Banner trang chủ

Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước

20/07/2021

     Việt Nam có hệ sinh thái ao, hồ, sông, suối đa dạng với khoảng 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên, nằm trong 108 lưu vực, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và đời sống xã hội của con người. Tuy nhiên, hệ sinh thái các thuỷ vực trên đang bị suy giảm nghiêm trọng, một trong những nguyên nhân chính là do các nguồn ô nhiễm từ rác thải nhựa, nước thải sinh hoạt và công nghiệp, hóa chất tồn dư trong hoạt động sản xuất nông nghiệp… Theo Báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2019, tỷ lệ nước thải đô thị được thu gom, xử lý chỉ đạt khoảng 13%; có khoảng 5.000 làng nghề thiếu hạ tầng BVMT, nước thải được xả trực tiếp ra môi trường mà không qua xử lý. Nếu không có những hành động kịp thời, GDP sẽ giảm 3,5% do ô nhiễm nước. Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2018 cho thấy, mọi người đang ngày càng quan tâm đến chất lượng nước với hơn một nửa số người được hỏi cho rằng chất lượng nước đã xuống cấp trong ba năm qua.

Ô nhiễm do xả thải tại sông Cầu, Bắc Giang

     Các bài học trên thế giới đã chỉ ra, sự tham gia có ý nghĩa từ công chúng, cộng đồng, doanh nghiệp, nhà khoa học và các bên liên quan khác là điều kiện quyết định trong việc giảm thiểu, kiểm soát ô nhiễm nước. Tri thức và thông tin, bao gồm các giải pháp công nghệ và truyền thông, là yếu tố chính thúc đẩy thay đổi nhận thức cũng như hành vi của cộng đồng, doanh nghiệp trong BVMT và bảo tồn nguồn nước. Thông qua kết nối các tổ chức xã hội, cộng đồng, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học trong các hành động bảo vệ nguồn nước, Dự án “Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước” tài trợ bởi Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) do Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) triển khai từ năm 2020 - 2023  sẽ xây dựng Mạng lưới bảo tồn nguồn nước Việt Nam (VIWACON) với các thành viên sáng lập đến từ Liên minh nước sạch, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, Hội nghề Cá và Đại học Bách Khoa Hà Nội. Mạng lưới sẽ làm việc cùng các cơ quan quản lý nhà nước, báo chí, doanh nghiệp trong 5 hoạt động: Thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ nguồn nước dựa vào cộng đồng trên cơ sở tiếp cận thông tin khoa học, các giải pháp công nghệ và truyền thông sáng tạo; Xây dựng các đối tác Doanh nghiệp - Cộng đồng - NGOs bền vững triển khai các mô hình kiểm soát ô nhiễm nước; Xây dựng các cơ sở dữ liệu nền và nền tảng thông tin số trong lĩnh vực bảo tồn nguồn nước, phục vụ quản lý hiệu quả, đồng thời huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng, doanh nghiệp; Hỗ trợ xây dựng và thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật về môi trường, các kế hoạch hành động cấp tỉnh/thành phố, cấp quận/huyện về kiểm soát ô nhiễm nước, tái sử dụng nước trong doanh nghiệp, nền kinh tế tuần hoàn; Triển khai các chương trình truyền thông sáng tạo và giáo dục về bảo vệ nguồn nước cho học sinh, sinh viên.

Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Trái đất nawm 2021 tại Hồ Hoàn Kiếm

     Dự án đã chính thức được khởi động tại Đà Nẵng vào ngày 4/6/2021 bằng Lễ ký kết trực tuyến ghi nhớ hợp tác giữa các thành viên VIWACON và đối tác địa phương để triển khai các hợp phần gồm:

     Ngăn ngừa ô nhiễm nước tại Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang : Mạng lưới sẽ phối hợp với Chi cục BVMT Đà Nẵng, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang xây dựng bộ cơ sở dữ liệu và bản đồ hiện trạng ô nhiễm môi trường tại Âu thuyền. Từ đó đề xuất bản khuyến nghị cơ chế phối hợp quản lý hiệu quả và thành lập các mô hình cho ngư dân, tiểu thương, doanh nghiệp tham gia bảo vệ nguồn nước tại Âu thuyền.

     Xây dựng mô hình khu dân cư phát triển bền vững: Mạng lưới và UBND/Phòng TN&MT quận Thanh Khê, huyện Hòa Vang, Chi cục BVMT Đà Nẵng phối hợp xây dựng 5 mô hình khu dân cư/thôn phát triển bền vững với các tiêu chí về quản lý rác thải và nước thải, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ không khí, thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ rủi ro thiên tai; 3 mô hình về chăn nuôi tiết kiệm nước và mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ nguồn nước.

     Thúc đẩy các sáng kiến sử dụng nước thông minh: Mạng lưới sẽ cùng Chi cục BVMT Đà Nẵng, Đại học Bách Khoa Đà Nẵng thúc đẩy các sáng kiến sử dụng nước thông minh và tái sử dụng nước trong doanh nghiệp; thành lập mạng lưới doanh nghiệp tiên phong sử dụng nước thông minh; phát động phong trào sử dụng nước thông minh, tái sử dụng nước, đề xuất các bằng chứng và khuyến nghị chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tái sử dụng nước phù hợp.

     Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ tại 3 điểm cầu: Trụ sở USAID Việt Nam, UBND TTP. Đà Nẵng và tại CECR

     Tăng cường quản lý hiệu quả tài nguyên nước và kiểm soát ô nhiễm nước tại lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn: Mạng lưới sẽ hỗ trợ Sở TN&MT Đà Nẵng, Sở TN&MT Quảng Nam xây dựng bản đồ nguồn thải vào lưu vực/vùng bảo hộ cấp nước sinh hoạt; xây dựng thỏa thuận hợp tác, cơ chế giám sát nguồn thải trong lưu vực giữa Quảng Nam và Đà Nẵng; tăng cường năng lực cho các nhóm cộng đồng giám sát nguồn nước và đề xuất giải pháp huy động nguồn lực thực hiện kế hoạch quản lý nguồn nước lưu vực sông hang năm.

     Hợp tác triển khai thiệu quả Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố Môi trường giai đoạn 2021 - 2030”: Mạng lưới cũng hỗ trợ Sở TN&MT Đà Nẵng xây dựng các kế hoạch hành động triển khai Đề Án, bao gồm kế hoạch huy động nguồn lực, nghiên cứu nhu cầu tiếp cận thông tin và sự hài lòng của người dân về công tác quản lý môi trường, xây dựng Chuyên mục “Thành phố môi trường” trên cổng thông tin điện tử để thúc đẩy công khai và tiếp cận thông tin môi trường của Thành phố.

     Truyền thông và giáo dục môi trường: Mạng lưới sẽ phối hợp cùng Chi cục BVMT, các trường học, Đoàn thanh niên, các bên liên quan để phát triển Chương trình giáo dục môi trường cho học sinh, sinh viên; thúc đẩy các sáng kiến bảo vệ nguồn nước cho học sinh, sinh viên; tài  liệu hóa và chia sẻ bài học kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình thành công của Dự án với các địa phương khác.

     Với các hoạt động trên, Dự án sẽ trực tiếp đóng góp vào 3 giải pháp chiến lược của Đề án “Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, giai đoạn 2021 - 2030, bao gồm: Xây dựng chính sách để xã hội hóa và huy động nguồn lực mới, nhằm lan tỏa trách nhiệm BVMT; lựa chọn, xây dựng các kế hoạch, giải pháp cụ thể xác lập tiêu chí “phát triển bền vững về môi trường” ở mỗi ngành, lĩnh vực, khu vực. Cùng với đó là thúc đẩy mô hình “kinh tế xanh”, tạo nên đặc trưng của Thành phố Môi trường. Để thực hiện tốt mục tiêu đề ra và đạt được kết quả như mong đợi, CECR cùng các thành viên Mạng lưới VIWACON sẽ phối hợp chặt chẽ với Sở TN&MT Đà Nẵng/Chi cục BVMT Đà Nẵng, UBND quận Thanh Khê, huyện Hòa Vang, Ban Điều phối lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn tại Quảng Nam và Đà Nẵng cùng các tổ chức địa phương khác để thực hiện hiệu quả các hợp phần của Dự án.

     Song song tại Hà Nội, Mạng lưới VIWACON sẽ tập trung vào những hoạt động chính sau: Nâng cao năng lực về kiểm soát ô nhiễm nước, kỹ năng lãnh đạo, truyền thông và huy động nguồn lực cho các thành viên Mạng lưới VIWACON cũng như các đối tác địa phương; triển khai Chương trình tài trợ nhỏ - Nước xanh Việt Nam để hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho những sáng kiến  bảo vệ nguồn nước trong cả nước; thực hiện Chiến dịch truyền thông, chương trình truyền hình giáo trực tuyến về bảo vệ nguồn nước cho học sinh, sinh viên. Đồng thời, xây dựng đối tác, huy động sự tham gia và nguồn lực từ khu vực tư nhân trong các sáng kiến bảo tồn nguồn nước tại địa phương; tổ chức các diễn đàn chính sách, xây dựng khuyến nghị chính sách về sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn nguồn nước trong Luật BVMT năm 2020, Luật Tiếp cận thông tin và các nghị định, thông tư hướng dẫn dưới Luật.

Đinh Thị Thu Hằng - Giám đốc CECR

     VIWACON là tập hợp của các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng và các hiệp hội chung tay hành động bảo vệ nguồn nước Việt Nam. Thành viên sáng lập của Mạng lưới bao gồm: CECR), Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và  Môi trường (C&E), Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Tài nguyên nước (WARECOD), Trung tâm Tư vấn phát triển bền vững tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu (CEWAREC), Viện Khoa học và Công nghệ môi trường (INEST), Hội Nghề Cá Việt Nam (VINAFIS).

     Sứ mệnh của VIWACON là “Tiên phong trong các sáng kiến và giải pháp đảm bảo nguồn nước trong sạch cho mọi người”, tầm nhìn trong 5 năm tới là “Bảo tồn tài nguyên nước, chung tay kết nối cộng đồng, các tổ chức xã hội, nhà khoa học, doanh nghiệp, Nhà nước ngăn chặn ô nhiễm nước”.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn