Banner trang chủ

Thúc đẩy quản lý tài nguyên và phát triển sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực ven biển Đồng bằng sông Hồng

11/06/2015

     Ngày 10/6/2015, tại Thái Bình, Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và phát triển cộng đồng (MCD) phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Thái Bình tổ chức Hội thảo “Tham vấn chính sách về quản lý tài nguyên và phát triển sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu tại khu vực ven biển Đồng bằng sông Hồng”. Với sự tham gia đại diện các tỉnh/thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định và Thái Bình.

     Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thu Huệ, Giám đốc MCD cho biết, Hội thảo là dịp để chia sẻ kết quả thực hành các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu ở khu vực đồng bằng sông Hồng nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng, đồng thời tham vấn các khuyến nghị chính sách cho việc nhân rộng mô hình và thúc đẩy quan hệ đối tác cấp tỉnh trong thời gian tới.

     Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Chính phủ Úc và tổ chức Oxfam, MCD đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm giúp các địa phương và cộng đồng dân cư ven biển Đồng bằng sông Hồng tiến hành thí điểm một số mô hình quản lý tài nguyên và phát triển sinh kế cộng đồng. Về quản lý tài nguyên, gồm mô hình đồng quản lý hệ sinh thái rừng ngập mặn và nguồn lợi thủy sản (huyện Giao Thủy - Nam Định, Tiền Hải - Thái Bình và Cát Bà - Hải Phòng); Mô hình tăng cường quản lý thích ứng và nâng cao khả năng phục hồi vùng ven biển thông qua tiếp cận Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) tại khu DTSQ đồng bằng sông Hồng và khu DTSQ Cát Bà. Về phát triển sinh kế, gồm mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng ngập mặn tại xã Phù Long, Cát Hải, Hải Phòng và Mô hình phát triển sinh kế thích thức với biến đổi khí hậu tại 11 xã ven biển thuộc 3 tỉnh/thành phố Hải Phòng, Thái Bình và Nam Định.

 

Toàn cảnh Hội thảo

 

     Trong đó, tỉnh Thái Bình đã triển khai các mô hình: Nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng ngập mặn, trồng nấm, nuôi lợn đệm lót sinh học, bảo vệ rừng ngập mặn. Thông qua các chương trình nhằm nâng cao kiến thức, năng lực quản lý tài nguyên và phát triển sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu. Đại diện các tỉnh được tổ chức MCD hỗ trợ đã nêu nhiều ý kiến đóng góp, rút kinh nghiệm từ các mô hình đồng quản lý tài nguyên rừng ngập mặn, mô hình phát triển sinh kế cho các xã ven biển và đề xuất khuyến nghị các chính sách trong thời gian tới.

     Đến dự và phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Ca ghi nhận những nỗ lực, sự quan tâm của tổ chức MCD đối với Thái Bình - một tỉnh ven biển, chịu tác động trực tiếp của biến đổi khí hậu. Việc giữ được môi trường biển, trồng rừng ngập mặn có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống dân sinh. Cùng với sự đầu tư của tỉnh, sự hỗ trợ các tổ chức đã dần chuyển biến nhận thức của người dân trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình mong rằng trong thời gian tới, tổ chức MCD sẽ quan tâm hơn nữa, tiếp tục hỗ trợ nông dân ven biển phát triển sinh kế như: Trồng nấm, nghiên cứu các giống lúa thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt với các tỉnh Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội và Thái Bình.

 

Thanh Tuấn

 

Ý kiến của bạn