Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Xây dựng, phát triển thị trường các-bon - Tạo động lực phát nền triển kinh tế xanh ở Việt Nam

30/12/2024

    Ngày 30/12/2024, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (CLCSTN&MT) phối hợp cùng Viện Tư vấn Công nghệ và đào tạo Toàn Cầu tổ chức Hội thảo khoa học thực tiễn “Xây dựng, phát triển thị trường các-bon - Tạo động lực phát nền triển kinh tế xanh ở Việt Nam” nhằm làm rõ tầm quan trọng của thị trường các-bon trong việc giảm phát thải khí nhà kính, đồng thời đề xuất giải pháp thúc đẩy thị trường các-bon tại Việt Nam phát triển minh bạch và hiệu quả.

    Thị trường carbon là một công cụ kinh tế quan trọng nhằm giảm phát thải khí nhà kính (KNK) và thúc đẩy phát triển bền vững. Thông qua cơ chế mua bán hạn ngạch phát thải, các doanh nghiệp và tổ chức có thể tối ưu hóa chi phí giảm phát thải, đồng thời khuyến khích các hoạt động đầu tư vào công nghệ sạch và năng lượng tái tạo. Trên thế giới, thị trường các-bon đã phát triển mạnh mẽ với hai hình thức chính: thị trường giao dịch phát thải (ETS) và thị trường tín chỉ các-bon tự nguyện.

    Tại Việt Nam, thị trường các-bon dự kiến được triển khai thí điểm từ năm 2025 dựa trên nền tảng Luật BVMT 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Hiện nay, các thí điểm như Chương trình giảm phát thải thông qua nỗ lực chống mất rừng và suy thoái rừng (REDD+) và cơ chế tín chỉ carbon tự nguyện đã bước đầu tạo nền móng cho việc phát triển thị trường carbon ở Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức về hạ tầng kỹ thuật, năng lực quản lý và nhận thức của các bên liên quan vẫn cần được giải quyết để đảm bảo thị trường carbon hoạt động hiệu quả, minh bạch và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện CLCSTN&MT phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện CLCSTN&MT chia sẻ, xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam là một trong những cam kết quan trọng nhằm thực hiện Thoả thuận Paris và các mục tiêu tại COP26 hướng tới mục tiêu NetZero vào năm 2050. Và COP29 mới đây vừa kết thúc với nội dung nổi bật về tài chính khí hậu, thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong cách nhìn nhận về trách nhiệm toàn cầu. Ngoài ra, tài chính khí hậu đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi năng lượng công bằng.

    Bên cạnh việc giới thiệu các khái niệm cơ bản về thị trường carbon, cơ chế giao dịch phát thải và tín chỉ các-bon, Hội thảo khoa học thực tiễn “Xây dựng, phát triển thị trường các-bon - Tạo động lực phát nền triển kinh tế xanh ở Việt Nam” tiếp tục làm rõ tầm quan trọng của thị trường carbon trong việc giảm phát thải khí nhà kính và đưa ra các đề xuất giải pháp về kỹ thuật, tài chính, và quản lý để thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam.

Hiện trạng về chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam

    Theo TS. Lại Văn Mạnh ( Viện CLCSTN&MT), nền kinh tế xanh được tổng hoà từ 3 yếu tố: tăng trưởng các-con thấp, hiệu quả tài nguyên và xã hội bao trùm từ đó hướng tới mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Hiện nay, các quan điểm định hướng, quy định pháp luật để phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam đã từng bước được hoàn thiện.

    Tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, nêu rõ “Chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển nền kinh tế xanh, ít chất thải giảim nhẹ phát thải khí nhà kính, các-bon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của qúa trình sản xuất. Bên cạnh đó, nhiều Nghị quyết, chỉ thị… hệ thống văn bản pháp luật về BVMT, đất đai, tài nguyên nước… đã và đang được hoàn thiện nhằm khuyến khích các mô hình phát triển kinh tế xanh.

    Bên cạnh thế mạnh từ nguồn nhân lực trẻ, có khả năng tiếp thu nhanh KH-CN, nỗ lực của Chính phủ trong việc định hướng phát triển, sự giúp sức từ các tổ chức quốc tế… trong quá trình xây dựng và phát triển mô hình kinh tế xanh, Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

    Cụ thể, Chính sách khuyến khích phát triển kinh tế xanh, sử dụng năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường chưa thực sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp; Thể chế quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu còn nhiều hạn chế, bất cập chưa phù hợp và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường trong điều kiện toàn cầu hóa; Hiệu quả sử dụng tài nguyên thấp, còn nhiều lãng phí, tài nguyên thiên nhiên (vốn tự nhiên), nhất là tài nguyên sinh vật, bị suy thoái nghiêm trọng, tài nguyên không tái tạo bị khai thác cạn kiệt; Công nghệ sản xuất còn lạc hậu, chậm đổi mới; Nhận thức về kinh tế xanh và bảo vệ môi trường của người dân và doanh nghiệp chưa đồng đều, dẫn đến sự thiếu hụt trong việc áp dụng các mô hình sản xuất, kinh doanh bền vững…

Thách thức đối với việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam

    Để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, theo Thỏa thuận Paris, các quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng, triển khai thị trường carbon và các cơ chế quản lý, trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon. không nằm ngoài dòng chảy đó, Việt Nam cần chủ động xây dựng thị trường các-bon một cách hiệu quả với cơ chế quản lý thích hợp để bắt kịp với bước chuyển mình của nền kinh tế thế giới.

PGS.TS Cao Trường Sơn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại Hội thảo

    Theo PGS.TS Cao Trường Sơn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Thị trường các-bon tăng trưởng mạnh mẽ từ sau thỏa thuận Paris năm 2015, mở ra cơ hội lớn đối với ngành Nông nghiệp Việt Nam với tiềm năng lên đến 75 triệu tCO2e mỗi năm. Tuy nhiên, cơ chế pháp lý chưa đầy đủ, hiếu các phương thức và tiêu chuẩn đo đếm, giám sát, công nhận tín chỉ; hệ thống sản xuất theo quy trình để đồng thời sản xuất nông sản và tín chỉ carbon còn hạn chế; thiếu nguồn lực tài chính và nhân sự chuyên môn cho toàn bộ quá trình từ sản xuất đến giao dịch trên thị trường các-bon khiến việc phát triển thị trường các-bon trong lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế.

    PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Trường đại học Phenikaa cho biết, Việt Nam hiện có 14.860.309 ha rừng với tỷ lệ che phủ 42,02%, trong đó rừng tự nhiên 10.129.751 ha, rừng trồng 3.797.371 ha. Mật độ các-bon bình quân tiềm năng của bể sinh khối rừng của 12 loại đất và kiểu rừng của Việt Nam dao động từ 29 đến 146 tấn các-bon/ha vào năm 2025, từ 32 đến 148 tấn vào năm 2030. Ước tính đến năm 2025, tổng trữ lượng các-bon rừng tiềm năng của cả nước là 665 triệu tấn và 710 triệu tấn vào năm.

PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, Trường đại học Phenikaa phát biểu tại Hội thảo

    Rừng Việt Nam đã và đang hấp thụ, lưu trữ lượng lớn các-bon, tuy nhiên, các-bon rừng chưa phải là chỉ tiêu kiểm kê, theo dõi do đó, giá trị của các-bon rừng chưa được định giá và tính vào giá trị của rừng. Ngoài ra, cơ chế, chính sách hiện nay còn nhiều điểm thiếu và chưa phù hợp, cụ thể: (1) Việt Nam chưa có quy định về sở hữu carbon rừng trong mối quan hệ với quyền sở hữu rừng; (2) Việt Nam cũng chưa có quy định về carbon rừng khi được xác nhận dưới dạng tín chỉ carbon là tài sản của rừng; (3) các quy định hiện hành ở Việt Nam chưa có hoặc có nhưng không phù hợp với thị trường carbon và thông lệ quốc tế; (4) thiếu những quy định về thể chế chung đối với carbon rừng; (5) thiếu quy định về hình thức đầu tư kinh doanh tín chỉ carbon rừng cho các doang nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực này ở Việt Nam. Các doanh nghiệp đang rất lúng túng lựa chọn hình thức đầu tư.

    Mặc dù sở hữu tiềm năng lớn về tín chỉ các-bon, thế nhưng, những thách thức chính trong việc phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam lại nằm ở việc thiếu hụt các quy định, quy chế về việc quản lý nhà ước về tín chỉ các-bon.

Phá vỡ “điểm nghẽn”, xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam

    Luật BVMT được Quốc hội thông qua ngày 17/11/2020 đã góp phần hình thành cơ sở vận hành thử sàn giao dịch các-bon vào năm 2025. Là một loại hàng hoá đặc biệt không thể nhìn thấy, cân đo, xem xét để đánh giá khối lượng, số lượng và chất lượng, do vậy, “hàng hóa carbon” chỉ có thể được trao đổi khi có cơ quan pháp nhân, có đủ phương tiện kỹ thuật, con người đủ trình độ để kiểm định, đo lường lượng carbon được hấp thụ và phát thải ra môi trường của các đối tượng, từ đó qui đổi ra khổi lượng, lấy đơn vị thống nhất là tấn, mỗi tấn tương đương một tín chỉ.

    Theo đề xuất của PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện Khoa học khí tượng thuỷ văn và biến đổi khí hậu, để phát triển thị trường các-bon ở Việt Nam cần thực hiện một số giải pháp sau: (1) Khắc phục sự bất cập không đồng bộ giữa các chính sách đã ban hành; (2) Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu vận hành của thị trường carbon; (3) Xây dựng hạ tầng đáp ứng đủ điều kiện để vận hành thị trường carbon; (4) Xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn thông tin, số liệu đầy đủ, chính xác để vận hành thị trường các-bon; (5) Tập huấn, bồi dưỡng các bộ ban ngành cần thực hiện đúng yêu cầu quy định của luật BVMT 2020.

         Về việc phát triển thị tường các-bon trong lĩnh vực nông nghiệp, PGS.TS Cao Trường Sơn đề xuất: Cần thúc đẩy khung pháp lý hoàn chỉnh cho thị trường các-bon, thúc đẩy hợp tác quốc tế để kết nối với các thị trường tiềm năng; Nghiên cứu phát triển quy trình sản xuất đối với từng đối tượng cây trồng và vật nuôi, với mục tiêu tạo ra đồng thời hai sản phẩm: nông sản và tín chỉ carbon; Thúc đẩy phát triển các hệ thống sản xuất nhằm đạt net-zero và tích luỹ carbon có thể giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường, đồng thời góp phần vào việc thực hiện các cam kết quốc tế về khí hậu của Việt Nam…

Các đại biểu tham dự Hội thảo

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe các nhà khoa học trình bay về cơ chế hình thành và vận hành thị trường các-bon; việc triển khai các công cụ định giá các-bon tại Việt Nam, dự kiến lộ trình áp dụng; Chuẩn bị hạ tầng cho tín chỉ các-bon từ cây lúa; Sự kết nối giữa thị trường carbon và trái phiếu xanh… Với những bước đi cụ thể và sự cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, Việt Nam đang từng bước khẳng định vai trò tiên phong trong khu vực ASEAN trong việc phát triển thị trường carbon, góp phần vào nỗ lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Hội thảo hôm nay là cơ hội để các bên cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp tối ưu nhằm thúc đẩy thị trường carbon tại Việt Nam phát triển bền vững.

Phùng Quyên

Ý kiến của bạn