Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 20/12/2024

Tăng cường công tác quản lý các loài ngoại lai xâm hại tại Việt Nam

20/12/2024

    Ngày 19/12/2024, tại Hà Nội, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học tổ chức Hội thảo góp ý cho Hướng dẫn Điều tra, khảo sát loài NLXH và Hướng dẫn cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong ngăn ngừa và kiểm soát loài ngoại lai xâm hại (NLXH). Tham dự Hội thảo có bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học; các chuyên gia từ các viện nghiên cứu, trường đại học và đại diện các cơ quan quản lý từ Trung ương đến địa phương.

Bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học phát biểu khai mạc Hội thảo

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học cho biết, theo Công ước Đa dạng sinh học (CBD), loài NLXH là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra sự suy giảm đa dạng sinh học trên toàn cầu. Những loài này không chỉ cạnh tranh trực tiếp với các loài bản địa, phá vỡ cân bằng sinh thái mà còn gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế, môi trường và sức khỏe cộng đồng. Theo các nghiên cứu, tổn thất kinh tế do loài NLXH gây ra hàng năm lên đến hàng tỷ đô la trên phạm vi toàn cầu, và Việt Nam cũng không nằm ngoài ảnh hưởng này. Trong bối cảnh đó, việc xây dựng và hoàn thiện Hướng dẫn điều tra, khảo sát loài NLXH và Hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong ngăn ngừa, kiểm soát loài NLXH là một nhiệm vụ cấp bách. Hướng dẫn này sẽ cung cấp các công cụ thực tiễn giúp các cơ quan, tổ chức và cộng đồng triển khai các biện pháp hiệu quả hơn trong quản lý loài NLXH.

    Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe bài trình bày tham luận về Dự thảo hướng dẫn điều tra loài NLXH; Dự thảo Hướng dẫn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong đánh giá, giám sát, ngăn ngừa và kiểm soát các loài NLXH. Trong đó có nội dung điều tra về phân bố loài NLXH; tác động của loài NLXH tới đa dạng sinh học, môi trường và xã hội; cơ sở dữ liệu và báo cáo; khung cơ sở dữ liệu cho các loài NLXH.

    Theo kết quả khảo sát sơ bộ về hiện trạng và tác động của loài NLXH của các nhà khoa học tại Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (IEBR), hiện có 15 loài NLXH và có nguy cơ xâm hại; Ốc bươu vàng, Ốc sên châu phi, Cá tỳ bà, Bèo tây, Cỏ lào, Trinh nữ là những loài có tần suất xuất hiện nhiều với mức độ phong phú cao; đa số các loài mới chỉ phân bố nhiều ở vùng đệm; một số loài đã xuất hiện ở vùng lõi, chủ yếu ở dọc hai bên đường hoặc ven bờ sông, suối, ao, hồ, đập như Trinh nữ, Ốc bươu vàng...

Toàn cảnh Hội thảo

    Đánh giá sơ bộ về các tác động của các loài NLXH, các nhà khoa học đã chỉ ra những tác động của các loài NLXH tới đa dạng sinh học đó là cạnh tranh và thay thế loài bản địa; làm mất môi trường sống tự nhiên; tác động đến chuỗi thức ăn. Đối với nông nghiệp và kinh tế, các loài NLXH gây thiệt hại mùa màng; lan truyền bệnh hại. Đối với môi trường và hệ sinh thái, các loài NLXH làm thay đổi thủy văn và chất lượng đất; tăng rủi ro thiên tai. Đối với xã hội và sức khỏe con người, các loài NLXH đe dọa an ninh lương thực; gây hại sức khỏe con người...

   Trên cơ sở đó, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận góp ý cho hai Dự thảo nhằm hoàn thiện bản Hướng dẫn, đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn. Theo đó, các đại biểu đều thống nhất cho rằng cần thực hiện các nỗ lực kiểm soát để đạt được kết quả phục hồi và bảo tồn đa dạng sinh học. Để kiểm soát các loài xâm hại, các đại biểu cho rằng cần có các công cụ để quản lý và loại trừ chúng; đánh giá các phương án kiểm soát sinh vật xâm hại và xây dựng các quy trình địa phương để triển khai chúng. Bên cạnh đó cũng cần có sự thay đổi về mặt thể chế để quản lý hiệu quả sinh vật xâm hại, đồng thời cần phải nghiên cứu sâu hơn về khoa học xã hội trong lĩnh vực này để xác định các hướng thay đổi có thể xảy ra.

Nguyễn Hằng

Ý kiến của bạn