Banner trang chủ
Thứ Sáu, ngày 19/04/2024

Một số tác động của phát triển kinh tế - xã hội đến Khu bảo tồn đất ngập nước huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình

02/04/2020

     Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) đất ngập nước (ĐNN) huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình được thành lập ngày 6/9/2019 (Quyết định số 2514/QĐ-UBND tỉnh Thái Bình), với diện tích là 6.560 ha. KBTTN ĐNN có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) và BVMT. Hiện nay, KBTTN ĐNN đang đối mặt với nhiều thách thức trong việc khai thác, sử dụng và quản lý ĐNN. Các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) ven biển và nuôi trồng thủy hải sản đã tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái ĐNN, làm suy giảm ĐDSH ở khu vực.

     Một số tác động đến KBTTN ĐNN huyện Thái Thụy

     Sự phát triển của các KCN,CCN: Hiện nay, huyện Thái Thụy đã quy hoạch 7 CNN, thu hút được 9 dự án vào đầu tư, trong đó có 3 dự án đã hoạt động sản xuất như: Nhà máy sản xuất bột cá (CCN Thụy Tân); Xưởng sản xuất, gia công bao bì carton (CCN Mỹ Xuyên); Dự án Nhà máy sản xuất Amonitrat (CCN Thái Thọ); 3 dự án đang trong quá trình triển khai xây dựng như: Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình II tại Mỹ Lộc (CCN Mỹ Lộc); Dự án Nhà máy sản xuất dầy, dép gia xuất khẩu (CCN Mỹ Xuyên); Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xuất khẩu tại xã Thụy Sơn (CCN Thụy Sơn); 3 dự án đã được tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đang hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định. Ngoài ra, còn có 7 dự án khác đã đăng ký xin đầu tư vào các CCN trên địa bàn huyện. Hầu hết, các KCN chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật và trạm xử lý nước thải tập trung, nên nước thải xả trực tiếp ra môi trường.

     Ngoài ra, theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế (KKT) Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (tại Quyết định số 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), dự tính đến năm 2040, dân số của KKT Thái Bình đạt 300.000 người, trong đó đô thị là 210.000 người, tỷ lệ đô thị hóa khoảng 70%. Sự phát triển dân số của KKT sẽ gây sức ép đối với nguồn tài nguyên thiên nhiên, sinh cảnh sống của các loài bị thu hẹp dẫn tới sự suy thoái hệ sinh thái và DĐSH vùng ĐNN ven biển.

     Áp lực dân số: Theo số liệu thống kê, dân số toàn huyện có xu hướng tăng nhanh qua các năm, khoảng 0,07% (năm 2016); 0,4% (năm 2017) và năm 2018 đạt 249.768 người, (tăng lên 10,7%), mật độ dân số là 930 người/km2. Sự gia tăng dân số của các xã ven biển huyện Thái Thụy đã tạo áp lực lên tài nguyên và môi trường khu vực ĐNN. Dân số các xã tăng nhanh, dẫn tới xâm lấn ĐNN và gia tăng khai thác tài nguyên sinh vật. Cùng với đó, chính sách cho phép đấu thầu quây các bãi triều nuôi ngao vạng không có trong quy hoạch đã dẫn tới sự gia tăng mật độ và diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) ven biển. Hậu quả của hoạt động này đã tác động rất lớn đến chất lượng môi trường đất, nước, làm gia tăng ô nhiễm ở khu vực ĐNN ven biển.

     Khai thác trái phép tài nguyên sinh vật: Dân số tăng kép cùng với mức độ tiêu dùng thực phẩm tăng đã gây áp lực đối với việc khai thác tài nguyên sinh vật ở vùng ĐNN ven biển, đặc biệt các loài thủy hải sản có giá trị kinh tế. Do khai thác quá mức các loài thủy, hải sản vùng cửa sông ven biển, cùng với việc sử dụng các phương tiện có tính hủy diệt cao nên nguồn lợi thủy sản cũng bị suy giảm. Ngoài ra, các hoạt động săn bắt chim trái phép diễn ra ở khắp các vùng, đặc biệt vào thời kỳ chim di cư trú đông (từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau), làm giảm số lượng cá thể của các loài chim như cò trắng trung quốc, quắm đầu đen, cò thìa mỏ đen… ở bãi triều ven bờ Thái Thụy.

     Thay đổi phương thức sử dụng bãi triều, mặt nước: Tại vùng ĐNN ven biển Thái Thụy có 2 hệ sinh thái bị biến động nhiều nhất là bãi triều có rừng ngập mặn (RNM) và bãi triều không có RNM. Tình trạng quai đê lấn biển không có trong quy hoạch, việc phá RNM để xây dựng đầm nuôi tôm công nghiệp đang là mối đe dọa, khó kiểm soát nhất nơi đây. Tại bãi triều không có RNM, việc hình thành bãi quây nuôi ngao, vạng với mật độ cao đã làm giảm các quần thể động vật không xương sống và trầm tích đáy.

 

Sự phát triển các đầm nuôi tôm công nghiệp đang là mối đe dọa đối với vùng KBTTN ĐNN Thái Thụy

 

     Ngoài ra, việc thay đổi phương thức sử dụng các bãi triều đã tác động tới môi trường cư trú của các loài chim di cư. Theo các kết quả điều tra, số lượng cá thể của các loài chim nước di cư giảm dần, đặc biệt, các loài chim nước quý hiếm, được ưu tiên bảo vệ ở cấp toàn cầu như loài rẽ mỏ thìa đã nhiều năm không thấy xuất hiện ở KBTTN ĐNN.

     Sự du nhập các loài ngoại lai xâm hại: Để phát triển kinh tế, nhiều địa phương đã nhập các giống, loài mới có năng suất và chất lượng cao theo yêu cầu của thị trường. Đây là mối đe dọa lớn cho những giống, loài canh tác truyền thống đã thích nghi lâu đời với khí hậu và thổ nhưỡng địa phương. Thời gian gần đây, nhằm đáp ứng nhu cầu về con giống ngày càng gia tăng, người dân huyện Thái Thụy đã du nhập loài ngao Bến Tre từ các tỉnh Nam Bộ để nuôi. Ngao Bến Tre đã nhanh chóng chiếm ưu thế về số lượng so với đối tượng ngao tại địa phương và trở thành đối tượng nuôi chính. Sự phát triển của ngao Bến Tre đã lấn át các loài ngao dầu, ngao vân, làm thay đổi cấu trúc quần xã sinh vật vùng ven biển, giảm chỉ số ĐDSH. Nguồn lợi ngao dầu, ngao vân có xu hướng ngày càng giảm đi nhanh chóng và trở nên hiếm dần, rất ít gặp trong quần đàn tự nhiên.

     Đề xuất một số giải pháp

     Để bảo tồn giá trị đặc trưng của các HST, Ban Quản lý (BQL) KBTTN ĐNN cần triển khai các giải pháp:

     Tăng cường nguồn lực và năng lực về quản lý cho KBTTN ĐNN: Tăng cường đầu tư về trang thiết bị làm việc (tàu thuyền đi tuần tra, thiết bị quan trắc ĐDSH và hệ thống cơ sở dữ liệu) để bảo tồn và phát triển bền vững ĐDSH khu vực; Bổ sung nguồn nhân lực, cán bộ có các chuyên môn về quản lý môi trường, ĐNN và ĐDSH để vận dụng trong quá trình công tác quản lý ĐNN ven biển.

     Thúc đẩy sử dụng khôn khéo ĐNN ven biển: Phối hợp chặt chẽ với các bên liên quan (chính quyền từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước, cộng đồng) trong thực hiện sử dụng khôn khéo ĐNN, như quản lý các bãi triều, vùng nuôi ngao, vạng, các đầm NTTS trong khu vực; tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông về giáo dục môi trường; triển khai và giám sát chặt chẽ việc thực hiện các cam kết BVMT đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất xung quanh khu vực ĐNN, đặc biệt là việc xả chất thải ra môi trường; hướng dẫn cộng đồng địa phương, đặc biệt các xã vùng đệm về các vấn đề vệ sinh môi trường, yêu cầu các hộ gia đình nghiêm túc chấp hành các quy định BVMT khu vực.

     Đảm bảo duy trì bền vững giá trị ĐDSH, BVMT: Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trong vùng ĐNN; Hướng dẫn cộng đồng ven biển triển khai các mô hình đồng quản lý (giữa BQL khu vực, cộng đồng các xã vùng ven biển) về sử dụng khôn khéo ĐNN. Đồng thời, hỗ trợ sinh kế bền vững, khuyến khích các hoạt động đánh bắt tự nhiên ngoài ranh giới khu vực ĐNN được bảo tồn. Hướng dẫn cộng đồng sống trong và xung quanh khu ĐNN các giải pháp sinh kế bền vững như trồng nấm, nuôi ong, tham gia hướng dẫn du lịch văn hóa của địa phương để cải thiện, nâng cao thu nhập và hạn chế khai thác quá mức tài nguyên sinh vật trong khu ĐNN ven biển.

     Huy động sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ ĐNN ven biển: Ký cam kết với các hộ gia đình đang có các hoạt động khai thác, NTTS trong khu vực ĐNN, bảo vệ các loài chim di trú và các loài động vật hoang dã trong khu ĐNN; hướng dẫn cho cộng đồng địa phương sử dụng hợp lý tài nguyên trong khu vực ĐNN ven biển, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên liên quan và thúc đẩy hoạt động quản lý ĐNN dựa vào cộng đồng. Vận động cộng đồng sống trong các xã, huyện xung quanh khu ĐNN ven biển tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ, bảo tồn ĐDSH; giám sát và thông báo kịp thời cho cơ quan chức năng những phát hiện về hành vi vi phạm để xử phạt, đồng thời khen thưởng những cá nhân, hộ gia đình có thành tích trong hoạt động bảo vệ ĐDSH khu ĐNN.

 

Nguyễn Thị Bích Nguyệt

Viện Địa lí nhân văn

(Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 3/2020)

 

 

Ý kiến của bạn