Banner trang chủ

Khánh Hòa: Ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn Nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt

02/11/2021

    Ngày 27/10/2021, UBND tỉnh Khánh Hòa ký Quyết định sô 3778/QĐ-UBND ban hành Bộ tiêu chí lựa chọn Nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

    Mục tiêu của Bộ tiêu chí là xây dựng nhà máy xử lý chất thải rắn cho 3 khu vực (phía Bắc, trung tâm và phía Nam tỉnh), giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thu hồi các thành phần có giá trị trong chất thải rắn. Cụ thể, khu vực trung tâm (TP. Nha Trang) sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích rộng 6,5 ha, quy mô công suất đến năm 2023 đạt 1.000 tấn/ngày; khu vực phía Bắc (thị xã Ninh Hòa) sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích rộng 10 ha, công suất đến năm 2023 đạt 350 tấn/ngày; khu vực phía Nam (huyện Cam Lâm) sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích rộng 50 ha, công suất đến năm 2023 đạt 250 tấn/ngày. Thời gian hoạt động của dự án không quá 30 năm kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

    Bộ tiêu chí bao gồm các tiêu chí cụ thể về công nghệ; môi trường và xã hội; tài chính và năng lực thực hiện dự án; về kinh tế. Đây là cơ sở để UBND tỉnh đánh giá, lựa chọn nhà đầu tư có hồ sơ đề xuất dự án khả thi và hiệu quả cao nhất để triển khai các dự án nhà máy xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh tại 3 khu vực theo quy hoạch quản lý chất thải rắn đã được duyệt; góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thu hồi các thành phần có giá trị trong chất thải rắn sinh hoạt và sau xử lý chất thải rắn sinh hoạt để tái sử dụng, tái chế ra các sản phẩm thứ cấp có ích. về tiêu chí công nghệ, dây chuyền phải có tính đồng bộ với dây chuyền công nghệ tổ hợp, tỷ lệ chất thải đem chôn lấp phải dưới 10% tổng khối lượng đem đến nhà máy; ưu tiên công nghệ đã được ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, không phát sinh các nguồn rác thải trong quá trình xử lý, xử lý được mùi trong quá trình vận hành.

    Theo đó, về tiêu chí môi trường xã hội, phải đảm bảo tiêu chuẩn hiện hành, có phương pháp phòng ngừa và khắc phục khi có sự cố xảy ra, có cơ chế hỗ trợ phúc lợi xã hội và sử dụng lao động địa phương, có phương án đào tạo nhân lực địa phương để sử dụng nhân lực tại chỗ. Về tiêu chí tài chính và năng lực dự án, nhà đầu tư phải đảm bảo góp vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng 20% tổng vốn đầu tư dự án, đồng thời cung cấp văn bản cam kết cho vay phần vốn còn lại của các tổ chức tín dụng để triển khai thi công dự án và không thế chấp nhà máy khi vay vốn.

    Nhà đầu tư là tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước có năng lực về kinh tế, tài chính, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của tỉnh theo công nghệ tổ hợp (có thu hồi các thành phần có giá trị trong chất thải rắn sinh hoạt và sau xử lý để tái sử dụng, tái chế ra các sản phẩm thứ cấp có ích); trong đó công nghệ chính là công nghệ xử lý rác kết hợp thu hồi năng lượng, có mức đề xuất giá dịch vụ hợp lý, có tiến độ thực hiện dự án phù hợp…

    Hình thức đầu tư: Nhà đầu tư chịu trách nhiệm đầu tư, vận hành dự án từ nguồn vốn của nhà đầu tư. Thời gian thực hiện dự án bao gồm các giai đoạn: Chuẩn bị dự án, hoàn thiện thi công xây dựng nhà máy, lắp đặt thiết bị để đưa nhà máy vào vận hành thử nghiệm trong thời gian không quá 12 tháng (không kể thời gian bồi thường, giải phóng mặt bằng).

Bảo Bình

 

Ý kiến của bạn