Banner trang chủ
Thứ Năm, ngày 28/03/2024

Kinh tế tuần hoàn tại các thị trường mới nổi: Khai mở tiềm năng Phục hồi xanh tại khu vực Châu Á

04/06/2021

    Nhằm thảo luận về các rào cản trong việc tích hợp kinh tế tuần hoàn vào các khuôn khổ phát triển bền vững; xây dựng năng lực của các quốc gia trong hoạch định chính sách hướng tới một nền kinh tế tuần hoàn bền vững; cũng như xem xét các phương pháp, nghiên cứu điển hình trong chuyển đổi sang nền kinh tế tuần hoàn, ngày2/6, Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cùng lãnh đạo các đơn vị Bộ TN&MT đã tham dự Hội thảo "Kinh tế tuần hoàn tại các thị trường mới nổi: Khai mở tiềm năng Phục hồi xanh tại khu vực Châu Á". Đây là một trong những sự kiện bên lề cấp khu vực Châu Á của Diễn đàn kinh tế tuần hoàn thế giới do Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Quỹ Đổi mới, sáng tạo Phần Lan Sitra (ADBI) tổ chức.

    Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Miranda Schnitger, Trưởng Ban hợp tác Chính phủ, Quỹ Ellen MacArthur nhấn mạnh, kinh tế tuần hoàn là một phương thức tăng trưởng hiệu quả hơn và tạo giải pháp giải quyết các thách thức toàn cầu. Theo thiết kế, kinh tế tuần hoàn dựa trên ba nguyên tắc: Loại bỏ rác thải và ô nhiễm; Duy trì sử dụng sản phẩm và nguyên vật liệu; Tái tạo các hệ thống tự nhiên.

    Bà Miranda Schnitger cho rằng, cần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn vì những lợi ích có thể mang lại như hỗ trợ phát triển kinh tế và tăng khả năng chống chịu; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; hỗ trợ giải quyết những thách thức toàn cầu như rác thải, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và mất đa dạng sinh học.

Các đại biểu tham dự Hội thảo trực tuyến

   Đồng tình với nhận định trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã và đang tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu, làm thay đổi nhận thức của người dân trên thế giới, do đó cần phải có sự thay đổi mô hình tăng trưởng hướng đến phát triển bền vững.

    Theo Bộ trưởng, việc chuyển dịch kinh tế theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế phát thải các bon thấp là xu thế tất yếu của thời đại, được đồng thuận toàn cầu và được các nước trên thế giới coi là cuộc cách mạng công nghiệp xanh của thế kỷ 21, là cơ hội để cộng đồng toàn cầu chung tay thực hiện cam kết quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững vì sức khỏe của người dân, môi trường thiên nhiên và Trái đất. T ại Việt Nam, nội dung này đã được hiện thực hoá thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 (Điều 142). Tư duy về kinh tế tuần hoàn cũng được lồng ghép trong các Điều, Khoản khác như đẩy mạnh chi tiêu công xanh (GPP); mở rộng trách nghiệm của nhà sản xuất (EPR); phát triển ngành công nghiệp môi trường; dịch vụ môi trường…

    Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ TN&MT đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng quy định về “tiêu chí, lộ trình và cơ chế khuyến khích áp dụng kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam”, trong đó, vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương được quy định rõ trong Luật Bảo vệ môi trường gắn với lộ trình triển khai, thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam…

Đỗ Hương

Ý kiến của bạn