Banner trang chủ

TP. Hồ Chí Minh: Xã hội hóa các trạm quan trắc không khí tự động

22/03/2022

    Nhằm tăng cường hệ thống quan trắc, giám sát chất lượng môi trường; kịp thời phát hiện và dự báo, cảnh báo ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả quản lý, cung cấp thông tin, dữ liệu về hiện trạng và diễn biến chất lượng môi trường của tỉnh, đặc biệt là tại một số khu vực tập trung nhiều nguồn thải, khu vực nhạy cảm và điểm nóng về môi trường, Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh hiện đang làm việc với các nhà đầu tư để kêu gọi mở rộng đầu tư 11 trạm quan trắc chất lượng môi trường không khí tự động, liên tục theo hình thức xã hội hóa hoặc kiến nghị UBND thành phố xem xét chuyển sang hình thức đầu tư công.

Một trạm quan trắc môi trường tại Quận 3 TP. Hồ Chí Minh

    Năm 2020, UBND TP. Hồ Chí Minh đã phê duyệt "Đề án phát triển mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường TP. Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" để nâng cao năng lực quan trắc cũng như kịp thời cập nhật thông tin về chất lượng không khí trên địa bàn. Sau gần 2 năm triển khai Đề án, chỉ có 2/10 trạm quan trắc tự động được đầu tư. Đó là trạm đặt tại Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Bình Tân và trạm tại Khu Công nghệ cao ở TP. Thủ Đức, dự kiến đưa vào vận hành chính thức trong năm 2022.

    Hiện nay, Sở TN&MT đang kêu gọi nhà đầu tư triển khai 9 trạm quan trắc môi trường không khí tự động theo hình thức xã hội hóa. Ngoài các trạm kêu gọi xã hội hóa, từ nay đến năm 2025, Sở TN&MT sẽ tiếp tục đầu tư 7 trạm quan trắc môi trường không khí tự động và 1 xe quan trắc chất lượng môi trường không khí tự động, di động. 

    Việc đầu tư xây dựng mới các trạm quan trắc môi trường không khí tự động tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho phép kết nối, truyền dữ liệu với hệ thống cảnh báo môi trường quốc gia.

Đức Anh

 

Ý kiến của bạn