Banner trang chủ

Chọn tạo giống chất lượng - Ưu tiên hàng đầu trong thực hiện Đề án trồng 1 tỷ cây xanh

13/05/2021

     Chọn tạo giống chất lượng được xem là ưu tiên hàng đầu để thực hiện thành công Đề án trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

      Thành tố quan trọng trong các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu

      Tại Hội nghị triển khai Nghị định số 27/2021/NĐ-CP, Quyết định 523/QĐ-TTg và Quyết định số 524/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 23/4/2021, Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn nhấn mạnh, trong 15 năm thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020, ngành lâm nghiệp đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, giúp các địa phương có nguồn thu ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động. Sự tăng trưởng của che phủ rừng có thể nói là một trong những “ chìa khóa“ giúp ứng phó với biến đổi khí hậu.

     Bà Mai Thị Hoàng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, kinh tế lâm nghiệp được lãnh đạo tỉnh và các địa phương quan tâm phát triển bằng các chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, liên kết với nông dân trồng rừng. Hiện, tỉ lệ che phủ rừng của Tuyên Quang đạt tới 62,5%, cao hơn bình quân chung cả nước, giá trị sản xuất lâm nghiệp năm 2020 đạt 1.438 tỷ đồng, diện tích rừng có chứng chỉ FSC đạt 35.000 ha. Tuyên Quang cũng tích cực triển khai Đề án trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ, xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu trồng 6 triệu cây cho các địa phương.

Toàn cảnh Hội nghị

     Ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT chia sẻ, xác định rừng là thành tố quan trọng trong các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, trong Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ ưu tiên phát triển vùng rừng trồng cung cấp nguyên liệu tập trung, trồng rừng gỗ lớn. Cụ thể là ưu tiên đẩy mạnh nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp; ưu tiên phát triển giống được sản xuất từ cây mô, hom để trồng rừng sản xuất. Cùng với đó, phục hồi rừng tự nhiên bằng các biện pháp khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung; nuôi dưỡng và làm giàu rừng. Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng sản xuất theo hướng tối ưu hóa hệ thống sản xuất và chuỗi giá trị lâm sản thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.

     Ưu tiên công tác chọn tạo giống

     Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đề án trồng 1 tỷ cây xanh mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã kiến nghị ưu tiên công tác lựa chọn giống.

     Theo ông Nguyễn Tiến Lâm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An, việc Chính phủ ban hành riêng một Nghị định chuyên đề cho giống cây lâm nghiệp là rất cần thiết, bởi để phát triển kinh tế lâm nghiệp thì cần có chính sách chuyên biệt cho giống cây lâm nghiệp. Một trong những thành công của ngành nông nghiệp thời gian qua là do công tác giống nhưng làm giống lâm nghiệp còn khó hơn giống cây nông nghiệp gấp nhiều lần. Giống cây nông nghiệp chỉ cần vài năm là có thể hoàn thành công tác khảo nghiệm để được công nhận giống nhưng với giống cây lâm nghiệp, thời gian có thể phải tính bằng 10 năm, 20 năm, thậm chí là cả trăm năm. Ví dụ, ở Nghệ An có giống Thông “chóc” (Thông nhựa), người Pháp mang về trồng ở đất Nghệ An cả trăm năm mới khẳng định được hiệu quả của nó khi năng suất nhựa rất cao.

     Đồng quan điểm, GS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp nhấn mạnh, phải ưu tiên một cách có trọng điểm cho khâu giống lâm nghiệp, vốn là lĩnh vực còn nhiều hạn chế của ngành. “Chúng ta hoàn toàn có thể nhập khẩu công nghệ hiện đại từ nước ngoài để phục vụ sản xuất nhưng phải làm chủ trong lĩnh vực giống lâm nghiệp. Bài học thất bại của cây phong lá đỏ trên đường phố Hà Nội vẫn còn đó, chúng ta nhập giống ở nước ngoài về nên không phù hợp, kết quả là cây chết khô”, ông Chứ cho biết.

     Ông Oemar Idoe, Điều phối viên các dự án môi trường, biến đổi khí hậu, nông nghiệp và hội nhập kinh tế vùng (GIZ Việt Nam) chia sẻ, Chiến lược Phát triển Lâm nghiệp Việt Nam phù hợp với các xu hướng phát triển toàn cầu và giúp Việt Nam thực hiện các cam kết của quốc gia trong các thỏa thuận và mục tiêu quốc tế. Đức sẽ vẫn tiếp tục là một đối tác quan trọng của Việt Nam trong những năm sắp tới trong tiến trình thực hiện quản lý rừng và các khu bảo tồn bền vững.

     Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các địa phương cần nghiên cứu, xây dựng tiêu chí về diện tích trồng cây xanh trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện, xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành; xây dựng và tổ chức thực hiện Dự án hỗ trợ trồng 1 tỷ cây xanh; tổ chức rà soát, xây dựng, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật về giống cây trồng lâm nghiệp và lâm sinh để hướng dẫn các địa phương thực hiện...

 Đỗ Hương

 

Ý kiến của bạn