Banner trang chủ

Ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển nền nông nghiệp sạch ở Việt Nam - Yêu cầu bức thiết trước tác động của cuộc Cách mạng 4.0

07/06/2019

     Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bắt đầu xuất hiện từ thập niên đầu của thế kỷ XXI. Sau những bước đi ban đầu, tại Hội trợ Hannover (Đức) năm 2011, một số cuộc hội thảo đã được tổ chức để bàn về khái niệm công nghiệp 4.0", một nền công nghiệp của các nhà máy thông minh và của chuỗi giá trị toàn cầu trong sản xuất - dịch vụ - kinh doanh. Năm 2012, Chính phủ Đức thông qua bản Kế hoạch hành động chiến lược công nghệ cao, lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ "Cách mạng công nghiệp lần thứ tư".

     Khác với ba cuộc cách mạng trước kia, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là sự gắn quyện giữa các nền công nghệ làm xóa nhòa đi giữa thế giới vật thể, thế giới số hóa, thế giới sinh học. Đó là các công nghệ internet vận vật, trí tuệ nhân tạo, người máy, xe tự lái, in ba chiều, máy tính siêu thông minh, công nghệ nano, sinh học…

     Cũng như các ngành kinh tế khác, cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra trong nông nghiệp. Nền nông nghiệp vận dụng thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 được gọi là "Nông nghiệp 4.0". Yếu tố cốt lõi của nông nghiệp 4.0 là công nghệ thông tin, công nghệ số và trí tuệ nhân tạo. Nông nghiệp 4.0 có ưu điểm tạo ra các nông sản chất lượng, năng suất cao ngay cả trong những điều kiện bất lợi; điều kiện làm việc của người lao động sẽ tốt hơn, thông qua kết nối internet, ngồi ở nhà người nông dân vẫn có thể biết được diễn biến lô thửa, cây trồng trên đồng ruộng và từng ô chuồng, từng con gia súc để ra các quyết định đúng.

     Tại Việt Nam, không khó để bắt gặp những nông dân ứng dụng thiết bị cảm biến nhằm số hóa các yếu tố như nước, phân, thuốc, độ ẩm, ánh sáng và chuyển nó vào các thiết bị kết nối intenet như máy tính, điện thoại. Họ có thể đi bất cứ đâu nhưng vẫn biết rõ tình hình trang trại. Thậm chí, mô hình mà Tập đoàn FPT đang phối hợp triển khai tại Viện Rau quả, chuyên gia sống tại Nhật Bản cũng có thể kết nối và điều khiển được các yếu tố của trang trại rau tại Việt Nam.

     Để hướng đến một nền nông nghiệp sạch, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII định hướng: "Xây dựng nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; nâng cao giá trị gia tăng, đẩy mạnh xuất khẩu" chính là tạo tiền đề cho việc triển khai Cách mạng 4.0 trong nông nghiệp, hay Nông nghiệp 4.0. Quán triệt Nghị quyết của Đảng, nền nông nghiệp nước ta hiện nay có nhiều mô hình đã và đang ứng dụng hiệu quả thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển Nông nghiệp 4.0 - Nông ghiệp sạch. Điển hình như Công ty TH TrueMilk đã hình thành cánh đồng cỏ 2.000 ha áp dụng nhiều giải pháp tự động hoàn chỉnh, kỹ thuật tiên tiến từ khâu làm đất, gieo hạt, tưới nước, đến thu hoạch tự động... năng suất làm việc bằng 800 người; Công ty CP Cầu Đất Đà Lạt (Cầu Đất Farm) khởi đầu từ sản xuất nông sản sạch bằng phương pháp thủy canh. Đến nay, Công ty đã sở hữu nông trại có quy mô lớn, kết nối hệ thống phát triển rau sạch bằng các giải pháp nông nghiệp thông minh, ứng dụng IoT trong nhiều khâu của quy trình trồng trọt và tiêu thụ. Hệ thống giám sát, điều khiển qua internet tự động kiểm soát độ ẩm, tưới nước, bón phân, giúp chủ nông trại giám sát canh tác từ xa.

 

Mô hình phát triển rau sạch bằng giải pháp nông nghiệp thông minh của Cầu Đất Farm thu hút nhiều du khách tới tham quan

 

     Tại Đồng Tháp, mô hình “Canh tác lúa tốt nhất” của HTX Mỹ Đông, phối hợp với Công ty Rynan Smart Fertilizers, trồng giống Jasmine ứng dụng canh tác thông minh (bón phân tan chậm và phun chế phẩm sinh học một lần, sử dụng thiết bị cảm ứng năng lượng mặt trời điều tiết mực nước), giúp đạt năng suất 7 tấn lúa/ha, giảm giống từ 20 kg/công còn 6 - 8 kg, phân bón, số lần phun từ 5 lần còn 3 lần, sâu bệnh giảm hẳn và tiết kiệm được công lao động. Hoặc, Tập đoàn FPT phối hợp với Fujitsu và Viện Rau quả làm mô hình rau ứng dụng công nghệ Akisai (công nghệ hỗ trợ toàn diện giải pháp quản lý nông nghiệp trên nền công nghệ điện toán đám mây), trong đó chuyên gia sống tại Nhật Bản vẫn có thể kết nối và điều khiển được các yếu tố của trang trại. Bên trong khu vực nhà kính và nhà trồng rau của Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh FPT - Fujitsu, toàn bộ không khí, ánh sáng, dinh dưỡng cần thiết cho quá trình sinh trưởng của các loại cây đều được quản lý, giám sát bằng máy tính. Ngoài ra, hệ thống cảm biến sẽ thu thập mọi thông tin về môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, CO2, lượng ánh sáng, lượng mưa, hướng gió, tốc độ gió... để điều chỉnh phù hợp điều kiện phát triển của cà chua và xà lách ít kali. Dựa trên kết quả phân tích, các máy làm mát hay kiểm soát ánh sáng đều được vận hành tự động, giúp duy trì môi trường sinh trưởng tối ưu cho xà lách và cà chua. Việc ứng dụng công nghệ điện toán đám mây cùng internet kết nối vạn vật đã mở đường cho những hoạt động quản lý nông nghiệp hoàn toàn mới. Con người không cần có mặt trực tiếp, thậm chí ở một số khâu robot sẽ thay thế con người, từ đây sẽ hình thành một nền nông nghiệp chính xác và tự động.

     Có thể nói, Nông nghiệp 4.0 - Nông nghiệp sạch là xu thế toàn cầu, song việc lựa chọn đúng quy mô, ngành hàng, thị trường và hiệu quả cần được quan tâm hơn. Theo đó, để tận dụng được những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào phát triển nền nông nghiệp sạch ở nước ta, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp cao, hàng hóa lớn; tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia và vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này góp phần hình thành các cánh đồng mẫu lớn, trang trại quy mô rộng để dễ dàng áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chăn nuôi; đổi mới đầu tư công, dịch vụ công theo hướng chuyển nền nông nghiệp chủ yếu dựa vào đất đai, lao động rẻ sang nền nông nghiệp đổi mới và sáng tạo để vừa đón đầu, nắm bắt được các thành tựu, cũng như tận dụng được các tác động tích cực của nông nghiệp 4.0, vừa điều chỉnh để hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của sự thay đổi này.

     Đồng thời, tập trung đầu tư vào đổi mới và sáng tạo, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ phù hợp với từng địa phương, tạo ra chuỗi giá trị nông sản thực phẩm bền vững; khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới, tích hợp các xu hướng, thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 vào nội dung chương trình giáo dục, đào tạo, hướng nghiệp, tạo nguồn lao động có khả năng tiếp cận, nền Nông nghiệp 4.0; tiếp tục hỗ trợ, cung cấp tín dụng cho nông dân, các doanh nghiệp, trang trại ứng dụng công nghệ 4.0 ở tất cả các lĩnh vực trong chuỗi nông sản thực phẩm. Hiện nay, Nhà nước đang có chính sách về vốn cho nông dân và doanh nghiệp, gói tín dụng 100.000 tỷ đồng cho nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 1,5% so với lãi suất thị trường.

     Bên cạnh đó, cần bổ sung chính sách hỗ trợ vốn và bảo hiểm cho nông dân đầu tư thiết bị thông minh để phân tích đất, nhằm điều chỉnh chế độ dinh dưỡng thông minh cho cây trồng, hoặc thiết bị thu thập dữ liệu môi trường canh tác. Để xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, phải ưu tiên những nông hộ nằm trong mô hình nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh.

 

Lê Sỹ Cương - Hoàng Thị Kim Ngọc

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 5/2019)

Ý kiến của bạn