Banner trang chủ

Nhân rộng mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi tại đồng bằng sông Cửu Long

12/11/2021

    Ngày 12/11/2021, tại Hà Nội, Liên minh bảo tồn Thiên nhiên Quốc Tế (IUCN) tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án “Mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi hỗ trợ chiến lược trữ lũ tại đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo tổng kết nhằm mục đích đánh giá các kết quả chính của dự án cùng với các đối tác, khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi thông qua các dự án mới từ các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân, các đối tác phát triển và chính phủ.

    Từ năm 2018 - 2021, với nguồn tài trợ từ Quỹ Coca Cola, IUCN Việt Nam đã triển khai dự án mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi tại ba tỉnh vùng thượng nguồn Đồng Bằng Sông Cửu Long gồm An Giang, Đồng Tháp và Long An. Các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi bao gồm du lịch sinh thái sen, mô hình kết hợp cá sen, lúa mùa nổi, nuôi cá mùa lũ và các loại cây rau nổi khác nhau (ấu, hẹ nước…). Mục tiêu của Dự án là trình diễn các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi trên diện tích 450 héc-ta, bảo tồn và khôi phục 6,7 triệu m3 trong tổng lượng trữ lũ. Kết quả thực tế cho thấy, Dự án đã được thực hiện trên diện tích 470 héc-ta, góp phần bảo tồn và khôi phục 8,6 triệu m3 nước lũ.

Dự án hướng dẫn cho phụ nữ trong vùng về sản xuất sợi tơ có giá trị cao từ cọng sen

    Để có được kết quả này, Dự án đã thực hiện các hoạt động đào tạo cho nông dân xây dựng và thực hiện các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi ít rủi ro nhưng đem lại lợi nhuận, cả bên ngoài và bên trong các đê bao. Trung bình, người nông dân có thể kiếm được lợi nhuận cao hơn khoảng 25%-  150% từ các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi. Tổng kết, Dự án đã được thực hiện tại 15 điểm, tổ chức 16 khóa tập huấn và đào tạo cho hơn 1.000 nông dân tại ba tỉnh của Dự án. Dự án đã góp phần hỗ trợ thực hiện Nghị Quyết số 120 của Chính phủ Việt Nam thông qua việc trình diễn các mô hình thực tế thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo tồn và khôi phục chức năng hệ sinh thái đồng lũ vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, nhằm đối phó với tình trạng khô hạn và lũ lụt.

    Với sự hợp tác từ thành viên của IUCN là Viện Kinh tế Sinh thái (ECO-ECO), Dự án cũng đã giới thiệu kiến thức mới cho phụ nữ trong vùng về sản xuất sợi tơ có giá trị cao từ cọng sen vốn trước đây không có giá trị kinh tế. Điều này cũng cho thấy, phụ nữ địa phương có khả năng giữ lại giá trị cao của cuống sen ở đồng bằng sông Cửu Long bằng cách sản xuất vải từ cuống sen để tăng thu nhập của họ trong tương lai. Ngành công nghiệp tiểu thủ công nghiệp đầy tiềm bnăng này vẫn còn trong giai đoạn sơ khai và cần được hỗ trợ để phát triển hơn nữa.

    Bên cạnh đó, nhiều mô hình thí điểm sinh kế dựa vào mùa nước nổi đã chứng minh tính bền vững, hiệu quả và có tiềm năng nhân rộng, từ đó đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các hộ gia đình, doanh nghiệp và chính quyền địa phương. Cụ thể như Hợp tác xã Tân Thành tại An Giang và Tân Kiều tại Đồng Tháp đã hỗ trợ kết nối với doanh nghiệp thu mua các sản phẩm đầu ra, một số doanh nghiệp tại An Giang thu mua sen hay một tập đoàn xuất khẩu gạo lớn của Việt Nam, tập đoàn Lộc Trời, đã thu mua lúa mùa nổi từ các mô hình trình diễn ở Long An.

Mô hình lúa mùa nổi huyện Tân Hưng-Long An 3

    Ủy ban nhân dân huyện Tân Hưng, tỉnh Long An đã lập kế hoạch mở rộng diện tích trồng lúa nổi. Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen hỗ trợ chi phí cho người dân địa phương học nghề sản xuất sợi tơ sen. Hội Nông dân huyện Tháp Mười, Đồng Tháp cấp vốn hỗ trợ cho các hộ dân thực hiện mô hình sinh kế thích ứng mùa nước nổi. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, các mô hình còn góp phần hỗ trợ chiến lược bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, tăng khả năng trữ nước ngọt, khôi phục và bảo tồn các loài thủy sinh cho vùng đồng bằng. Ngoài ra, lượng phù sa tích tụ trong đồng ruộng cũng giúp tăng độ phì nhiêu của đất, làm giảm nhu cầu phân bón cho cây trồng trong mùa khô, giảm dịch bệnh hại cây trồng, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tăng các loài thủy sinh tự nhiên, cải thiện đa dạng sinh học và hệ sinh thái canh tác nông nghiệp.

    Dự án mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi là một bước ngoặt, góp phần cung cấp cho các đối tác và cộng đồng địa phương cơ hội và kinh nghiệm trực tiếp để thử nghiệm các mô hình khác nhau. Các mô hình nói trên đã chứng minh có thể là giải pháp thay thế cho trồng lúa thâm canh mà vẫn đem lại lợi nhuận. Ngoài ra các mô hình còn có khả năng nhân rộng mà không cần đầu tư tốn kém vào cơ sở hạ tầng như đê bao. Điều này hỗ trợ đa dạng hóa nông nghiệp thông qua sản xuất các sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu thị trường, thích ứng với các điều kiện khí hậu như lũ lụt và hạn hán, đem lại lợi ích đáng kể về hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Trong thời gian tới, IUCN và các đối tác sẽ tiếp tục tìm kiếm và huy động thêm các nguồn lực kỹ thuật và tài chính từ các bên liên quan như chính phủ, các nhà tài trợ và khu vực tư nhân để tiếp tục và nhân rộng các mô hình sinh kế dựa vào mùa nước nổi.

Nam Việt

Ý kiến của bạn