Banner trang chủ

Cần tăng cường bảo vệ môi trường các hồ trên địa bàn Thành phố Hà Nội

15/07/2021

     Theo các chuyên gia quy hoạch, hồ là địa hình đặc trưng của Hà Nội. Đây là phần không gian mở tự nhiên len lỏi, xen kẽ trong không gian xây dựng và là một hệ sinh thái tự nhiên quan trọng của đô thị, góp phần hình thành hệ thống hạ tầng xanh, giúp Hà Nội thích ứng tốt hơn với biến đổi khí hậu. Không chỉ vậy, đó còn là nơi lưu giữ không gian văn hóa vật thể và phi vật thể của quá trình phát triển đô thị. Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây của Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, diện tích các ao hồ trên địa bàn TP đang bị thu hẹp theo thời gian. Trong đó, giai đoạn 2010 - 2015, Hà Nội có 17 hồ bị san lấp hoàn toàn. Hiện số hồ còn lại khoảng 112, tổng diện tích mặt nước năm 2015 gần 7 triệu mét vuông, giảm 72.500m2 so với năm 2010. Bên cạnh đó, cùng với tốc độ đô thị hóa, đặc biệt là ý thức của người dân, sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương khiến tình trạng ô nhiễm tại các hồ ở Thủ đô cũng ngày càng trở nên phức tạp.

     Tại mốt số hồ trên địa bàn TP như: Rẻ Quạt, Thịnh Quang… tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra khá phức tạp. Tại đây, mặt hồ phủ kín bởi bèo, xác động vật, rác thải đủ loại… bốc mùi khó chịu. Đó cũng là thực trạng đã và đang diễn ra tại hồ Linh Quang (phường Văn Chương, quận Đống Đa). Được biết, năm 2004 TP. Hà Nội đã phê duyệt Dự án cải tạo hồ Linh Quang nhằm đảm bảo cuộc sống của người dân, nhưng đã 17 năm trôi qua, Dự án vẫn ngổn ngang, chưa rõ ngày hoàn thành.

Ô nhiễm môi trường hồ Linh Quang

     Thống kê của Chi cục Thủy lợi Hà Nội đến tháng 6/2021 cho thấy, trên địa bàn Thành phố tồn tại 13.025 vụ vi phạm công trình thủy lợi (sông, hồ...). Trong đó, riêng từ đầu năm 2021 đến nay, phát sinh 158 vụ vi phạm công trình thủy lợi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các địa phương mới xử lý được 10 vụ phát sinh trong năm 2021 và 52/12.877 vụ xảy ra từ những năm trước 2021.

     Theo các chuyên gia quy hoạch, công viên cây xanh, mặt nước được đánh giá là lá phổi của các đô thị lớn, giúp điều tiết khí hậu, tạo cảnh quan môi trường… Vì vậy, trong quá trình phát triển đô thị, Hà Nội cần có quy hoạch cụ thể để vừa bảo tồn diện tích mặt nước và các ao, hồ hiện có, vừa phát triển thêm nhiều hồ nước mới. Trong khi chưa thể phát triển thêm được các hồ nước mới, phải quyết liệt bảo vệ, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đồng thời, cần xem xét trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương nếu để xảy ra vi phạm kéo dài, không được xử lý kịp thời.

     Ông Bùi Ngọc Uyên - Phó Trưởng phòng Đối ngoại Truyền thông, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho hay, ngoài việc điều hòa khí hậu, các hồ ở Hà Nội còn có chức năng thoát nước. Do đó, tình trạng ô nhiễm của các hồ ở Hà Nội sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu, thoát nước tại Thủ đô mỗi khi trời mưa. Dẫn chứng về việc này, ông Bùi Ngọc Uyên chia sẻ, để đảm bảo việc vận hành thông suốt của hệ thống thoát nước, đơn vị thường xuyên phải bố trí lực lượng dọn dẹp, nhặt rác tại các đường ống thoát nước và trong hệ thống hồ trên địa bàn Thành phố trước, trong, sau những đợt mưa, bão.

     Để khắc phục tình trạng trên, ông Bùi Ngọc Uyên cho rằng, ngoài việc tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về BVMT, không xả rác bừa bãi, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, vận động cơ sở kinh doanh ăn uống, sửa chữa ô tô, xe máy... lắp đặt hệ thống tách dầu, mỡ trước khi thải ra môi trường. Cùng với đó, cơ quan chức năng cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật và tách nước thải không để nước thải chảy vào các hồ. “Những việc làm trên dù rất nhỏ nhưng nếu được thực hiện nghiêm sẽ góp phần quan trọng trong việc đảm bảo môi trường, hệ thống thoát nước và sâu hơn là những giá trị lịch sử của Thủ đô Hà Nội” - ông Bùi Ngọc Uyên nhấn mạnh.

     Trước thực trạng tại nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng hồ, ao, đầm bị lấn chiếm, san lấp làm gia tăng nguy cơ ô nhiễm chất lượng nguồn nước, Bộ TN&MT đã có công văn gửi và đề nghị UBND các tỉnh, TP chỉ đạo khẩn trương rà soát, lập danh mục hồ, ao, đầm, phá không được san lấp. Trên cơ sở đó, gửi báo cáo về Bộ TN&MT theo quy định của Luật Tài nguyên nước.

Hoàng Đàn

Ý kiến của bạn