Banner trang chủ

Lâm Đồng: Triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn

14/12/2021

    Để góp phần giúp các địa phương từng bước cụ thế hóa quy định của Luật BVMT 2020 vào thực tiễn, Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường, Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở TN&MT Lâm Đồng triển khai mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn Phường 2, TP. Đà lạt, tỉnh Lâm Đồng. Các nội dung triển khai thực hiện mô hình bao gồm: (i) Xây dựng sổ tay hướng dẫn phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo Luật BVMT 2020; (ii) Tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về thu gom, phân loại chất thải rắn sinh hoạt và hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa, túi ni lông khó phân hủy; (iii) Triển khai áp dụng mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn. Nhiệm vụ được triển khai trong 2 năm, từ năm 2021 - 2022.

Trung tâm Tư vấn và Công nghệ môi trường làm việc với địa phương thống nhất phương án triển khai mô hình phân loại rác tại nguồn

    Phường 2 là phường trung tâm của TP. Đà lạt, dân cư sống tập trung, nghề nghiệp chính là kinh doanh phục vụ du lịch. Mật độ dân cư 586 người/km2; thu nhập bình quân đầu người 59,74 triệu đồng/năm, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh là 1,0 kg/người/ngày (tỷ lệ phát sinh cao nhất so với hai khu vực còn lại). Tỷ lệ thu gom đạt 85% lượng CTRSH phát sinh. Hiện nay, Phường 2 có khoảng  4.579 hộ dân. Qua việc hướng dẫn về cách thức phân loại rác thải sinh hoạt tại nhà cũng như những tác hại nếu rác thải không được phân loại, người dân đã có ý thức phân loại rác và hạn chế hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.

    Việc tổ chức phân loại, thu gom chất thải tại nguồn không chỉ đem lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế, nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, hướng tới nền kinh tế tuần hoàn. Mô hình phân loại rác tại nguồn ở Phường 2, TP. Đà Lạt là mô hình điểm giúp các đơn vị quản lý (cả cấp Trung ương và địa phương) tăng cường hiệu quả trong công tác quản lý tổng hợp chất thải rắn. Đây là cơ sở để nhân rộng mô hình phân loại chất thải rắn tại nguồn, thông qua đó giúp nâng cao chất lượng sống của người dân, cải thiện môi trường sống và góp phần quan trọng trong công cuộc phát triển bền vững của Việt Nam.

Tiến Nhất

Ý kiến của bạn