Banner trang chủ

Thực trạng môi trường chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và đề xuất giải pháp giảm thiểu ô nhiễm

16/07/2020

    Ngành chăn nuôi là một trong những ngành phát triển kinh tế chủ lực của tỉnh Thái Nguyên, trong những năm gần đây đã có sự tăng trưởng nhanh về quy mô và giá trị, đóng góp nhiều vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, việc quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi vẫn còn những bất cập, nảy sinh nhiều vấn đề về ô nhiễm môi trường (ÔNMT), đe dọa sức khỏe của cộng đồng. Chính vì vậy, việc khắc phục ÔNMT trong chăn nuôi ở Thái Nguyên đang đặt ra rất cấp bách nhằm hướng tới ngành chăn nuôi phát triển bền vững.

 Thực trạng quản lý môi trường trong chăn nuôi ở tỉnh Thái Nguyên

    Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, trong 3 năm qua, ngành chăn nuôi Thái Nguyên đã phát triển theo hướng chuyển đổi chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại tập trung, sản xuất hàng hóa có quy mô lớn mang lại hiệu quả kinh tế. Sản xuất chăn nuôi của tỉnh tập trung phát triển những loại gia súc, gia cầm có lợi thế so sánh và giá trị kinh tế cao. Theo đó, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại quy mô công nghiệp, ứng dụng công nghệ tiên tiến, an toàn sinh học trong chăn nuôi; tăng nhóm vật nuôi có năng suất và giá trị kinh tế cao trong cơ cấu đàn gia súc, đại gia súc, gia cầm, thủy sản… Toàn tỉnh hiện có 752 trang trại chăn nuôi, tập trung ở huyện Phổ Yên, Đồng Hỷ, Phú Bình, Phú Lương và TP. Thái Nguyên. Tính đến hết năm 2019, chăn nuôi trang trại đã cung ứng khoảng 35% tổng sản lượng thịt hơi các loại, tăng 10% so năm 2016; tỷ lệ đàn bò lai đạt 55%, đàn lợn ngoại, lợn lai năng suất, chất lượng đạt 70%, tỷ lệ các giống gà lông mầu thả vườn, gà bản địa có chất lượng, giá trị cao đạt 75%.

    Bên cạnh đó, ngoài các trang trại chăn nuôi với quy mô công nghiệp, số hộ chăn nuôi nông hộ vẫn còn chiếm số lượng không nhỏ trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê hiện tổng số hộ chăn nuôi ở Thái Nguyên là 210.000 hộ, trong đó, số hộ chăn nuôi có chuồng trại 206.000 hộ (chiếm 98%). Một số hộ vùng sâu vùng xa chăn nuôi nhỏ còn thả rông, không có chuồng trại (4.000 hộ, chiếm 2%). Số hộ áp dụng các biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi (ủ phân, làm hầm biogas, sử dụng đệm lót sinh học) là 105.000 hộ, chiếm 50%. Số hộ chưa áp dụng các biện pháp xử lý chất thải 105.000 hộ, chiếm 50%.

    Theo ước tính, lượng phân trong chăn nuôi gia súc, gia cầm thải ra môi trường trên địa bàn tỉnh khoảng 1.550.000 tấn phân tươi/năm, trong đó: chăn nuôi lợn khoảng 650.000 tấn/năm; chăn nuôi gia cầm khoảng 200.000 tấn/năm; chăn nuôi trâu, bò khoảng 700.000 tấn/năm. Đây là một mối nguy hại lớn đối với môi trường của tỉnh. Chất thải được xả trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm đất đai, nguồn nước và không khí, tác động lớn đến cuộc sống của người dân trên địa bàn là một thách thức lớn đối với việc quản lý thu gom, xử lý chất thải của chính quyền địa phương.

    Không những vậy, các nguy cơ gây ÔNMT còn phát sinh từ những trang trại, gia trại nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong các khu dân cư, quỹ đất nhỏ hẹp, không đủ diện tích để xây dựng các công trình BVMT đảm bảo xử lý đạt tiêu chuẩn cho phép, không đảm bảo khoảng cách vệ sinh đến khu dân cư đã gây ÔNMT. Ngoài ra, nước thải trong chăn nuôi lợn ở các cơ sở này, bao gồm: nước tắm rửa, vệ sinh chuồng trại, máng ăn, máng uống hòa lẫn với phân lợn và xả thẳng ra môi trường. Nước thải này chứa rất nhiều vi sinh vật - chúng là những tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước như: E.coli, Streptococcus sp, Salmonella sp, Shigenla sp, Proteus, Clostridium sp… Đây là các vi khuẩn gây bệnh tả, lỵ, thương hàn, kiết lỵ. Theo ước tính, mỗi ngày các trang trại chăn nuôi lợn đang sử dụng khoảng 30 - 40 lít nước/đầu lợn trưởng thành/ngày. Việc sử dụng quá nhiều nước trong chăn nuôi ở các trang trại làm cho việc thu gom và tách chất thải rắn khó thực hiện vì cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng.

    Qua rà soát sơ bộ, tình trạng các trang trại chăn nuôi gây ÔNMT nổi cộm nhất là ở khu vực các xã: Phúc Thuận, Minh Đức, Thành Công (thuộc huyện Phổ Yên). Tại khu vực này có tới 22 trang trại chăn nuôi, trong đó có 16 trang trại chăn nuôi lợn. Riêng xóm Đèo Nứa (xã Phúc Thuận) có tới 5 trang trại chăn nuôi đang hoạt động, được xây dựng liền kề nhau. Kết quả kiểm tra của  Sở TN&MT tỉnh Thái Nguyên, cho thấy, nước thải chăn nuôi của các trang trại tại đây chủ yếu được xử lý qua bể biogas, sau đó thải ra ao chứa không có lót đáy chống thấm, nước thải trong các ao chứa đều có màu đen và bốc mùi hôi nồng nặc. Còn tại 2 trang trại chăn nuôi lợn gia công cho Công ty TNHH Chăn nuôi C.P Việt Nam thuộc địa bàn xã Phúc Thuận và Tân Cương (TP.Thái Nguyên) cũng đã nhiều lần cử tri địa phương phản ánh tình trạng các trang trại này gây ÔNMT. Trang trại này hoạt động ở đây được khoảng hơn 10 năm, thường xuyên có hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, người dân thường xuyên kiến nghị đồng thời viết đơn gửi lên các cấp chính quyền đề nghị xử lý. Trang trại đã 2 lần bị UBND tỉnh đưa vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và đề nghị khắc phục ô nhiễm. Tuy nhiên, trang trại không thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm, tiếp tục xả thải gây ÔNMT, gây bức xúc trong nhân dân.

 

Các trang trại chăn nuôi lợn phải có đầy đủ công trình, biện pháp BVMT trước khi đưa vào hoạt động

 

Đề xuất một số giải pháp

    Hiện nay, Thái Nguyên đã triển khai thực hiện Đề án bảo vệ và cải thiện môi trường nông nghiệp nông thôn, đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý, đình chỉ sản xuất đối với các cơ sở chăn nuôi có hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; yêu cầu các trang trại phải có đầy đủ công trình, biện pháp BVMT đáp ứng yêu cầu về xử lý ô nhiễm trước khi đưa vào hoạt động; từng bước hạn chế, không cho phép chăn nuôi gia trại, chăn nuôi quy mô nhỏ trong khu dân cư; phát triển theo hướng chăn nuôi công nghiệp tập trung và hiện đại, bảo đảm chăn nuôi an toàn, thân thiện với môi trường. Để tăng cường công tác BVMT trong chăn nuôi trong thời gian tới, một số giải pháp cần triển khai như:

    Thứ nhất, rà soát tổng quy mô đàn gia súc, gia cầm để quy hoạch vùng nuôi hợp lý, đảm bảo yêu cầu BVMT. Khu vực thượng nguồn các con sông, gần khu dân cư, công trình quan trọng không bố trí quy hoạch chăn nuôi vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường đất, nước không khí và sức khỏe người dân. Ưu tiên, sản xuất chăn nuôi công nghệ cao để giảm áp lực về môi trường, phát triển chăn nuôi theo chuỗi, hạn chế chăn nuôi nhỏ lẻ;

    Thứ hai, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở chăn nuôi không thực hiện các biện pháp BVMT. Trong các đợt kiểm tra về môi trường chăn nuôi, cần tiến hành thu thập và phân tích mẫu chất thải để đánh giá chính xác mức độ ô nhiễm và có biện pháp xử lý phù hợp; ban hành các các chính sách khuyến khích nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ, phân tưới hữu cơ sinh học có nguồn gốc từ chất thải chăn nuôi nhằm thay thế phân hóa học nhập khẩu.

   Thứ ba, rà soát, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải, mùi hôi đặc trưng cho ngành chăn nuôi và các quy định hướng dẫn về tái sử dụng nước, nhất là tái sử dụng nước thải sau xử lý trong hoạt động chăn nuôi; biện pháp kiểm soát lưu lượng nước thải tái sử dụng; xây dựng các hướng dẫn và quy chuẩn cụ thể cho từng đối tượng chăn nuôi (QCVN01:14), chất thải rắn chăn nuôi theo hướng tái sử dụng (TCVN6705:2009) và hướng dẫn thi hành luật chăn nuôi trong đó đặt trọng tâm là vấn đề tái sử dụng chất thải chăn nuôi; Nghiên cứu điều chỉnh quy định về xả thải chăn nuôi phù hợp hơn với điều kiện thực tế của các trang trại chăn nuôi. Ban hành các văn bản hướng dẫn, quy chế BVMT trong chăn nuôi. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành trong quản lý môi trường chăn nuôi. Hoàn thiện hệ thống quản lý, phân công trách nhiệm giữa các cấp, các ngành để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, áp dụng các biện pháp chế tài trong quản lý môi trường chăn nuôi.

    Thứ tư, thống kê đầy đủ thực trạng chăn nuôi và tình trạng phát sinh chất thải, biện pháp BVMT tại các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ. Hiện nay, vẫn còn tình trạng, các cơ sở chăn nuôi không có sổ sách ghi chép quá trình sản xuất chăn nuôi, không kiểm soát được xả thải ra môi trường. Các trang trại, gia trại chăn nuôi mặc dù có áp dụng biện pháp xử lý môi trường, nhưng vẫn gây ÔNMT do các nguyên nhân như: do quy mô công trình xử lý chất thải chưa đáp ứng đủ việc xử lý lượng chất thải, dẫn đến quá tải công suất xử lý; do áp dụng công nghệ chưa phù hợp. Tại các trại chăn nuôi lợn không thực hiện thu phân khô, không lọc tách phân rắn và lỏng. Nhận thức, kiến thức về chăn nuôi an toàn sinh học và vệ sinh môi trường trong chăn nuôi của người dân còn chưa cao, đặc biệt đối với các hộ dân chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, mà đối tượng này vẫn đang chiếm số lượng lớn.

   Thứ năm, chuyển đổi phương thức chăn nuôi với các biện pháp xử lý chất thải bằng các công nghệ phù hợp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu, đánh giá toàn diện về mặt công nghệ xử lý chất thải từ hoạt động chăn nuôi; trên cơ sở đó đưa ra các quy trình công nghệ, giải pháp tổng thể về xử lý nước thải, mùi hôi trong hoạt động chăn nuôi phù hợp với thực trạng chăn nuôi để các trại lựa chọn, áp dụng

    Thứ sáu, nghiên cứu xây dựng các quy trình chăn nuôi tiết kiệm nước nhằm tăng cường khả năng thu gom chất thải rắn của các trang trại chăn nuôi để phục vụ sản xuất phân bón hữu cơ. Công nghệ tách chất thải rắn từ phân lỏng do chăn nuôi quy mô công nghiệp sử dụng nhiều nước để vừa sản xuất phân bón hữu cơ và phân tưới hữu cơ phục vụ cho cây trồng. Chú trọng áp dụng sản xuất sạch hơn trong chăn nuôi. Phổ biến kỹ thuật tách phân rắn để ủ compost kết hợp chế phẩm vi sinh để làm phân bón và các công trình xử lý sau biogas trong trường hợp nước thải xả vào môi trường.

    Thứ bảy, hỗ trợ các chính sách cho các đối tượng chăn nuôi. Cần vận động các chủ trang trại tiếp cận lập hồ sơ vay vốn ưu đãi từ Quỹ BVMT tỉnh để có nguồn lực tài chính xây dựng hệ thống xử lý chất thải. Có chính sách khuyến khích nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ, phân tưới hữu cơ sinh học có nguồn gốc từ chất thải chăn nuôi nhằm thay thế phân hóa học nhập khẩu.

    Thứ tám, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã chăn nuôi để hình thành chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức hướng dẫn về các thủ tục hành chính, các yêu cầu đối với môi trường và biện pháp xử lý môi trường hiệu quả cho các cơ sở chăn nuôi. Phổ biến kiến thức để người chăn nuôi nhận thức được quyền và trách nhiệm và BVMT chăn nuôi, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi sạch và xử lý chất thải chăn nuôi bằng các giải pháp thân thiện với môi trường.

 

TS. Phùng Thị Quỳnh Trang

Học viện Phụ nữ Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 6/2020)

Ý kiến của bạn