Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Thúc đẩy thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam

05/11/2021

    Ngày 4/11/2021, tại Hà Nội, Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN Việt Nam) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Xanh (GreenHub), Liên minh Không rác Việt Nam (VZWA) và Nhóm tư vấn Chính sách và Luật về môi trường e-Policy (e-Policy) tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Thúc đẩy thực hiện Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”. Mục đích của buổi Tọa đàm nhằm thảo luận và làm rõ hơn một số nội dung còn nhiều quan điểm khác biệt liên quan đến cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) trong Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BVMT năm2020 đang được trình Chính phủ phê duyệt.

    Tham dự tọa đàm có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Chi hội nhựa tái sinh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Dự án EU – Rethink Plastics, IUCN, GreenHub, Liên minh Không rác Việt Nam và nhóm nghiên cứu e-Policy…

Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm

    EPR là cách tiếp cận của chính sách môi trường theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó. Đây là một trong những công cụ quan trọng nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và giảm thiểu, thay thế việc sử dụng các chất độc hại, không thân thiện với môi trường. Ở Việt Nam, EPR lần đầu tiên được đưa ra trong Luật Bảo vệ Môi trường từ năm 2005, với yêu cầu thu hồi một số sản phẩm thải bỏ. Ý tưởng ban đầu phát triển EPR ở Việt Nam là nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính để giải quyết tình trạng ô nhiễm gây ra do tái chế không chính thức trong các làng nghề. Tuy nhiên, trong suốt 15 năm, EPR đã không được thực hiện trong khi ngân sách công luôn thiếu hụt dẫn đến hệ thống quản lý chất thải không bao trùm và nhiều hệ luỵ về môi trường và sức khỏe cộng đồng. Nhằm thúc đẩy việc thực hiện EPR trên thực tế, Quốc hội đã cải cách Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 với việc thể chế hóa EPR thành hai cơ chế cụ thể là trách nhiệm tái chế và trách nhiệm xử lý của nhà sản xuất, nhập khẩu tại Điều 54 và Điều 55 nhằm đạt mục tiêu kép về bảo vệ môi trường và phát triển ngành công nghiệp tái chế với mục đích tuần hoàn tài nguyên.

    Tại buổi Tọa đàm, các đại biểu đã chia sẻ, thảo luận về các nội dung như tỷ lệ tái chế bắt buộc; văn phòng EPR và Hội đồng EPR; quản lý và sử dụng nguồn thu vào Quỹ Bảo vệ Môi trường nhằm đảm bảo EPR đáp ứng các mục tiêu môi trường và phát triển kinh tế tuần hoàn; vai trò của các tổ chức môi trường và xã hội ngoài nhà nước trong cơ chế EPR để các bên có góc nhìn đa chiều hơn đối với các quan điểm, nhận định còn khác biệt về hệ thống EPR. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp cho Chính phủ và doanh nghiệp trong việc đảm bảo thực hiện các mục tiêu trong EPR.

    Trước đó, ngày 22/09/2021, Liên minh Không rác Việt Nam, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển xanh (GreenHub), nhóm Nghiên cứu e-Policy cùng gần 30 tổ chức và cá nhân đã gửi Thư Kiến nghị tới Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ ngành liên quan đề nghị không lùi thời điểm thực hiện EPR ở Việt Nam, tăng tỷ lệ tái chế bắt buộc, tăng và minh bạch mức đóng góp tài chính để đảm bảo thực hiện các chiến lược môi trường quốc gia; quy định rõ vai trò của các tổ chức xã hội và Hội Bảo vệ người tiêu dùng trong cơ chế EPR, đảm bảo nguồn đóng góp tài chính từ EPR phải được chi trực tiếp cho tái chế, xử lý chất thải, cụ thể là tăng cường hỗ trợ địa phương xử lý chất thải.

    Phản hồi lại Thư kiến nghị, ngày 11/10/2021, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc Hội, Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đã có văn bản số 187/UBKHCNMT15 gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý của tập thể của 30 tổ chức, cá nhân kiến và nêu rõ việc không lùi thời điểm áp dụng đối với trách nhiệm tái chế theo Điều 55 của Luật BVMT năm 2020 nhằm đảm bảo phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.

Nam Việt

 

 

 

 

 

Ý kiến của bạn