Banner trang chủ

Đồng Nai: Đẩy mạnh thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

07/07/2021

     Từ năm 2009, Đồng Nai đã triển khai thí điểm thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn 4 phường của TP. Biên Hòa. Đồng thời, Sở TN&MT tỉnh cũng hướng dẫn các huyện, TP. Long Khánh triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tại địa phương. Đến năm 2015, UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 4519/QĐ-UBND phê duyệt Đề án tổng thể phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, làm cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ trên toàn tỉnh. Song, theo Báo cáo của Sở TN&MT tỉnh, đến cuối năm 2019, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn vẫn chưa đạt hiệu quả theo mục tiêu đề ra. Cụ thể, việc triển khai chưa đồng bộ; chưa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân chấp hành phân loại; chưa đầu tư đồng bộ trang thiết bị, phương tiện từ phân loại đến thu gom, vận chuyển và xử lý, phương tiện của các đơn vị thu gom chất thải rắn sinh hoạt chưa bảo đảm theo quy định; phương án tổ chức thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau khi phân loại không bảo đảm...

     Để khắc phục tình trạng trên, Sở đã tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai ban hành Chỉ thị số 54-CT/TU ngày 24/3/2020 về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại trên địa bàn tỉnh. Đến nay, sau hơn 1 năm thực hiện, 11 huyện, thành phố đã xây dựng Kế hoạch triển khai và hướng dẫn 100% các xã, phường thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; 67 xã, phường, thị trấn, các cơ quan hành chính của huyện, thành phố và 107 trường học, 71.541 hộ dân đăng ký tham gia thực hiện, trong đó có 45.369 hộ dân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo đúng hướng dẫn.

     Các địa phương cũng tích cực tổ chức hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn với nhiều hình thức như tập huấn, hội nghị, phát tờ rơi, áp phích, pano, các cuộc thi, tuyên truyền trên sóng phát thanh, xe cổ động, bố trí thùng rác 2 ngăn tại các khu vực công cộng, xử phạt các trường hợp bỏ rác không đúng nơi quy định. Đồng thời, niêm yết tài liệu tại các bảng tin của phường, khu phố hoặc phổ biến đến hộ dân trong các cuộc họp khu phố, tổ dân phố; phối hợp với ngành giáo dục tổ chức tuyên truyền; xây dựng lực lượng tuyên truyền viên về hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại cấp huyện, xã…

Người dân TP Biên Hòa thực hiện phân loại rác thải tại nguồn

     Tuy nhiên, quá trình triển khai phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn, bất cập, một bộ phận người dân tuy đã nhận thức được lợi ích của việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, nhưng ý thức và hành động của người dân đối với hoạt động này chưa cao, chưa tạo được thói quen trong hành vi. Trong khi đó, hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại vẫn chưa được thực hiện thống nhất và triệt để; các đơn vị thu gom không nhiệt tình tham gia thu gom chất thải rắn sau phân loại do phát sinh kinh phí về trang bị phương tiện, nhiên liệu, nhân công. Các địa phương chưa triển khai đồng bộ, chuẩn hóa trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng kỹ thuật trong quá trình lưu giữ, chuyển giao, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn. Kinh phí duy trì cho hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của các huyện, thành phố còn hạn chế.

     Để tăng cường thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thời gian tới, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Đồng Nai cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, trong đó hướng dẫn thực hiện đến các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình và người dân.

     Đồng thời, chuẩn hóa, đồng bộ trang thiết bị, phương tiện, hạ tầng kỹ thuật trong quá trình lưu giữ, chuyển giao, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn; Tổ chức kiểm tra, giám sát thường xuyên để hướng dẫn người dân, hộ gia đình và các chủ nguồn thải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định. Cùng với đó, bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách của địa phương để triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn, xây dựng điểm thu hồi chất thải trong sinh hoạt theo tiêu chí và hướng dẫn của Sở TN&MT.

Vũ Hồng

Ý kiến của bạn