Banner trang chủ

Nâng cao hiệu quả công tác thu gom và xử lý rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường - Nhìn từ kết quả hoạt động thực tiễn của mô hình hợp tác xã Thành Công, Hà Nội

12/03/2020

     Trong những năm gần đây,  tại TP. Hà Nội, lượng rác thải sinh hoạt thải ra từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt ngày càng tăng, với thành phần đa dạng và phức tạp. Theo Thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, năm 2019, khối lượng rác sinh hoạt tăng trung bình 15% một năm, tổng lượng rác thải khoảng 700 tấn/ngày. Quá tải rác thải, không kịp xử lý đã khiến trên địa bàn TP còn trên 300 điểm tồn đọng rác thải ở khu vực ngoại thành, ước tính 105.000 tấn trong một năm, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Để xử lý rác thải sinh hoạt, hiện trên địa bàn Hà Nội có 8 đơn vị tham gia xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường đô thị (MTĐT), bao gồm: Công ty Cổ phần MTĐT Thăng Long; Hợp tác xã (HTX) Thành Công; Công ty TNHH Nhà nước một thành viên MTĐT (Công ty MTĐT Hà Nội chuyển thành), Công ty cổ phần Tây Đô tách ra từ xí nghiệp MTĐT số 5; Công ty Cổ phần môi trường Thanh Trì; HTX Gia Lâm (huyện Gia Lâm, quận Long Biên); Công ty Cổ phần môi trường dịch vụ và dạy nghề Thái Dương; Công ty cổ phần Xanh… Các đơn vị này cùng một số tổ thu gom đã thực hiện công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trên địa bàn các phường của TP. Hà Nội. 

      Mô hình xã hội hóa công tác vệ sinh môi trường hiệu quả    

     Trong số các HTX, HTX Thành Công là mô hình xã hội hóa vệ sinh môi trường đầu tiên của TP .Hà Nội. Đây là mô hình thực hiện thí điểm Đề án xã hội hóa công tác thu gom và vận chuyển rác thải, phế thải của TP. Hà Nội theo Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và đề án 17 của thành ủy, TP. Hà Nội về chủ trương: “Tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong các lĩnh vực, trong các ngành nghề”. HTX Thành Công chính thức đi vào hoạt động trong lĩnh vực vệ sinh môi trường từ tháng 4/2002 đến nay. HTX chịu sự quản lý của Sở Giao thông Công chính Hà Nội, UBND Quận Thanh Xuân, thực hiện công tác vệ sinh môi trường theo hợp đồng kinh tế với Ban quản lý Dự án Duy tu giao thông đô thị Hà Nội. Nhiệm vụ của HTX Thành Công bao gồm các công việc quét dọn, thu gom rác đường phố và thu gom rác sinh hoạt từ các hộ dân, rác thải của các cơ quan xí nghiệp, cơ sở kinh doanh, trường, chợ; thực hiện các hạng mục duy trì vệ sinh môi trường: quét dọn và thu gom rác đường phố, tưới nước rửa đường, quét hút bụi, duy trì nhà vệ sinh công cộng….

     Khi mới thành lập, HTX gặp rất nhiều khó khăn khi cơ sở vật chất còn nghèo nàn, do mức thu nhập thấp nên số xã viên tham gia ít, phần lớn chưa quen với công việc thu gom rác, trong khi địa bàn được phân công thu gom rác rộng. Từ năm 2002 đến tháng 4/2004, HTX Thành Công được phân công thực hiện công tác vệ sinh môi trường tại các địa bàn: xã Trung Văn, phường Văn Chương, phường Khương Đình, phường Nhân Chính... Sau đó, HTX được giao thêm việc thu gom và vận chuyển rác thải của các xã, phường (quận Thanh Xuân) và các huyện: Từ Liêm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thạch Thất. Không chỉ thu gom và vận chuyển rác, HTX đã mở rộng thêm nhiều hoạt động liên quan đến môi trường như: tưới nước rửa đường, hút bụi, tưới cây... Mỗi ngày, HTX thu gom khoảng 500 tấn vừa rác thải sinh hoạt vừa đất thải xây dựng. Sau đó, rác được vận chuyển rác lên khu vực bãi chôn lấp (BCL) và nhà máy xử lý rác Xuân Sơn để xử lý. Vì vậy, khu vực xung quanh bãi rác Xuân Sơn chịu sự tác động lớn về môi trường do rác thải gây ra.

     Đến nay, tổng số lao động của HTX Thành Công khoảng 1.500 người, trong đó có 100 lao động là thương binh cùng con em các gia đình chính sách góp phần vào công cuộc đền ơn đáp nghĩa của nhà nước nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng. HTX đã sắp xếp việc làm phù hợp sức khỏe cho từng loại thương binh. Bên cạnh đó, HTX cũng đóng góp bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho 1.200 người, số còn lại là lao động thời vụ. HTX tạo việc làm cho lao động của địa phương với mức lương trung bình hàng tháng là 5-10 triệu đồng.

     HTX tiến hành ký  hợp đồng với các thành viên trực tiếp làm công tác thu gom, chủ yếu là người địa phương. Công việc được giao khoán theo định mức trên cơ sở diện tích, chiều dài đường, ngõ, ngách, mật độ dân số và lượng rác phát sinh, ngoài ra còn phụ thuộc điều kiện đường xá. Công việc quét dọn, thu gom rác bao gồm: quét dọn, thu gom sạch sẽ các tuyến đường phố và các ngõ, ngách, thu gom và gõ kẻng thu gom rác nhà dân, tổ chức thu ở các cơ quan, xí nghiệp, cơ sở kinh doanh tại khu vực phụ trách, thu rác tại các thùng rác trên đường phố và công sở. Các xã viên làm công tác thu gom nhận thù lao hàng tháng theo ngày công lao động, tiền ăn, bồi dưỡng độc hại. Ngoài ra, còn được trang bị đầy đủ công cụ lao động theo quy định của Sở GTCC bao gồm: chổi, xẻng, kẻng, cuốc, cào, găng tay, khẩu trang…. Chi phí quản lý của HTX cho khâu thu gom, quét dọn được tính bằng 15% tổng chi phí cho người lao động, công cụ thu gom. Chi phí cho công tác quản lý của phường được tính là 10% tổng nguồn thu phí từ hộ dân.

 

Công nhân HTX Thành Công thu gom, vận chuyển rác thải về nơi tập kết

 

     Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, các bộ quản lý của HTX hàng ngày xuống các điểm thu gom kiểm tra việc thu gom rác của công nhân, ghi chép nhận xét hàng ngày về số lượng và chất lượng công việc của các thành viên. Hai tuần một lần, cán bộ quản lý của HTX gặp gỡ tổ trưởng dân phố và cụm trưởng dân cư, tiếp nhận những nhận xét của người dân về công nhân phục vụ thu gom ở các điểm được HTX giao khoán. Trên cơ sở đó, HTX tiến hành khen thưởng những công nhân thực hiện tốt, rút kinh nghiệm với những thành viên thực hiện chưa tốt, xử lý hoặc chấm dứt hợp đồng với những thành viên vi phạm nhiều lần.

     Các nguồn thu chủ yếu của HTX Thành Công thu từ tiền dịch vụ vệ sinh do các hộ dân cư đóng góp; hợp đồng dịch vụ  với các cơ quan xí nghiệp, hộ kinh doanh đóng trên địa bàn phường với mức thu phí đối với các cá nhân cư trú ở phường nội thành là 2.000 đồng/người/tháng (theo quy định số 52/2005/QĐ-UB ngày 20/4/2005 của UBND TP. Hà Nội); xử phạt vi phạm vệ sinh môi trường (theo quyết định số 53/QĐ-UB ngày 20/4/2005 của UBND TP. Hà Nội); dịch vụ hợp đồng với Ban quản lý Dự án duy tu giao thông đô thị - Sở Giao công chính Hà Nội (theo quyết định số 8216/QĐ-UB ngày 19/12/2005 của UBND thành phố Hà Nội). HTX hoạt động trên cơ sở tự hạch toán thu chi. Ban quản lý dự án duy tu giao thông đô thị - Sở Giao thông công chính Hà Nội thường xuyên kiểm tra khối lượng, chất lượng duy trì vệ sinh môi trường và đảm bảo an toàn lao động. Do đặc điểm công việc, các thành viên thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, gây ảnh hưởng sức khỏe. Vì vậy, HTX kết hợp với UBND phường, Hội chữ thập đỏ tổ chức tạo điều kiện cho thành viên khám bệnh hàng năm. HTX cũng có chế độ bồi dưỡng độc hại và bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn cho người lao động. Do đặc thù công việc lao động ngoài trời và tiếp xúc với các loại chất thải, công nhân thu gom cần có sự trang bị cẩn thận để đảm bảo sức khỏe khi lao động. Hiện nay, công nhân đã được trang bị găng tay, khẩu trang, áo lao động. Vào mùa đông, công nhân được trang bị thêm giày, ủng và mũ. Vào mùa hè, do làm việc ngoài trời nên cũng được trang bị thêm kính. Công nhân  làm việc ca đêm được trang bị áo phát quang để tránh xảy ra tai nạn khi làm việc. Thời gian thu gom rác hộ dân được bố trí hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân cũng như tránh tình trạng ách tắc giao thông. Nhằm đảm bảo thời gian lao động phù hợp với yêu cầu của công việc, công nhân  làm việc 4 giờ/1 ca, mỗi tuần công nhân có một ngày nghỉ.

     Để không còn lượng rác thải tồn đọng, đảm bảo vệ sinh môi trường trên các tuyến phố của Thủ đô, HTX đã phối hợp với các cấp chính quyền, các quận, huyện, xã, phường trên địa bàn được phân công, hàng tháng, hàng quý ra quân tổng vệ sinh, đồng thời tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân nâng cao tinh thần trách nhiệm giữ gìn môi trường chung. Từ những kết quả đạt được, HTX đã được các cấp chính quyền TP. Hà Nội đánh giá cao và mô hình đã được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên cả nước thục hiện. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, HTX cũng gặp không ít khó khăn do các cơ chế và phương thức quản lý công tác vệ sinh môi trường theo hình thức xã hội hóa vẫn còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích được các nhà đầu tư cũng như chưa tạo được cơ chế tốt để khuyến khích đầu tư trong công tác xử lý môi trường...

    Đề xuất một số giải pháp

    Trong thời gian tới, để đẩy mạnh công tác xã hội hóa vệ sinh môi trường, TP. Hà Nội cần ban hành các cơ chế, ưu đãi khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia các công việc vệ sinh môi trường, thu gom triệt để chất thải rắn (CTR); hoàn chỉnh pháp luật, quy tắc, quy chế cho việc quản lý CTR. Đồng thời, có chính sách hỗ trợ HTX trong quản lý rác thải, quản lý CTR ngay từ nguồn thông qua việc đăng ký chất thải. Căn cứ vào việc đăng ký chất thải, các phương tiện thu gom, vận chuyển và phí cho từng loại rác sẽ được quy định theo các mức cụ thể.

     Đối với HTX, cần có những quy định cụ thể về việc tổ chức quản lý thống nhất và kiểm tra, kiểm soát lực lượng thu gom rác ngõ, xóm; thực hiện tuyến thu gom ổn định, khu vực cần vận chuyển, khối lượng và chất lượng vận chuyển. Đồng thời, HTX cần phối hợp với các hộ dân triển khai phân loại CTR từ nguồn phát sinh. Việc phân loại này sẽ làm tăng tỷ lệ tái sinh chất thải, cũng có nghĩa giảm bớt khối lượng chất thải phải vận chuyển và xử lý.

     Về khâu xử lý rác tại chỗ, tại các khu vực có các phong trào vệ sinh tự quản cần đưa ra các cơ chế về việc xây dựng các bãi chôn lấp đảm bảo đúng các yêu cầu kỹ thuật về vị trí, cách bố trí, các yêu cầu về mặt bằng đồng thời phải tuân thủ các chỉ dẫn khi chôn lấp rác, tránh tình trạng người dân đổ rác ra sông, mương, ao, hồ làm ô nhiễm nguồn nước.

     Ngoài ra, Ban quản lý HTX nên tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế, để có những thông tin, kinh nghiệm trong lĩnh vực quản lý chất thải rắn, chuyển giao công nghệ, trợ giúp tài chính còn có thể nắm bắt được kiến thức và kỹ thuật từ các quốc gia tiên tiến thông qua các khóa đào tạo cho cán bộ ở nước ngoài có cấp học bổng. Đồng thời, cần xây dựng một kế hoạch tổng thể và chiến lược lâu dài về quản lý chất thải rắn trên địa bàn hoạt động; thực hiện nghiêm túc việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án và các cơ sở đang hoạt động; quan tâm đầu tư kinh phí cho xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn về chất thải. HTX cần tăng khả năng thu gom chất thải bằng cách tăng cường và đổi mới trang thiết bị để theo kịp lượng chất thải ngày càng tăng. HTX phải cải thiện mức độ phục vụ và mở rộng phạm vi thu gom như trang bị các xe tải nhỏ để phục vụ cho các đường phố hẹp, các thiết bị cân rác, nén ép rác…

     Về kỹ thuật chuyên môn, HTX cần có biện pháp giảm thiểu mùi hôi của bãi chôn lấp bằng một số cách như: phủ mỗi lớp chất thải bằng một lớp đất sét nén chặt với độ dày thích hợp (khoảng 20 cm); phủ bằng các vật liệu nhẹ như ny lông, bạt…; sử dụng tinh dầu thực vật để giảm mùi hôi; dùng chế phẩm sinh học nhằm thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ tạo sản phẩm cuối cùng không mùi và không độc hại; dùng vôi bột để  đuổi ruồi, muỗi, côn trùng; xã viên làm việc trong bãi chôn lấp cần trang bị khẩu trang và thiết bị bảo hộ cho công nhân và đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

     Ngoài ra, HTX cần thiết kế hệ thống thu gom nước rỉ rác nhằm đảm bảo tối ưu việc thu gom nước rỉ rác. Nước rỉ rác sau khi được thu gom sẽ được xử lý bằng hệ thống xử lý nước rỉ rác. Để thiểu bụi và khí thải, các xe vận chuyển rác thải không được chở quá tải, cần che chắn xe kín tránh rơi vãi rác thải làm phát tán bụi và khí ra môi trường. Đồng thời, HTX phải phun nước tưới ẩm tuyến đường giao thông trong khu vực xe chuyên chở rác thải; sử dụng xe phun nước chuyên dùng vào thời điểm buổi sáng và chiều hạn chế bụi, đặc biệt là vào thời tiết khô, nóng.

 

TS. Phạm Thị Tố Oanh

Liên minh HTX Việt Nam

 

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn