Banner trang chủ

Hà Nam: Tăng cường bảo vệ môi trường tại các làng nghề

13/07/2022

    Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp của tỉnh Hà Nam đang có sự chuyển đổi tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa, nhiều sản phẩm làng nghề đã xây dựng được thương hiệu và mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người lao động. Cùng với công tác phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường cho các sản phẩm, tỉnh cũng chú trọng tới công tác BVMT trong quá trình phát triển của các làng nghề, nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

    Tính đến tháng 12/2021, toàn tỉnh có 58 làng nghề được công nhận hoạt động, trong đó có 32 làng nghề truyền thống với tổng doanh thu đạt trên 989 tỷ đồng/năm, doanh thu của 26 làng nghề còn lại đạt trên 784 tỷ đồng/năm, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng GDP toàn tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương. 

Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh chưa được đầu tư đồng bộ

    Thực hiện Kế hoạch số 547/ KH-UBND của UBND tỉnh Hà Nam về công tác BVMT tại các làng nghề trên địa bàn tỉnh, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở TN&MT cùng các đơn vị liên quan triển khai công tác bảo vệ môi trường làng nghề. Trong đó, tập trung rà soát, đánh giá các tiêu chí làng nghề, làng nghề truyền thống; chú trọng xây dựng phương án BVMT đối với các làng nghề đã được công nhận. Đến nay có 13/58 làng nghề có phương án bảo vệ được UBND tỉnh, huyện, thị xã công nhận. Tại huyện Bình Lục có 4 làng nghề truyền thống, huyện Lý Nhân có 7 làng nghề truyền thống và Duy Tiên có 2 làng nghề. 

    Theo đánh giá của Sở TN&MT tỉnh Hà Nam, hiện nay hầu hết các làng nghề chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung do còn thiếu kinh phí đầu tư. Vì thế, công tác BVMT làng nghề tại địa phương vẫn chưa phát huy hiệu quả tối đa. Vì vậy, thời gian tới các cấp ngành địa phương tại tỉnh Hà Nam cần có giải pháp cụ thể như hỗ trợ, nâng cấp cơ sở hạ tầng làng nghề, kiểm tra, đánh giá các làng nghề có hoạt động gây ô nhiễm môi trường cao. Từ đó, để xuất xây dựng kế hoạch di dời vào khu tập trung nhằm cải thiện môi trường, hạn chế các hoạt động gây hại đến môi trường, hướng đến phát triển kinh tế bền vững.

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn