Banner trang chủ
Thứ Bảy, ngày 20/04/2024

Bàn giải pháp xử lý chất thải nhựa ở khu vực các biển Đông Á

28/11/2020

    Từ ngày 24 - 26/11/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN&MT) chủ trì, phối hợp với Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), với sự hỗ trợ của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tổ chức Hội nghị quốc tế về các giải pháp xử lý chất thải nhựa (CTN) khu vực các biển Đông Á năm 2020 theo hai hình thức trực tuyến và trực tiếp. Đông đảo đại biểu trong và ngoài khu vực ASEAN tham dự.

     Hội nghị là sự kiện thường niên do Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) và Cơ quan Điều phối các biển Đông Á (COBSEA) phối hợp cùng các quốc gia tổ chức luân phiên tại Đông Nam Á với tham vọng trở thành nền tảng trao đổi về các giải pháp và hợp tác nhằm giải quyết vấn nạn ô nhiễm nhựa. Năm 2020, Việt Nam được chọn là quốc gia tổ chức sự kiến này lần thứ 2 với sự tham gia của các thành viên ASEAN+3 và COBSEA, các nhà sản xuất nhựa, nhà lãnh đạo và học viện, tổ chức quốc tế, tổ chức phát triển cộng đồng, đối tác của Liên hợp quốc. Hội nghị là diễn đàn đối thoại khu vực cho các bên liên quan, hướng đến mục tiêu: Chia sẻ giải pháp giảm thiểu ô nhiễm nhựa và rác thải biển; trao đổi về khó khăn trong quản lý RTN trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp; xác định giải pháp, cơ hội để tái chế và nâng cao nhận thức về giảm thiểu RTN.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị trực tuyến

     Tại phiên toàn thể lần thứ Nhất, Hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến phát biểu của các tổ chức quốc tế, tập trung vào việc thảo luận xung quanh nội dung: “Đại dịch nhựa: Liệu có ít nhựa bị thải bỏ hơn trong thời gian dịch Covid-19?” Bàn về chủ đề này các đại biểu cho rằng đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng sử dụng thiết bị y tế được sản xuất từ nhựa và ngăn cản việc tái chế chúng, tạo ra nhiều khó khăn hơn trong nỗ lực giảm thiểu RTN và chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn nhựa mà nhiều quốc gia đang lựa chọn. Tuy nhiên, theo các đại biểu, Covid-19 cũng được xem là bài học để mỗi chúng ta nhìn nhận lại cách thiết kế, sản xuất, thương mại, tiêu dùng, xử lý nhựa và CTN, đặc biệt là các sản phẩm thay thế trong lĩnh vực y học. Đây không chỉ là thách thức, mà cũng là cơ hội cho các nhà sáng chế, nhà sản xuất, nhà quản lý và nhiều bên tham gia cùng nỗ lực đưa ra sáng kiến, tìm giải pháp thúc đẩy sử dụng sản phẩm thay thế nhựa sử dụng một lần.

    Nhiều đại biểu cũng bày tỏ việc cần thiết học hỏi những sáng kiến, cam kết từ các nước EU trong việc xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ; sự đầu tư lớn của các nước EU nhằm giảm thiểu tác hại, thất thoát ra môi trường của RTN khi mỗi năm chi hàng tỷ euro cho hoạt động tái chế. Bên cạnh đó, một số nước EU cũng đang đặt ra mục tiêu nghiên cứu sử dụng các loại hóa chất (phụ gia tăng cường tính năng nhựa) thân thiện với môi trường, thuận lợi cho việc tái chế, tái sử dụng…

     Để thực hiện được mục tiêu xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tái chế tối đa các loại rác thải từ nhựa, nhiều đại biểu cho rằng, bên cạnh các vấn đề về đầu tư, công nghệ, năng lực quản lý thì cũng cần có một lộ trình, cách tiếp cận chuyển đổi kinh tế sử dụng nhựa một lần sang kinh tế tuần hoàn nhựa trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Các quốc gia ASEAN cần có những bước đi thận trọng, tranh thủ các nguồn lực, sự hỗ trợ để thực hiện các mục tiêu, cam kết giảm CTN, RTN đại dương đã đề ra.

     Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, ô nhiễm RTN, đặc biệt là ô nhiễm RTN đại dương đã trở thành vấn đề cấp bách ở phạm vi quốc gia, khu vực và toàn cầu. Vấn đề ô nhiễm CTN và RTN đại dương ở Việt Nam thời gian qua đã được Chính phủ đặc biệt quan tâm và nỗ lực giải quyết thông qua việc đổi mới căn bản trong chính sách, pháp luật về BVMT và bằng những hành động thiết thực, điển hình như: Thông qua Luật BVMT sửa đổi, trong đó luật hóa các nội dung liên quan đến CTN như quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn về nhựa; Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, nghiên cứu khoa học, đổi mới và chuyển giao công nghệ và đang nghiên cứu thiết lập một cơ chế đối tác công tư để doanh nghiệp và cơ quan nhà nước hợp tác tốt hơn trong giải quyết vấn đề ô nhiễm RTN.

Toàn cảnh Hội nghị

     Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020. Kể từ khi tham gia đến nay, Việt Nam đã đóng vai trò là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong các vấn đề của khu vực và trên thế giới. Các nước ASEAN đều đang phải đối mặt với những tác động tiêu cực của vấn nạn RTN đại dương... ảnh hưởng lớn đến phát triển bền vững chung và thịnh vượng của toàn khu vực. Việc xây dựng cộng đồng ASEAN, xây dựng vị thế của ASEAN trong khu vực và toàn cầu cần có sự đóng góp và tư duy lãnh đạo quan trọng của Việt Nam. Mặt khác, với vai trò thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) nhiệm kỳ 2020 2021, Việt Nam mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đảm bảo hòa bình, an ninh, phát triển bền vững. Việc Việt Nam trúng cử ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021 khẳng định Việt Nam là thành viên tích cực, đối tác tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

     Hội nghị lần này cũng là cơ hội để Việt Nam triển khai mạnh mẽ đường lối đối ngoại của Đảng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII về hội nhập quốc tế sâu rộng; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 08/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030; Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý RTN đại dương đến năm 2030; Quyết định số 647/QĐ-TTg ngày 18/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hợp tác quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 với những cam kết cụ thể:

     Đến năm 2030, đặt mục tiêu giảm thiểu 75% RTN trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn RTN. Đồng thời, mở rộng quan trắc hàng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng RTN đại dương tại một số cửa sông thuộc 11 lưu vực sông chính và 12 huyện đảo.

     Đây cũng là thông điệp của Việt Nam gửi đến cộng đồng quốc tế về quyết tâm, nỗ lực và cam kết mạnh mẽ phát triển bền vững, đặc biệt trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững kinh tế biển, chống RTN đại dương và thúc đẩy sự tham gia cùng các nước trong khu vực ASEAN vào mạng lưới chống RTN toàn cầu. Đồng thời góp phần tăng cường, thúc đẩy hợp tác song phương và đa phương; tìm kiếm cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực: quản trị biển và đại dương, điều tra, đánh giá, xử lý RTN đại dương.

 

(Theo baotainguyenvamoitruong.vn)

Ý kiến của bạn