Banner trang chủ

Đồng Nai: Chủ động triển khai các giải pháp bảo vệ môi trường và thích ứng phó với biến đổi khí hậu

20/07/2021

    Đồng Nai là tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế cao với nhịp độ tăng trưởng liên tục trong nhiều năm qua. Mặc dù, không thuộc các tỉnh ven biển và ít chịu ảnh hưởng nặng nề bởi những tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH). Tuy vậy, theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, tác động của BĐKH đã làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai. Để phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, BVMT, thích ứng với BĐKH đòi hỏi cần những giải pháp thiết thực và cụ thể hơn.

     Theo kết quả đánh giá khí hậu tỉnh Đồng Nai năm 2021, từ năm 2010 đến nay, nền nhiệt tại địa phương đã ấm dần hơn. Số ngày nắng nóng và nắng nóng gay gắt gia tăng đáng kể, thời điểm xuất hiện chủ yếu là trong khoảng thời gian từ tháng 2 - 5 hàng năm và cùng với thời điểm có nền nhiệt cao nhất trong năm.

     Trong khi đó, mức độ biến thiên tổng lượng mưa năm rất lớn, có thể lên đến gần 500 mm; Lượng mưa chủ yếu tập trung trong các tháng mùa mưa, với tỷ lệ từ 80% - 90% so với tổng lượng mưa năm. Bên cạnh đó, lượng mưa ngày cực đại, số ngày mưa lớn, tổng lượng mưa và giai đoạn mưa lớn kéo dài cũng có khuynh hướng gia tăng về cường độ cũng như tần suất xuất hiện; tiếp tục thay đổi phức tạp, khó dự báo hơn trong các kịch bản BĐKH tương lai.

     Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH đến năm 2020; Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020; Hợp phần BĐKH thuộc Chương trình Mục tiêu ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Ảnh minh họa

    Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai Đặng Minh Đức cho biết, thông qua việc thực hiện các kế hoạch, chương trình hành động, công tác ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT trên địa bàn tỉnh đã được đa số các ngành, các cấp, doanh nghiệp và người dân quan tâm. Trong đó, công tác quản lý, BVMT đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, ý thức về BVMT của người dân, doanh nghiệp ngày càng được nâng cao. Hiện, Đồng Nai đã cơ bản xử lý xong các khu vực ô nhiễm môi trường cục bộ; Quan tâm đầu tư hạ tầng về môi trường; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm môi trường; Tăng về tần suất mạng lưới quan trắc các thành phần môi trường, vị trí; Đầu tư các quan trắc tự động nước thải tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Qua đó, chất lượng môi trường tương đối ổn định và có chiều hướng tốt hơn. Bước đầu, các ngành, các cấp và người dân đã có nhận thức, hành động để chủ động ứng phó với BĐKH.

     Đồng Nai hiện đang tập trung xây dựng các dự án quan trọng cấp quốc gia như Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết và các dự án giao thông liên kết. Đây được xem là nguồn động lực, cơ hội thúc đẩy phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội của tỉnh. Song, tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa nhanh cũng gây sức ép lớn về yêu cầu phát triển kết cấu hạ tầng... vì vậy, đây cũng là những thách thức mà tỉnh Đồng Nai phải đối mặt trong thời gian tới.

     Theo Giám đốc Sở TN&MT Đặng Minh Đức, việc phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa - xã hội, BVMT, thích ứng với BĐKH là phương hướng mà tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới, nhằm quản lý, bảo vệ và khai thác, sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên khoáng sản, tài nguyên nước và hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên không tái tạo. Đồng thời, tăng cường công tác bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, giải quyết triệt để các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến môi trường; Thực hiện tốt việc ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh.

     Để tạo sự chuyển biến trong công tác BVMT, bảo vệ nguồn tài nguyên, ngăn ngừa sự suy thoái các nguồn tài nguyên hữu hạn, Đồng Nai sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước; Đẩy mạnh hợp tác về ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên, BVMT; Tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp, doanh nghiệp và cộng đồng về thích ứng, phòng chống thiên tai, ngập lụt, giảm phát thải khí nhà kính, tăng trưởng xanh; Quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững và hiệu quả, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, chú trọng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức; Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; Tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực cho ứng phó với BĐKH, quản lý tài nguyên và BVMT.

Hồng Cẩm

Ý kiến của bạn