Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Thực trạng và đề xuất giải pháp khắc phục ô nhiễm nước thải làng nghề dệt, nhuộm ở huyện Hưng Hà, Thái Bình

17/10/2019

      Hưng Hà là huyện có nhiều làng nghề nhất trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Hoạt động sản xuất tại các làng nghề đã góp phần nâng cao giá trị sản xuất của địa phương, giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, người dân nơi đây đang phải đối mặt với ô nhiễm môi trường do lượng chất thải phát sinh từ làng nghề dệt, nhuộm.

     Khó khăn trong khắc phục ô nhiễm

     Theo Báo cáo của UNDN huyện Hưng Hà tại đợt khảo sát về công tác BVMT ở làng nghề, toàn huyện hiện có 49  làng nghề và 4 xã nghề (Tân Lễ, thị trấn Hưng Nhân, Thái Phương, Minh Tân) được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, trong đó có 18 làng dệt khăn, 22 làng dệt chiếu, 4 làng mây tre đan, 3 làng bún bánh, 1 làng mộc, 1 làng làm hương).

     Trong các làng nghề phát triển mạnh của huyện có làng nghề dệt Phương La (xã Thái Phương) đứng đầu về giá trị sản xuất, cũng như số lao động làm nghề. Trước đây, làng nghề dệt Phương La có tên là làng Mẹo, nổi tiếng ở miền Bắc với nhiều tỷ phú, đại gia giàu lên từ nghề dệt, nhuộm vải, cung cấp hàng xuất khẩu đi Hàn Quốc, Nhật Bản. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề, chủ yếu là các loại khăn. Toàn xã có gần 3.144 hộ được chia thành 8 thôn thì có 6/8 thôn được công nhận là làng nghề, trong đó thôn Phương La có trên 1.500 hộ thì 100% số hộ dân làm nghề dệt, còn ở các thôn khác như Trắc Dương và Nhân Xá, 70% số hộ làm nghề dệt. Với tốc độ tăng trưởng nhanh, chỉ riêng làng Phương La mỗi năm đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng nhưng cùng với đó, môi trường sống của người dân ngày càng ô nhiễm. Hầu hết các cơ sở sản xuất ở đây đều chưa có hệ thống xử lý nước thải, hoặc có cũng chỉ là hình thức. Nước thải được xả trực tiếp ra cống rãnh, trong khi hệ thống thoát nước với các con sông, rạch ngày càng bị thu nhỏ.

 

Nước thải  từ các cơ sở dệt, nhuộm của làng nghề Phương La xả thẳng ra môi trường

 

     Mặc dù, năm 2001, UBND huyện Hưng Hà đã quy hoạch cụm công nghiệp (CCN) làng nghề Phương La, với hơn 100 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong số các doanh nghiệp, có 24 doanh nghiệp hoạt động tương đối hiệu quả, còn lại hoạt động theo mùa, vụ; Có 35 - 40% doanh nghiệp sử dụng công nghệ hiện đại, máy móc công nghiệp và số còn lại sử dụng hệ thống máy móc bán công nghiệp. UBND tỉnh Thái Bình đã triển khai dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung làng nghề Phương La, xã Thái Phương, với diện tích 5 ha và vốn ngân sách đầu tư hơn 76,9 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2013 - 2019. Dự án do UBND huyện Hưng Hà làm chủ đầu tư và Công ty CP Đầu tư quốc tế Tiến Bộ (AIC) thi công xây dựng, hiện đã hoàn thành lắp đặt máy móc thiết bị từ đầu năm 2018 nhưng chưa đưa vào vận hành, do thiết kế của Nhà máy xử lý nước thải chỉ đạt 800 m3/ngày, trong khi các  cơ sở có hoạt động sản xuất nấu tẩy, giặt, nhuộm vải ở làng nghề Phương La nếu vận hành hết công suất sẽ thải ra 2.400 m3 nước thải/ngày, gấp 3 lần công suất Nhà máy.

     Từ 10 năm nay, hàng trăm hộ gia đình đã và đang dần mất đi sinh kế, sống trong bầu không khí ngột ngạt, khó thở do mùi hóa chất. Cánh đồng thôn Phương La là nơi ô nhiễm nhất làng, nhiều ống nước thải từ cơ sở nhuộm vải đã xả thẳng ra cánh đồng khiến phần lớn diện tích ruộng bị bỏ hoang vì không thể canh tác. Nước thải từ các cơ sở dệt, nhuộm của làng nghề chảy theo kênh rạch ra xã Minh Tân, Kim Chung, gây ô nhiễm ra môi trường các vùng xung quanh. Người dân các xã này đã đắp đập ngăn dòng nước thải không cho chảy vào địa phận của xã. Do không còn đường thoát, nước thải dềnh lên cánh đồng, nhất là vào mùa mưa, cả một vùng bị ngập úng người dân không thể canh tác được. Theo ông Trần Bá Cao,  Chủ tịch xã Thái Phương cho biết: Thời gian qua, các doanh nghiệp, hộ gia đình làm nghề dệt có công đoạn tẩy, nhuộm nhiều lần bị UBND tỉnh, UBND huyện Hưng Hà ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, cưỡng chế, yêu cầu chuyển địa bàn hoạt động do hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn ra môi trường. Song chỉ được một thời gian, các doanh nghiệp lại phá niêm phong, hoạt động trở lại và tiếp tục xả chất thải độc hại ra môi trường, khiến dòng sông, rạch trong khu vực ngày càng đen đặc, gây mùi hôi nồng nặc.

     Trước thực trạng trên, tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo các ban ngành giám sát, theo dõi và xử lý một số cơ sở dệt, nhuộm ở xã Thái Phương không có hệ thống xử lý chất thải, gây ô nhiễm môi trường xung quanh.Theo đó, sau khi kiểm tra nếu các cơ sở không có hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn, vi phạm tiêu chuẩn về khí thải, chất thải ra môi trường, ảnh hưởng đến người dân, sẽ bị xử lý kiên quyết nhằm BVMT và cuộc sống cho người dân. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngày 5 - 11/6/2019, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Thái Bình do Sở TN&MT chủ trì đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản đối với 7 doanh nghiệp và 3 hộ gia đình ở làng nghề Phương La có hoạt động nấu giặt tẩy nhuộm, xả thải chưa qua xử lý ra môi trường. Đoàn kiểm tra đã niêm phong và đình chỉ hoạt động toàn bộ hệ thống dây chuyền nấu, giặt, tẩy, nhuộm các cơ sở trên. Tuy nhiên, sau khi Đoàn công tác của tỉnh rời đi thì một số hộ dân đã tự ý tháo gỡ niêm phong, vận hành trở lại, khiến môi trường một lần nữa bị “bức tử”.

     Tăng cường nguồn lực xử lý nước thải làng nghề dệt, nhuộm

     Để đẩy mạnh BVMT làng nghề Phương La trong thời gian tới, UBND huyện Hưng Hà đã triển khai một số giải pháp:

     Một là, tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên trách, có kiến thức, hiểu biết về môi trường và phát triển kinh tế - xã hội, từ đó, có thể thấy các mối liên hệ tác động lẫn nhau giữa chúng thì mới có thể giải quyết tốt các vấn đề xung đột môi trường trong quá trình phát triển.

     Hai là, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở về trách nhiệm đối với công tác BVMT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về BVMT; kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm môi trường; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu địa phương nơi để xảy ra tình trạng ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân. Đồng thời, lồng ghép BVMT làng nghề vào Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển của địa phương.

     Ba là, khuyến khích, hỗ trợ cho công tác BVMT như hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt hệ thống xử lý chất thải, nước thải và các bãi chôn lấp chất thải rắn; hỗ trợ kinh phí nghiên cứu, khuyến khích các cơ sở sản xuất trong làng nghề áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường để giảm lượng phát thải.Cùng với đó, cần nghiên cứu, xây dựng mô hình quản lý môi trường dựa vào cộng đồng cho làng dệt nhuộm; lập tổ tự quản về BVMT tại làng nghề; ban hành Quy chế hỗ trợ kinh phí BVMT làng nghề (một phần bằng nguồn ngân sách xã, phần còn lại do cơ sở sản xuất đóng góp).

     Bốn là, các nhóm cộng đồng như Hội phụ nữ, đoàn thành niên, hoặc mô hình hợp tác xã tham gia BVMT làng nghề. Ngoài ra, vào các ngày lễ, Tết và ngày Thứ bảy, Chủ nhật huy động nhân dân, các hội - đoàn thể tiến hành tổng vệ sinh môi trường, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, để hoạt động thu gom và xử lý nước thải.

     Năm là, huy động các nguồn vốn xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung cho làng nghề dệt, nhuộm; áp dụng phương pháp xử lý nước thải bằng công nghệ sinh học như xử lý vi sinh, kết hợp ao hồ thực vật.

     Sáu là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để nâng cao ý thức của hộ gia đình, các cơ sở sản xuất và cộng đồng tự giác chấp hành các quy định pháp luật về BVMT.

Trần Ngọc Ngoạn - Châu Loan

Ý kiến của bạn