Banner trang chủ

Rừng tràm Gáo Giồng được quy hoạch thành Khu bảo tồn tre Việt Nam

24/05/2021

     Rừng tràm Gáo Giồng thuộc ấp 6, xã Gáo Giồng, huyện Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã được quy hoạch là khu bảo tồn tre Việt Nam với hơn 66 ha, nằm ở trung tâm tổng thể rừng Gáo Giồng. Được xem là lá phổi của vùng Đồng Tháp Mười, khu rừng tràm rộng 1.700 ha này còn sở hữu vườn cò lớn nhất vùng với diện tích 40 ha, tập hợp hơn 200 loài chim trú ngụ. Từ năm 2014 đến nay, Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng đã sưu tầm và nhân giống được 68 giống tre các loại hiện có ở Việt Nam như: tre gai, tre tầm vông, sọc vàng, tre hoa hậu, tre bườm móc, tre diễn đá, tre vầu, tre lò ô vàng, tre kiểng, tre đắng, tre đen...

     Ông Huỳnh Thanh Hiền, Trưởng ban Quản lý Rừng tràm Gáo Giồng cho biết, bộ sưu tập tre ở đây là một trong những công trình thuộc Dự án “Khu bảo tồn tre gắn với Khu Du lịch sinh thái Gáo Giồng” và phát triển khu bảo tồn thành rừng thường xanh của Gáo Giồng. Tại rừng tràm Gáo Giồng đều có tre gai, tầm vông, tre sọc vàng… trồng rải rác các nơi, vì đây là loại tre thu hút các loài chim, cò về trú ngụ, làm tổ. Tre gai còn là một loài cây để làm nhà, giường ngủ, đũa ăn cơm, phương tiện đánh bắt cá, bẫy bắt chuột… đặc biệt, khi cây khô sẽ được đưa xuống ao, hồ để cho cá tôm làm nơi trú ngụ. Đến nay ở Gáo Giồng bước đầu đã trồng được hai hàng tre song song, dài hơn 2 km trên đoạn đường dẫn vào Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng. Các giống tre này do Làng Tre Phú An sưu tầm đưa về để ươm tại Gáo Giồng, nay đã xanh tốt và tuyển chọn để trồng theo quy hoạch. Chúng rất thích nghi với thổ nhưỡng nơi đây và phát triển tốt, tạo điểm mới lạ, hấp dẫn khách du lịch đến Gáo Giồng. Mỗi loại tre có đặc điểm, nét đẹp riêng nhưng tất cả đều có điểm chung là mang đến vẻ đẹp bình dị, gần gũi với đời sống làng quê. Tre sọc vàng tạo sự sang trọng, rất đẹp mắt; tre hoa hậu với thân cao to màu xanh đậm, lá thẳng vút lên trời tạo dáng uy nghi… 

Tre được trồng hai bên đường vào rừng tràm Gáo Giồng

     Việc quy hoạch khu bảo tồn và phát triển khu bảo tồn cây tre gắn khu du lịch sinh thái rừng Gáo Giồng có vai trò bảo vệ các khu vực tự nhiên và cảnh quan có tầm quan trọng quốc gia và quốc tế, phục vụ cho mục đích bảo tồn hệ sinh thái lâu dài; phục vụ cho các mục đích khác như nghiên cứu khoa học, đời sống tinh thần, tham quan; đồng thờid uy trì và tôn trọng các giá trị sinh thái, địa mạo có tính lịch sử.

     Việc đầu tư về kinh tế cũng như đầu tư vào các ý tưởng bảo tồn và phát triển hệ sinh thái khu bảo tồn cây tre gắn khu du lịch sinh thái rừng Gáo Giồng có vị trí quan trọng nhằm phát triển ngành du lịch trong tương lai trở thành ngành mũi nhọn cho tỉnh, giúp cải thiện, nâng cao trình độ dân trí và nâng cao mức sống của người dân.

     Tổng thể Dự án gồm 3 nội dung chính:

     - Bảo tồn tre: gắn liền giải quyết các vấn đề và nâng cao các giá trị môi trường;

     - Phát triển kinh tế: đặc biệt là lĩnh vực kinh tế du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương;
     - Phát triển du lịch, thông qua đó phát triển giáo dục, nâng cao nhận thức cho du khách và cộng đồng.

     Điểm nhấn chính của Dự án là bộ sưu tập tre, được bổ trợ bằng hệ thống các phòng thí nghiệm, nghiên cứu cơ - hóa -sinh học, bảo tàng trưng bày trong nhà/ngoài trời, trường đào tạo về tre… Bên cạnh đó, cần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thông qua phát triển nhóm ngành liên quan đến tre như: Sản xuất tre giống, thủ công mỹ nghệ, vật liệu xây dựng,… Mục tiêu dài hạn là phát triển các sản phẩm ứng dụng, công nghệ xử lý sinh học…  mang lại giá trị kinh tế cao và bền vững.

     Về du lịch, đồ án mong muốn đưa cây tre trở thành một phần trong thương hiệu du lịch hiện hữu của Gáo Giồng, bằng cách gắn kết du lịch trải nghiệm tre với các sản phẩm du lịch miệt vườn và ẩm thực địa phương.

     Ngoài ra, Khu bảo tồn tre Việt Nam tại Gáo Giồng còn tạo dựng các giá trị độc đáo riêng cho khu rừng thường xanh như bộ sưu tập tre của Việt Nam. Bên cạnh đóa, Dự án còn có khu trung tâm nghiên cứu phát triển và ươm trồng các loại tre nhằm lưu giữ, phát triển, bảo tồn các loại tre hiện có. Ban Quản lý rừng tràm Gáo Giồng đang tiếp tục sưu tầm thêm nhiều giống treở các nước Đông Nam Á, để thực hiện công trình bản đồ Việt Nam và các công trình khác.

Hồng Nhung

Ý kiến của bạn