Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 29/03/2024

Thảo luận về chất lượng không khí tại Hà Nội

11/05/2020

   Nhân kỷ niệm Tuần lễ Nhận thức về chất lượng không khí với chủ đề “Không khí tốt hơn, sức khỏe tốt hơn” ngày 3/5/2020, tại Hà Nội, Đại sứ quán Hoa Kỳ tổ chức buổi thảo luận về chất lượng không khí Việt Nam.

 

Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius phát biểu tại buổi thảo luận

 

   Đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ cho biết, nhằm cung cấp thông tin để giúp bảo vệ sức khỏe của nhân sự cũng như công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã phối hợp cùng Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ đặt máy quan trắc chất lượng không khí tại một số tòa văn phòng thuộc Bộ. Tại Việt Nam, thiết bị quan trắc được đặt trên mái nhà Tòa Đại sứ quán Hoa Kỳ ở Hà Nội và trên mái Tòa Lãnh sự quán ở TP. Hồ Chí Minh, sử dụng nguyên tắc đo lường suy giảm beta để cung cấp nồng độ PM2.5 hằng giờ theo đơn vị microgram trên mét khối. Không khí sạch là một yêu cầu cơ bản cho sức khỏe con người và hạnh phúc. Đó là lý do tại sao Đại sứ quán Hoa Kỳ đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các bên liên quan tại Việt Nam để nâng cao nhận thức của công chúng về ô nhiễm không khí và khuyến khích người dân theo dõi chất lượng không khí hàng ngày.

   Kết quả cho thấy, năm 2016, tại Hà Nội chỉ số AQI trung bình là 121 điểm (Chỉ số chất lượng không khí). Năm 2016 có tới 123/365 ngày nồng độ bụi trong không khí cao hơn so với giới hạn Quy chuẩn quốc gia và 282/365 ngày vượt quá giới hạn theo Hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Trong quý 1 năm 2017, con số này lần lượt là 37 và 78 ngày. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, mặc dù ô nhiễm không khí không nghiêm trọng như Hà Nội nhưng so với cùng kỳ năm 2016, chất lượng không khí có xu hướng kém đi. Trong 3 tháng đầu năm, chỉ số AQI ở đây là 101 điểm, 78 ngày vượt quá quy chuẩn WHO. Các nguồn ô nhiễm không khí chính là giao thông, sản xuất công nghiệp, xây dựng, sản xuất nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ và quản lý chất thải không đúng cách. Ô nhiễm không khí có thể làm tăng nguy cơ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp lên 40% và hen suyễn lên 20% ở trẻ em. Với người trưởng thành, nguy cơ ung thư phổi tăng 25-30%, nguy cơ đột quỵ tăng gấp 2 lần. Ngoài ra, việc tiếp xúc thường xuyên với ô nhiễm tỷ lệ PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

   Tại buổi thảo luận, một số diễn giả đã đề xuất cách thức giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí như: đưa ra một bộ luật về không khí sạch và sửa đổi các tiêu chuẩn đánh giá phù hợp với tổ chức quốc tế như WHO; cùng hành động để giảm khí thải từ các nhà máy sử dụng năng lượng từ than đá; đẩy mạnh phát triển và ứng dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; giảm khí thải từ các phương tiện giao thông…

 

An Bình

Ý kiến của bạn