông tin về công tác giảm phát thải khí nhà kính (KNK) giữa các cơ quan, ban, ngành nhà nước và khối tư nhân; tuyên truyền rộng rãi trong khối tư nhân các chính sách liên quan đến BĐKH và giảm phát thải). Mục tiêu chính của Diễn đàn nhằm tạo cơ hội thảo luận về trách nhiệm của doanh nghiệp hướng tới BĐKH và KTTH thông qua thúc đẩy đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm, tăng cường kết nối giữa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp; Thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào các hành động khí hậu thông qua mối quan hệ hợp tác giữa Bộ TN&MT - VCCI - Dự án JICA SPI-NDC và chia sẻ cơ hội cụ thể tại Việt Nam; Làm quen với các hoạt động hỗ trợ của khối tư nhân, đặc biệt là các chương trình đào tạo cho các học viên để lập kế hoạch hành động về BĐKH, KTTH trong khuôn khổ JICA SPI-NDC. Diễn đàn cũng là dịp để các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thảo luận về hoạt động, động lực của doanh nghiệp cũng như những hành động cụ thể mà doanh nghiệp đang thực hiện để ứng phó với BĐKH. Đồng thời, khuyến nghị từ các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ đóng góp cho việc tăng cường tính cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nói chung và mục tiêu trung hòa các bon nói riêng.

Toàn cảnh Diễn đàn

    Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Nguyễn Tuấn Quang, Phó Cục trưởng Cục BĐKH, Bộ TN&MT đã chia sẻ về cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 của Việt Nam tại COP26; Chiến lược, đề án, kế hoạch giảm khí mê-tan; Các văn bản pháp luật được hoàn thiện, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện cam kết nêu trên, bao gồm: Luật BVMT năm 2020; Các nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 quy định về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật BVMT; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT; Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 về Danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê KNK; Thông tư số 01/2022/TT-BTNMT ngày 7/1/2022 của Bộ trưởng Bộ TN&MT quy định chi tiết thi hành Luật BVMT về ứng phó với BĐKH. Bên cạnh đó, quy định về lộ trình các doanh nghiệp phải thực hiện cũng được đề cập như: Cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan phục vụ kiểm kê KNK của năm trước kỳ, báo cáo trước ngày 31/3 kể từ năm 2023; Tổ chức thực hiện kiểm kê KNK, xây dựng báo cáo kiểm kê KNK định kỳ hai năm/lần, kế từ năm 2024 trở đi; Xây dựng, thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải KNK giai đoạn từ năm 2023 đến hết năm 2025 phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của cơ sở; Từ năm 2026, bắt buộc phải giảm phát thải KNK theo hạn ngạch; Thị trường các bon…

    Ông Nguyễn Tuấn Quang cho rằng, Diễn đàn là cơ hội để các đại biểu chia sẻ chính sách về giảm nhẹ phát thải KNK, kinh nghiệm trong kiểm kê KNK, thực hiện các biện pháp giảm phát thải KNK và hướng dẫn đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) mức giảm nhẹ phát thải KNK của doanh nghiệp. Những kiến thức, kinh nghiệm được chia sẻ tại Diễn đàn sẽ giúp ích cho doanh nghiệp trong việc thực thi hiệu quả các quy định về giảm nhẹ phát thải KNK trong tương lai.

    Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc VBCSD cũng cho hay, tốc độ tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa và công nghiệp hóa của Việt Nam hiện nay vẫn dựa vào năng lượng sản xuất từ nguyên liệu hoá thạch, một nguồn năng lượng phát thải KNK đáng kể. Tuy không đóng góp nhiều vào KNK toàn cầu với tỷ trọng chỉ 0,8% lượng phát thải của thế giới nhưng chỉ trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên là một trong những quốc gia có lượng phát thải KNK bình quân đầu người tăng nhanh nhất trên thế giới. Theo số liệu của WorldBank, trong giai đoạn 2000 - 2015, khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tăng từ 390 USD lên 2.000 USD thì lượng khí thải carbon dioxide (CO2) cũng tăng gần gấp 4 lần. Hơn nữa, phát thải KNK của Việt Nam gắn liền với tình trạng ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe con người và năng suất lao động đang hoành hành tại nhiều thành phố, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

    Vì vậy, theo ông Nguyễn Tiến Huy, để đối phó với xu hướng này, Việt Nam cần thúc đẩy áp dụng mô hình phát triển mới dựa trên tiến trình khử các bon trong quá trình tăng trưởng bằng cách cắt giảm lượng phát thải và phát triển nền kinh tế theo hướng giảm dần các nguồn năng lượng thâm dụng các bon, chuyển đổi sang nền KTTH. Và để thực hiện thành công tiến trình khử các bon trong nền kinh tế, hướng tới đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, cần phải có sự nỗ lực, chung tay của các bên liên quan, đó là: Các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ TN&MT trong việc xây dựng khung thể chế, chính sách quản lý, khuyến khích, thúc đẩy quá trình khử các bon; sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp trong việc cam kết, nỗ lực thực hiện khử các bon trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, cần huy động sự giúp đỡ của các cơ quan đối tác quốc tế như JICA, để có những hỗ trợ về nguồn lực và kỹ thuật như dự án SPI-NDC đang thực hiện. Bên cạnh đó, theo PwC, tỷ lệ khử các bon tại các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương là 0,9% (dưới mức trung bình toàn cầu - 2,5%). Để đạt được mục tiêu 1.5°C và net zero, tốc độ cắt giảm phát thải các bon cần phải được đẩy nhanh gấp 5 lần so với hiện tại, vì thế, doanh nghiệp cần phải chuyển đổi xanh toàn diện, tập trung vào các lĩnh vực có tầm ảnh hưởng lớn như mô hình hoạt động, tái cân bằng chuỗi cung ứng, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh quan hệ hợp tác giữa tất cả các bên liên quan với nguồn vốn đầu tư công, tư nhân, quốc tế. Những nhiệm vụ đó cần bắt đầu từ tư duy chiến lược, cam kết của cấp lãnh đạo cao nhất trong doanh nghiệp trước khi được lan tỏa, cụ thể hóa thành hành động cụ thể.

Phiên Tọa đàm giữa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp

    Diễn đàn đã lắng nghe một số tham luận về: Các quy định về giảm phát thải KNK trong thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0”; Quy định công bố thông tin ESG đối với công ty niêm yết ở Việt Nam; Tính toán phát thải KNK và lập mục tiêu giảm phát thải bằng việc sử dụng Sáng kiến các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học (SBTi); Tính toán KNK và thực hiện các biện pháp khử các-bon trong lĩnh vực xi măng; Tính toán KNK và thực hiện các biện pháp khử các-bon trong lĩnh vực dệt may; Chiến lược về BĐKH và KTTH của Vinamilk; Giới thiệu chương trình đào tạo của dự án SPI-NDC về tính toán phát thải KNK và các hành động giảm nhẹ phát thải KNK… Tiếp đó là Phiên Tọa đàm giữa các nhà lãnh đạo doanh nghiệp với chủ đề “Cách mà các nhà lãnh đạo dẫn dắt doanh nghiệp của mình thực hiện quản lý quá trình loại trừ các-bon/KTTH nhằm tăng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp”; “Làm thế nào để biến mục tiêu không khí thải thành hiện thực?”. Tại đây, các lãnh đạo doanh nghiệp đầu ngành thuộc các lĩnh vực xi măng, dệt may, đồ uống đã tích cực chia sẻ, cập nhật về nỗ lực, kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động công ty phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Cũng trong phiên Tọa đàm, quá trình nhận thức giá trị gia tăng và lợi ích thiết thực của việc sớm thực hiện các hành động chống BĐKH được thảo luận sôi nổi, đồng thời tầm quan trọng của các Hiệp hội doanh nghiệp (đại diện là VCCI) trong vai trò lãnh đạo và Sở giao dịch chứng khoán (đại điện là HOSE) trong việc hướng dẫn, thúc đẩy các doanh nghiệp cũng được tái khẳng định.

Thu Hằng

Ý kiến của bạn