16/05/2025
Ngày 16/5/2025, tại Hà Nội, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (CLCSNN&MT) tổ chức Hội thảo “Định hướng chiến lược khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số ngành nông nghiệp và môi trường trong “Kỷ nguyên vươn mình” chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2025 và thực hiện Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện CLCSNN&MT phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện CLCSNN&MT cho biết, ngày Khoa học và Công nghệ là sự kiện nhằm tôn vinh người làm công tác nghiên cứu khoa học, giới thiệu các kết quả nghiên cứu, đồng thời nâng cao nhận thức và khơi dậy niềm tự hào về trí tuệ Việt Nam, tinh thần đam mê lao động sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước.
TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường phát biểu chào mừng Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam năm 2025
Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Viện CLCSNN&MT đã ban hành Quyết định số 87/QĐ-CSCL về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 503/QĐ-BNNMT ngày 27/3/2025 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường thực hiện Nghị quyết số 57- NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, qua đó tiếp tục triển khai thực hiện những lĩnh vực trọng tâm của Viện, chú trọng áp dụng các thành tựu khoa học và chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Viện. Đồng thời, xác định rõ những giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện nay, đặc biệt là các giải pháp nhằm cụ thể có thể điều chỉnh trong khuôn khổ trách nhiệm quản lý của Bộ để từ đó triển khai có hiệu quả hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường đến năm 2030.
Bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Hội thảo
Giới thiệu Nghị quyết số 03/NQ-CP ngày 09/01/2025 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22 tháng 12 năm 2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, bà Phạm Thúy Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ chia sẻ, thống thể chế đã và đang có sự chuyển mình tích cực, khẩn trương để xóa bỏ mọi rào cản, đưa thể chế trở thành một lợi thế cạnh tranh. Bên cạnh đó, đánh dấu sự đổi mới, đột phá trong tư duy, quyết tâm chính trị trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tăng cường đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho KH-CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đặc biệt trong quản lý nhà nước; tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển KH-CN và phát triển, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đại diện Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đã điểm qua 07 nhiệm vụ đáng chú ý, cụ thể: (1) Kế hoạch có mục tiêu, có bộ tiêu chí đánh giá cụ thể, định kì đo lường và công bố công khai kết quả, dánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trên kết quả, trách nhiệm người đứng đầu; (2) Làm rõ định nghĩa, nội hàm, lượng hóa các khái niệm về mức độ tự chủ coogn nghệ, năng lực cạnh tranh số, doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến, lực lượng sản xuất hiện đại... để thống nhất nhận thức, thực hiện; (3) Bố trí tỷ lệ cán bộ chuyên môn kỹ thuật tối thiểu 25% trong đội ngũ lãnh đạo từng cơ quan, đơn vị; (4) Xây dựng cơ chế đặc thù, đơn giản về tài chính, đầu tư, hợp tác công – tư; (5) Xây dựng Đề án phát triển các trung tâm nghiên cứu, thửu nghiệm, các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, Đề án đầu tư năng lực cho các tổ chức nghiên cứu phát triển công lập; (6) Xây dựng cơ chế thử nghiệm chính sách, thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ, hình thành Quỹ đầu tư phát triển công nghiệp chiến lược; (7) Xây dựng danh mục hạ tầng số, nền tảng số dùng chung, xây dựng hoàn thiện các cơ sở dữ liệu quốc gia, Bộ, ngành, địa phương để người dân, doanh nghiệm khai thác, tạo ra các giá trị mới, đổi mới sáng tạo.
ThS Nguyễn Trọng Khương, Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế trình bày tham luận tại Hội thảo
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính Trị, ThS Nguyễn Trọng Khương, Phó Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế cho biết: Viện CLCSNN&MT đã ban hành Quyết định số 87 ngày 22 tháng 4 năm 2025 với 6 nhiệm vụ trọng tâm gồm: Nâng cao nhận thức, đổi mới tư duy, quyết tâm chính trị mạnh mẽ; Tham gia hoàn thiện thể chế, sửa đổi các quy chế của Viện; Tăng cường đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và cơ sở dữ liệu; phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao; Đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; Tăng cường hợp tác quốc tế.
Trong đó, chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các nhiệm vụ thường xuyên: Xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo nâng cao kiến thức về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kỹ năng số, công nghệ số; Tăng cường năng lực, đào tạo, bồi dưỡng viên chức và người lao động, tìm nguồn học bổng cử cán bộ đi đào tạo; tổ chức các chương trình tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn; Xây dựng và củng cố mạng lưới chuyên gia trong nước và quốc tế để tham gia hợp tác, hỗ trợ hoạt động chuyên môn; Thu hút, trọng dụng, giữ chân các chuyên gia, nhân sự/nhân lực chất lượng cao; Xây dựng nhóm nghiên cứu mạnh trong lĩnh vực nghiên cứu chiến lược chính sách nông nghiệp và môi trường có sự tham gia của các nhà khoa học đầu ngành.
Đặc biệt, trong năm 2025, Viện sẽ tập chung, từng bước xây dựng cơ sở hạ tầng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu của viện trên nền tảng số, cập nhật thường xuyên phục vụ công tác nghiên cứu tham mưu, tiến tới tham gia và kết nối với cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung của Bộ. Đồng thời, tăng cường và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tham gia nghiên cứu, đề xuất hợp tác liên Chính phủ để hỗ trợ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong các lĩnh vực chuyên môn; Thực hiện tốt các dự án hợp tác quốc tế đảm bảo chất lượng, nhằm nâng cao uy tín, vị thế của Viện với các tổ chức quốc tế; Triển khai các MOU đã ký kết và tiếp tục đàm phán ký kết các MOU mới với các cơ quan tổ chức nhằm đa dạng thêm lĩnh vực và địa bàn hoạt động, hợp tác...
Toàn cảnh Hội thảo
Trong bối cảnh toàn cầu đang đối mặt với những thách thức ngày càng nghiêm trọng về biến đổi khí hậu, suy thoái tài nguyên và ô nhiễm môi trường, đổi mới sáng tạo đã trở thành một xu thế tất yếu trong quản lý tài nguyên và BVMT. ThS Vũ Đăng Tiếp, Ban Tổng hợp và Dự báo chiến lược khẳng định: Đổi mới sáng tạo trong quản lý tài nguyên bền vững và BVMT có vai trò đặc biệt quan trọng giúp tối ưu hóa khai thác và sử dụng tài nguyên; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giảm phát thải; tăng khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, qua đó thúc đẩy phát triển mô hình quản lý cộng đồng và sáng tạo xã hội. Ngoài ra, đổi mới sáng tạo còn mở ra cho ngành nhiều cơ hội trong việc chuyển đổi năng lượng xanh, thu hút đầu tư công nghệ sạch, tăng cường minh bạch và nang cao hiệu quả quản trị.
Mặc dù đem lại nhiều cơ hội cho việc năng cao hiệu quả quản lý tài nguyên và BVMT, công tác đổi mới sáng tạo còn phải đối mặt với nhiều thách thức: Hạn chế về hạ tầng công nghệ, nguồn lực tài chính hạn chế, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao và nhất là nguy cơ bất bình đẳng số và những rủi ro về an ninh mạng. Để tận dụng tốt cơ hội và vượt qua những thách thức trên, đại diện Ban Tổng hợp và Dự báo cho rằng, cần hoàn thiện thể chế, chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo; đầu tư phát triển hạ tầng số và hệ thống dữ liệu tài nguyên; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thu hút nguồn lực xã hội; nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy sáng tạo xã hội.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được lắng nghe các bài tham luận về việc bảo đảm an toàn hệ thống thông tin cho thực hiện chi trả dựa trên kết quả “Giảm phát thải khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng các-bon và quản lý bền vững tài nguyên rừng (REDD+) ở Việt Nam”; Quản lý tài nguyên thiên nhiên Việt Nam trong kỷ nguyên mới... đồng thời, trao đổi, thảo luận và đưa ra các ý kiến đóng góp hướng tới việc hoàn thiện Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Phùng Quyên