Banner trang chủ

Quản lý ô nhiễm dioxin ở Việt Nam hiện nay: Cần triển khai những giải pháp đồng bộ

16/12/2020

     Dioxin là chất độc nhất trong các chất độc do con người tìm ra và tạo ra. Từ khi phát hiện ra dioxin, đã có rất nhiều nghiên cứu về dioxin. Hàng năm, giới khoa học vẫn tổ chức Hội nghị quốc tế về dioxin, thu hút hàng nghìn người tham gia. Tuy vậy, vẫn còn những câu hỏi về dioxin chưa được trả lời, đặc biệt là tác hại dioxin đối với con người và lựa chọn công nghệ xử lý dioxin hiệu quả nhất.

     1. Một số đặc điểm cơ bản và nghiên cứu và khắc phục hậu quả của chất diệt cỏ do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam

     Dioxin ở Việt Nam được phân thành 2 nhóm: Nhóm có nguồn gốc từ chất diệt cỏ do quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và nhóm có nguồn gốc từ công nghiệp, xử lý rác thải. Nhóm có nguồn gốc từ chất diệt cỏ còn tồn lưu tại một số vùng, với 2.3.7.8 TCDD chiếm tỷ lệ cao, đã và đang được xử lý, dù có thể hơn thập kỷ nữa mới giải quyết triệt để nhưng vẫn có giới hạn về thời gian. Nhóm thứ 2 có nguy cơ tăng dần, khó kiểm soát, tác hại lâu dài và cần có một chính sách kiểm soát có tính bền vững. Có thể gọi ô nhiễm dioxin ở Việt Nam là “ô nhiễm kép”, dẫn đến tình trạng “phơi nhiễm kép”.

     Hiện nay, nước ta đã có nhiều nghiên cứu về tồn lưu và tác hại của dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ. Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hoá học sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng Ban chỉ đạo 33) trong những năm 2005 - 2016 đã tổ chức nghiên cứu và kết nối các nghiên cứu trước đó, hình thành được bản đồ ô nhiễm dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ và xuất bản nhiều ấn phẩm về tác hại của dioxin đối với môi trường và con người ở Việt Nam.

     Song song với nghiên cứu và xử lý ô nhiễm dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ, các nhà khoa học Việt Nam, Mỹ, Canada, Nhật Bản… đã nghiên cứu về tác hại của dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ đối với con người. Nhiều công trình nghiên cứu về sự phơi nhiễm dioxin ở người, điều tra dịch tễ học quy mô lớn về bệnh tật, ung thư, dị tật bẩm sinh, tai biến sinh sản; nghiên cứu về biến đổi nhiễm sắc thể, gene ở người phơi nhiễm dioxin; nghiên cứu về giải độc không đặc hiệu và dự phòng tai biến sinh sản… đã được thực hiện.

     Các nghiên cứu của Hoàng Đình Cầu, Nguyễn Hưng Phúc, Cung Bỉnh Chung và cộng sự (1983), Nguyễn Văn Nguyên, Lê Bách Quang, Nguyễn Văn Tường và cộng sự (2005), Trần Đức Phấn, Nông Văn Hải (2014) và một số nghiên cứu khác, đã cho thấy rõ tỷ lệ một số bệnh tiêu hoá, thần kinh, dị tật bẩm sinh, tai biến sinh sản, biến đổi nhiễm sắc thể, biến đổi gene ở nhóm có tiền sử tiếp xúc với dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm đối chứng. Tuy nhiên, trong những trường hợp cụ thể, rất khó hay chưa thể chứng minh được tính đặc hiệu và liên quan nhân quả giữa dioxin và bệnh tật cụ thể, đặc biệt là ung thư và dị tật bẩm sinh. Những nghiên cứu trên cựu chiến binh Mỹ đã tham gia chiến tranh ở Việt Nam cũng chỉ mới chỉ ra những bệnh có liên quan nhiều hay liên quan ít đến dioxin.

     Gần đây, một số nhà khoa học Nhật Bản (Teruhiko Kido, SeijiroNịiro, Muneko Nishijo và cộng sự) đã phối hợp với một số nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu về sự phơi nhiễm dioxin trong sữa mẹ, định lượng một số hormone tuyến thượng thận và tuyến giáp ở trẻ em tại Bình Định và Đồng Nai, nơi chịu ảnh hưởng của phun rải chất diệt cỏ, so sánh với nhóm chứng không có phơi nhiễm dioxin ở Hà Tĩnh và Hà Nam, đã chỉ ra một số thay đổi về hormone của trẻ em có mẹ bị phơi nhiễm dioxin. Đây là một hướng đi quan trọng tìm sự liên quan giữa dioxin với biến đổi hormone, miễn dịch, tai biến sinh sản và ung thư. Một điều tra dịch tễ học phân tử quy mô lớn để làm rõ hơn những biến đổi về gene, hormone là cần thiết nhưng rất tốn kém nên chưa thể thực hiện được.

     Trần Đức Phấn và công sự (2011-2016) đã nghiên cứu về tai biến sinh sản và dị tật bẩm sinh ở vùng ảnh hưởng của chất diệt cỏ; sử dụng acide folic và sàng lọc trước sinh, thu được kết quả tốt trong phòng và hạn chế tai biến sinh sản và dị tật bẩm sinh. Nguyễn Hoàng Thanh, Nguyễn Bá Vượng và cộng sự (2011-2016) đã thử nghiệm giải độc không đặc hiệu cho những người có nồng độ dioxin cao trong máu bằng phương pháp xông hơi, dùng vitamin PP liều cao và bài thuốc đông y. Kết quả cho thấy, có sự giảm nồng độ dioxin trong máu và cải thiện sức khoẻ của bệnh nhân.

     Ngược lại, có quá ít nghiên cứu về dioxin có nguồn gốc từ công nghiệp và rác thải. Nghiên cứu có quy mô tương đối lớn hơn và có mục tiêu rõ ràng hơn để phân biệt dioxin có nguồn gốc khác nhau thuộc Chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước giai đoạn 2011-2016. Đó là nghiên cứu của Nguyễn Hùng Minh và cộng sự về “Nghiên cứu xác định sự tồn lưu và lan toả của dioxin có nguồn gốc từ chất da cam tại Biên Hoà và Đà Nẵng và sự khác biệt đặc trưng của dioxin từ nguồn phát thải khác; đề xuất giải pháp ngăn chặn  phơi nhiễm dioxin”; nghiên cứu của Vũ Chiến Thắng và cộng sự về “Xác định hàm lượng dioxin nguồn gốc từ chất da cam và nguồn phát thải khác trong máu người và một số thực phẩm thường dùng khác tại các vùng miền Việt Nam”. Nguyễn Hùng Minh và công sự (2012) cũng đã có nghiên cứu về nồng độ dioxin trong chất thải từ một số nhà máy và kết quả cho thấy nồng độ dioxin ở mức cao và rất cao.

     Mặc dù vậy, những nghiên cứu trên đây chưa đủ để đánh giá tổng quan về ô nhiễm dioxin từ công nghiệp và đặc biệt là từ các lò đốt rác; đồng thời cũng chưa đánh  giá được tình hình chung của phơi nhiễm dioxin ở người Việt Nam và chưa thể đưa ra được “ngưỡng” dioxin trong người Việt Nam.

     2. Kiểm soát và xử lý dioxin ở Việt Nam

     Khái niệm “điểm nóng” dioxin: Trong nhiều năm qua, trên sách báo của Việt Nam và nước ngoài, có khái niệm “điểm nóng” (hotspot) về dioxin ở Việt Nam. Khái niệm này chỉ đơn thuần dựa trên cơ sở đơn giản là dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ ở đó cao hơn nồng độ cho phép. Vì thế, có một số tác giả cho rằng ở Việt Nam có gần 30 điểm nóng về dioxin. Những sân bay quân sự đã từng được sử dụng trong chiến dịch phun rài chất diệt cỏ như sân bay Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phan Rang, A So… được đưa vào danh sách các điểm nóng.

Đại diện Việt Nam và Mỹ làm lễ động thổ giai đoạn 1 dự án xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa (tháng 12/2019)

     Với quan điểm khoa học và thực tiễn, theo Ban chỉ đạo 33 các khu vực được coi là điểm nóng khi có 2 tiêu chí: nồng độ dioxin cao hơn nồng độ cho phép; có tác động đến môi trường và con người trước mắt và lâu dài, cần được ưu tiên xử lý. Với quan điểm đó, sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát được coi là điểm nóng dioxin tại Việt Nam. Những nơi khác, sau hàng chục năm, nồng độ dioxin đã giảm xuống dưới nồng độ cho phép hoặc chỉ vài ngàn ppt, lại ở những nơi xa dân cư, quy mô rất nhỏ, không được coi là điểm nóng và trên thực tế không còn tác động mới đến môi trường và con người.

     Trên cơ sở đó, Chính phủ Việt Nam đã tổ chức xử lý ô nhiễm dioxin, hợp tác với UNDP chôn lấp an toàn 7500 m3 đất nhiễm dioxin tại sân bay Phù Cát (2011); hợp tác với Mỹ xử lý ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng (2007-2017) và đang hợp tác với Mỹ xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa từ 2019. Trước đó, Bộ Tư lệnh Hóa học đã chôn lấp khoảng 100.000 m3 đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa (2007).

     Công nghệ xử lý dioxin: Có rất nhiều loại công nghệ xử lý dioxin dựa trên các nguyên lý oxy hoá, thuỷ phân, chiết, phân huỷ bằng tia cực tím, phân huỷ bằng hồ quang plasma, điện hoá, hấp phụ, nghiền bi, sinh học… Theo ý kiến của hầu hết các chuyên gia trong lĩnh vực này, cho đến nay, vẫn chưa có công nghệ nào hoàn hảo, đặc biệt khi xử lý đất ô nhiễm với nồng độ dioxin cao và rất cao như ở sân bay Đà Nẵng và Biên Hoà

     Ở Việt Nam, một số công nghệ xử lý dioxin đã được thử nghiệm và triển khai, cụ thể như: Công nghệ sinh học (Đặng Thị Cẩm Hà, 2006) đã được thử nghiệm tại Đà Nẵng và áp dụng tại Biên Hòa trong dự án chôn lấp gần 100.000 m3 đất nhiễm (2007). Tuy nhiên có một số vấn đề chưa được làm rõ nên công nghệ này không được áp dụng trong các dự án xử lý dioxin sau này tại Việt Nam.

     Công nghệ nghiên bi của New Zealand cũng đã được thử nghiệm tại sân bay Biên Hoà (2009). Công nghệ này có một số hạn chế và kém hiệu quả khi xử lý đất ô nhiễm với nồng độ dioxin cao và rất cao.

     Thuộc Chương trình nghiên cứu KHCN 2011 - 2016, Viện hoá học quân sự đã thực hiện đề tài nghiên cứu về công nghệ rửa đất (Lâm Vĩnh Ánh, 2016). Vì hạn chế về quy mô và điều kiện thử nghiệm, công nghệ rửa đất này chưa được hoàn thiện để có thể áp dụng trên hiện trường.

     Để xử lý hơn 100.000 m3 đất nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng, từ năm 2014 đến 2018, USAID (Mỹ) đã phối hợp với Bộ Quốc phòng áp dụng công nghệ hấp giải nhiệt trong mố. Nồng độ dioxin trong đất sau xử lý xuống mức rất thấp, xấp xỉ 100 ppt. Tuy nhiên, nồng độ dioxin trong khí thải, nước thải còn cao và buộc phải sử dụng than hoạt tính để hấp phụ. Một khối lượng lớn than hoạt tính hấp phụ dioxin đã được chuyển ra ngước ngoài để xử lý. Phát hiện nồng độ dioxin trong máu của một số người tham gia dự án là một vấn đề rất đáng quan tâm và theo dõi. Mặt khác, giá thành của công nghệ này ở mức rất cao.

     Đánh giá môi trường (EA) sân bay Biên Hòa cũng đã được USAID và Bộ Quốc phòng lập để làm cơ sở xử lý khoảng hơn 400.000 m3 đất, bùn nhiễm dioxin tại đây. Một số công nghệ xử lý dioxin đã được đề xuất trong báo cáo này. Việc lựa chọn công nghệ sẽ được quyết định và báo cáo đánh giá môi trường cần được lập lại theo quy định của pháp luật Việt Nam.

     Đáng chú ý là công nghệ rửa đất đã được Tập đoàn Shimizu (Nhật Bản) phối hợp với Trung tâm Công nghệ xử lý môi trường (CTET) thuộc Binh chủng Hoá học thử nghiệm tại sân bay Biên Hoà trong năm 2019-2020.

     Công nghệ rửa đất đã được Tập đoàn Shimizu thực hiện tại Nhật Bản để xử lý hàng triệu tấn đất nhiễm hoá chất độc hại, trong đó có cả đất nhiễm dioxin. Tuy nhiên, vì ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa có những đặc điểm riêng, đặc biệt là có nồng độ cao và rất cao, nên Tập đoàn Shimizu cần phải thử nghiệm để đánh giá hiệu quả và lựa chọn quy trình hợp lý nhất.

     Nguyên lý cơ bản của công nghệ rửa đất Shimizu không phải là hoà tan chất ô nhiễm mà là dùng phân tách vật lý để loại bỏ chất ô nhiễm thông qua sàng lọc, phân loại, tuyển nổi bằng quá trình xoáy thủy lực, máy phân tách đất, máy chà, trả lại cho môi trường tự nhiên từ 65 đến 75% đất sạch. Số còn lại từ 25 đến 35% đất nhiễm dioxin được đóng thành những bánh bùn và được xử lý bằng công nghệ khác. Công nghệ rửa đất có thể xử lý đất nhiễm dioxin thành đất sạch với nồng độ dioxin từ 60 đến 80 ppt, trong khi đó, theo Quy chuẩn kỹ thuật môi trường do Chính phủ Việt Nam ban hành, nồng độ dioxin cho phép trong đất đô thị là 300 ppt, trong đất dành cho khu vui chơi giải trí là 600 ppt.

     Một nhà máy hoàn chỉnh để thử nghiệm công nghệ rửa đất đã được lắp đặt tại Biên Hoà. Với thời gian làm việc 8 giờ/ngày, nhà máy xử lý được từ 120 -150 m3 đất/ngày (tương đương với 220 - 270 tấn) và từ 30.000 - 37.000 m3 khối đất/năm. Nếu thời gian làm việc của nhà máy được nâng lên 16 giờ/ngày thì có thể xử lý được từ 65.000 - 80.000 m3 /năm (với 250 ngày làm việc trong năm).

     Trong quá trình thử nghiệm không có sự phát tán dioxin vào nước thải khí thải, không ảnh hưởng tới môi trường xung quanh. Những người tham gia thử nghiệm được theo dõi sức khỏe và định lượng dioxin trước và sau thử nghiệm. Kết quả cho thấy, không có phơi nhiễm dioxin ở những người tham gia thử nghiêm.

     Hiệu quả kinh tế của công nghệ rửa đất đã được tính toán khi kết hợp với công nghệ nhiệt để xử lý các bánh bùn. Tùy theo yêu cầu của nồng độ dioxin ở đất sau khi được xử lý là 600, 300 hay dưới 100 ppt, chi phí cho toàn bộ quá trình làm sạch dioxin tại sân bay Biên Hoà sẽ giảm từ khoảng 420 - 600 triệu USD (theo EA sân bay Biên Hoà) xuống mức 360 - 500 USD (84%) hay thấp hơn ở mức 63%.

     Chính sách, pháp luật về kiểm soát ô nhiễm dioxin: Ngày sau khi kết thúc chiến tranh, Chính phủ Việt Nam đã quan tâm đến hậu quả chất diệt cỏ được sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam. Tháng 10/1980, Chính phủ đã thành lập Uỷ ban điều tra hậu quả chất độc hoá học (Uỷ ban 10-80) và để chuyển từ điều tra sang khắc phục, năm 1999, Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo 33. Nhiều chương trình nghiên cứu và hoạt động giúp đỡ nạn nhân và xử lý dioxin đã được tổ chức thực hiện.

     Để pháp luật hóa và bảo đảm tổ chức bền vững việc quản lý ô nhiễm dioxin, Luật BVMT 2014 đã quy định “Vùng đất, bùn bị ô nhiễm dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ dùng trong chiến tranh, thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu và các chất độc hại khác phải được điều tra, đánh giá, khoanh vùng và xử lý bảo đảm yêu cầu về BVMT” (Khoản 4. Điều 61).

     Dù đã có nhiều cố gắng, nhưng những quy định pháp luật và việc tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động quản lý ô nhiễm dioxin cũng chỉ mới đáp ứng được một phần những yêu cầu của quản lý ô nhiễm dioxin.

     3. Kết luận

     Ô nhiễm dioxin có nguồn gốc từ chất diệt cỏ và từ công nghiệp, xử lý rác thải đã và đang là vấn đề rất đáng quan tâm vì lý do cơ bản là sự độc hại của dioxin đối với con người. Là một nước chịu ảnh hưởng của ô nhiễm kép dioxin, Việt Nam cần có một hệ thống đồng bộ về nhận thức, quan điểm, chính sách, pháp luật và các giải pháp về vấn đề này, thay cho những tổ chức, hình thức hoạt động có tính lắp ghép và các giải pháp tình thế, dẫn đến hiệu quả quản lý ô nhiễm dioxin không tốt và lãng phí các nguồn lực. Vì vậy, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để quản lý, kiểm soát phát thải dioxin và lựa chọn công nghệ xử lý đất, bùn nhiễm dioxin có hiệu quả nhất, phù hợp với điều kiện của Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu tác hại của dioxin đối với con người với mục tiêu phòng chống phơi nhiễm dioxin, làm rõ tác hại của dioxin đối với biến đổi gene và hormone, sử dụng rộng rãi acide folic và sàng lọc trước sinh để hạn chế dị tật bẩm sinh và giải độc cho những người còn có nồng độ dioxin cao trong máu. Cùng với đó, để bảo đảm tổ chức, hoạt động có hiệu quả và bền vững kiểm soát ô nhiễm dioxin và phòng chống tác hại của dioxin, cần nghiên cứu hoàn thiện chính sách, pháp luật và từng bước xây dựng nguồn lực kiểm soát và phòng chống tác hại của dioxin.

PGS. TS. Lê Kế Sơn - Phó Chủ tịch

Hội Khoa học kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 11/2020)

 

 

 

 

Ý kiến của bạn