Banner trang chủ

Chàng lính trẻ và giải pháp góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu nơi địa đầu biên giới

18/10/2021

    Tại vòng Chung kết và Lễ trao giải Cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu” năm 2021 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, Cục biến đổi khí hậu (BĐKH) - Bộ TN&MT phối hợp tổ chức ngày 28/9/2021, sáng kiến “Giải pháp trồng cây dâu tằm ở khu vực biên giới, xây dựng hàng rào sinh học để giữ đất, chống xói mòn, phát triển kinh tế - xã hội cho cư dân biên giới” đã lọt top 10 ý tưởng xuất sắc nhất và vinh dự đạt được Giải Nhất. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Môi trường có cuộc trò chuyện với đồng chí Nguyễn Văn Hiển (Đồn biên phòng Si Pha Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên) - Tác giả của sáng kiến.

    PV: Chúc mừng đồng chí đã vinh dự đạt được Giải Nhất tại Cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu” năm 2021. Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào đối với đồng chí?

    Đồng chí Nguyễn Văn Hiển: Cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì khí hậu” năm 2021 mang lại cho thanh niên Việt Nam và tất cả các tầng lớp khác trong xã hội cách nhìn nhận cụ thể về tác động của BĐKH, qua đó, tạo cho thanh niên một sân chơi lành mạnh để phát huy tinh thần sáng tạo, đóng góp cho đất nước những giải pháp hữu hiệu trong công cuộc phòng chống, ứng phó với BĐKH. Tôi rất vinh dự là đại diện cho các đồng chí đoàn viên, thanh niên Đoàn Thanh niên Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên nói riêng, toàn thể lực lượng Bộ Đội Biên phòng nói chung tham gia và đạt Giải Nhất tại Cuộc thi. Giải thưởng này không chỉ là niềm tự hào của riêng cá nhân tôi mà còn cả lực lượng Bộ đội Biên phòng, để đóng góp một phần nhỏ công sức trong việc nâng cao chất lượng đời sống, cải thiện môi trường cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới, đặc biệt hơn, nó còn có ý nghĩa bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của Tổ quốc.

    PV: Lý do đồng chí lựa chọn “Giải pháp trồng cây dâu tằm ở khu vực biên giới, xây dựng hàng rào sinh học để giữ đất và chống xói mòn, phát triển kinh tế - xã hội cho cư dân biên giới” để tham gia Cuộc thi là gì? Qua ý tưởng đó, đồng chí muốn lan tỏa thông điệp gì đến cộng đồng?

    Đồng chí Nguyễn Văn Hiển: Lý do tôi chọn Đề tài này để tham gia Cuộc thi là do hiện nay, tại tỉnh Điện Biên nói riêng, các địa phận khác trên cả nước nói chung, đặc biệt là những khu vực biên giới có rất nhiều diện tích đất trống, đồi núi trọc. Đây là hệ lụy của việc người dân phá rừng bừa bãi làm nương rẫy khiến đất đai bị khô cằn, bỏ hoang, mặc dù có sử dụng vào các mục đích khác như trồng cây cao su, canh tác lúa nương, song hiệu quả không cao. Bên cạnh đó, việc tiếp cận khoa học kỹ thuật vào sản xuất nơi biên giới gặp nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng đói nghèo cùng nhiều hệ lụy khác, gây bất ổn về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội. Không những thế, Điện Biên còn bị ảnh hưởng lớn từ BĐKH, vào mùa mưa, tình trạng lũ quét, sạt lở đất, chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, hiện tượng sấm, sét gây chết người, gia súc… thường xuyên xảy ra và có chiều hướng nghiêm trọng theo thời gian.

    Mặc dù vậy, diện tích đất trống, đồi núi trọc lại rất phù hợp cho cây dâu tằm sinh trưởng và phát triển, từ đó vừa có thể xây dựng được một hàng rào sinh học chống xói mòn, vừa phát triển kinh tế gắn với BVMT. Cây dâu tằm dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, sẽ đem lại nhiều lợi ích cho bà con, giúp tăng thu nhập, nâng cao dân trí, hạn chế được các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cho cư dân khu vực biên giới ngày càng tiến bộ, văn minh, hiện đại hơn. Mặt khác, nếu phát triển được cây dâu tằm, nghề dệt vải ở đây thì sẽ thu hút được doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư nhà máy dệt cho vùng Tây Bắc. Cùng với đó, nghề dệt sẽ thu hút khách du lịch đến thăm quan, khi đó, sẽ kết hợp tuyên truyền vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đường biên cột mốc, về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, từ đó giúp cho việc bảo vệ chủ quyền quốc gia được phổ biến rộng rãi, hiệu quả hơn.

Đồng chí Nguyễn Văn Hiển - Đồn biên phòng Si Pha Phìn, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên

    Với ý tưởng này, tôi muốn lan tỏa đến cộng đồng thông điệp “Mỗi chúng ta là một điều đặc biệt - Hãy hành động ứng phó với BĐKH theo cách của bạn”, nhất là đội ngũ thanh, thiếu niên, lực lượng nòng cốt, có thể đóng góp và đem lại nhiều kết quả tích cực hơn nữa, nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu, đảm bảo một tương lai phát triển bền vững cho Việt Nam.

    PV: Đồng chí có thể chia sẻ về những ưu điểm cũng như tính khả thi của giải pháp trong bối cảnh BĐKH và ô nhiễm môi trường tại địa phương nơi đóng quân cũng như các địa bàn khác trên cả nước?

    Đồng chí Nguyễn Văn Hiển: Không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số nơi biên giới, trồng dâu tằm còn góp phần cải tạo môi trường, giữ được mực nước ngầm, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét. Đây là giải pháp thực tế và thiết thực nhất cho người dân khu vực biên giới Tây Bắc nói riêng, cả nước nói chung, kết hợp giữa sản xuất với cải thiện chất lượng môi trường. Hơn nữa, cây dâu tằm phát triển rất nhanh và sống lâu năm, dễ thích ứng với môi trường khắc nghiệt, vì vậy, người dân chỉ mất chi phí đầu tư khi bắt đầu khởi nghiệp, việc phát sinh vốn trong quá trình sản xuất hầu như ít hoặc không có, từ đó sẽ tạo tính chủ động, tự chủ của người dân trong sản xuất. Không những vậy, khả năng nhân rộng của giống cây này lại rất cao, đạt hiệu quả hơn so với các loại cây trồng khác.

    Có thể thấy, việc trồng cây dâu tằm ở khu vực biên giới vùng Tây Bắc nói riêng, trên cả nước nói chung, hướng đến xây dựng được một hàng rào sinh học chống xói mòn là rất cần thiết, do đó, Nhà nước cần có chính sách tầm vĩ mô như đẩy mạnh công tác tuyên truyền; mời các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá một cách tổng thể để đưa ra chính sách phù hợp như hỗ trợ hạ tầng theo Chương trình 135, Chương trình 327, vốn ưu đãi… để phát triển và nhân rộng mô hình.

    PV: Là người lính nơi địa đầu biên giới của Tổ quốc, đồng chí có những nhắn gửi gì tới các cấp trong việc giữ gìn sự bình yên của nhân dân và BVMT cho sự phát triển của đất nước trong thời bình?

    Đồng chí Nguyễn Văn Hiển: Ô nhiễm môi trường và BĐKH đang vấn đề mang tính toàn cầu, nhận được sự quan tâm của mọi cấp, mọi ngành, mọi quốc gia trên thế giới. Đảng và Nhà nước ta đã xác định, quân đội là lực lượng nòng cốt trong việc thực hiện các nhiệm vụ BVMT quốc gia như: Khắc phục hậu quả tồn lưu bom, mìn, chất độc hóa học dioxin sau chiến tranh và ứng cứu sự cố môi trường… Với phương châm “Ở đâu có hoạt động của bộ đội thì ở đó có hoạt động BVMT”, trong những năm qua, công tác BVMT đã được các cấp, các ngành trong toàn quân quan tâm và thu được những kết quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, nâng cao chất lượng đời sống, sinh hoạt của bộ đội và nhân dân trên địa bàn đóng quân.

    Trước yêu cầu nhiệm vụ có bước phát triển mới, đặt ra việc phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả BVMT trong quân đội, cá nhân tôi mong muốn, thời gian tới, Đảng, Nhà nước cùng các cấp chính quyền sẽ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của BVMT cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng; đưa nội dung BVMT thành chỉ tiêu thi đua ở các đơn vị để cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên chức quốc phòng nắm chắc được các văn bản quy định của Nhà nước liên quan đến BVMT như: Luật BVMT, các nghị định, quyết định, chỉ thị của Chính phủ giao nhiệm vụ cho quân đội tham gia BVMT... Khẳng định BVMT đối với quân đội là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên - “một nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”; lồng ghép giáo dục về BVMT trong các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị; phát động phong trào thi đua xây dựng “doanh trại chính quy, Xanh - Sạch - Đẹp”; trồng cây gây rừng; kiên quyết đấu tranh phê phán những việc làm sai trái, hành vi phá hoại môi trường sinh thái, thực hiện quy định “Người gây ô nhiễm môi trường phải trả tiền”.

    Cùng với đó, củng cố, hoàn chỉnh hệ thống văn bản pháp quy và kiện toàn các tổ chức BVMT ở các đơn vị trong toàn quân, nhằm tạo ra hành lang pháp lý cần thiết, bảo đảm cho các đơn vị cơ sở đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác BVMT; thường xuyên nghiên cứu, ban hành, cập nhật, rà soát, bổ sung, điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về BVMT theo thẩm quyền; kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội về hoạt động BVMT, phù hợp với điều kiện hoạt động của các đơn vị cơ sở; nghiên cứu đặc điểm môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội khu vực đóng quân, dự báo những vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động của bộ đội, qua đó có biện pháp BVMT sát thực. Cơ quan chức năng cần biên soạn, cung cấp tài liệu cho công tác học tập, tuyên truyền, giáo dục nhận thức về vấn đề môi trường cho các đơn vị cơ sở. Trong điều kiện không có cơ quan chuyên trách về công tác môi trường ở các đơn vị cơ sở, cần phải lồng ghép các hoạt động của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên theo chức trách với hoạt động BVMT một cách linh hoạt, sáng tạo.

    Đồng thời, xây dựng tiêu chí cụ thể về BVMT sinh thái đối với các khu vực sản xuất, sửa chữa, thử nghiệm vũ khí, khí tài, trang bị và nơi ăn ở, sinh hoạt của các đơn vị cơ sở. Các cơ quan chuyên môn cần tham mưu cho Thủ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo và huấn luyện nội dung BVMT trong các nhà trường quân đội; liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục về lĩnh vực môi trường cả trong và ngoài nước. Các đơn vị trong toàn quân cần thường xuyên tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ bồi dưỡng kiến thức, thực hiện tốt kế hoạch đào tạo đối với dội ngũ cán bộ làm công tác BVMT, đặc biệt là những cán bộ trẻ. Mặt khác, quan tâm đến đội ngũ cán bộ chuyên trách, đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật cao, có kinh nghiệm trong thực tiễn và có nhiều đóng góp cho công tác BVMT.

    BVMT trong quân đội là vấn đề rất cấp thiết, là nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Phát huy truyền thống tốt đẹp của quân đội, các đơn vị trong toàn quân cần quán triệt triển khai đầy đủ những nội dung cơ bản về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Từng đơn vị căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao để kết hợp chặt chẽ với công tác BVMT; mở rộng hợp tác, tăng cường phối hợp hoạt động BVMT với các bộ, ngành, địa phương, nhằm nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động BVMT ở đơn vị, phấn đấu xứng đáng là lực lượng nòng cốt và thực sự xứng đáng với chức năng là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động, sản xuất”, tiên phong trong hoạt động BVMT, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

    PV: Xin chân thành cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện!

Thu Hằng (Thực hiện)

 

Ý kiến của bạn