Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 23/01/2025

Bảo tồn, phát huy các giá trị Khu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An nhằm phát triển bền vững

21/01/2025

    Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể Danh thắng Tràng An nằm ở phía Nam của đồng bằng châu thổ sông Hồng thuộc tỉnh Ninh Bình, được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh từ năm 2014. Đây là một trong 39 Di sản hỗn hợp của thế giới và là Di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á [1]. Những giá trị của  Khu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể Danh thắng Tràng An mang ý nghĩa toàn cầu trong việc minh chứng phương thức con người tương tác với cảnh quan tự nhiên và thích ứng với những biến đổi về môi trường kéo dài trong hàng nghìn năm lịch sử hình thành Trái đất. Với sinh cảnh địa chất, địa mạo độc đáo, nhiều danh lam, thắng cảnh, nơi lưu giữ  nhiều dấu tích lịch sử, văn hóa của dân tộc, Khu Di sản đã thu hút một lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước. Du lịch phát triển đã mang lại cơ hội việc làm mới, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống của cộng đồng dân cư địa phương, quảng bá giá trị di sản độc đáo của Ninh Bình. Tuy nhiên, hoạt động du lịch cũng đã và đang gây ra các tác động tiêu cực như xói mòn di sản, quá tải hạ tầng, mất cân bằng sinh thái…Vì vậy, việc tăng cường công tác BVMT di sản trong quần thể danh thắng Tràng An là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

    1. Những giá trị  văn hóa và thiên nhiên độc đáo của Khu Di sản

    Khu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể Danh thắng Tràng An có diện tích 12.252 ha, bao gồm: Vùng lõi (6.226 ha) và vùng đệm (6.026 ha). Khu Di sản gồm ba khu bảo tồn chính: Cố đô Hoa Lư; Khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động; rừng đặc dụng Hoa Lư. Khu Di sản có 429 di tích, nhà cổ được phân bố trên 18 xã, phường. Trong đó có 46 di tích đã được xếp hạng: 02 di tích cấp Quốc gia đặc biệt, 21 di tích cấp Quốc gia và 23 di tích cấp tỉnh [1]. Giá trị nổi bật toàn cầu của Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận dựa trên ba tiêu chí: Văn hóa (Tiêu chí V); vẻ đẹp thẩm mĩ (Tiêu chí VII) và địa chất địa mạo (Tiêu chí VIII) [1].

    Nằm trong quần thể danh thắng Tràng An, Khu du lịch sinh thái Tràng An được biết đến với hệ thống núi đá vôi địa hình karst đặc trưng cùng hệ sinh thái rừng, hang động, đầm lầy vô cùng phong phú. Với lịch sử hình thành hàng trăm triệu năm, trải qua quá trình biến đổi về địa chất của trái đất, khí hậu cũng như sự tiến, thoái của biển, Tràng An sở hữu 31 hồ đầm được nối thông bởi 48 hang động. Hệ thống hang động này đã làm nên sự độc đáo cho Khu du lịch sinh thái Tràng An với những tuyến khám phá bằng thuyền đặc sắc. Tràng An cũng có hệ sinh thái thủy vực đa dạng với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm dưới nước, trong đó có thể kể tới hàng nghìn loại rong, rêu được các nhà khoa học đánh giá như “cánh rừng nguyên sinh” dưới nước. Sự hài hòa giữa cảnh quan thiên nhiên và sự đa dạng sinh học đã tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ hiếm có cho Tràng An [5].

    Cùng với lịch sử hình thành của thiên nhiên, Tràng An còn được biết đến như “cái nôi” tiến hóa của người Tràng An cổ. Các đợt khai quật khảo cổ học chứng minh rằng cộng đồng cư dân tiền sử đã định cư trong các hang động, mái đá ở vùng lõi Tràng An từ hàng vạn năm trước. Họ là những người tiếp cận và khai thác biển đầu tiên ở Việt Nam, sáng tạo ra tổ hợp công cụ lao động bằng đá vôi, duy trì kỹ nghệ ghè đẽo, làm đồ gốm và trồng trọt trong thung lũng đầm lầy,... Đó là nét độc đáo làm nên giá trị văn hóa nổi bật toàn cầu của di sản này. Ngoài ra, Tràng An còn gắn liền với các di tích như: cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, đền Trần, phủ Khống, hành cung Vũ Lâm, đền Cao Sơn,... để tạo thành những hành trình tham quan hấp dẫn cho khách du lịch [5].

    Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư nằm xen giữa các núi đá vôi, các khu vực đất ngập nước cùng hệ thống sông hồ bao quanh. Khu rừng có sự đa dạng sinh học cao với 2 dạng hệ sinh thái chính là hệ sinh thái trên núi đá vôi và hệ sinh thái thủy vực, đa dạng về  thực vật có 577 loài, trong đó có 10 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam cần được bảo vệ và 7 loài lần đầu tiên ghi nhận cho hệ thực vật Việt Nam. Ở khu vực quần thể danh thắng Tràng An còn phát hiện và thống kê được 311 loài thuộc 240 chi, 105 họ thực vật bậc cao có mạch để làm thuốc như mài núi, huyết giác, bách bộ, vương tùng [3]…

    Về các loài động vật thủy sinh trong vùng ngập nước có 30 loài động vật nổi, 40 loài động vật đáy. Đặc biệt có loài rùa cổ sọc được coi là động vật quý hiếm cần được bảo vệ. Các loài động vật trên cạn chưa được thống kê đầy đủ, nhưng cũng rất phong phú như: khỉ, sơn dương, cầy đổi mầu, tê tê, tắc kè, rái cá, mèo rừng, vẹt, le le, rắn có mào trên đầu và phượng hoàng đất…

    Cùng với lịch sử hình thành của thiên nhiên, Tràng An còn được biết đến như “cái nôi” tiến hóa của người Tràng An cổ. Các đợt khai quật khảo cổ học chứng minh rằng cộng đồng cư dân tiền sử đã định cư trong các hang động, mái đá ở vùng lõi Tràng An từ hàng vạn năm trước. Họ là những người tiếp cận và khai thác biển đầu tiên ở Việt Nam, sáng tạo ra tổ hợp công cụ lao động bằng đá vôi, duy trì kỹ nghệ ghè đẽo, làm đồ gốm và trồng trọt trong thung lũng đầm lầy... Đó là nét độc đáo làm nên giá trị văn hóa nổi bật toàn cầu của di sản này. Ngoài ra, thống kê cho thấy, Tràng An có  40 di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng và 30 di tích khảo cổ học, trong đó điển hình là những di tích cố đô Hoa Lư, chùa Bái Đính, đền Trần, phủ Khống, hành cung Vũ Lâm, đền Cao Sơn [3]...

    2. Phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy giá trị và kết nối di sản           

    Nhằm khai thác có hiệu quả và bảo vệ giá trị văn hóa lịch sử Di sản thiên nhiên thế giới Tràng An, tỉnh Ninh Bình đề ra định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, với quan điểm “Phát triển nhanh và bền vững, phát triển kinh tế đi đôi với công bằng và tiến bộ xã hội; trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng nổi trội, giá trị độc đáo và lợi thế riêng có của địa phương, cốt lõi là lấy bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa - lịch sử, truyền thống tốt đẹp của con người, vùng đất Cố đô và giá trị toàn cầu của Di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể danh thắng Tràng An làm nền tảng, nguồn lực và động lực phát triển, để trở thành trung tâm văn hóa - lịch sử, du lịch cấp quốc gia, có ý nghĩa quốc tế; Từng bước phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực”.

     Triển khai định hướng trên, trong những năm qua, Ninh Bình kiên định thực hiện chính sách phát triển bền vững gắn với du lịch, theo đó mô hình “Đô thị di sản” lấy việc phát huy danh hiệu UNESCO là một trong những thành tố cơ sở quan trọng. Phương châm “Sống trong di sản, bảo vệ di sản và hưởng lợi từ di sản” đã huy động sự tham gia của đông đảo người dân. Điều đó củng cố cơ sở bền vững và lâu dài cho phát triển của tỉnh cũng như nâng tầm thương hiệu du lịch Ninh Bình.

     Tính đến thời điểm hiện tại, quần thể danh thắng Tràng An hiện có 6 khu, điểm du lịch chính gồm: Khu di tích văn hoá lịch sử Cố đô Hoa Lư; khu du lịch (KDL) sinh thái Tràng An; KDL Tam Cốc - Bích Động; KDL Thung Nham; KDL động Thiên Hà và tuyến du lịch Thạch Bích - Thung Nắng. 

Khu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể Danh thắng Tràng An      

      Kết quả hoạt động du lịch năm 2023 cũng cho thấy, tỉnh Ninh Bình đã đón trên 6,5 triệu lượt khách du lịch, hơn 450 ngàn lượt khách quốc tế. Qua 6 tháng đầu năm 2024, số lượt khách đến thăm quan tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh ước đạt trên 6,28 triệu lượt khách, tăng 38,47% so với cùng kỳ năm trước, đạt 83,76% so với kế hoạch năm 2024. Cùng với đó, 7 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón 6,52 triệu lượt khách, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 86,93% so với kế hoạch năm 2024 [2].

    Bên cạnh việc nêu cao vai trò của cộng đồng trong việc giữ gìn và phát huy giá trị của di sản, Ninh Bình cũng chú trọng đến việc nâng cao chất lượng điểm đến gắn với đa dạng hóa sản phẩm du lịch. Tỉnh đã liên kết với TP. Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An... để khai thác và phát triển các loại hình du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh mà điển hình là việc xây dựng “Hành trình con đường di sản” kết nối các điểm đến: Quần thể danh thắng Tràng An - cố đô Hoa Lư - động Am Tiên - Khu tâm linh núi chùa Bái Đính - Khu bảo tồn đất ngập nước Vân Long (Ninh Bình) - Khu du lịch quốc gia Tam Chúc (Hà Nam) - chùa Hương và Khu di sản Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Với chiều dài gần 100km, “Hành trình con đường di sản” sẽ là chuỗi du lịch kết nối các miền di sản hiệu quả, mang lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Đối với phạm vi trong tỉnh, di sản Quần thể danh thắng Tràng An đã thành công trong việc liên kết bảo tồn và phát huy 5 huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thành phố Tam Điệp và TP. Ninh Bình, tạo thành các tuyến điểm du lịch hấp dẫn, thúc đẩy sử phát triển của ngành du lịch Ninh Bình.

    Trong những năm qua, tỉnh cũng đã tổ chức các lễ hội đặc sắc theo hướng liên kết vùng với chủ đề “Tràng An kết nối di sản” năm 2022; chương trình Festival Ninh Bình - Tràng An lần thứ 2 với chủ đề “Sắc màu di sản - hội tụ và lan tỏa” năm 2023 và xúc tiến đầu tư vùng với chủ đề “Liên kết phát trển - đổi mới sáng tạo - xanh và bền vững”, tham gia Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch 4 tỉnh “Một hành trình - Bốn địa phương - Nhiều trải nghiệm”,…

    Việc liên kết kết phát triển du lịch giữa Ninh Bình và các tỉnh, thành phố trong cả nước đã thúc đẩy sự trao đổi thông tin về các hoạt động quản lý du lịch, phát triển sản phẩm, bảo tồn di sản gắn với phát triển du lịch và xúc tiến, quảng bá du lịch để đạt hiệu quả cao trong sự phát triển du lịch của mỗi địa phương. Đồng thời, việc xây dựng, kết nối các chương trình du lịch với các địa phương khác đã tại thành các các sản phẩm du lịch đa dạng, có chất lượng, đủ khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế.

    3. Đề xuất một số giải pháp tăng cường công tác bảo vệ môi trường cảnh quan di sản

    Di sản văn hóa Ninh Bình là nguồn lực quan trọng để phát triển bền vững, không chỉ góp phần đem lại sự phát triển kinh tế mà còn là nền tảng của sự gắn kết xã hội, tạo ra năng lực sáng tạo, tăng cường kết nối, giao lưu, hội nhập với các quốc gia, dân tộc khác trên thế giới. Các di tích tại Khu Di sản mang đậm dấu ấn lịch sử dân tộc, gắn liền với sự phát triển của các vương triều Đinh, Tiền Lê và Lý, lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc có giá trị về thẩm mĩ, văn hóa, lịch sử, có nhiều nét độc đáo và không gian văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng.

    Tuy nhiên, quá trình phát triển du lịch cũng gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường du lịch và đe dọa tới bảo tồn di sản. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên của di sản như làm thay đổi cảnh quan, hệ sinh thái, nơi ở các loài sinh vật bị mất đi, thoái hóa đất. Hoạt động du lịch tại khu di sản phát sinh nước thải, chất thải rắn ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, nhất là mùa lễ hội rác thải tăng đột biến, không được thu gom kịp thời tại một số nơi gây mất mĩ quan, ảnh hưởng đến môi trường đất, nước, không khí. Các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, homestay phát sinh nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường gây ảnh hưởng đến nguồn nước, đất tại Khu Di sản. Việc kinh doanh hoạt động du lịch gây xáo trộn cuộc sống, cấu trúc của xã hội, của cộng đồng địa phương, gia tăng áp lực đối với loài bị đe dọa do hoạt động săn bắt, nuôi bán động vật hoang dã, tăng nhu cầu chất đốt và cháy rừng…

    Ngoài ra, sự hiểu biết của người dân và khách du lịch về các giá trị di sản của quần thể danh thắng Tràng An còn hạn chế. Phần lớn du khách mới chỉ đến để tham quan cảnh đẹp, khám phá các hang động, các khu du lịch sinh thái, tham gia các hoạt động tâm linh… còn đặc trưng về giá trị di sản văn hóa, di sản tự nhiên, đa dạng sinh học đặc sắc cũng như phát triển và hình thành nên quần thể danh thắng Tràng An chưa được hiểu một cách đầy đủ.

    Để khắc phục tình trạng trên, cần tăng cường một số giải pháp tăng cường công tác BVMT cảnh quan, gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị di sản như:

    Thứ nhất, cần hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, xác định du lịch là ngành kinh tế động lực trong phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH). Cần kiên trì nguyên tắc bảo vệ di sản văn hóa gắn với du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, phải đặt công tác bảo tồn giá trị di sản, giá trị văn hóa, bảo vệ di sản trước lợi ích kinh tế. Phát triển du lịch thông qua phát huy giá trị di sản cần đảm bảo sức chịu tải của di sản và điểm đến, không làm ảnh hưởng đến di sản, không xung đột với mục tiêu bảo tồn di sản tự nhiên và văn hóa. Phát triển du lịch bền vững trên cơ sở bảo tồn các di sản văn hóa và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

    Lấy giá trị văn hóa truyền thống và cảnh quan thiên nhiên độc đáo để xây dựng và phát triển nhằm đa dạng hóa các sản phẩm du lịch mới, đặc thù của Ninh Bình như du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch địa chất, du lịch di sản,… Trong đó, du lịch di sản phải có vai trò hạt nhân, là trung tâm thúc đẩy phát triển du lịch trong toàn tỉnh, góp phần khẳng định vị trí của Ninh Bình trên bản đồ du lịch thế giới.

    Thứ hai, xác định phát triển du lịch và KT - XH trên cơ sở nòng cốt là nâng cao đời sống của cộng đồng dân cư. Người dân được tham gia và được chia sẻ lợi ích từ hoạt động du lịch, đặc biệt mở rộng và nâng cao hiệu quả của mô hình du lịch cộng đồng. Tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch. Đây chính là sự chia sẻ lợi ích giữa cộng đồng địa phương, doanh nghiệp và chính quyền trong hoạt động du lịch. Đồng thời, thông qua các cơ chế, chính sách, quy định về chia sẻ lợi ích, bảo vệ tài nguyên và di sản góp phần nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác BVMT di sản nói riêng, bảo vệ các giá trị di sản nói chung.

    Thứ ba, tiếp tục rà soát và quy hoạch phát triển vùng đệm di sản, kiểm soát các dự án, hoạt động đầu tư phát triển kinh tế và du lịch để tránh tác động tiêu cực tới các di sản. Thực hiện điều tra, đánh giá, quản lý và BVMT di sản thiên nhiên theo quy định của Luật BVMT năm 2020, đồng thời thực hiện các giải pháp khắc phục các vấn đề môi trường tại khu vực danh thắng nhằm BVMT tự nhiên và đa dạng sinh học.

    Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên và đột xuất công tác BVMT; phối hợ chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên môn nhằm phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, triệt để các hành vi gây ô nhiễm môi trường trong kinh doanh du lịch và phát triển kinh tế tại khu vực di sản. Cần đầu tư cơ sở vật chất và cơ sở hạ tầng xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường tại các khu du lịch, đảm bảo quy chuẩn cho phép về môi trường. Bên cạnh đó, cần đầu tư lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động phù hợp với từng điểm đến và đặc thù của di sản văn hóa cũng như di sản tự nhiên để kịp thời nhận biết thực trạng môi trường và các vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển du lịch, phát triển KT - XH tại Khu Di sản.

    Thứ tư, cần xây dựng và áp dụng nguyên tắc quản lý du lịch bền vững, bao gồm giới hạn số lượng du khách phù hợp với thù mỗi điểm đến trong thời gian xác định, thiết lập các tuyến du lịch thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó, cần giáo dục và tăng cường nhận thức cho khách du lịch về văn hóa ứng xử với di sản và bảo vệ môi trường tại vùng di sản. Các nội dung hướng dẫn, giới thiệu các giá trị di sản văn hóa và di sản tư nhiên của danh thắng cần lồng ghép vấn đề bảo vệ môi trường, khuyến khích du khách hành động BVMT ngay tại điểm đến. Cần xác định mỗi người dân là một hướng dẫn viên trong vùng di sản, mỗi hướng dẫn viên là một tuyên truyền viên về BVMT và bảo vệ giá trị di sản.

    Thứ năm, nâng cao nhận thức về các giá trị di sản, phát huy và bảo vệ giá trị di sản thiên nhiên cũng như di sản văn hóa trong phát triển KT - XH. Trước hết, cần tuyên truyền cho các cán bộ, người dân trong thuộc các xã trong quần thể danh thắng hiểu được các giá trị độc đáo của di sản khu vực Tràng An, vai trò của di sản đối với sự phát triển du lịch cũng như bảo tồn và những lợi ích của di sản đối việc nâng cao đời sống của cộng đồng. Đào tạo, tập huấn đội ngũ hướng dẫn viên các giá tri di sản độc đáo cả về văn hóa, địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, các loài động thực vật có giá trị, đây chính là một kênh tuyên truyền hiệu quả đối với du khách tới thăm Tràng An.

    4. Kết luận

     Khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Tràng An chứa đựng các giá trị đặc sắc được UNESCO công nhận và ngày càng phát huy được vai trò trong phát triển KT – XH và bảo tồn văn hóa, bảo tồn đa dạng sinh học. Với các giá trị di sản văn hóa và di sản địa chất, địa mạo, tài nguyên thiên nhiên đặc trưng cùng với sự thuận lợi về kết nối cơ sở hạ tầng, phát triển khoa công nghệ, Ninh Bình đã và đang nỗ lực trở thành một đô thị di sản thiên niên kỷ, trung tâm du lịch và công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của vùng, quốc gia và mang tầm quốc tế. Để đạt được mục tiêu đặt ra và nhằm giải quyết các thách thức trong quá trình phát triển, cần phải xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng mục tiêu, trong đó có các giải pháp đồng bộ nhằm phát triển tổng hợp KT - XH, bảo tồn các giá trị di sản và bảo vệ tài nguyên, môi trường.

    Phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, du lịch trách nhiệm… trong đó cốt lõi là phát huy các giá trị di sản được xác định là định hướng quan trọng trong thực hiện quan điểm, mục tiêu của phát triển bền vững. Tiếp tục ưu tiên phát triển du lịch cộng đồng, đào tạo đội ngũ hướng dân viên là người dân tham gia du lịch và có vai trò tuyên truyền viên góp phần năng cao nhận thức về giá trị di sản văn hóa, di sản thiên nhiên và BVMT. Đồng thời, cần phát huy hơn nữa vai trò của liên kết trong phát triển du lịch nói chung, du lịch di sản nói riêng đối với các tỉnh trong vùng và cả nước, nhằm định vị được du lịch di sản Ninh Bình và Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.

Phạm Thị Trầm, Lê Thu Quỳnh, Trần Thị Kim Bảo

                               Viện Địa lý nhân văn, Viện Hàn lâm khoa học Xã hội Việt Nam

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 1/2025)

    Tài liệu tham khảo

    1. Ban Quản lý quần thể Danh thắng Tràng An (2024), Báo cáo về công tác bảo vệ môi trường Khu Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới quần thể Danh thắng Tràng An, Sở Du lịch Ninh Bình năm 2023-2024.

    2. Sở Du lịch Ninh Bình (2024), Báo cáo Hội nghị tổng kết công tác du lịch năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, Ninh Bình.

    3. https://hanoimoi.vn/di-san-van-hoa-va-thien-nhien-the-gioi-trang-an-ninh-binh-dau-cham-xanh-tren-ban-do-du-lich-519536.html.

    4. https://sodulich.ninhbinh.gov.vn/vi/tin-tuc-su-kien/tinh-hinh-hoat-dong-du-lich-thang-bay-nam-2024-tren-dia-ban-tinh-ninh-binh-1753.html.

    5. Viện Địa lý nhân văn (2024), Báo cáo tham luận Hội thảo “Tác động của các dự án phát triển tới môi trường và cảnh quan các di sản thiên nhiên tại Việt Nam” thuộc nhiệm vụ “Truyền thông, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người lao động Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam (Năm 2024 chủ đề: BVMT di sản thiên nhiên)” tổ chức tại Ninh Bình.

Ý kiến của bạn