Banner trang chủ

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2019: Doanh nghiệp chọn tăng trưởng bền vững

27/06/2019

    Ngày 26/6/2019, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019. Chủ đề được lựa chọn cho cuộc đối thoại thường niên giữa doanh nghiệp và Chính phủ năm nay là “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững”. Với chủ đề này, cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước đã gửi đi một thông điệp rất rõ ràng. Họ muốn không chỉ là một phần của nền kinh tế Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, là bộ phận sẽ tận dụng tối đa những cơ hội mà Chính phủ kiến tạo, mà còn là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của kinh tế Việt Nam.

 

Quang cảnh Diễn đàn

 

    Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều tập đoàn xuyên quốc gia. Sự hiện diện của Samsung, Intel, Canon, Toyota, Honda… và hàng nghìn doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) khác là bảo chứng cho chất lượng môi trường đầu tư và triển vọng tăng trưởng của Việt Nam. Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của các tập đoàn kinh tế tư nhân như Viettel, Vin group, Vietjet, Hòa Phát… cũng cho thấy môi trường kinh doanh của nước ta hoàn toàn có thể ươm mầm nên những doanh nghiệp lớn, có khả năng cạnh tranh và trở thành đối tác xứng tầm của các tập đoàn quốc tế, Đặc biệt, trong xu thế phát triển mới của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp trong nước đang đứng trước nhiều cơ hội đi nhanh, vượt qua các giới hạn truyền thống, để không chỉ tham gia mà còn thiết lập các chuỗi giá trị sản xuất mới.

    Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho biết, trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang đứng trước những khó khăn thách thức cần tiếp tục phải đối mặt và giải quyết, phát triển nhanh, bền vững là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế của nước ta. Chính phủ ưu tiên phát triển nhanh tránh tụt hậu, giảm khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam với các nước đang phát triển trong khu vực và thế giới. Đồng thời, phát triển bền vững là điều kiện đủ để đảm bảo cho nước ta phát triển trong những năm tới.

    “Phát triển bền vững trước hết là giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, thực hiện các mục tiêu vì con người, tiến bộ và công bằng xã hội. Song song với đó, phải đảm bảo việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tài chính, tiền tệ; phát triển bền vững công nghiệp với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm thân thiện môi trường, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm công nghiệp, xây dựng nền công nghiệp xanh, ưu tiên phát triển các ngành công nghệ, sản phẩm thân thiện môi trường... đồng thời, giảm thiểu phát thải, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

    Để thực hiện những mục tiêu trên, Chính phủ Việt Nam tiếp tục triển khai những giải pháp: Giữ vững môi trường vĩ mô ổn định, môi trường chính trị xã hội; tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý, trong đó chú trọng tái cơ cấu lại đầu tư, doanh nghiệp, hệ thống tài chính ngân hàng, ngành nghề lĩnh vực... gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, chú trọng giáo dục đào tạo - quốc sách hàng đầu để nâng cao nguồn nhân lực, nhân tố quyết định cho sự phát triển; Tập trung hoàn thiện thể chế theo hướng tạo môi trường minh bạch hơn, cạnh tranh, thông thoáng hơn để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước; Phát triển hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm tăng cường nghiên cứu để tiếp tục đổi mới các chương trình trọng điểm. Cùng với đó, phát triển các đô thị thông minh, đô thị xanh, thân thiện môi trường. Chính phủ cũng ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ: giao thông, y tế, giáo dục, đô thị... để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

    Tại Diễn đàn, nhiều ý kiến, khuyến nghị của cộng đồng kinh doanh tiếp tục bám vào các đề xuất thúc đẩy mạnh hơn các cải cách thể chế, pháp lý, tăng tốc cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; dành ưu tiên nhiều hơn nữa cho đầu tư khoa học - công nghệ, nghiên cứu và phát triển (R&D), đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng thông minh, hạ tầng kỹ thuật số, để thúc đẩy và tận dụng cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

   Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã coi việc các thành viên chọn Việt Nam là ngôi nhà của mình và dự định mở rộng đầu tư, kinh doanh hết mức có thể là minh chứng cho thấy sức hấp dẫn của Việt Nam. Tuy nhiên, vào thời điểm căng thẳng thương mại toàn cầu kéo dài, khi nhiều doanh nghiệp quan tâm tới việc tập trung hoạt động sản xuất tại một nước duy nhất và Việt Nam đang ở vị thế có thể tận dụng những cơ hội này, thì đòi hỏi có được môi trường đầu tư, kinh doanh giúp tối đa hóa mọi cơ hội được các doanh nghiệp đẩy cao. Do đó, EuroCham mong muốn những điều kiện kinh doanh thiếu rõ ràng và không cần thiết sẽ được loại bỏ, đơn giản hóa trong quý III/2019 theo như Nghị quyết 02/NQ-CP.

   Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Kocham) lo ngại sự chậm trễ trong cấp giấy phép một số dự án tại TP. Hồ Chí Minh và trong cải thiện hạ tầng ảnh hưởng đến các dự án đầu tư mới.

   Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đề cập sự xáo trộn trong hoạt động kinh doanh khi có sự thay đổi về quy định pháp luật trong thời gian ngắn, áp dụng không đồng bộ và đòi hỏi tăng tính dự đoán trong môi trường pháp lý để đảm bảo doanh nghiệp đủ thời gian chuẩn bị cho các luật mới…

    Thực tế, những nội dung trên chính là cam kết mà Chính phủ đã đưa ra tại VBF 2018 (diễn ra vào tháng 12/2018) và trong nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp. Chính sự lớn mạnh, phát triển đa dạng của cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam đang là điều kiện cần để kinh tế Việt Nam có thể đi nhanh, thậm chí vượt qua các giới hạn tăng trưởng hiện tại để bứt phá trong những năm tới. Nhưng, điều kiện đủ vẫn là môi trường thể chế, chính sách, môi trường kinh doanh. Một thể chế thuận lợi cho sự phát triển đồng bộ của các loại thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh; một thể chế nguồn lực được phân bổ theo thị trường; một môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, an toàn cho kinh doanh sẽ là nền tảng cho doanh nghiệp chọn con đường phát triển bền vững, chọn khoa học - công nghệ, đổi mới - sáng tạo là trục chính cho sự phát triển.

 

Mai Hương

Ý kiến của bạn