17/03/2021
Việt Nam và phần lớn các nước trên thế giới đang đối mặt với khủng hoảng rác thải. Các bãi chôn lấp đang quá tải, trong đó lượng rác thải nhựa (RTN) chiếm số lượng lớn và đang xâm lấn môi trường, nhưng thay vì giải quyết nguồn gốc của vấn đề, các giải pháp xử lý không triệt để hiện nay đang góp phần vào sự ô nhiễm trên toàn cầu.
Kết quả kiểm toán rác thải ở các địa phương ven biển Việt Nam
Thời gian, địa điểm và phạm vi kiểm toán
Trong giai đoạn từ 2018 - 2020, các tổ chức thành viên của Liên minh không rác Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức Pacific Environment và Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub) tiến hành kiểm toán rác thải để tìm ra các công ty có lượng chất thải nhiều nhất và công bố những dữ liệu về nhãn hiệu rác thải nhằm phục vụ cho mục tiêu giảm thiểu rác. Nhóm chuyên gia đã tiến hành kiểm toán rác thải cho các cộng đồng dân cư ở 8 khu vực ven biển (Hạ Long, Nam Định, Đà Nẵng, Sa Huỳnh, Cù Lao Chàm, Hội An và Phú Yên, Cát Bà) cùng 12 khách sạn, 9 nhà hàng, 2 trường học và 6 thuyền du lịch đã tham gia vào hoạt động kiểm toán (Bảng 1).
Bảng 1. Thời gian, địa điểm và phạm vi kiểm toán rác thải ở các địa phương ven biển Việt Nam
Các địa điểm kiểm toán |
Các tổ chức thực hiện |
Thời gian |
Loại hình đơn vị và Phạm vi kiểm toán |
Thời gian kiểm toán |
Khối lượng được kiểm toán |
TP. Hạ Long, phường Hòn Gai |
GreenHub |
15-21/6/2018 |
56 hộ, 219 nhân khẩu |
7 ngày |
567 kg |
Thị trấn Cát Bà, Cát Hải và vịnh Hạ Long (các tàu thuyền du lịch khởi hành từ cảng Cái Lân) |
GreenHub |
15-21/9/2018 |
3 khách sạn (66 đêm ở) 4 nhà hàng (900 xuất ăn)
5 thuyền du lịch (200 chuyến du lịch) |
24 tiếng/1 đơn vị |
204 kg |
Thành phố Đà Nẵng, quận Ngũ Hành Sơn, phường Mỹ An |
Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế xã hội Đà Nẵng |
16-23/3/2019 |
50 hộ, 170 nhân khẩu |
7 ngày |
548 kg |
Cù Lao Chàm |
Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm
Green Viet |
11-19/5/2019
23-29/6/2020 |
20 hộ, 70 nhân khẩu
54 hộ, 277 nhân khẩu |
7 ngày |
144 kg |
Tỉnh Phú Yên, thành phố Tuy Hòa, phường 4 |
GreenHub |
27/6-3/7/2019
26/6-4/7/2019 28/6-4/7/2019
3-13/9/2019
6-19/9/2019 |
56 hộ, 205 nhân khẩu
3 nhà hàng (1,806 bữa ăn) 4 khách sạn (14,786 đêm)
4 khách sạn (4,352 đêm)
2 trường (2,108 học sinh) |
7 ngày
7-9 ngày |
371 kg 508 kg
2,287 kg
7,476 kg
1,361 kg
1,070 kg |
Tỉnh Nam Định, Huyện Giao Thủy, xã Giao Hải |
Trung tâm bảo tồn và phát triển cộng đồng (MCD) |
28/8– 3/9/2019 |
66 hộ gia đình, 219 nhân khẩu |
7 ngày |
433 kg |
Quảng Ngãi, Đức Phổ, làng Gò Cỏ |
Công ty TNHH Sungco |
11- 17/11/2019 |
34 hộ gia đình, 103 nhân khẩu |
7 ngày |
41 kg |
TP. Hội An, xã Cẩm Thanh |
GreenHub |
1-7/11/2019
1-7/11/2019
23-29/6/2020 |
2 nhà hàng, 4125 bữa ăn
3 khách sạn (1963 đêm )
56 hộ gia đình, 250 cư dân |
7 ngày |
1,229 kg
160 kg
331 kg |
Phương pháp kiểm toán
Tất cả các cuộc kiểm toán đều áp dụng phương pháp đánh giá chất thải và kiểm toán nhãn hiệu GAIA1, được áp dụng riêng với từng điều kiện của mỗi khu vực. Đối với kiểm toán rác thải tại hộ gia đình, rác được thu gom hàng ngày trong giai đoạn 1 tuần từ ít nhất 50 hộ gia đình. Còn đối với các đơn vị kinh doanh, rác thải được thu gom trong 24 giờ hoạt động hoặc thu gom hàng ngày trong 1 tuần. Sau khi việc thu gom được hoàn thành, rác thải có thể được chia thành 18-92 loại, tùy thuộc vào nguồn lực Các danh mục con chi tiết hơn được lồng trong các danh mục lớn hơn, nhằm tổng hợp kết quả từ tất cả các cuộc kiểm toán. Sau khi phân loại, đội ngũ kiểm toán đã đo đếm thể tích và khối lượng của mỗi loại chất thải. Nhãn của từng sản phẩm nhựa đều được ghi lại. Bên cạnh đó, đội ngũ kiểm toán đã ghi lại số liệu của những loại túi ni lông và các bao bì nhỏ không có nhãn mác để thống kê số lượng của hai loại rác thải có tác hại lớn này.
Kết quả kiểm toán
Tổng cộng, đã có 16,730 kg - khoảng 108,787 lít chất thải đã được phân loại, trong đó bao gồm 55,000 sản phẩm nhựa có nhãn hiệu. Cân nặng, thể tích và thông tin thành phần cũng như nguồn gốc nhãn hiệu của các loại RTN được thống kê.
Kết quả kiểm toán cho thấy, lượng rác hữu cơ (75,7%), rác thải nhựa có thể tái chế (3,7%), chất thải tái chế khác (8,5%), nhựa không thể tái chế (6,3%), chất thải nguy hại (0,3%), chất thải đặc biệt (3%), chất thải khác (2,4%). Trong các loại rác thải được kiểm toán, nhựa rắn (polyethylene tỷ trọng cao), chai nhựa và rác thải nhựa đặc biệt (tã, băng vệ sinh, tăm bông) là những sản phẩm chính trong nguồn rác thải tại Việt Nam.
Kết quả tổng hợp nhãn hiệu của các loại rác thải được kiểm toán cũng cho thấy, trong dữ liệu từ khoảng 55,000 mảnh rác nhựa có nhãn hiệu, phát hiện có 3 doanh nghiệp (Coca Cola, PepsiCo và Nestle) nằm trong tốp các doanh nghiệp có lượng rác thải nhựa nhiều nhất tại Việt Nam; Vinamilk và Acecook là các doanh nghiệp hàng đầu đóng góp vào lượng rác thải nhựa tại hộ gia đình. Các sản phẩm bao bì xuất hiện nhiều nhất là đồ uống đóng chai, hộp sữa và sữa chua Tetra Pak, cà phê uống liền, gói dầu gội, gói gia vị nhiều lớp, hộp thuốc lá và gói phở/mì nhiều lớp. Ngoài ra, số lượng rác thải nhựa không có nhãn hiệu chiếm số lượng đáng kể (chiếm 40% lượng rác thải nhựa được kiểm toán) không có nhãn mác, không thấy nhãn hiệu bao bì (Bảng 2).
Bảng 2. Tốp 10 nhãn hiệu tìm thấy sau kiểm toán rác thải
Thứ tự |
Nhà sản xuất |
Các nhãn hiệu gây ô nhiễm nhựa hàng đầu |
Số lượng (Kg) |
1 |
Coca Cola |
Nước đóng chai Dasani, Coca Cola |
4,766 |
2 |
PepsiCo |
Nước đóng chai Aquafina |
4,322 |
3 |
Nestle |
Nước đóng chai La Vie, sữa đóng hộp Milo, Nescafe |
3,228 |
4 |
Vinamilk |
Sữa hộp, sữa chua |
3,111 |
5 |
TH Milk Food joint Stock Company |
Sữa True milk, sữa chua |
1,247 |
6 |
Unilever |
Dầu gội Sunsilk, dầu gội Dove, bột nêm Knorr |
1,174 |
7 |
Frieslandcampina |
Sữa Dutch Lady và Yomost |
859 |
8 |
Acecook |
Mì gói Hảo Hảo |
809 |
9 |
Saigon |
Thuốc lá |
636 |
10 |
Masan |
Mì gói Omachi, mì gói Kokomi |
606 |
Trong số các cơ sở được kiểm toán, trường học được tìm thấy là có lượng rác thải nhựa có thể tái chế cao nhất. Các sản phẩm nhựa dùng một lần được tìm thấy phổ biến trong trường học bao gồm: túi ni lông, chai nước PET, hộp xốp, bao bì đóng gói thực phẩm một lớp, hoặc nhiều lớp như hộp sữa Tetra Paks.
Các hộ gia đình có tỷ lệ rác hữu cơ cao (chỉ đứng sau nhà hàng). Lượng túi ni lông chiếm lượng lớn do thói quen mang túi ni lông khi mua sản phẩm từ chợ/siêu thị bán đồ tươisống. Các hộp sữa cho trẻ em của Nestle, Vinamilk, TH Group, Friesland Campina và số bao bì mì/phở ăn liền bởi Acecook, Masan và Asian chiếm phần lớn trong rác thải nhựa hộ gia đình. Loại phở/mỳ ăn liền trước đây được đóng theo bao bì với số lượng lớn nhưng hiện tại nhà sản xuất đã chuyển sang đóng gói từng suất riêng gây ra nhiều rác thải hơn; tỷ lệ tiêu thụ cao các loại sản phẩm như bàn chải sử dụng một lần, lược, vật dụng phòng tắm như gói dầu gội và ống hút.
Trong các loại hình đơn vị được kiểm toán, các nhà hàng có lượng rác hữu cơ cao nhất (78%). Các nhà hàng cũng có lượng rác túi ni lông nhiều nhất, cụ thể là các thực phẩm trong phòng bếp được cung cấp với bao bì ni lông (Biểu đồ 1). Tiếp theo, các tàu thuyền du lịch cũng có lượng rác thải đáng kể, do các hành khách ở qua đêm.
Biểu đồ 1. Tỷ lệ % theo thể tích các loại rác thải nhà hàng
Tại các địa phương thực hiện kiểm toán, số lượng và thành phần của rác thay đổi tùy theo địa điểm và các lĩnh vực được kiểm toán. Đáng chú ý, lượng rác thải nhựa bình đầu người tại Cù Lao Chàm ít hơn bốn lần so với Hạ Long. Cù Lao Chàm là một xã đảo nông thôn nơi việc cấm túi ni lông, ly nhựa và giấy bạc được thực thi, còn ở TP. Hạ Long, một TP tương đối phát triển, nơi không có luật cấm nào được áp dụng. Các cư dân ở những khu vực được kiểm toán khác tiêu thụ lượng nhựa bình quân đầu người khác nhau, tuy nhiên được ghi nhận là cao, ít nhất gấp hai lần lượng tiêu thụ tại Cù Lao Chàm.
Đề xuất một số giải pháp không rác thải
Qua kết quả kiểm toán cho thấy, để giảm thiểu chất thải, Việt Nam cần tăng cường tái chế cùng với việc loại bỏ sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Những lệnh cấm các sản phẩm nhựa một lần có thể tạo ra sự giảm nhựa hiệu quả, do đó, trong giai đoạn trước mắt, các chuyên gia môi trường đề xuất, Việt Nam nên ban hành Danh mục cấm các sản phẩm nhựa dùng một lần được thực thi ở quy mô toàn quốc. Về lâu dài, Việt Nam nên thực thi các giải pháp “đầu nguồn” bao gồm việc áp hạn ngạch đối với việc sản xuất nhựa sử dụng một lần, nâng mức thuế với các sản phẩm nhựa và áp thuế đối với các loại sản phẩm nhựa khác, thúc đẩy việc bắt buộc tái chế đối với chất thải thực phẩm và khuyến khích các thành phố đặt mục tiêu không rác (giảm thiểu tối đa lượng rác bị chôn lấp hoặc đốt).
Luật BVMT năm 2020 đã thay đổi cách tiếp cận quản lý môi trường, trong đó mở rộng trách nhiệm của doanh nghiệp đối với một sản phẩm, kể cả khi sản phẩm đã trở thành rác thải. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam nên công khai lượng nhựa sử dụng một lần mà họ sản xuất; đặt ra các mục tiêu giảm số lượng sản phẩm nhựa theo lộ trình. Ngoài ra, quy định về khuyến khích giảm thiểu rác thải, áp đặt tỷ lệ bắt buộc nhựa đầu vào có nguồn gốc tái sinh và áp mức phí cao đối với bao bì khó tái chế cũng cần được ban hành…
Tài liệu tham khảo
Nicole Portley
Marine Campaigner - Tổ chức Pacific Environment
Quách Thị Xuân - Điều phối viên
Liên minh không rác Việt Nam
Trần Thị Hoa
Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub)
(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường số 2/2021)
[A3]Chuyển bảng này lên phần giới thiệu thời gian, địa điểm